Ông Lái đò Kì Dị Nơi Miếu Cổ ở Sài Gòn - Tin Tức - 24H

Nhiều năm nay, tại bến đò Bình Đông (Q.8, TP. HCM) xuất hiện những câu chuyện vô cùng liêu trai. Rằng, vào buổi đêm có những tiếng khóc ai oán, não nề phát ra từ ngôi miếu cổ nằm cô độc trên cồn đất giữa sông. Lại có một ông cụ làm nghề đưa đò chở khách vào khoảnh khắc u tịch nhất trong đêm. Chính vì thế, nên ngôi miếu này được một số trang mạng xếp vào danh sách 13 địa danh rùng rợn nhất Sài Gòn.

Để rõ thực hư câu chuyện, sau một ngày tìm hiểu lai lịch và xem xét khu miếu, PV quyết định chờ chuyến đò nửa đêm ra miếu hoang nổi tiếng để gặp ông lái đò kì dị và tận mục những điều rùng rợn được đồn đại.

Chuyến đò đêm kinh dị

Đêm đêm, khi mọi hoạt động tại bến đò Bình Đông đã dừng lại nhường chỗ cho những cơn gió rít qua hàng dừa mang theo nhiều thứ âm thanh hỗn tạp thì có một ông lão chèo đò miệt mài vung mái chèo trên con rạch Bà Tàng.

Ông lão tên Tư, năm nay 68 tuổi (ngụ P.15, Q.8, TP.HCM) được người dân gọi với biệt danh “lão lái đò kì dị”. Có biệt danh đó bởi ông Tư chỉ chèo đò vào khoảng thời gian duy nhất trong ngày từ 11h khuya đến 3h sáng. Hướng đò duy nhất ông đưa khách qua lại là từ bến ra đến ngôi miếu nằm giữa sông.

12h khuya, tất cả trở nên tĩnh lặng, chỉ còn lại tiếng khua chèo của người lái đò già. Nhìn cảnh vật hai bên chìm trong im lặng khiến chúng tôi gợn lên một nỗi sợ mơ hồ. Tôi chợt nhớ đến những điều mà người phụ nữ ban chiều khi hỏi đường, kể lại rằng, cứ mỗi đêm, khi tất cả đã chìm trong đêm tĩnh lặng, lại có những âm thanh kỳ quái phát ra từ ngôi miếu cổ đó.

Ông lái đò kì dị nơi miếu cổ ở Sài Gòn - 1

Ông Tư, người lái đò "kì dị" thường đưa khách đến ngôi miếu cổ. Ảnh: T.G

Vừa chèo đò, ông Tư vừa kể cho chúng tôi nghe về gốc tích của ngôi miếu này. Theo ông, ngôi miếu cổ đã có trên 100 năm tuổi, nằm biệt lập trên cồn đất nhô lên giữa bến đò Bình Đông. Nhìn chung ít ai quan tâm tới nó, ngoại trừ những vị khách đến tìm ông nhờ đưa sang. “Tôi cần tiền để sống, người ta cần ra miếu thì tôi chở”, ông lái đò cho biết.

Ông Tư cho rằng, sở dĩ mình có duyên và gắn bó lâu năm với ngôi miếu này cũng do sự tình cờ. Khoảng gần 15 năm trước, ông có nghe chuyện đồn rằng: một người dân trong ấp khi đi ngang qua miếu nhìn thấy đống hũ đựng hài cốt nên sợ hãi, vội vào thắp hương cúng bái. Nào ngờ, đêm đó có một người đàn bà về báo mộng, cho người vào thắng hương một dãy số. Được một người bạn gợi ý, người kia đánh số đề bao lô con số 68 và bất ngờ trúng đậm. Thế rồi tiếng đồn lan xa, giới cờ bạc khắp nơi đổ về ngôi miếu để cầu khấn, xin số. Từ đó, ngôi miếu hoang lạnh trở nên linh thiêng, gắn với những chuyện cầu cơ xin số. Thấy khách ùn ùn kéo đến, ông Tư cũng sắm chiếc xuồng nhỏ chở khách sang sông. Lâu dần, nghề đưa đò trở thành công việc mưu sinh chính của ông.

