Ông Chủ F99 Và Chuyện Nông Dân Khóc Trên Ruộng Hay Những Trung ...

Nhiều người biết đến F99 một phần từ thương vụ triệu đô do Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures của những nhân vật đình đám trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam là Shark Dũng và Lê Hoàng Uyên Vy rót vốn, nhưng cá nhân tôi lại ấn tượng với người sáng lập Hoàng Quang Thịnh. Một anh bạn trẻ đầy khát vọng và "lì lợm", luôn nhìn vào những nút thắt, hạn chế của lĩnh vực nông nghiệp bằng sự tích cực đến lạ kỳ.

Vẫn còn nhớ khoảng hai năm trước, khi F99 ra đời, giống như nhiều người khác trong lĩnh vực nông nghiệp chúng tôi từng không tránh khỏi tâm lý ngờ vực. Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vốn dĩ đã khó, với một người trẻ và ngoại đạo như Hoàng Quang Thịnh (sinh năm 1990, cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân) chắc hẳn sẽ càng thêm nhiều thách thức, thậm chí là rủi ro, có nghi ngại cũng là lẽ thường tình. Khát vọng là một chuyện nhưng cứ để xem F99 sẽ làm được gì và đi đến đâu, nhất là khi tôi biết Thịnh đã từng thất bại khá nặng nề trong lĩnh vực này.

Vậy mà sau hai năm, ngồi đối diện tôi hôm nay đã là ông chủ của F99 với vị thế là sàn thương mại điện tử về trái cây số 1 Việt Nam. Liên tiếp những hợp đồng rót vốn triệu đô và đang tiến những bước chắc chắn tới cột mốc Unicorn (kỳ lân - PV) - một doanh nghiệp tỷ đô vào năm 2024. Xa hơn nữa, Thịnh nói, F99 là sàn thương mại điện tử về thực phẩm đứng vị trí Top của khu vực Đông Nam Á.

Nông nghiệp và Hoàng Quang Thịnh bén duyên rồi đến với nhau bằng đam mê, khát vọng nhưng ít ai biết ông chủ trẻ tuổi của F99 ngày hôm nay từng khởi đầu với nông nghiệp bằng một thất bại nặng nề.

Thịnh kể với tôi, nông nghiệp, nông dân, nông thôn cứ như là định mệnh. Dù thuộc típ con nhà có điều kiện nhưng ngay từ thời còn là sinh viên, thường xuyên tham gia vào những chuyến đi tình nguyện để giải cứu nông sản ở nhiều vùng miền, chứng kiến hình ảnh những người nông dân vất vả một nắng hai sương nhưng đến lúc thu hoạch thì bị chèn ép, nông sản không bán được phải vứt bỏ, thậm chí có những người bật khóc ngay tại ruộng, Thịnh đã từng nghĩ liệu sau này mình có làm được điều gì đó để có thể giúp họ bớt khổ hay không.

"Nông dân nếu không là cha mẹ mình, người thân họ hàng mình thì cũng là máu mủ người thân của bạn bè, những người gần gũi, thân thuộc xung quanh chúng ta. Cả đất nước đa phần là nông dân cơ mà. Ai cũng biết họ cần cù, chăm chỉ như thế nhưng lại chưa được hưởng những thành quả xứng đáng với công sức, cống hiến", Thịnh trăn trở.

Có lẽ suy nghĩ ấy ảnh hưởng nhiều đến Thịnh nên khi ra trường, với ngành học và khả năng kinh doanh có thể giúp cho anh một cuộc sống gọi là đầy đủ, nhưng trong Thịnh luôn luôn có suy nghĩ mình phải làm điều gì đó thực sự là đam mê, là khát vọng của mình. Và đam mê, khát vọng của Thịnh dường như là nông nghiệp.

