Olympia 14: Chủ Biên Sách Sinh Học ủng Hộ Hoàng Bách - Vietnamnet

Chủ biên cuốn sách Sinh học lớp 10, 12 cho rằng, câu trả lời của Hoàng Bách hoàn toàn đúng và đáp án của chương trình Đường lên đỉnh Olympia là sai. Như vậy, ban biên tập chương trình Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 14 phải tổ chức lại chương trình, phải cho thí sinh thi câu hỏi phụ để tìm ra người giành vòng nguyệt quế.

{keywords}

Nguyễn Hoàng Bách (THPT Năng khiếu, TP.HCM) về nhì với số điểm 240

Ngày 3/8, trận chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 14 đã diễn ra. Kết thúc cuộc thi, Nguyễn Trọng Nhân (học sinh THPT chuyên Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang) đã giành vòng nguyệt quế với số điểm 260. Nguyễn Hoàng Bách (THPT Năng khiếu, TP.HCM) về nhì với số điểm 240.

Tuy nhiên, sau cuộc thi, dư luận liên tục tranh cãi về câu hỏi và đáp án trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” 2014. Cụ thể, trong phần thi Về đích câu hỏi được đặt cho Hoàng Bách là “Vì sao dung dịch nước muối có tính sát trùng?”. Hoàng Bách trả lời: “Vì dung dịch nước muối tạo môi trường ưu trương nên khi vi khuẩn ở trong dung dịch nước muối sẽ bị mất nước mà chết”. Ban tổ chức chương trình cho rằng, đáp án của Hoàng Bách chưa đúng.

Ngay sau đó, nhiều giáo viên giảng dạy môn Hóa, Sinh cho rằng, Hoàng Bách không đáng bị mất điểm. Thậm chí, nhiều người còn đặt giả thiết, nếu câu hỏi của Hoàng Bách được chấp nhận thì em có tổng số điểm bằng với Trọng Nhân 260 điểm. Như vậy, kết quả chung cuộc sẽ khác.

Tiến sĩ Phạm Văn Lập, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, chủ biên cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 10, 12 cho biết, ông rất ngạc nhiên khi MC Tùng Chi đọc đáp án là muối đi vào trong tế bào đẩy nước ra làm vi khuẩn chết. Thực chất trong môi trường nước muối có nồng độ dưới 0,7% như muối sinh lý (0,9) thì phần lớn vi khuẩn bị mất nước mà chết (trừ những loài chịu mặn). Bởi vì đó là môi trường ưu trương so với bên tế bào vi khuẩn nên nước tự động khuếch tán ra bên ngoài theo hướng từ nơi có nồng độ chất tan thấp đến nơi có nồng độ chất tan cao (muối) chứ không phải muối đi vào bên trong tế bào đẩy nước ra.

“Còn đáp án của chương trình nói rằng muối đi vào tế bào xong là đẩy nước ra thì đáp án sai cả về mặt Hóa học. Bởi vì muối nó phân ly thành Na+ và Cl-. Khi Na+ mang điện tích dương, sẽ hút điện tích âm ở phía của nước lại, muối hút nước chứ không đẩy nước. Giả sử bằng cách nào đó muối có đi vào được thì cũng kéo nước ra, đẩy ra được. Cái này trong sách giáo khoa Sinh học lớp 10 tôi cũng đã giải thích rõ rồi”, Tiến sĩ Lập nói.

Tiến sĩ Lập cho biết thêm, về màng tế bào vi khuẩn là màng bán thấm cho nước tự do đi qua nhưng các ion thì không tự do qua lại được mà phải có bơm vận chuyển cần tiêu tốn năng lượng mới bơm ion ra vào tế bào được hoặc phải có một số kênh xuyên màng riêng thì mới qua được.