Ông lái đò kì dị nơi miếu cổ ở Sài Gòn - 2

Người lái đò trên bến sông ra ngôi miếu cổ. Ảnh minh họa

Sau phút chờ đợi, đò cũng cập bến, ngôi miếu mờ ảo hiện lên dưới ánh trăng, những đốm nhang đỏ hoét ngún dở in trên nền tường loang lổ trông rờn rợn. Thấp thoáng trước mặt chúng tôi là những lư hương xếp theo thứ tự, mỗi lư đều thờ một vị được coi là thần nào đó. Ở mặt Tây ngôi miếu, hai ngôi mộ nhỏ nằm thấp thoáng dưới những tán mắm rậm rịt, dưới gốc cây là manh chiếu nhỏ và lư hương với những cán hương rơi vung vãi. Nếu là dân trong nghề sẽ dễ dàng nhận thấy đây chính là lãnh địa của những tay chuyên “cầu cơ”, xin số đề từ người đã khuất. Đêm càng khuya, lại không có người chỉ dẫn, chúng tôi khẩn khoản giữ ông lái đò lại với một khoản thù lao đặc biệt. Ông lái đồ gật đầu đồng ý, và dường như lúc này mới trổ thêm “tay nghề”. Hóa ra ông lái đò cũng là “hạng thầy” trong nghề cầu cơ.

Bóc mẽ những trò bịp bợm

Nghĩ chúng tôi đến ngôi miếu này để xin số, ông lái đò lôi sau lưng ra một bàn cơ là miếng bìa cứng, xỉn màu và bắt đầu hành nghề. Ông lái đò thì thầm giảng giải: “Những vết láng bóng này có được là do nhiều lần “ma” hiện hình về, di chuyển nhiều nên mơ được như thế. Hơn nữa, bàn cờ trơn láng vậy “hồn ma” sẽ dễ đi lại hơn”. Cơ là một miếng ván nhỏ hình trái tim, theo ông lão thì tốt nhất là miếng ván được lấy từ quan tài của người chết, vì càng có “âm khí” thì sẽ càng dễ gọi hồn ma nhập về. Sau khi thắp nhang lên bát gạo đặt trước ngôi mộ hoang, ông lão lầm rầm khấn vái bằng những ngôn từ kinh sợ. Không thể chịu đựng thêm nỗi sợ hãi này, chúng tôi lấy lí do “yếu tim” và xin được ngừng lại, rồi chuyển qua thủ tục rút thăm xin số. Nhìn nét mặt xanh xám của khách, ông lái đò nở nụ cười bí hiểm.

Ông lái đò kì dị nơi miếu cổ ở Sài Gòn - 3

Ngôi miếu hoang nơi thờ di ảnh của "cậu" Hành và "cô" Lan nằm giữa đám cây rậm rạp

Thấy chúng tôi cứ loay hoay, ông Tư hướng dẫn cách thắp nhang theo thứ tự cắm vào bát hương miếu “Mẹ” trước, tiếp đến là hai miếu thờ Quan Âm ngay trước cửa, kế đến là miếu thờ Quan Vũ và cuối cùng là ngôi miếu thờ di ảnh của cô Lan và anh Hành, cùng 34 bộ hài cốt khác. Ông lão lái đò khấn: “Con lạy Bồ Tát, con xin phép ơn trên, nay con tới thắp hương trước tiên là xin sức khỏe cho gia đình con. Kế đến con khẩn khoản ơn trên cho con cái số để con rộng đường làm ăn, cho qua cơn tai ương này. Mong bà cho phép. Nếu đặng con sẽ quay lại làm lễ hậu tạ thật lớn…”. Cứ thế, ông lão lái đò khấn những câu dài dằng dặc một cách trơn tru như được học thuộc lòng tự bao giờ.