Giáp Tết năm 2013, đọc báo thấy mô hình nuôi lợn bằng thức ăn công nghệ sinh học ở Vĩnh Phúc hay quá, lại đang có ít tiền tích cóp từ mảng kinh doanh thời trang, Thịnh quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Quyết tâm cao đến nỗi tiền tích cóp được không đủ, Thịnh phải vận động cả bố mẹ đưa sổ đỏ cắm ngân hàng, vay mượn hết chỗ này chỗ nọ đổ hết vào nuôi lợn.

Nhưng đặt chân vào lĩnh vực này rồi mới thấy hết khó khăn, vất vả và phần nào hiểu được vì sao nông dân mình lại thường hay khổ. Đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng các trang trại, liên kết với nông dân chăn nuôi, mở các cửa hàng phân phối tạo thành chuỗi thịt lợn sạch thảo dược chuẩn từ trang trại đến bàn ăn nhưng rồi vẫn cứ thất bại.

"Do mình 'non', năng lực quản trị còn kém nên có nhiều lỗ hổng, ở tuổi 23, tôi ôm khoản nợ hơn 2 tỷ đồng và cái 'tội' cắm nhà bố mẹ ở ngân hàng. Và với nông nghiệp , dù vẫn còn 'máu', nhưng tôi phải tạm thời từ bỏ, tự hứa với bản thân sẽ quay lại khi mình lớn hơn", Thịnh chia sẻ cùng phóng viên.

Đã từng thất bại với nông nghiệp và chuyển sang lĩnh vực khác, điều gì khiến bạn quay trở lại? Và vì sao lại là F99?

Sau thất bại với dự án nuôi lợn sạch, tôi chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác và đạt được những thành công nhất định. Nợ nần trả xong hết, lấy sổ đỏ về trả lại cho bố mẹ, lại mua được nhà sang, xe xịn. Nói chung là cơm áo gạo tiền không phải lo gì nữa. Vậy mà cuộc sống đủ đầy không khỏa lấp được suy nghĩ trong tôi rằng mình sẽ làm gì tiếp theo? Phải làm một việc gì đó thực sự lớn, thực sự là đam mê và mang lại giá trị cho xã hội.

Lập công ty để làm ông chủ hay đầu quân cho các doanh nghiệp quốc tế với mức thu nhập đảm bảo không phải là việc khó nhưng nghĩ thế nào thì cuối cùng vẫn cứ là nông nghiệp. Dù đã từng thất bại, dù biết rằng đó thực sự là lĩnh vực rất "khoai" nhưng phải quay lại vì nó mới là đam mê, khát vọng của mình.

Tất nhiên lần này không chỉ có khát vọng. Phải tính toán, suy nghĩ rất kỹ. Nút thắt là gì, rủi ro, cơ hội của mình như thế nào và sẽ bắt đầu từ đâu... Đi một số nước, gặp một số người giúp tôi ngộ ra, nông nghiệp là đam mê còn công nghệ là xu thế vậy thì tại sao mình không kết hợp hai lĩnh vực đó lại với nhau? Đó là lý do ra đời F99 - sàn thương mại điện tử đầu tiên về nông nghiệp.

Thực tế đây là mô hình đã thành công ở nhiều quốc gia và đã có những doanh nghiệp được định giá hàng tỷ đô la từ lĩnh vực này, tuy nhiên hơi lạ là ở một quốc gia rất mạnh về nông nghiệp và có rất nhiều đặc sản từ nông nghiệp như Việt Nam lại chưa có ai làm cả. F99 ra đời khi chưa có Tiki ngon, Shopee cũng chưa bán thực phẩm và mang theo quyết tâm phải là “thằng” mạnh nhất ở ngách thương mại điện tử về trái cây này.

Chữ F của chúng tôi đại diện cho farm, fresh, fruits, food (nông trại, tươi sạch, hoa quả và thực phẩm) và F cũng là farmer (người nông dân)… Còn 99, ở một góc độ nào đó với văn hóa người phương Đông số 99 mang một khát vọng lớn trên thang điểm 100. Khát vọng lớn nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng sẽ không bao giờ hoàn hảo và tinh thần của F99 là luôn luôn cúi đầu học hỏi, luôn luôn nỗ lực.

