'Ông Lớn' Chuỗi Cà Phê Thái Lan Muốn Bành Trướng Thị Trường Việt ...

Cách đây ít ngày, lần đầu tiên chuỗi Café Amazon lên tiếng về kế hoạch của mình tại thị trường Việt Nam. Đại diện chuỗi này nói rằng, nơi đây vẫn là "điểm sáng" đầu tư trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.

"Nhận thấy tiềm năng phát triển lâu dài tại Việt Nam, chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng trên khắp cả nước trong tương lai", vị đại diện nói và cho biết riêng năm 2021 sẽ mở thêm nhiều cửa hàng ở TP HCM và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, công ty từ chối tiết lộ số lượng cửa hàng mục tiêu cụ thể.

Trước đó, vào tháng 10/2020, Café Amazon đã mở cửa hàng đầu tiên trong siêu thị Go! tại Bến Tre. Đến tháng 12, họ mở thêm 2 cửa hàng tại siêu thị Go! ở Mỹ Tho (Tiền Giang) và Trà Vinh cùng một cửa hàng độc lập trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP HCM.

Sở dĩ chọn các siêu thị Go! là nơi khai phá thị trường đầu tiên vì Café Amazon đến Việt Nam theo hình thức nhượng quyền độc quyền (Master Franchise), do ORCG mang về. Đây có thể là công ty chưa được nhiều người biết đến nhưng tập đoàn đứng sau lại là tên tuổi quen thuộc với ngành bán lẻ Việt Nam - Central Group.Tập đoàn này sở hữu chuỗi Go!. Hiện Central Group sở hữu 40% cổ phần của Café Amazon Việt Nam. Trong khi đó, 60% còn lại thuộc PTT Oil and Retail Business (PTTOR) của Thái Lan.

Café Amazon vào Việt Nam nhờ đó thừa hưởng một số lợi thế nhất định về mặt bằng, là các trung tâm thương mại có lưu lượng khách hàng nhộn nhịp của Central và kinh nghiệm cũng như sự am hiểu thị trường bán lẻ tại đây của họ.

Bên trong cửa hàng của Café Amazon trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận. Ảnh: ORCG.

Bên trong cửa hàng của Café Amazon trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận. Ảnh: ORCG.

Bản thân thương hiệu này cũng có "vốn liếng" là tiềm lực tài chính, kinh nghiệm khá mạnh trong giới kinh doanh chuỗi cà phê. Thương hiệu này được PTTOR thành lập năm 2002, sở hữu hơn 3.000 cửa hàng ở Thái Lan và 10 quốc gia trên thế giới bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Philipines, Malaysia, Singapore, Oman, Trung Quốc, Nhật Bản, cùng với Việt Nam là điểm đến thứ 10 trong kế hoạch mở rộng toàn cầu.

PTTOR là một thành viên của công ty dầu khí lớn nhất Thái Lan, PTT Public Company Limited (PTT). PTT đang có kế hoạch huy động 54 tỷ baht (1,8 tỷ USD) thông qua việc đưa PTTOR lên sàn trong năm nay.

Đầu tháng 1/2021, PPTOR công bố kế hoạch đầy tham vọng để phát triển các hoạt động kinh doanh cửa hàng xăng dầu và chuỗi Café Amazon trên toàn thế giới. Công ty định sẽ đầu tư 74,6 tỷ baht (2,5 tỷ USD) để phát triển hoạt động kinh doanh trạm xăng và mở rộng chuỗi Café Amazon lên 5.800 cửa hàng đến năm 2025.

Hiện nay, chỉ riêng tại Thái Lan, chuỗi Café Amazon có hơn 2.600 cửa hàng độc lập và nằm trong các trạm xăng. Allegra World Coffee Portal - nền tảng thông tin chuyên ngành về ngành cà phê của Anh, cho rằng đây là chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất tại Thái Lan.

Tuy nhiên, thị trường kinh doanh chuỗi cà phê tại Việt Nam vốn không dễ dàng, nhất là các chuỗi ngoại. 4 trên 5 chuỗi có doanh thu lớn nhất thị trường đang là các tên tuổi nội địa bao gồm Highlands, Phúc Long, The Coffee House và Trung Nguyên. Gương mặt ngoại duy nhất góp phần là Starbucks.

Thị trường này vốn đã chia tay hàng loạt thương hiệu ngoại từng đình đám tiến vào như: NYDC - New York Dessert Café, Gloria Jean`s Coffees, Espressamente Illy...

Tuy nhiên, khác với một số thương hiệu ngoại trung thành với menu và hương vị nguyên bản đặc trưng, những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Café Amazon đang khá sẵn sàng linh động để đáp ứng thị hiếu của người Việt.

Ngoài bán những dòng thức uống cà phê đặc trưng Thái Lan với nguyên liệu nhập từ nước này, họ còn bán cà phê đen, cà phê sữa, bạc xỉu đá Việt Nam với nguyên liệu được trồng tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Thậm chí, họ còn "tham chiến" cả mặt hàng trà nữa với những món theo trào lưu như trà đào, trà sữa trân châu đường đen, trà hoa ngũ sắc, trà sữa mần cây...

Đại diện thương hiệu này thừa nhận, Việt Nam là quốc gia có văn hóa thưởng thức cà phê độc đáo. Nhưng chuỗi của họ sẽ mang đến điểm giao thoa của hai nền văn hóa thưởng thức cà phê của Thái Lan và Việt Nam từ nguyên liệu, cách thức pha chế cho đến không gian lấy ý tưởng từ khu rừng nhiệt đới trong cửa hàng.

Viễn Thông

  • CEO Starbucks Việt Nam: 'Sức uống của người Việt hồi phục rất nhanh'

Từ khóa » Cafe Amazon Việt Nam