“Ông Lương Duy Hanh Tham Gia Kiểm Tra Formosa Chứ Không Phải ...

Ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường

PV: Dư luận đang đặt câu hỏi việc ông Lương Duy Hanh, nguyên Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường – người bị kỷ luật vì liên quan đến vụ việc Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển - xuất hiện cùng đoàn công tác của Tổng cục Môi trường tại Formosa Hà Tĩnh thời gian vừa qua?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài: Thứ nhất, Tổng cục Môi trường kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường của đơn vị này sau vụ việc xả thải gây ảnh hưởng môi trường biển miền Trung. Nội dung kiểm tra của đoàn đi vào kiểm tra chất lượng kỹ thuật, đi vào chuyên môn… các công trình xử lý môi trường của Formosa lắp đặt xem họ thực hiện có đúng tiêu chuẩn, yêu cầu hay không. Nếu chưa đúng thì đoàn sẽ yêu cầu họ lắp đặt cho bằng đúng. Kiểm tra này không phải thanh tra và không có xử phạt. Thông thường, các đợt kiểm tra này có mời các nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan liên quan để tham gia phối hợp.

PV: Tuy nhiên, việc ông Lương Duy Hanh vừa mới bị kỷ luật, điều chuyển nhưng lại được mời kiểm tra chính đơn vị mà mình liên quan. Điều này rất nhạy cảm, nhất là khi ông Hanh giữ vai trò là phó đoàn?

Những đoàn này sau khi đánh giá xong là kết thúc nhiệm vụ. Chức vụ của các thành viên trong đoàn (trưởng đoàn, phó đoàn) được phân công nhằm phân chia công việc, mỗi người phụ trách một nhóm kỹ thuật nào đấy để kiểm tra xem có đạt yêu cầu hay không. Ông Lương Duy Hanh được phân công làm phó đoàn trong đoàn công tác cuối tháng 9 tại Formosa là kiểm tra các công trình xử lý môi trường chứ không phải thanh tra. Việc phân công này do trưởng đoàn phụ trách, giao việc.

PV: Sau sự cố Formosa, Tổng cục Môi trường đã bao nhiêu lần tổ chức các đoàn công tác tại đơn vị này, thưa ông?

Trong năm 2017, kế hoạch giám sát việc khắc phục hậu quả các vi phạm của Formosa, Tổng cục Môi trường thành lập các đoàn theo kế hoạch để kiểm tra đánh giá các công trình như vậy, như việc lò vôi xảy ra sự cố; giám sát kiểm tra công trình vận hành lò thiêu kết và một số công trình bảo vệ môi trường khác; đoàn này thực hiện chủ yếu tập trung vào các vấn đề kỹ thuật.

PV: Cá nhân ông có phân vân khi Cục kiểm soát hoạt động môi trường đề xuất mời ông Lương Duy Hanh tham gia đoàn công tác tại Formosa hay không?

Khi xem xét thành phần đoàn có trường hợp ông Lương Duy Hanh, khi đó tôi có yêu cầu xem xét nhưng anh em kiến nghị, đây là công trình kỹ thuật; một số nhóm công trình kỹ thuật chưa có chuyên gia, cán bộ hiểu biết sâu nắm bắt được. Anh Hanh bị kỷ luật, cách chức nhưng vẫn là chuyên viên của Vụ Pháp chế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cục Kiểm soát môi trường đề xuất xin Vụ Pháp chế phối hợp, xin ý kiến lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Vụ Pháp chế về trường hợp anh Hanh. Sau khi báo chí phản ánh, tôi cũng đã điều chỉnh việc đề xuất anh Hanh tham gia phối hợp tại các đoàn công tác kiểm tra tại Formosa.

PV: Công việc của ông Hanh cụ thể là gì, thưa ông?

Cái này trưởng đoàn phân công, cụ thể là anh Hoàng Văn Thức. Với Formosa, anh Hanh là người kiểm tra công trình này ngay từ đầu nên theo dõi, nắm bắt rất sâu cả quá trình này. Việc anh Hanh tham gia là hỗ trợ cho đoàn.

Tôi cũng lưu ý cán bộ của mình, bây giờ làm môi trường không chỉ nhìn vào vấn đề chuyên môn, mà còn phải nhìn vào cả những vấn đề lớn hơn nữa là vấn đề nhân sự; lưu ý tính nhạy cảm của vấn đề, tính nhạy cảm của đối tượng mình quản lý từ đó đảm bảo được chuyên môn, đảm bảo được công việc chung.

PV: Như thế, trong quản lý theo lĩnh vực, về mặt nhân sự, cán bộ chuyên môn của Tổng cục Môi trường còn thiếu?

Vấn đề môi trường là vấn đề phức tạp, nhiều vấn đề mới, không có chuyên gia thậm chí không có cán bộ phụ trách về mảng đấy, ví dụ như lĩnh vực sản xuất pin mặt trời của Trina Solar…; nhiều vấn đề phức tạp chưa có chuyên gia.

Thứ hai, đối tượng mà môi trường quản lý hàng năm tăng theo cấp số nhân, hàng năm có thêm hàng trăm dự án sản xuất mới, khu đô thị mới nhưng lực lượng cán bộ rất mỏng… Nói chung, rất là áp lực. Chúng tôi đang cố gắng sắp xếp bộ máy, tổ chức công việc để huy động lực lượng cán bộ tham gia đảm bảo chuyên môn cụ thể.

PV: Vừa qua, Tổng cục Môi trường có đề án trình Bộ trưởng Bộ TN-MT về kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại bộ máy một số đơn vị trực thuộc Tổng cục, trong đó có Cục Kiểm soát kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường. Đây là nằm trong kế hoạch hay do những vụ việc xảy ra liên quan tới cán bộ của Cục này, thưa ông?

Hiện nay Chính phủ và Bộ TN&MT có chủ trương tổ chức tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Tổng cục đã tổ chức đánh giá toàn diện việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, xây dựng đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Tổng cục trình Bộ trưởng. Đề án đã được các bộ, ngành góp ý, hiện đang được Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Theo đề án này, số đầu mối các cục quản lý nhà nước trực thuộc Tổng cục Môi trường (trong đó có Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường) sẽ giảm từ 7 cục còn 4, chuyển đổi mô hình tổ chức của 3 cục thành vụ. Dự kiến sẽ giảm bớt 17 phòng, cán bộ lãnh đạo cấp phòng sẽ giảm 43 người.

Việc sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy tổ chức thực hiện theo Nghị quyết 39 đã đề ra; thứ hai, chúng tôi đã tiến hành lấy ý kiến bộ ngành từ tháng 6, tháng 7 trước khi xảy ra các vụ việc liên quan tới cán bộ của Cục này.

Từ khóa » Tiểu Sử ông Lương Duy Hanh