Tinh thần đó được xác lập ngay từ khi startup cho đến khi đạt được những thành tựu như trở thành sàn thương mại điện tử về trái cây số 1 Việt Nam, có thị phần lớn nhất, dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ giúp người nông dân, được Do Ventures đầu tư triệu đô và sắp tới sẽ có nhiều quỹ khác rót vốn... Nói cách khác, có thể F99 không hoàn hảo nhưng luôn mang tinh thần xuyên suốt là chiến đấu vì người nông dân.

Quả thật tôi hơi bất ngờ với triết lí “chiến đấu vì người nông dân” của các bạn, vì sao lại như thế khi chính liên kết với người nông dân từng là nguyên nhân khiến bạn thất bại?

Thất bại đầu tiên với nông nghiệp đã cho tôi bài học là liên kết với người nông dân Việt Nam mình rất khó. Khi tôi liên kết với một số trang trại để họ nuôi gia công cho mình, mặc dù mình đã cùng với họ đầu tư tiền tỷ, cung cấp đầu vào tiêu chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng thịt theo yêu cầu nhưng rồi họ vẫn tìm cách che hệ thống camera đi, thậm chí luồn cám công nghiệp dưới bao bì thức ăn công nghệ sinh học để tránh sự giám sát của mình.

Nói như thế không phải để trách cứ ai, bởi tôi là người rất tích cực và luôn nhận trách nhiệm về bản thân. Ở góc độ nào đó, trong bất cứ lĩnh vực nào đều có người tốt và người chưa tốt và văn hóa của người Việt người đôi khi tầm nhìn chưa được dài hạn lắm. Đặc biệt trong nông nghiệp vẫn còn manh mún, chộp giật...  Đó là thực tế nhưng nếu mình cứ chỉ kêu thôi thì có giải quyết được gì đâu. Tôi nghĩ mình là người trẻ, muốn đóng góp để xã hội tốt lên thì phải biết chấp nhận thực tế đó và hành động để thay đổi.

Về dài hạn, F99 muốn hỗ trợ người nông dân thay đổi tư duy, tầm nhìn của họ, còn trước mắt ở một góc nhìn khác, Việt Nam mình vẫn là quốc gia nông nghiệp, muốn đất nước phát triển đi lên thì người nông dân phải có thu nhập đảm bảo, sống được bằng nông nghiệp.

Tôi nghĩ rằng nút thắt của nông nghiệp Việt Nam mà ai cũng nhìn thấy rõ đó là khâu trung gian quá nhiều. Trái cây ở vườn có thể rất rẻ nhưng không bao giờ người tiêu dùng mua được với giá xêm xêm ở các thành phố, đơn giản là vì từ vườn đến chợ, đến cửa hàng, siêu thị phải qua rất nhiều khâu trung gian và khâu nào cũng muốn ăn từ 10-30% lợi nhuận. Điều đó dẫn đến thực trạng nông sản đội giá, người nông dân thì vẫn bị ép đến mức vỡ nợ, người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao, chỉ có những trung gian là vàng đeo lủng lẳng.

Chưa kể vấn đề quá nhiều khâu trung gian nên hàng nông sản phải qua rất nhiều bước kiểm tra, vận chuyển, thời gian lưu kho bãi cũng sẽ nhiều hơn, rất dễ bị hư hỏng và vứt bỏ. Sự lãng phí ấy suy cho cùng vẫn là người nông dân phải gánh chịu.

Chính vì vậy, khi quay trở lại với nông nghiệp, tôi xác định phải tối ưu hóa lại toàn bộ khâu phân phối và sứ mệnh của F99 là cắt bỏ các khâu trung gian, đưa nông sản trực tiếp từ vùng trồng của người nông dân đến với người tiêu dùng. Có như thế thì người nông dân mới có thể bán nông sản với giá cao hơn và người tiêu dùng cũng được sử dụng sản phẩm với giá rẻ hơn.