Sau khi xin được thẻ số với hàng số 079 cho chúng tôi, ông Tư cẩn thận hướng dẫn đánh lẻ ra sao, bao lô thế nào, đánh bao nhiêu… Cuối câu chuyện, ông gợi ý sáng mai quay lại, mang theo 4 quả trứng gà, ở đây có một người tên Bảy (người trông coi miếu - PV) sẽ lấy số lại cho. Để tăng thêm phần linh thiêng và gieo vào lòng chúng tôi, ông lái đò kể một mẩu chuyện về người đã được “Mẹ” ban sau khi đến cầu. “Chẳng ai yêu cầu lễ “Mẹ” vật phẩm sang trọng cả, đôi khi chỉ cần chén nước lã thôi. Nhưng khi xin đã hứa hậu tạ rồi thì phải quay lại, bởi “Mẹ” rất thiêng. Trước đây có người phụ nữ ở Long An trúng lớn đã không quay lại lễ như đã hứa nên “Mẹ” phạt, rồi cũng tán gia bại sản”. Lời “gợi ý” của lão càng tỏ cho chúng tôi nhiều điều, lí do vì sao ở tuổi gần đất xa trời ông vẫn đêm đêm miệt mài làm cầu nối cho dân sùng bái đỏ đen.

Ông lái đò kì dị nơi miếu cổ ở Sài Gòn - 4

Nơi đây thờ 30 bộ hủ cốt mà không ai biết rõ tung tích

Không thể tiếp tục trò chơi gọi hồn giữa đêm khuya này thêm nữa, chúng tôi đi loanh quanh ngôi miếu, tìm hiểu về những lời đồn đoán ma quỷ mà mình từng nghe qua. Và một sự thật về mức độ “rùng rợn” mà bấy lâu nay người dân Sài thành luôn đồn thổi ở ngôi miếu cổ đầy ma mị được lật tẩy. Theo những gì tận mắt chứng kiến và lời giải thích của người lái đò, chúng tôi lờ mờ hiểu rằng âm thanh tiếng khóc, tiếng rên rỉ, tiếng cười khúc khích giữa đêm mà mọi người đồn đại đều bắt nguồn từ những trò dọa ma của đám cờ bạc hay lui tới đây cầu cơ là mang theo đĩa nhạc ai oán rồi mang đến ngôi miếu này mở bằng một chiếc đài nhỏ. Kể cả việc ông chèo đò thường làm việc từ giữa đêm đến 3h sáng cũng vì khách thường trả nhiều tiền hơn.

Cũng chính tiếng nhạc ai oán đó, người lái đò “kì dị” nói trên đã khiến những người dân nơi đây đồn đoán, thêu dệt biết bao nhiêu câu chuyện huyền bí về ngôi miếu nằm trên cánh đồng hoang của quận 8 này. Và hơn 15 năm qua, ngôi miếu trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ đối với người dân Sài Gòn, dẫu chỉ là nỗi sợ đến từ những câu chuyện truyền miệng.

Chỉ là lời đồn liêu trai

Qua trao đổi với PV, một số cán bộ tại P.15, Q.8 (TP. HCM) khẳng định, chuyện ngôi miếu cổ được xếp hạng là những địa danh rùng rợn nhất ở thành phố lần đầu tiên mới được nghe. Riêng chuyện ma mị thì hoàn toàn không có thật mà chỉ do một số dân cầu cơ, lô đề tự thêu dệt lên để nhằm tăng thêm sự linh thiêng cho ngôi miếu. Riêng hai người “cậu” Hành và “cô” Lan được thờ tại đó là ngày trước do uống thuốc tự tử. Sau đó, gia đình đau buồn nên đã đem di ảnh ra đặt tại ngôi miếu giữa sông thờ cúng và cả nhà chuyến đến nơi khác sinh sống.

Từ khóa » đình ông Q8