Olympic Tokyo 2020: Mã Long đi Vào Lịch Sử Môn Bóng Bàn

Trái tim rồng vĩ đại

Trung Quốc từ lâu đã trở thành một thế lực thống trị vĩ đại của làng bóng bàn thế giới, và trong sự hào hùng đó, có những con người được coi là “vĩ đại của vĩ đại”. Chúng ta đang nói tới Mã Long, đội trưởng đội tuyển bóng bàn Trung Quốc – người vừa giành tấm Huy chương vàng (HCV) bóng bàn nội dung đơn nam, và trở thành tay vợt đầu tiên trong lịch sử làm được điều này trong 2 kỳ Olypmic liên tiếp.

Tại Olympic Rio cách đây 5 năm, Mã Long đã mang vinh quang về cho tổ quốc sau khi thắng Trương Kế Khoa trong trận chung kết đơn nam. 5 năm trôi qua, Mã Long đã bước sang tuổi 32, đã chịu sự dày vò của chấn thương, không còn là tay vợt số 1 thế giới nữa. Niềm hy vọng của bóng bàn Trung Quốc tại Tokyo 2020 chuyển sang đôi vai Phàn Chấn Đông, tay vợt trẻ hơn Mã Long 8 tuổi và chính là người đang giữ ngôi số 1 trên BXH bóng bàn thế giới (ITTF). Nhưng rốt cuộc vinh quang một lần nữa lại thuộc về Mã Long. Vào thời khắc vô địch, Mã Long chụm 2 tay tạo thành hình trái tim. Tay vợt 32 tuổi giải thích đó là trái tim anh tặng cho gia đình và người thân của mình, trong khi đó trang Xinhuanet mỹ miều hơn gọi là “trái tim của rồng” (rồng là biệt danh của Mã Long). Mã Long xứng đáng với mọi lời tôn vinh sau khi nhìn lại những gì anh đã trải qua để lần thứ 2 trong đời chạm tay vào tấm HCV Olympic. NHM bóng bàn chắc hẳn đều biết sự kiện diễn ra vào tháng 4/2019. Mã Long quyết định thực hiện ca phẫu thuật đầu gối. Đó là một canh bạc lớn đối với tay vợt đã chuẩn bị bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp. Anh có thể trở lại mạnh mẽ hơn hoặc không bao giờ trở lại đỉnh cao nữa, đặc biệt trong bối cảnh những đàn em như Phàn Chấn Đông đang vươn lên như vũ bão.

Mã Long vô địch sau khi hạ đàn em ở chung kết

Chấn thương và cú hồi sinh ngoạn mục

Bản thân Mã Long cũng ý thức được thời đỉnh cao của mình đã qua và bóng bàn Trung Quốc cũng đang chịu sự đe doạ dữ dội từ những quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. “Tôi biết rất nhiều tay vợt Trung Quốc nhưng lại thần tượng các VĐV nước ngoài. Ai Fukuhara hay Kasumi Ishikawa đều có fan là các tay vợt trẻ Trung Quốc”, Mã Long tâm sự.

Trở lại với quyết định phẫu thuật đầu gối: Để thể hiện quyết tâm của mình, Mã Long đã cạo trọc đầu. Trong văn hoá Trung Quốc, đó là tuyên ngôn của sự quyết tâm, của một khởi đầu mới. Trên thực tế, cho dù ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, nhưng Mã Long không được đánh giá cao sau khi trở lại. May mắn cho anh, Olympic bị hoãn lại 1 năm và tận dụng thời gian đó, Mã Long đã tìm lại chính mình.

Có những thời điểm mà bản lĩnh của Mã Long đã bị thách thức tới cực đại – như trận bán kết với đối thủ người Đức Dima Ovtcharov mới đây chẳng hạn. Trận đấu bị kéo tận tới set thứ 7.

Ở set quyết định, nhiều người nghĩ rằng Mã Long sẽ kiệt sức. Nhưng bằng sức mạnh tinh thần, anh đã chiến thắng trong một pha giao đấu kéo dài tới 17 giây, với 28 tình huống chạm vợt qua lại. Trong những thời điểm ngàn cân treo sợi tóc như vậy, kẻ có bản lĩnh yếu hơn sẽ mắc sai lầm. Và sai lầm thuộc về Dima Ovtcharov. Mã Long vào chung kết gặp tay vợt đồng hương Phàn Chấn Đông.

Và rốt cuộc, sức trẻ của Chấn Đông đã không thắng được khát khao và kinh nghiệm của Mã Long. Lại là một trận đấu kéo dài tới 6 set, nhưng trái tim của rồng đã đập đúng vào thời khắc quan trọng nhất.

6/9 HCV Olympic đơn nam bóng bàn về tay người Trung Quốc

Có tổng cộng 9 Huy chương vàng bóng bàn nội dung đơn nam đã được trao trong lịch sử Olympic và 6 trong số đó thuộc về các tay vợt Trung Quốc. Con số cho thấy sự thống trị của các tay vợt Trung Quốc ở nội dung đơn nam.