Hai năm qua F99 đã “chiến đấu vì người nông dân” như thế nào và đâu là điều bạn cảm thấy đã làm được trong “cuộc chiến” đó?

Khi mình muốn làm lĩnh vực nào đó thì phải tìm cách chơi với những người giỏi nhất và tôi may mắn được tư vấn, hỗ trợ từ anh Shark Dũng, chị Lê Hoàng Uyên Vy, anh Lê Anh Huân, anh Mai Thanh Bình và rất nhiều người khác nữa. Chính nhờ những kết nối, gặp gỡ những con người như vậy đã giúp tôi có thêm động lực để xây dựng F99.

Có một điều khá thú vị là nông nghiệp luôn là câu chuyện truyền cảm hứng cho tất cả anh em startup ở Việt Nam. Bằng chứng là những quỹ đầu tư lớn như Do Ventures của anh Dũng, chị Vy hay rất nhiều đại gia trong các lĩnh vực khác khi nói về đầu tư vào nông nghiệp họ luôn sẵn sàng lắng nghe chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ startup... Tôi có cảm nhận là bất cứ ai cũng mong muốn nông nghiệp Việt Nam phát triển, mong muốn làm được điều gì đó giúp người nông dân.

Đó là những thuận lợi, nhưng sau hai năm nhìn nhận lại F99 vẫn là dự án khó hơn rất nhiều so với những gì tôi đã mường tượng. Một lần nữa tôi phải khẳng định đụng vào nông nghiệp không dễ tý nào. Rất nhiều nhân sự đồng hành ban đầu của F99 đã phải thay đổi vì không thể đáp ứng được công việc.

Từ kiểm soát chất lượng đầu vào, làm sao để trái cây đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, không dư lượng thuốc trừ sâu, rồi vận chuyển, lưu kho làm sao cho trái cây không bị dập nát… là một bài toán khó. Trái cây là một mặt hàng nhạy cảm và khá ẩm ương, chỉ một chút thất thường về thời tiết hoặc một chút sơ sẩy nhỏ trong bất kỳ khâu nào của chuỗi cung ứng cũng có thể dẫn đến rủi ro nên vừa làm tôi vừa phải tìm hiểu, nghiên cứu để có thể hoàn thiện dần.

Điều đáng mừng là càng đi cùng nhau chúng tôi càng có niềm tin F99 sẽ thành công. Một chặng đường chưa dài nhưng F99 đã làm được khá nhiều thứ. Với khoảng 400 nhân sự đa phần là trẻ, thiện chiến và rất chất lượng, 500 nghìn lượt tải app, hệ thống cửa hàng, kho hàng liên tục được mở rộng, hàng chục nghìn đơn hàng mỗi ngày đồng nghĩa với việc lượng nông sản từ vùng trồng của người nông dân trực tiếp đến với người tiêu dùng qua F99 ngày một nhiều hơn…

Quan trọng hơn, bằng nền tảng đầu tiên kết nối trực tiếp giữa vùng trồng và người tiêu dùng, F99 đã lược bỏ tất cả các khâu trung gian ngày càng phát huy hiệu quả. Hàng nghìn tấn nông sản của người nông dân được tiêu thụ qua F99 để đến với người tiêu dùng nhanh nhất. Những chiến dịch đồng hành với bà con nông dân để tiêu thụ nông sản, như vải thiều ở Bắc Giang F99 có thể bán hơn 20 tấn chỉ sau 48 giờ thực sự là những động lực rất lớn để F99 ngày càng lớn mạnh hơn.

F99 cũng vừa đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng kho bảo quản Phú Diễn đồng thời xây dựng đội ngũ thu mua nông sản để làm việc trực tiếp với các nông trại, chủ vùng trồng. Sau một quá trình chiến đấu và đồng hành đến thời điểm này có thể nói người nông dân Việt Nam đã ngày càng tin tưởng F99 có thể bán được hàng cho họ với giá tốt nhất.

