Ống Nhòm Nhìn được Khoảng Cách Bao Xa? - MeZOOM

Có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi: Mắt mình có thể nhìn xa được bao nhiêu chưa? Chắc hẳn, với câu hỏi này bạn đang lúng túng chưa biết trả lời thế nào phải không? Điều này dễ hiểu thôi, bạn có thể không nhìn rõ mặt người khác ở khoảng cách trên 50m nhưng bạn lại có thể thấy rõ tòa nhà ở khoảng cách trên 5km hay thậm trí bạn có thể nhìn thấy các vì sao cách chúng ta hàng trăm năm ánh sáng. Ở đây, nó phụ thuộc vào đối tượng mà bạn nhìn có kích thước to hay nhỏ. Vậy ống nhòm nhìn được khoảng cách bao xa? Ống nhòm cũng tương tự như mắt người, chúng ta khó mà biết được giới hạn nhìn thực sự của nó vì ống nhòm như một đôi mắt lớn hơn thứ hai của bạn.

Thực ra, cả ống nhòm cũng như mắt chúng ta đều có khả năng nhìn và lấy nét ở vô cực, khoảng nhìn này chỉ bị giới hạn bởi kích thước vật thể và độ chi tiết mà bạn muốn nhìn được. Và với ống nhòm thì nó còn phụ thuộc vào chất lượng, thông số kĩ thuật của ống nhòm và cách quan sát sao cho giữ được độ ổn định nhất. Vậy các thông số nào quyết định đến khoảng cách ống nhòm nhìn được, chúng ta cùng tìm hiểu ở bài viết này nhé!!!

1. Độ phóng đại của ống nhòm

Độ phóng đại của ống nhòm là một trong những thông số quan trọng quyết định tầm nhìn ống nhòm nhìn xa bao nhiêu. Với mắt thường độ phóng đại được quy ước là 1x (hay không phóng đại). Ống nhòm có độ phóng đại bao nhiêu x hiểu là khả năng quan sát của nó gấp bấy nhiêu lần thị lực ở trạng thái tốt nhất (không độ cận) của mắt thường. Ví dụ, ống nhòm có độ phóng đại 10x có khả năng quan sát vật thể gấp 10 lần mắt thường. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là sự so sánh tương đối, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tốt như: độ sáng của ảnh, chất lượng ống nhòm hay độ ổn định khi quan sát.

Khoảng cách tối đa có thể nhìn thấy một vật cụ thể qua ống nhòm bằng khoảng cách tối đa nhìn vật cụ thể đó bằng mắt thường nhân với độ phóng đạicủa ống nhòm. Ví dụ, mắt thường nhìn rõ được mặt người trong phạm vi 50m thì với ống nhòm có độ phóng đại 10x lần, bạn có thể nhìn rõ mặt người trong phạm vi 500m. Tuy nhiên, con số này có thể tăng hay giảm thêm tùy theo chất lượng quang học của ống kính mà bạn sử dụng. Vì vậy, với một ống nhòm chất lượng tốt trong tay, bạn có thể thoải mái “phóng” tầm mắt khi quan sát những vật ở xa mà mắt thường không thấy được.

Khi sử dụng ống nhòm, bạn cũng không cần quá chú trọng vào thông số phóng đại của ống nhòm vì khi độ phóng đại tăng thêm sẽ làm giảm sút chất lượng quang học và gia tăng các yếu tố bất lợi khác. Vì do phản xạ tự nhiên từ tay người. Độ phóng đại giúp phóng lớn hình ảnh bao nhiêu lần thì tình cờ cũng nhân lên bấy nhiêu lần sự rung tay của bạn khi cầm ống nhòm quan sát. Nếu vượt ngoài giới hạn, cho dù hình ảnh có tốt đến đâu cũng trở nên vô giá trị, sự bất ổn định sẽ làm bạn mệt mỏi và khó khăn khi quan sát.

2. Đường kính vật kính (khẩu độ) của ống nhòm

Một trong những thông số quyết định ống nhòm nhìn xa bao nhiêu đó là đường kính vật kính của ống nhòm, được tính theo mm. Ví dụ ống nhòm với thông số 7×50 nghĩa là thấu kính phía trước của ống nhòm (hay còn gọi là vật kính) sẽ có đường kính 50mm. Độ lớn của vật kính rất quan trọng đối với ống nhòm vì ống nhòm có vật kính càng lớn thì khả năng thu sáng càng mạnh, đồng nghĩa với việc ảnh khi quan sát sẽ rõ và nét hơn. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn luôn xét tới sự cân bằng và phù hợp giữa hai chỉ số độ phóng đại và kích cỡ vật kính để cho ra một trường nhìn ổn định với khoảng cách phù hợp.

Đường kính vật kính của thấu kính xác định lượng ánh sáng được thu thập và được gọi là kích thước khẩu độ. Khẩu độ càng lớn, ánh sáng càng mạnh, điều này giúp cho hình ảnh rõ nét hơn. Ví dụ, loại ống nhòm 10×50 có khả năng thu ánh sáng tốt hơn loại ống nhòm 10×42. Mặc dù cả hai loại ống nhòm có cùng độ phóng đại, nhưng ống nhòm 10×50 tạo ra những hình ảnh tương đối sáng hơn và sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm xem tuyệt vời.

ống nhòm nhìn xa

Ở đây, bạn có thể thấy sự khác biệt về độ sáng của ảnh giữa ống nhòm có đường kính vật kính 32mm, 42mm và 52mm (với độ phóng đại bằng nhau).

