Ông Đỗ Trung Tá: 'Giá Cước Viễn Thông ở VN Không Cao' - VnExpress
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Bưu chính viễn thông Đỗ Trung Tá. |
Mở đầu, ông Đỗ Trung Tá trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã ý kiến trước đó (có 17 đại biểu).
Về vấn đề mở cửa thị trường, Bộ trưởng Tá cho rằng, các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực nhỏ, ngay cả doanh nghiệp lớn như VNPT cũng không bằng một công ty con của các tập đoàn quốc tế. Do vậy, mở cửa thị trường tại thời điểm hiện nay là "cơ hội ít, thách thức nhiều". Với ý kiến giá cước viễn thông quá cao, ông Tá cho rằng việc định giá cước hiện vừa phải tuân theo quy định của Nhà nước vừa phải tuân theo quy luật khắc nghiệt của thị trường. Nếu sử dụng điện thoại qua Internet thì VN không cao hơn so với các nước trên thế giới. Còn giá cước cao chủ yếu ở một số dịch vụ mới. Một nguyên nhân nữa khiến giá cước cao là một số khách sạn tính giá vượt mức cho phép, gây hiểu lầm đối với khách quốc tế. Bộ đã phạt nặng các doanh nghiệp này.
Theo Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, giá cước viễn thông ở VN đã giảm nhiều lần trong những năm qua. Thậm chí Ngân hàng thế giới còn khuyến cáo VN cần tăng giá cước nội hạt vì quá thấp. Tuy nhiên, ông Tá cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, nên cần phải cân nhắc.
Xung quanh vụ thanh tra tại VNPT, ông Tá cho biết, trong số 10 vấn đề thanh tra thì có 7 vấn đề đã có đồng thuận giữa các bên. "Thủ tướng cũng đã có kết luận về VNPT nên tôi xin không trình bày thêm", người đứng đầu ngành Bưu chính viễn thông nói.
Về trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trong vụ VNPT. Ông Tá khẳng định, trong đánh giá VNPT, đoàn thanh tra cũng nêu rõ những thành tựu của đơn vị này trong 9 năm qua. Tuy nhiên, VNPT cũng có một số tồn tại, khuyết điểm như quản lý vốn kém hiệu quả, vi phạm quy chế đấu thầu... Những tồn tại trên là do năng lực hạn chế, không phát hiện tiêu cực, tham nhũng.
"Bản thân là Bộ trưởng Bưu chính viễn thông, từng là chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT, tôi nhận thấy trách nhiệm của mình. Tôi và lãnh đạo VNPT đã kiểm điểm sâu sắc, chấn chỉnh quyết liệt đưa VNPT phát triển", ông Tá trầm giọng.
Đại biểu Trần Hoa Ry đặt câu hỏi. |
Ngay sau khi Bộ trưởng Đỗ Trung Tá kết thúc phần trả lời bằng văn bản, đại biểu Trần Hoa Ry đặt câu hỏi: "Tổng công ty Bưu chính viễn thông nhiều lần giảm giá nhưng vẫn cao hơn các nước, có phải do chi phí đầu tư bất hợp lý? Tại sao ngành viễn thông không tính cước theo kiểu gọi bao nhiêu tính bấy nhiêu, nếu gọi 4-5 giây mà tính tiền 1 phút thì quá thiệt cho khách hàng?".
Ông Tá giải trình, hiện nay một số doanh nghiệp viễn thông mới ra đời, nếu hạ giá, tính như đại biểu đề xuất thì các công ty này không cạnh tranh nổi với VNPT. Trên thế giới những công ty lớn thường giảm giá để chiếm hết thị phần, nhưng ở Việt Nam thì không thể như vậy. Điều này cũng phù hợp với Luật Cạnh tranh mà Quốc hội vừa thông qua. Đối với cước điện thoại cố định, do giá rẻ nên nhiều nước áp dụng phương thức tính làm tròn 1 phút.
Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Bưu chính viễn thông thời gian qua, nhưng giáo sư Nguyễn Lân Dũng không khỏi băn khoăn trước tình trạng bất hợp lý trong thu nhập giữa nhân viên bưu điện xã và cán bộ biên chế ngành bưu chính viễn thông. "Tôi nhận rất nhiều thư phản ánh về sự chênh lệnh thu nhập của nhân viên tại các điểm văn hoá xã với cán bộ bưu chính viễn thông. Bộ trưởng có thể giải trình về vấn đề này?".