Nhưng nếu chỉ chiến đấu, đồng hành thì vẫn chỉ là giải pháp tức thời, về lâu dài bạn và F99 có chiến lược gì không?

Chiến lược năm tới của F99 sẽ đưa người nông dân trực tiếp bán hàng theo kiểu pre-order, tức là người tiêu dùng phải đặt hàng trước. Đây là một xu thế ngày càng thịnh hành và rất thành công, đặc biệt là ở Trung Quốc. Theo thống kê ở đất nước này, bán hàng online chạy nhất là mỹ phẩm, thứ hai là thời trang và thứ ba chính là nông sản. Và Việt Nam chắc chắn cũng sẽ đi theo xu hướng như vậy.

Người nông dân sẽ lên mạng livestream để quảng bá, giới thiệu chất lượng sản phẩm của mình và trực tiếp chốt đơn với khách hàng. Điều này không chỉ giúp người nông dân có thể bán giá cao hơn mà còn giúp người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm với giá tốt nhất và biết rõ được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Có một bài toán khó mà tôi đang tìm cách giải đó là làm cách nào để sản phẩm của người nông dân có được giá bán tốt nhất. Bởi vì từ trước đến nay mỗi một khu vườn, mảnh ruộng, nông sản của người nông dân đều có nhiều loại sản phẩm và không phải sản phẩm nào cũng bán được giá cả.

Thông thường nông sản sẽ được phân loại và người thu mua chỉ lựa chọn những sản phẩm theo tiêu chuẩn của các cửa hàng, siêu thị, số còn lại dù ăn vẫn ngon như thế nhưng đôi khi chỉ vì một tý nám, mẫu mã không được đẹp mà người nông dân phải vứt đi. F99 sẽ ôm cả vườn, cả ruộng và đảm bảo giúp người nông dân có thể bán được với giá tốt nhất. Chẳng phải trên thế giới đã có những công ty startup trị giá hàng trăm triệu đô la chỉ với lĩnh vực kinh doanh hàng xấu mã đó hay sao.

Vì vậy chiến lược của F99 không chỉ hỗ trợ người nông dân bán hàng nữa mà sẽ trực tiếp đào tạo, liên kết với người nông dân để xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn mà F99 đưa ra.

Thì vẫn là liên kết với người nông dân đấy thôi, bạn không sợ thất bại nữa hay sao?

Đội ngũ nhân sự của F99 hiện tại đều là những người rất giỏi mà tôi mời về từ các doanh nghiệp Top Việt Nam chứ không còn là những người mới khởi nghiệp giống như tôi ngày trước. Họ mong muốn về với F99 một phần do cảm nhận được nhiệt huyết, khát vọng của tôi với nông nghiệp và chính họ cũng là những người khát vọng, những người rất giỏi nên tôi nghĩ năng lực quản trị của F99 cũng đã khác rất nhiều.

Thứ hai, giá trị cốt lõi của F99 là mang lại lợi ích cao nhất cho người nông dân, F99 là nơi người nông dân trực tiếp bán sản phẩm giá cao nhất nên tôi nghĩ không có lý do gì họ không giữ chữ tín với mình.

Thứ ba, ngoài đảm bảo lợi ích, F99 cũng rất chú trọng đến quản lý và đào tạo người nông dân.

Ba yếu tố đó kết hợp lại chính là sự đảm bảo để tôi có thể tự tin đồng hành với người nông dân và sẽ thành công cùng với họ. Đó cũng sẽ là cơ sở để F99 tiến tới chuẩn hóa tiêu chuẩn nông sản ở các mô hình liên kết, chất lượng nông sản phải được đặt lên hàng đầu, từ đầu vào, quy trình sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ đều phải tuân thủ quy trình mà F99 xây dựng theo chuỗi.

