Ông Bùi Quang Ngọc Muốn Bán Cổ Phiếu FPT Thu Hơn 430 Tỷ đồng

Phó Chủ tịch bán cổ phiếu trên vùng đỉnh

Trong ngày 22/10, báo cáo về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần FPT cho biết, ông dự kiến sẽ bán ra 4,5 triệu cổ phiếu FPT trong khoảng thời gian từ ngày 27/10 đến ngày 24/11 thông qua giao dịch thỏa thuận.

Lý do lão tướng Bùi Quang Ngọc muốn bán cổ phiếu FPT thu hơn 430 tỷ đồng - 1

Ông Bùi Quang Ngọc và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT từng là bạn học cũ (Ảnh: FPT).

Với giao dịch này, sở hữu của "lão tướng" FPT tại tập đoàn sẽ giảm từ 22,43 triệu cổ phiếu, tương đương 2,47% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, xuống còn 17,93 triệu cổ phiếu, tương đương 1,98% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Nói về lý do bán ra số cổ phiếu trên, ông Bùi Quang Ngọc giải thích do "nhu cầu cá nhân".

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT vừa có chuỗi 4 phiên liền giảm giá. Kết phiên cuối tuần, FPT giảm 0,52% còn 96.200 đồng. Trước đó, FPT thiết lập đỉnh giá tại mức giá 99.400 đồng vào ngày 13/10.

Mặc dù thị giá FPT bị sụt giảm khoảng 2,73% trong vòng một tuần giao dịch vừa qua nhưng vẫn tăng 3,33% trong vòng một tháng và đã tăng gần 63% so với thời điểm đầu năm, tăng 78,5% so với một năm trước.

Tạm tính theo thị giá của FPT (giá đóng cửa phiên 22/10), ông Bùi Quang Ngọc sẽ thu về khoảng 438 tỷ đồng.

Ông Bùi Quang Ngọc sinh năm 1956, là một trong 13 thành viên sáng lập FPT, là lãnh đạo đầu tiên phụ trách mảng công nghệ thông tin (CNTT) của FPT, tiền thân của các công ty thành viên quan trọng như FPT IS, FPT Software, FPT Telecom, FPT Trading.

Hơn 30 năm gắn bó với FPT, ông Ngọc đảm nhiệm nhiều cương vị như Chủ tịch Ủy ban Tổ chức cán bộ thuộc HĐQT FPT, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát nội bộ, Tổng giám đốc FPT Investment - công ty quản lý các khoản đầu tư tài chính, bất động sản của FPT, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc…

Lý do lão tướng Bùi Quang Ngọc muốn bán cổ phiếu FPT thu hơn 430 tỷ đồng - 2

Giá cổ phiếu FPT tiệm cận ngưỡng 100.000 đồng (Ảnh chụp màn hình).

Cổ phiếu FPT lập đỉnh sau khi kết quả kinh doanh 9 tháng "ăn đậm"

Theo báo cáo tài chính của FPT, trong 9 tháng, tập đoàn này ghi nhận 24.953 tỷ đồng doanh thu và 4.575 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 18% và 20% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, sau 9 tháng, FPT đã hoàn thành khoảng 72% mục tiêu doanh thu và 74% lợi nhuận cả năm.

Tại thị trường nước ngoài, doanh thu của FPT tăng tại mọi khu vực, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu nhờ tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 đạt mức cao và các hoạt động của nền kinh tế dần hồi phục. Trong 9 tháng đầu năm, FPT liên tục ghi nhận những đơn hàng lớn, trong đó có 16 dự án với quy mô trên 5 triệu USD/dự án, tăng 167% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu từ chuyển đổi số trong 9 tháng đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung vào các công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), low code (các nền tảng mã ít)…

Tựu trung, doanh thu dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài đạt 10.415 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.732 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,6% và 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường trong nước, dịch vụ CNTT ghi nhận 3.880 tỷ đồng doanh thu, tăng 32,3% và 365 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 92,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các sản phẩm thuộc hệ sinh thái "Made by FPT" ghi nhận 415 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 54,9% so với cùng kỳ.

Phía FPT cho biết, đây là kết quả của việc chú trọng phát triển các giải pháp, nền tảng Made by FPT, cũng như hoàn thiện năng lực cung cấp sản phẩm - dịch vụ chuyển đổi số toàn diện phục vụ nhu cầu của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trong bối cảnh đại dịch đẩy nhanh hơn nữa việc dịch chuyển sang môi trường số.

9 tháng qua, khối viễn thông cũng mang về 9.232 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% và 1.783 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ lợi nhuận từ mảng truyền hình gia tăng, cùng với việc tạm hoãn đầu tư vào cơ sở hạ tầng trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên 9 tháng năm 2021, biên lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ băng thông rộng và dịch vụ khác, tiếp tục cải thiện, lần lượt đạt 20,8% và 14%.

(Theo Dân Trí)

'Ông trùm chứng khoán' Nguyễn Duy Hưng nhận 'thua' ông Trương Gia Bình

'Ông trùm chứng khoán' Nguyễn Duy Hưng nhận 'thua' ông Trương Gia Bình

Ông Nguyễn Duy Hưng thừa nhận thua ông Trương Gia Bình khi cá "FPT không thể khắc phục sự cố tắc nghẽn hệ thống giao dịch của HSX trong vòng 100 ngày". "Thua độ" nhưng ông chủ SSI lại thấy sung sướng.

Từ khóa » Tiểu Sử ông Bùi Quang Ngọc