Ông Đỗ Trung Tá cho biết, hiện nay có khoảng 7.500 nhân viên bưu điện xã, chủ yếu là nhân viên ký hợp đồng. Phần lớn họ là dân địa phương có trình độ phổ thông trung học, hiểu biết về pháp luật và nghiệp vụ cơ bản. Nên những nhân viên này không thể có thu nhập bằng những nhân viên biên chế, có trình độ chuyên nghiệp. Bộ trưởng cũng cho biết, mỗi điểm văn hoá xã có vốn đầu tư ban đầu là 60 triệu đồng. Hiện nay đã có trên 7.000 điểm, và 75% xã thuộc vùng khó khăn đã có mô hình này. Hơn 1.000 điểm nữa sẽ được xây dựng xong vào năm 2005.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tham gia chất vấn. |
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trước việc thanh tra tại Tổng công ty Bưu chính viễn thông. Ông Tá cho biết, một vụ việc đáng chú ý là Hội đồng quản trị VNPT giao cho Trung tâm Công nghệ Thông tin (CDIT) một đơn vị không phải thành viên trực tiếp của VNPT thực hiện 5 gói thầu với dự toán 11,8 tỷ đồng. "Đây là quyết định của tập thể, không phải tôi cố tình tạo điều kiện cho con rể, đang là giám đốc CDIT. Tôi thực sự có bài học kinh nghiệm từ đây để tránh sự hiểu nhầm giữa thực thi công việc với quan hệ gia đình", ông Tá nói.
Về việc Bưu điện Hà Nội không cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ tài liệu khi thanh tra việc thanh quyết toán giá trị 15 dự án do Bưu điện Hà Nội thực hiện, ông Tá khẳng định, sẽ phối hợp với cơ quan chức năng điều tra rõ.
Đại biểu Mạc Kim Tôn cho rằng giá cước điện thoại cao là so với giá cả sinh hoạt của người dân nhưng chất lượng mạng điện thoại di động còn thấp. Tình trạng nghẽn mạng thường xuyên xảy ra làm giảm hiệu quả phục vụ của ngành và năng lực cạnh tranh.
Trước nỗi lo sập mạng điện thoại di động của ông Tôn cũng như nhiều đại biểu khác, ông Đỗ Trung Tá khẳng định không thể sập mạng. Bên cạnh dịch vụ cũ ngày càng phát triển, nhiều dịch vụ mới mở ra cộng. Từ đầu năm đến giờ riêng SPT đã có 200 nghìn thuê bao, Vinaphone là 1 triệu thuê bao. Sắp tới mạng điện thoại di động của điện lực sẽ khai trương song hành cùng Viettel. Bộ cũng sẽ xem xét lại chất lượng các mạng điện thoại của Việt Nam. Bộ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp không nên chú trọng nhiều về giảm giá để cạnh tranh mà cần chú trọng nhiều vào chất lượng.
Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai nêu tình trạng nhiều đối tượng sử dụng điện thoại nghiệp vụ không đúng, "xài chùa" gây lãng phí. Ông Tá khẳng định: "Đây là công cụ kinh doanh, xin Quốc hội thông cảm. Nếu tiếp viên hàng không, nhân viên đường sắt phải trả tiền đi máy bay, tàu hoả thì ngành bưu chính sẽ yêu cầu nhân viên trả tiền".
Chưa thoả mãn với câu trả lời của người đứng đầu ngành Bưu chính Viễn thông, đại biểu Mai nói: "Cán bộ ngành bưu chính sử dụng trong khi làm nhiệm vụ tôi không có ý kiến. Nhưng vấn đề tôi muốn đề cập ở đây là việc sử dụng điện thoại bừa bãi, gây lãng phí". Ngập ngừng giây lát, ông Tá cho biết sẽ yêu cầu VNPT làm rõ vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng phần trả lời của ông Tá không phù hợp với cách chất vấn, nặng báo cáo thành tích. Nếu vậy thì quá lãng phí thời gian của Quốc hội. "Việc đóng dấu treo của Bộ Bưu chính viễn thông ở văn bản, đại biểu sẽ hiểu đây là trả lời của bộ hay cá nhân bộ trưởng. Về 3 vấn đề thanh tra của VNPT còn gây tranh cãi, Bộ trưởng phải trả lời trước Quốc hội. Thủ tướng vẫn nói giá cước cao nhưng bộ trưởng lại nói là thấp, ngay bây giờ Bộ trưởng cho biết quan điểm", đại biểu Thuận bức xúc.
