'Omicron Chưa Phải Làn Sóng Cuối Cùng Của đại Dịch' - VnExpress ...

Đan Mạch hiện gỡ bỏ gần như hoàn toàn quy định phòng dịch. Thụy Điển tuyên bố thoát Covid-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ điều chỉnh lại hướng dẫn, cho phép người dân tại các khu vực nguy cơ thấp cởi bỏ khẩu trang. Anh không còn yêu cầu người mắc Covid-19 tự cách ly hoặc xét nghiệm hàng ngày.

Trên toàn cầu, số ca mắc mới và tử vong có xu hướng giảm, từ 10% đến 16% vào tuần trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo Omicron không phải điểm kết thúc của đại dịch. Nó giống "quãng nghỉ" giữa các làn sóng trước đó. Khi khả năng miễn dịch suy yếu, biến chủng khác xuất hiện, lượng người nhiễm virus có thể tăng cao.

Nhà dịch tễ học Adam Kucharsky, phó giáo sư tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết khó dự đoán thời điểm xuất hiện biến chủng tiếp theo. Song ông chỉ ra rằng dịch bệnh từng lắng xuống với nhịp độ tương tự giữa hai làn sóng Alpha và Delta.

"Nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm giảm có thể đang ở trong 'quãng nghỉ', khả năng lây truyền của virus thấp hơn. Song nếu phần lớn ca nhiễm giảm do có vaccine, xu hướng này sẽ sớm biến mất vì hiệu quả vaccine với Omicron kém đi theo thời gian", ông Kucharsky cho biết.

Một số quốc gia châu Âu trải qua thời gian virus suy yếu sau đợt tiêm chủng chống Alpha đầu mùa hè năm 2021. Vaccine làm giảm tỷ lệ lây truyền, sau đó Delta tấn công, số ca nhiễm một lần nữa tăng lên.

Theo Kucharski, hiện tượng này từng xảy ra ở các dịch bệnh khác. Nó liên quan đến hệ số lây nhiễm R (số người lây virus từ một nguồn F0), được các nhà dịch tễ học sử dụng để đo lường độ lây lan của virus trong một quần thể. Hệ số R thấp hơn 1 cho thấy dịch đã qua đỉnh, bắt đầu suy yếu.

Trước khi dịch bệnh hồi sinh và gây ra đợt bùng phát lớn, hệ số R thường thấp ổn định (dưới 1), kéo dài một thời gian. Hiện tượng này được ghi nhận trong dịch sởi. Trẻ em ra đời chưa tiêm vaccine sẽ khiến dịch bùng phát và đạt đỉnh. Sau một thời gian, virus suy yếu, đường cong dịch tễ dần đi ngang.

Kucharsky cho biết các biến chủng trong tương lai sẽ khiến số ca nhiễm gia tăng. Song giới khoa học chưa rõ khi nào làn sóng lây nhiễm tiếp theo sẽ diễn ra.

"Chúng ta có thể đoán định đợt bùng phát tương lai tùy vào thời điểm biến chủng xuất hiện. Tất nhiên, mức độ nghiêm trọng của làn sóng đó phụ thuộc vào đặc điểm của biến chủng. Chúng có thể nguy hiểm như Alpha hoặc nhẹ hơn như Omicron", ông nói.

Người dân xếp hành chờ xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/2. Ảnh: Reuters

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/2. Ảnh: Reuters

Theo ông Kucharski, các nước đánh giá dịch bệnh dựa trên sức chống chịu của hệ thống y tế. Ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, làn sóng Omicron dường như đã đi qua. Song các khu vực khác, nguy cơ còn cao.

"Về lâu dài, mỗi quốc gia có hướng đi riêng khi quyết định giai đoạn hậu đại dịch. Nhưng tôi cho rằng rất nhiều điều sẽ thay đổi trên toàn thế giới trước khi đạt đến thời điểm đó", ông nói.

Biến chủng phụ của Omicron là BA.2 (hay còn gọi Omicron tàng hình) đang gia tăng, dù phiên bản gốc là BA.1 vẫn chiếm ưu thế. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy nó dễ lây lan hơn BA.1.

Dữ liệu thực tế từ Nam Phi, Anh và Đan Mạch, nơi có tỷ lệ miễn dịch cao, cho thấy triệu chứng người nhiễm BA.2 không nghiêm trọng hơn. Song khả năng lây truyền lớn khiến một số chuyên gia lo ngại nó có thể tạo ra đợt bùng phát mới, hoặc kéo dài làn sóng hiện tại.

Madhukar Pai, giáo sư dịch tễ học và sức khỏe toàn cầu tại Đại học McGill ở Montreal, cho biết: "Thế giới có vẻ gặp may với Omicron, nhưng không gì đảm bảo biến chủng tiếp theo sẽ nhẹ hơn. Biến chủng mới sẽ xuất hiện, bởi virus đang lây lan nhanh. Hơn ba tỷ người, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp, hoàn toàn không được bảo vệ".

Hiện khoảng 13% dân số các nước thu nhập thấp được tiêm một liều vaccine. Trong khi đó, theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, 68,3% dân số các nước thu nhập trung bình và cao đã tiêm ít nhất một liều vaccine.

Theo giáo sư Pai, điều thế giới cần làm là tiêm chủng, dù số ca nhiễm Omicron có giảm hay không nhằm ngăn chặn làn sóng khác trong những tháng tới. Bà cho rằng chỉ phủ vaccine tại các nước giàu giống như "chơi đùa" với một loại virus liên tục đột biến.

"Cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch là đẩy lùi nó ở khắp mọi nơi. Tiêm chủng toàn thế giới là nguồn hy vọng lớn nhất của chúng ta, giúp làm giảm sự lây nhiễm của virus, vực dậy và xây dựng lại toàn bộ nền kinh tế", giáo sư Pai nói.

Jeremy Farrar, giám đốc quỹ nghiên cứu y tế toàn cầu Wellcome Trust, cũng nhận định việc coi đại dịch đã lùi xa là một sai lầm.

"Mọi người đều mệt mỏi với các hạn chế, những chuỗi tin tức liên miên về đại dịch, những biến chủng và đợt dịch đến rồi đi. Nhưng ý tưởng đại dịch sẽ sớm kết thúc là vô nghĩa", ông phát biểu trên diễn đàn nghiên cứu và đổi mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 2.

Thục Linh (Theo SCMP)

  • 5 yếu tố quyết định Covid-19 là bệnh lưu hành
  • Bác sĩ chật vật khi Delta và Omicron lưu hành đồng thời

Từ khóa » Chưa Phải Là Cuối Cùng