Ông Đá ở Tiên Thuận - Báo Tây Ninh Online

Tiên Thuận là một làng xưa của đất Tây Ninh, nay là một xã thuộc huyện Bến Cầu. Đến Tiên Thuận không khó. Nếu xuất phát từ thành phố Tây Ninh ngược lên hướng Cẩm Giang, tới trạm dừng chân Minh Anh thuộc ấp Cẩm Bình, rẽ phải chạy dọc theo cánh đồng bưng Trao Trảo, qua cầu Bến Đình là tới Tiên Thuận.

Xã Tiên Thuận hiện nay có nhiều di chỉ khảo cổ rất có giá trị, như miếu bà Bến Đình, gò chùa Thầy Lưỡng, khu Bàu Ông… Nhưng điểm nhấn tâm linh thì khu Bàu Ông ở ấp Bàu Tép là hơn cả.

Nơi thờ hoa sen Ông Đá ngày nay.

Bàu Ông hiện là một khu rừng có diện tích hơn một ha nằm giữa đồng ruộng, rừng có rất nhiều cây cổ thụ tầng cao và những cây lùm tầng thấp, giữa có cái bàu nước mà người dân quen gọi là Bàu Ông.

Ông ở đây chính là Ông Đá, nơi khu vực cái bàu có thờ Ông Đá nên gọi là Bàu Ông. Ông Đá là một hoa sen được tạc từ đá sa thạch xám đỏ, được người dân tìm thấy ở bờ phía Tây của bàu vào thời gian trước đây.

Theo nghiên cứu của Bảo tàng Tây Ninh thì “Bông sen bằng đá có đường kính 0m80, cao 0m90, giữa đài sen có khoét một lỗ tròn có đường kính khoảng 15 cm, trong lỗ tròn có đặt một viên đá hình trụ giống với Linga. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng có thể đây là biểu tượng của Linga-Yoni được cách điệu”.

Quan sát kỹ thì thấy rõ đây là một hoa sen có ba phần trên, giữa và đế. Phần xung quanh thân giữa khắc 8 cánh hoa, mỗi cánh chia làm ba tầng với các đường hoa văn hình sóng nước. Phần trên khắc 18 cánh hoa khá đơn giản và đều nhau.

Về số đo thì chiều cao của hoa 88cm; đường kính phần bụng lớn nhất 83,44cm; đường kính phần đài 53,82cm; đường kính phần đế và phần eo bằng nhau, đều là 47,7cm.

Phía trên đỉnh đài có phần lồi hình bán cầu đường kính 32cm, giữa của phần lồi này có một lỗ tròn sâu 33cm, đường kính lỗ 15cm. Tại vị trí lỗ tròn này người ta để một trụ đá âm vào và lồi lên trên.

Qua việc nghiên cứu cổ vật hoa sen đá này có nhiều ý kiến khác nhau. Bảo tàng Tây Ninh thì cho rằng đó là bộ Linga – Yoni cách điệu, nhưng cũng có ý kiến cho rằng tượng hoa sen đá này gắn liền với ý nghĩa tạo lập thế giới trong văn hoá Bà La Môn cổ xưa.

Như chúng ta đã biết, văn hoá Bà La Môn cho rằng thần Brahma được sinh ra trong một hoa sen mọc từ rốn của thần Visnu, trong khi thần Visnu đang nằm trầm tư trên lưng con rắn thiêng trôi bồng bềnh trên mặt biển vũ trụ. Nguồn gốc của sự sống và thần Brahma sinh ra từ hoa sen đó.

Người Ấn xưa quan niệm Brahma là vị thần sáng tạo, thần Visnu là vị thần bảo tồn còn thần Siva là thần huỷ diệt. Ba vị này gọi chung là tam thần nhất thể. Đối với hoa sen, nó tượng trưng cho ý nghĩa luân hồi. Cánh hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt bên trong tượng trưng cho tương lai.

Bên cạnh đó, sen là loài hoa có nhiều hạt vì vậy nó còn mang ý nghĩa phồn thực, sinh nhiều con cái, sự no đầy, phồn vinh, phúc lộc và trường thọ. Từ ý nghĩa như vậy, cho nên trong văn hoá Bà La Môn coi hoa sen là biểu tượng thể hiện sự hài hòa âm dương; 8 cánh sen tượng trưng cho tám hướng phát triển. Từ trong tâm thức của người Ấn Độ như vậy, hình tượng hoa sen đã được đưa vào kiến trúc đền tháp, dùng làm biểu tượng thờ cúng.