Thần tượng đồng nghiệp trái ngành

Là một tay vợt bóng bàn nhưng thần tượng của Mã Long lại là 2 tay vợt tennis Roger Federer và Rafael Nadal. Ngoài ra Mã Long còn thần tượng cả Lionel Messi và VĐV bóng rổ Stephen Curry. Mã Long cho biết, dạo gần đây anh bắt đầu chơi bóng đá thường xuyên hơn ngoài thời gian tập bóng bàn.

64. Tổng số thời gian Mã Long ngồi trên ngôi số 1 BXH bóng bàn thế giới là 64 tháng, trong đó có 34 tháng liên tiếp. Anh chính là tay vợt nam có tổng thời gian giữ ngôi số 1 lâu nhất trong lịch sử bóng bàn.

Chuyện phiếm về bóng bàn Olympic

Môn Bóng bàn vốn dĩ nảy sinh từ môn quần vợt (quá dễ hình dung, từ cái tên table tennis). Người Anh nghĩ ra môn này để “chơi quần vợt trong mùa đông, khi trời mưa, chơi trong nhà…”. Vậy mà rút cuộc, bóng bàn lại “sánh vai” với quần vợt, khi đều được công nhận là môn thể thao chính thức của Olympic như nhau, từ năm 1988 đến nay.

Nguyên nhân chính là cái vấn đề lớn mà suốt hàng trăm năm nay, giới lãnh đạo chóp bu của thế giới thể thao đã bế tắc không giải quyết được. Mấy cũng phải nhân danh “nghiệp dư” trong khi sự thật rành rành là tinh thần nghiệp dư ở đấu trường Olympic chỉ còn trong trí tưởng tượng.

Vì môn quần vợt quá hay nên nó đã xuất hiện ngay từ kỳ Olympic đầu tiên (Athens 1896). Nhưng cũng vì quá hay, môn này nhanh chóng được chuyên nghiệp hóa và bị loại khỏi Olympic sau năm 1924. Mãi đến năm 1988 (tại Seoul) quần vợt mới chính thức trở lại, sau 2 lần xuất hiện trong tư cách môn trình diễn. Bóng bàn thì lập tức được chính thức hóa tại Seoul 1988 mà không phải chờ sự thử thách qua thời gian trình diễn hay thử nghiệm. Vì bóng bàn “có vẻ nghiệp dư” hơn quần vợt!

Vâng, đấy mới là thực chất của câu chuyện, dù những kẻ điều hành cứ cố “bốc phét” rằng môn bóng bàn phải trải qua hành trình gian nan để được công nhận ở Olympic, đã xin được làm môn trình diễn từ Olympic 1936… Trên nguyên tắc, có vài yếu tố quyết định môn nào được vào Olympic, chẳng hạn như tính phổ biến (xét trên số liên đoàn, giải đấu quốc tế…). Không đến hàng trăm, thì cũng có hàng chục môn thể thao đạt yêu cầu, còn đang xếp hàng. Vào được Olympic, nghĩa là giỏi “chạy chọt” mà thôi – tất nhiên người ta sẽ nói là giỏi “vận động”.

Bóng bàn có lẽ là môn thể thao lạ nhất. Người Anh nghĩ ra nó, và dĩ nhiên người châu Âu chơi môn này trước tiên. LĐBĐ thế giới (ITTF) được thành lập vào năm 1926, với 8/9 thành viên sáng lập là các nước châu Âu. Nước còn lại trong nhóm thành viên sáng lập ITTF là Ấn Độ. Đây cũng là nước châu Á đi tiên phong trong môn bóng bàn (có lẽ vì mối quan hệ với nước Anh trong lịch sử). Cú “giật cà ri” trong bóng bàn Việt Nam có tên như thế là do ảnh hưởng của Ấn Độ. Vậy mà rút cuộc, Trung Quốc lại trở thành cường quốc thống trị bóng bàn thế giới, đến mức độ gần như tuyệt đối.

Bây giờ, mỗi nước chỉ được cử tối đa 2 tay vợt đánh đơn ở Olympic, đấy là để ngăn chặn tình trạng Trung Quốc chiếm cả bộ HCV, HCB, HCĐ (như Olympic 2008, cả đơn nam lẫn đơn nữ. Nhà vô địch bóng bàn đơn nam của Olympic Bắc Kinh 2008 chính là tay vợt Mã Lâm, từng dự giải Cây Vợt Vàng ở Việt Nam năm 1995). Nói chung, mọi quy định hoặc điều chỉnh luật lệ ở môn bóng bàn thường chỉ xoay quanh vấn đề làm sao cho môn này bớt đơn điệu (tăng kích thước bóng, thay đổi cách tính điểm…). Hoặc là do vận động (nhất là các quy định liên quan đến keo dán và mặt vợt, liên quan chặt chẽ đến vấn đề kinh doanh của các hãng).

Từ khóa » Vô địch Bóng Bàn Thế Giới 2020