'Ông Cha Phát Gạo Nè!' - PLO

Kể từ ngày 31-5 đến nay đã vừa hơn một tháng TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Từ tuần này tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 triệt để hơn, chưa có thời hạn cho sinh hoạt bình thường trở lại bởi ca nhiễm vẫn tăng mỗi ngày.

Các phần quà của Giới Doanh nhân Công giáo, Tổng Giáo phận Sài Gòn đến với người nghèo các quận, huyện. Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Ngay khi TP.HCM vừa áp dụng Chỉ thị 15, ngày 31-5, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giáo phận Sài Gòn đã viết trong Thư Mục vụ gửi đến linh mục, tu sĩ cũng như nhắn gửi đến cộng đồng giáo dân trong hoàn cảnh giãn cách: “Là mục tử, chúng ta cần có sự bén nhạy trước tình hình thực tế để tìm ra các phương thế trợ giúp hữu hiệu trong hoàn cảnh và khả năng của mình...

... Các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu chắc hẳn đã và sẽ còn nhiều sáng kiến mục vụ để thực thi tình liên đới một cách hiệu quả. Quý cha là những người đầu tàu, những thuyền trưởng, hãy đứng lên huy động và nối kết những trái tim và các bàn tay”.

Và lần đầu tiên Giới doanh nhân Công giáo, Tổng Giáo phận Sài Gòn trực tiếp bắt tay thực hiện chương trình “Lan toả yêu thương mùa COVID” với sự đồng ý của Đức Tổng Giám mục Giuse. Chương trình được kêu gọi từ ngày 3-6 và dự kiến thực hiện liên tiếp trong 5 tuần thông qua hệ thống các giáo xứ thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn.

Gạo đến với người nghèo bất kể tôn giáo. Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Ban đầu chương trình dự kiến trong năm tuần sẽ có khoảng 32.500 phần gạo (5kg/phần) đến với người dân không phân biệt tôn giáo thông qua các giáo xứ. Kinh phí dự kiến cho việc này là hơn 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau bốn tuần phát, với 140 giáo xứ đã có tổng cộng 62.426 phần gạo đến với người khó khăn.

“Chúng tôi không phân biệt tôn giáo trong hành trình thiện nguyện này. Tất cả làm sao để đến được tay người nghèo, người thất nghiệp trong đại dịch COVID-19 ở Sài Gòn. Chúng tôi đang phát gạo tuần thứ tư với kế hoạch 15.769 phần gạo. Bên cạnh gạo thì hầu hết các cha ở giáo xứ đều cố gắng huy động để cân đối có thêm phần quà gửi đến bà con. Nơi này giáo xứ tặng thêm nước rửa tay, khẩu trang nơi khác thì mì gói, nước tương, nước mắm… tuỳ vào từng nơi”, chị Lucia Lê Nguyên Chiêu Nghi, đại diện Giới doanh nhân Công giáo, Tổng Giáo phận Sài Gòn chia sẻ.

Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Chánh xứ Giáo xứ Phú Hạnh (áo trắng, ở giữa) đang phân phối rau củ gửi đến các điểm phong toả trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Facebook nhân vật

Đồng hành cùng giáo dân chính là các linh mục tại các xứ, dòng tu… Chưa bao giờ người Sài Gòn thấy nhiều linh mục, tu sĩ thay vì đứng trên bàn Thánh đã cởi bỏ áo lễ, áo alba, dây stola… mặc trang phục bình thường bưng bê gạo, phát bánh mì, phát cơm… cho người nghèo khó. Trên Facebook của các linh mục, tu sĩ ngoài chia sẻ về đức tin là tràn ngập những lời kêu gọi, hình ảnh giúp đỡ… bà con khó khăn.

Linh mục Giuse Tạ Duy Tuyền, Chánh xứ Giáo xứ Tân Bắc (Giáo phận Xuân Lộc) chở và tận tay tặng trứng gà đến chương trình thiện nguyện của Giáo xứ Phú Hạnh. Ảnh: Facebook linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng

“Từ đầu tuần đến giờ tin tức về bà con ở trọ các khu cách ly, bà con khó khăn ngặt nghèo trong cơn đại dịch đổ về dồn dập, không biết xoay xở thế nào. Các bếp từ thiện tăng suất ăn liên tục mỗi ngày, nhiều nên phần quà cũng phải giảm bớt để nhiều người có chút cháo.

Nếu có một điều ước? Thì 10 người chẵn chục ước có một bao gạo cộng thêm một thùng mì. Gạo để nấu cháo hoặc cơm còn mì thì làm đồ ăn hoặc chan canh cho dễ nuốt...