Tôi từng đọc được chia sẻ của bạn với cộng sự của mình như sau: “Không ngại khó, ngại khổ, không nề hà bất cứ việc gì từ bốc hàng, shipper, sale thậm chí là phát tờ rơi, chỉ cần tập thể F99 phát triển hơn, tiến bộ hơn từng ngày, hiện thực hoá ước mơ và mục tiêu của mỗi anh em. Chúng ta sẽ là một đội nhóm huyền thoại, chưa từng có trong lịch sử, đưa thương hiệu trái cây Việt Nam vươn ra khắp thế giới”.

Đọc và cảm nhận được rằng dường như khát vọng của bạn không chỉ là sàn thương mại điện tử số 1 về trái cây ở Việt Nam?

Sau trái cây hiện F99 đang mở rộng ra những nông sản khác, vẫn khát vọng và giá trị cốt lõi là nâng cao giá trị nông sản, lợi ích cho người nông dân, người tiêu dùng.

Nhìn lại chặng đường hai năm qua, khát vọng của F99 vẫn không thay đổi, thậm chí còn mãnh liệt hơn. Ngay từ thời điểm khởi đầu anh em đều chung ước mơ xây dựng F99 hướng đến cột mốc khởi nghiệp Unicorn và chiến đấu vì mục tiêu là doanh nghiệp tỷ đô vào năm 2024. Đến bây giờ chúng tôi vẫn đang từng bước để hiện thực hóa mục tiêu đó. Tất nhiên còn rất nhiều khó khăn nhưng tôi cũng nghĩ rằng Unicorn sẽ chỉ là cột mốc F99 sẽ đi qua chứ không phải là đích đến. 

Và trong tương lai chắc chắn F99 sẽ không dừng lại ở thị trường Việt Nam. Ngồi ở đây hôm nay nói điều này có thể còn quá sớm nhưng khát vọng của F99 là như thế, chúng tôi cũng muốn trở thành một ai đó giống như cách Uber, Grab, Shopee và nhiều doanh nghiệp đa quốc gia khác đã làm.

"Các ông sang đây kiếm tiền ở Việt Nam được thì một ngày nào đó chúng tôi sang đất nước các ông kiếm tiền để đem về xây dựng đất nước chúng tôi chứ".

Tôi luôn nghĩ rằng với tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp Việt Nam thì khát vọng đó là hoàn toàn có cơ sở. Giá trị, chất lượng nông sản Việt Nam là cực kỳ tuyệt vời. Từ trái cây đến hạt gạo và rất nhiều sản phẩm nông sản khác chúng ta không thua gì thế giới cả. Có chăng vấn đề còn hạn chế là mình chưa nâng được giá trị những sản phẩm đó lên mà thôi.

Nâng cao giá trị nông sản Việt, giải pháp của bạn và F99 là gì?

Trước hết tôi phải kể câu chuyện về sản phẩm rong nho Sabudo mà F99 đã làm thành công đã.

Ngày trước hầu như rất ít người Việt mình biết đến rong nho dù đó là sản phẩm rất ngon và mang nhiều giá trị dinh dưỡng. Khi F99 quyết định tổ chức sản xuất, đóng gói và làm thương hiệu cho sản phẩm này thì người nông dân Khánh Hòa vẫn chủ yếu bán nó ở các khu chợ lụp xụp và xuất sang Trung Quốc với giá trị rất thấp.

Nhưng chỉ sau một thời gian đồng hành với F99, liên kết cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu, tách nước đóng gói và làm thương hiệu, người nông dân đã có thể bán cũng cây rong nho đó với giá trị gấp hàng chục lần. Quan trọng hơn sau Sabudo đã có thêm rất nhiều thương hiệu khác ra đời để đưa rong nho Khánh Hòa thành ngành hàng phát triển, bán khắp thế giới.

Câu chuyện đó cho thấy nâng cao giá trị nông sản Việt Nam còn dư địa rất lớn và hoàn toàn có thể phát triển rất mạnh mẽ. Tổ chức sản xuất, đóng gói và làm thương hiệu là những vấn đề tôi nghĩ cần phải làm.