Ông Tá tiếp tục thừa nhận khuyết điểm: "Là bộ trưởng tôi thành khẩn nhận khuyết điểm, nhưng cử tri phải thông cảm vì công việc quá hối hả, bận rộn. Về việc đóng dấu treo, tôi quá bận, anh em trong Bộ học theo mẫu của Bộ GD&ĐT. Kích cỡ, dấu đóng cũng theo mẫu mà Bộ trưởng GD&ĐT đã giải trình".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông tỏ ý không đồng tình với thông tin về giá cước quá cao. "Tôi chẳng hiểu các nhà khoa học lấy giá cước ở đâu. Đây là số liệu của ngành lấy ra, không phải là số liệu bịa, thành tích".
Xung quanh vấn đề về VNPT và giá cước viễn thông, ông Tá "cầu cứu" Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư và Bộ trưởng Tài chính giải trình giùm. Về vụ VNPT, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, có lỗi của Bộ Bưu chính viễn thông là tự quyết định thầu, chưa xin ý kiến của Thủ tướng. Tuy nhiên, việc chọn thầu không gây thiệt hại.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng, giá viễn thông mà người đứng đầu ngành bưu chính đưa ra là chính xác. Mức giá này đã thấp hơn trước đây nhưng cần tiếp tục giảm thêm. Giá còn cao là do nhiều nguyên nhân trong đó có việc VNPT còn độc quyền, biên chế cán bộ quá nhiều, xấp xỉ 10 vạn.
Trong khi, 2 Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và Nguyễn Sinh Hùng phát biểu, ông Tá cặm cụi tra văn bản, những giọt mồ hôi rịn trên trán.
Kết thúc phiên họp sáng nay, Chủ tịch Nguyễn Văn An cho biết, còn 6 đại biểu có nhu cầu chất vấn nhưng vì thời gian hạn hẹp nên yêu cầu gửi câu hỏi bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội cũng thông báo Chính phủ đã lập 3 đoàn công tác kiểm tra những sai phạm tại VNPT. Theo đó, nổi lên 10 vấn đề cần làm rõ, trong đó có 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Chính phủ đã phân tích và báo cáo với Quốc hội. Báo cáo của Chính phủ cũng thống nhất với báo cáo của bộ trưởng là sai phạm của tổng công ty là nhiều, tuy nhiên chưa đến mức phải kỷ luật nên sẽ rút kinh nghiệm. Chủ tịch Nguyễn Văn An nói: "Nếu tôi đặt chất vấn tôi sẽ hỏi bộ trưởng đã xử lý bao nhiêu trường hợp sai phạm và có bao nhiêu cần phải xử lý".
Việt Anh - Thúy Hà
Bạn có thể gửi ý kiến tại đây:
Từ khóa » Tiểu Sử ông đỗ Trung Tá
-
Đỗ Trung Tá – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đỗ Trung Tá – Du Học Trung Quốc 2022 - Wiki Tiếng Việt
-
Nguyên Bộ Trưởng Đỗ Trung Tá: Người Tiên đoán điện Thoại Di động ...
-
Bộ Trưởng Đỗ Trung Tá đồng Chịu Trách Nhiệm Và Phải Kiểm điểm
-
Nguyên Bộ Trưởng Bưu Chính, Viễn Thông Đỗ Trung Tá Làm Phái ...
-
Tôi Cần Rút Kinh Nghiệm Giữa Tình Cảm Và Công Việc - Báo Tuổi Trẻ
-
Sai Phạm Trong Quản Lý, Bộ Trưởng Phải Chịu Trách Nhiệm
-
Vũ Trung Tá - Thành Viên HĐQT QLT
-
Trung Tá - Tìm Kiếm - Trang 63 - Tin Tức
-
'Trung Tá' Rồi, Nói Ngược Lại đi! - VietNamNet
-
Cơ Cấu Tổ Chức - Tổng Công Ty Đông Bắc
-
Danh Bai Online
-
Ông Đỗ Đức Duy Làm Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, Chống Tham ...