Như vậy, ống nhòm có đường kính vật kính càng lớn trường nhìn càng rộng và càng thu được nhiều ánh sáng cho hình ảnh quan sát sắc nét hơn, nhưng đường kính lớn cũng làm cho ống nhòm trở nên cồng kềnh và nặng hơn.

3. Hệ thống lăng kính của ống nhòm

Lăng kính là bộ phận phía bên trong lòng của ống nhòm, giúp cho hình ảnh khi quan sát được thuận chiều như khi được nhìn bằng mắt thường. Có hai loại kính thường được sử dụng làm ống nhòm đó là lăng kính đổi góc Porro và lăng kính dạng thẳng Roof.

Nguyên lý tạo ảnh của ống nhòm lăng kính Porro dựa trên nguyên tắc phản xạ trong toàn phần của ánh sáng khi gặp bề mặt lăng kính. Các tia sáng tạo ảnh được bảo toàn phần lớn trong quá trình truyền dẫn nên có tỷ lệ thu sáng cao, độ phân giải ảnh tốt nhưng điều này chỉ đúng với một số loại thủy tinh quang học nhất định, không phải tất cả mọi ống nhòm có lăng kính Porro đều có được thiết kế lăng kính phản xạ toàn phần.

Thậm chí ngay cả khi ống nhòm đó có lăng kính phản xạ toàn phần thì về lý thuyết là quá trình phản xạ sẽ xảy ra toàn phần, nhưng thực tế thì hiệu suất phản xạ không bao giờ đạt mức tuyệt đối 100% mà vẫn có một lượng ánh sáng nhỏ bị thất thoát trong quá trình phản xạ trên lăng kính Porro.

Còn nguyên lý tạo ảnh loại ống nhòm có lăng kính dạng Roof, tuy cũng dựa trên nguyên tắc phản xạ của ánh sáng, nhưng quá trình phản xạ tia sáng của lăng kính Roof không được tối ưu như thiết kế lăng kính Porro, một bộ phận rất nhỏ ánh sáng bị thất thoát và lệch pha (lệch sóng) trong quá trình truyền dẫn kiến chất lượng ảnh bị giảm sút đôi chút.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều ống nhòm lăng kính Roof được trang bị thêm công nghệ tráng phủ dielectric – lớp phủ siêu bền chắc với khả năng phản xạ trên 99.8% lượng ánh sáng nhận được và lớp phủ hiệu chỉnh để chống lệch pha các bước sóng ánh sáng, khiến chất lượng ảnh của ống nhòm có lăng kính Roof không thua kém gì (thậm chí tốt hơn) chất lượng ống nhòm có lăng kính Porro.

4. Trường nhìn của ống nhòm

Thông số quan trọng mà bạn cần quan tâm và chú ý đến nhất đó chính là trường nhìn của ống nhòm. Trường nhìn là khoảng nhìn, vùng nhìn được khi đặt mắt vào ống nhòm, thông số này được đo trên chuẩn mực tiêu cách ống nhòm 1000 mét / yards. Thông số này biểu thị độ mở của ống nhòm tức là phần diện tích xung quanh ống nhòm có thể quan sát được mà không cần di chuyển ống nhòm, rất nhiều bạn hiểu nhầm thông số này là khả năng nhìn xa được của ống nhòm.

Ví dụ: Ống nhòm có trường nhìn là 122/1000m, hoặc Field 7.2 o thì rất nhiều bạn cho rằng ống nhòm có khả năng nhìn xa được 1000m, nhưng không phải. Mà là ở khoảng cách 1000m thì ống nhòm có thể nhìn rộng ở pham vi 122m. Ống nhòm có trường nhìn lớn sẽ cho bạn vùng nhìn rộng lớn, tầm nhìn xa hơn, màu sắc sẽ sáng và đậm màu hơn so với các ống nhòm có trường nhìn nhỏ.

ống nhòm nhìn xa
Ví dụ ống nhòm 8×25 với trường nhìn 5,6o và ống nhòm 8×42 trường nhìn 7,0o

Thường thì ống nhòm có trường nhìn tốt nhất là lớn hơn 100 mét / yards tại 1000 mét / yards, tại trường nhìn này sẽ cho chúng ta được hình ảnh chuẩn nhất, không bị mỏi mắt trong quá trình quan sát dài lâu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà bạn nên chọn loại ống nhòm có độ phóng đại phù hợp để quan sát trong phạm vi trường nhìn rộng hay hẹp.

Kết luận:

Khi tìm hiểu xem ống nhòm nhìn được xa bao nhiêu thì ngoài việc chú trọng đến độ phóng đại, đường kính vật kính, thì bạn cũng cần quan tâm đến chất lượng ống nhòm, dụng cụ bổ trợ (chân đế, giá đỡ, hệ thống tinh chỉnh nếu có….). Ngoài ra, cần chú ý điều kiện quan sát và rèn luyện kỹ năng quan sát là bạn đã có thể quan sát tốt các đối tượng trong tầm ngắm với một ống nhòm đủ tiêu chuẩn chất lượng.

Chúc các bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích để lựa chọn cho mình chiếc ống nhòm phù hợp. Nếu bạn có câu hỏi hay thắc mắc gì hãy liên hệ ngay với meZOOM để được giải đáp, hỗ trợ nhiệt tình.

Thân ái !

Từ khóa » Thông Số Của ống Nhòm