Thành công của rong nho Sabudo cũng đã truyền cảm hứng để F99 xây dựng được những vùng đặc sản của người Việt. F99 sẽ viết thư chia sẻ, kể những câu chuyện về sản phẩm nông sản đặc sản của Việt Nam được trồng ở đâu, lớn lên như thế nào, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ ra sao, kèm theo đó là lời cảm ơn người tiêu dùng đã sử dụng nông sản Việt Nam.

F99 sẽ làm được. Không có lý do gì người tiêu dùng Việt Nam mua trái cây ngoại với mức giá rất cao mà lại không mua trái cây Việt Nam vừa ngon vừa rẻ. Không có lý do gì nông sản Việt, thương hiệu Việt, giá trị Việt lại không thể đi khắp thế giới khi mà rất nhiều đặc sản các nước cũng đang bày bán rất nhiều ở Việt Nam. 

Tất nhiên muốn làm được điều đó bản thân F99 phải luôn lớn hơn và phải đưa được nhiều người giỏi hơn nữa về. Và chỉ F99 thôi tôi nghĩ là không đủ mà cần có cả khát vọng, chung tay của nhiều người khác.

Từ thành công của F99 có thể nhận thấy sàn giao dịch trực tuyến là một giải pháp tối ưu để tiêu thụ nông sản, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, vậy theo bạn, cơ hội và thách thức của lĩnh vực này ở Việt Nam là gì?

Có một điều tôi cảm thấy may mắn là F99 ra đời trong bối cảnh thói quen tiêu dùng ở Việt Nam đã có rất nhiều sự thay đổi, nhất là qua Covid-19. Thói quen tiêu dùng online mà những năm qua nhiều ông lớn phải đổ tiền tấn để gầy dựng đang ngày càng phổ biến đối với người Việt. Không còn ai phải trả lời liệu mua hàng online có uy tín hay không bởi vì xu thế tiêu dùng tiện lợi hiện nay đã trả lời câu hỏi đó.

Thứ hai là xu thế phát triển của các sàn thương mại điện tử. Cũng không ai phải trả lời liệu sàn thương mại điện tử có thành công hay không nữa vì ở rất nhiều nước họ đã thành công rồi và mô hình này chắc chắn cũng sẽ như thế ở Việt Nam.

Chính vì vậy câu chuyện thời điểm này không còn là thị trường như thế nào nữa mà anh phải đưa ra được các giải pháp tối ưu về giá, tiện lợi và chất lượng cho khách hàng để phát triển. Và cá nhân tôi nghĩ đây là cơ hội rất lớn cho các startup về nông nghiệp Việt Nam.

Bằng chứng là sau thành công của F99 bây giờ sàn thương mại điện tử về nông sản ở Việt Nam đang ngày một trở nên sôi động với sự xuất hiện của TaniHub, FoodMap, Mio… Thậm chí nhiều sàn thương mại điện tử trong lĩnh vực khác cũng đã có sự dịch chuyển sang nông nghiệp.

Tôi thực sự cảm thấy vui vì điều đó. Xu thế không thể thay đổi và thị trường vẫn còn quá lớn, nếu mình không làm thì cũng sẽ có người khác làm và càng nhiều startup nông nghiệp thì lĩnh vực này sẽ càng phát triển. Người nông dân sẽ có thêm kênh phân phối, người tiêu dùng có thêm kênh mua hàng và giá trị nông sản Việt Nam chắc chắn sẽ được nâng cao.

Và như tôi đã nói, vì nông nghiệp luôn là niềm cảm hứng trong cộng đồng startup nên anh chị em trong lĩnh vực này thường xuyên tổ chức những cuộc thảo luận để cùng nhau xem thử sẽ làm được gì cho nông nghiệp Việt Nam, kết hợp cùng nhau trong lĩnh vực này như thế nào... Phải là như thế, chứ không thể một thị trường rộng lớn của chúng ta mà người ngoài nhảy vào đánh chiếm được. 

Nội dung: Hoàng Anh Thiết kế: Trương Khánh Thiện Ảnh: Tùng Đinh

Từ khóa » Cách Dùng F99