“Mặc dù cuộc thi kết thúc, nhưng sau khi xem lại câu trả lời tôi và nhiều chuyên gia về Sinh học cho rằng Hoàng Bách trả lời đúng. Chương trình cần phải căn cứ vào sách giáo khoa vì đó là tài liệu chính thống các em được học. Tôi nghĩ ban biên tập chương trình phải làm lại, phải cho thí sinh thi câu hỏi phụ để tìm ra người giành vòng nguyệt quế", Tiến sĩ Lập nói.

Theo Tiến sĩ Lập, trước đây, ông cũng từng thấy một số chương trình khác gặp sự cố tương tự như vậy và VTV đã phải làm lại chương trình và tốn rất nhiều tiền.

{keywords}

4 thi sinh tham dự chung kết Đường lên đỉnh Olympia

Thầy Thịnh Nam, giáo viên chuyên Sinh Trường Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho rằng, câu trả lời của Bách hoàn toàn chấp nhận được. Bởi câu trả lời của thí sinh này mặc dù ngắn gọn nhưng có đưa ra môi trường ưu trương, ở môi trường này, nước sẽ từ nơi có nồng độ muối thấp (tế bào của vi khuẩn) di chuyển sang nơi có nồng độ muối cao (dung dịch nước muối) nên vi khuẩn bị mất nước rồi chết. Thật tiếc khi câu trả lời không được chấp nhận.

PGS.TS Đặng Thị Oanh, chuyên gia về Hóa học, lại cho rằng, với câu trả lời của Hoàng Bách là không sai, nhưng chưa chuẩn. Bởi xét về góc độ sinh học thì chấp nhận được câu trả lời như vậy. Nhưng xét về hóa học thì Bách đã không giải thích cơ chế liên quan tới hóa học vì thế không thể cho điểm. “Nếu ở các cuộc thi tuần hoặc câu hỏi nhanh thì có thể chấp nhận câu trả lời của em. Với cuộc thi chung kết như vậy, có lẽ ban tổ chức yêu cầu đòi hỏi câu trả lời phải giải thích chi tiết hơn, mạch lạc hơn, mới ghi điểm”, bà Oanh nói.

Ngày 6/8, Ban tổ chức chương trình Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 14 đã họp với Ban cố vấn về thắc mắc trong trận chung kết được truyền hình trực tiếp sáng 3/8. Theo đó, các cố vấn đã đưa ra lời giải thích cụ thể về đáp án câu hỏi 20 điểm của học sinh Nguyễn Hoàng Bách và quyết định bảo toàn kết quả này.

PGS.TS Vũ Quốc Trung, Ban cố vấn chương trình giải thích: “Về cả mặt hóa học và sinh học, chúng tôi đã thống nhất là phải đòi hỏi thí sinh giải thích được cơ chế vì đây là câu hỏi tại sao. Vì vậy, câu hỏi này được giải đáp như sau: Trong dung dịch nước muối, nồng độ NaCl tương đối lớn so với nồng độ NaCl trong tế bào. Bạn Hoàng Bách đã nói đúng khi đề cập tính ưu trương của dung dịch muối.

Tuy nhiên, hiện tượng mất nước xảy ra theo cơ chế nào thì bạn không trả lời được. Vấn đề này liên quan tới hiện tượng thẩm thấu và khuếch tán trong hóa học. Và vai trò sinh lý của nước đối với tế bào thế nào cũng cần được đề cập”. Như vậy, cả về mặt hoá học và sinh học, Hoàng Bách chưa trình bày được cơ chế mất nước của tế bào dẫn đến vi khuẩn bị chết. Vì vậy, Ban cố vấn đã quyết định không cho Hoàng Bách điểm ở câu hỏi này.

Theo Tiến sĩ Lập, ban tổ chức giải thích như vậy là vô lý. Với câu hỏi như vậy không có cơ chế nào khác ngoài việc nước chỉ có thẩm thấu và khuyếch tán ra bên ngoài. Nước thẩm thấu từ nơi có nồng độ thấp đến nơi có nồng độ cao. Câu trả lời của Hoàng Bách là chính xác.

Play (Theo Khám Phá)

Từ khóa » Hoàng Bách Olympia