Khu vực Bàu Ông ở Tiên Thuận ngày nay.

Trở lại Bàu Ông, ta thấy đây là một bàu nước hình chữ nhật, trục Đông – Tây dài 73m, trục Bắc – Nam rộng 57m, sâu khoảng từ 1,3 - 1,5m. có khả năng cái bàu này theo cư dân cổ xưa hơn 1.000 năm trước là tượng trưng cho trung tâm của vũ trụ.

Con sông Vàm Cỏ Đông uốn lượn ngoài kia không khác gì con rắn thần Ananta mà thần Visnu gối đầu trong giấc ngủ ngàn năm. Còn hoa sen đá kia chính là tượng trưng cho hoa sen mọc ra từ rốn của ngài và trụ đá gắn trên phần lồi của hoa sen chính là tượng trưng cho thần Brahma được sinh ra để tạo lập thế giới. Tất cả đều là tượng trưng cho sự mong cầu và tái tạo cuộc sống hạnh phúc, ấm no của người xưa.

Nhưng một vấn đề cần đặt ra là tại sao cư dân Phù Nam xưa không tạo tác biểu tượng này ở khu vực khác mà lại tạo tác ở vùng đất cao của Tây Ninh ngày nay ?

Vùng đất Tây Ninh xa xưa kia thuộc Tiểu quốc “Chinh phục từ đầm lầy” của Vương quốc Phù Nam. Tiểu quốc này chủ yếu trên địa bàn nối dài từ Đồng Tháp lên đến Tây Ninh ngày nay. Chính vì vậy mà khu vực này có nền văn hoá chung, đó là văn hoá Óc Eo, trong đó Tây Ninh thuộc Óc Eo muộn, hay còn gọi là hậu Óc Eo.

Lý do Tây Ninh thuộc Óc Eo muộn là bởi vì nhóm dân cư của Tiểu quốc này có xu hướng đi ngược từ khu vực đất thấp lên khu vực đất cao hơn, bởi từ sau thế kỷ VII là Phù Nam bị đế chế Chân Lạp thôn tính, xóa sổ gần hết.

Bằng chứng rõ nét nhất là các di chỉ khảo cổ thuộc trung lưu sông Vàm Cỏ Đông có niên đại muộn hơn so với các nơi khác trong cùng một Tiểu quốc chính là vậy.

Qua hơn trăm năm khai quật và nghiên cứu, cho đến nay ta thấy các di tích văn hoá Óc Eo ở Tây Ninh phân bố chủ yếu ở những vùng đất ven sông Vàm Cỏ Đông, tạo thành trục Trảng Bàng – Bến Cầu - Gò Dầu – Châu Thành và một phần của Tân Biên.

Mà tiêu biểu nhất có thể thống kê qua các cụm di tích Thanh Điền (Châu Thành), cụm di tích Bình Thạnh (Trảng Bàng), cụm di tích Bến Đình (Bến Cầu) và cụm di tích Chót Mạt (Tân Biên). Tất cả các di chỉ này hầu hết được các nhà khảo cổ xác định thuộc giai đoạn Óc Eo muộn ( Hậu Óc Eo), tức là có niên đại cách đây trên dưới 1.000 năm tuổi.

Từ những nguyên nhân bị Chân Lạp xâm chiếm, xoá sổ mà người Phù Nam phải chạy lên vùng đất cao này, và nơi đây coi như điểm cuối cùng cho đến khi họ hoàn toàn lui vào quá khứ.

Ngày nay trở lại Bàu Tép (Tiên Thuận), chúng ta chỉ thấy xung quanh đóa hoa sen đá này một nét tín ngưỡng hoàn toàn khác. Nó không còn dấu ấn của Bà La Môn giáo cổ xưa, mà đã chuyển dần qua tục thờ đá của người Khmer và sau cùng là Việt hoá thành một Ông Đá.

Người dân ở đây rất tin tưởng, cho rằng Ông Đá có huyền năng phù hộ cho sức khoẻ, sự bình an, việc mua may bán đắt... Ngôi miếu thờ Ông Đá ngày nay được người dân xây dựng khá vững chãi, xung quanh ngôi miếu chính là các ngôi miếu nhỏ như miếu thổ địa, thần tài, chiến sĩ trận vong, miếu ba ông Thần Linh, miếu thờ thần Mẫu… Tất cả đều ẩn mình trong một khu rừng xanh tươi mát mẻ và huyền bí.

Đào Thái Sơn

Từ khóa » Cục đá ông Tà ở An Giang