...Điều chính yếu không phải là cho gì, cho nhiều hay ít mà là lan tỏa tình yêu. Một tình yêu dám cho đi, một tình yêu quên mình. Để những mảnh đời khổ đau tìm được hy vọng, để con người được nối kết với nhau”, linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng chia sẻ vào ngày 23-6 trên Facebook cá nhân, trong hành trình cùng người nghèo vượt qua đại dịch.

Thành viên nhóm Fiat trao tận tay từng hộp cơm cho người nhặt ve chai trên đường. Ảnh: Facebook linh mục Giuse Lê Quang Uy

Linh mục Giuse Lê Quang Uy, Dòng Chúa Cứu Thế, dẫu ở tận Vũng Tàu nhưng với sức lan toả của mình trên các trang mạng xã hội, linh mục đã kêu gọi để đồng hành cùng người nghèo từ khi Sài Gòn giãn cách đến nay.

Chương trình thông qua linh mục Giuse Lê Quang Uy mang tên Bữa ăn nhân ái phát chính ở hai điểm: 785 Hoàng Sa (quận 3), 30 Gò Dầu (quận Tân Phú) và trong tuần qua thêm điểm 587 Nhật Tảo (quận 10). “Cứ mỗi ngày từ 10 đến 12 giờ các điểm này sẽ chuẩn bị sẵn những phần cơm gửi đến người khó khăn. Bên cạnh đó, các anh, chị tình nguyện viên nhóm Fiat, Hồng Ân cũng chia thành các nhánh mang cơm đến các mái ấm, nhóm trẻ mồ côi, khuyết tật, bệnh viện…”, linh mục Giuse Lê Quang Uy chia sẻ.

Điểm trao Bữa ăn nhân ái ở quận Tân Phú. Ảnh: Facebook linh mục Giuse Lê Quang Uy

Cho đến hết ngày 28-6, thông qua kêu gọi của linh mục Giuse Lê Quang Uy, đã có 3.570 phần ăn sáng và 5.890 phần ăn trưa không kể sữa, mì gói… trao đến người nghèo, vô gia cư… trên địa bàn TP.HCM.

Liên tục một tháng nay, mỗi ngày trước Giáo xứ Tân Sa Châu đều có bàn đặt sẵn với tấm bảng “chung tay chia sẻ mùa COVID, mỗi người một phần, xin cảm ơn”, “chia sẻ mùa COVID, khoai lang mỗi người một phần”, “chia sẻ mùa COVID, bánh mì mỗi người một ổ”…

Bảng thông báo thực phẩm "ATM lướt ống", Giáo xứ Tân Sa Châu cung cấp hằng ngày đến người khó khăn. Ảnh: Facebook Giáo xứ Tân Sa Châu

Và gần nhất, ngày 21-6, một ATM thủ công mang tên “ATM lướt ống” đã xuất hiện trước Giáo xứ Tân Sa Châu gửi đến người dân Sài Gòn những phần bánh mì, cơm, gạo, mì tôm, khoai lang, trứng… Đồng hành với anh chị em khó khăn, đó là hình ảnh giáo dân, các nữ tu… nấu nướng, đóng gói thực phẩm thành phần cho người dân.

Hình ảnh "ATM lướt ống" qua nét vẽ của nhóm Giáo lý Sketching. Ảnh: Giáo lý Sketching

Tháng 9 năm ngoái, trong buổi tiếp kiến chung đầu tiên có giáo dân tham dự sau sáu tháng chỉ tiếp kiến trực tuyến, Đức Giáo hoàng Francis, đã chia sẻ: “Đại dịch hiện nay đã làm nổi bật sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta: tất cả chúng ta đều liên kết với nhau, người này với người kia, cả xấu lẫn tốt. Vì vậy, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này tốt hơn, chúng ta phải cùng nhau thực hiện; cùng nhau chứ không một mình; chúng ta không thể làm một mình. Tất cả chúng ta phải liên đới với nhau”.

Và có lẽ chưa bao giờ, ở Sài Gòn, tình liên đới giữa người và người bất kể tôn giáo được hiện thực hoá một cách rõ ràng như thế.

Nhà thờ, chùa vắng tín đồ và những lời cầu nguyện riêng tư
(PLO)- Tất cả cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng… hiện diện ở TP.HCM đã ý thức bảo vệ sức khỏe và sự sống của tất cả mọi người. Khi nhà thờ, chùa… vắng tín đồ, những lời cầu nguyện đã trở nên riêng tư. QUỲNH TRANG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Tiểu Sử Linh Mục Lê Quốc Thăng