Ông Trưởng Ban Quản Lý đền Lộng Hành, Ngang Ngược, Bất Chấp ...

Đền Hai Bà Trưng (quận Bình Thạnh, TP. HCM) nơi diễn ra vụ việc

Bà Lê Thị Dinh (sinh năm 1960) trú đền Hai Bà Trưng, đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, (TP.HCM) cho biết, ngôi đền có lịch sử thành lập từ năm 1958 đến nay. Theo đó, vào ngày 1/4/1958, hội Phủ Giầy tương tế có gốc gác từ Nam Định di cư vào Nam, đã mua lại thửa đất tại số 23 Hoàng Hoa Thám ngày nay với giá 400 nghìn đồng. Ngôi đền Hai Bà Trưng được xây dựng trên thửa đất trên, nhằm mục đích tế tự, làm miếu thờ mẫu và hai vị nữ anh hùng Hai Bà Trưng. Năm 1994, bà Dinh được người cô ruột là cụ Lê Thị Minh đang nắm quyền trông coi ngôi đền này đưa vào phụ giúp công việc dọn dẹp, hương khói…

Bà Dinh nói, năm 2011, ông Trần Lê Tuấn được người chú của mình là Trần Lê Vũ (từng là Trưởng ban quản lý đền) ủy nhiệm cho làm Trưởng ban quản lý, ông Tuấn đã gửi hồ sơ lên UBND quận Bình Thạnh đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại đền Hai Bà Trưng, đức Thánh mẫu Phủ Giầy nhưng không được giải quyết. Đến nay, ông Tuấn lại tiếp tục cho rằng đó là tài sản của dòng họ mình. Trong khi đó đền không thuộc tài sản của riêng ai, đó là của “bách gia trăm họ”, khiến người dân bức xúc. “Khi ông Tuấn đến làm việc, tự xưng rằng mình là Thiếu tá công an, chúng tôi đã gửi đơn đến phường, quận nhờ xác minh lại thông tin. Phía cơ quan chức năng đã gửi văn bản trả lời Ông Trần Lê Tuấn không phải là cán bộ công an, mà chỉ là giả danh” - Bà Dinh nói thêm.

Cũng theo bà Dinh, ban đầu khi mới nhận chức, ông Tuấn giải quyết công việc của đền rất tốt. Nhưng thời gian đó, ông này tỏ thái độ “hống hách” có những hành vi khiến nhiều người bức xúc. Tự cho rằng đền Hai Bà Trưng là của dòng tộc họ Trần Lê xây dựng, nên không ai có quyền can thiệp vào công việc của đền ngoài người trong họ này. Dù ban quản lý đương nhiệm hiện nay vẫn còn được chính quyền công nhận, nhưng ông Tuấn vẫn tìm cách bãi nhiệm, đuổi 2 thành viên này không cho sinh hoạt tại đền. Sau nhiều lần đuổi bà Dinh và một số người khác bất thành, ông Tuấn đã cho người đập khóa cửa phòng họ, thay bằng ổ khóa khác. Hai bên xảy ra cãi cọ, ông Tuấn đã đẩy bà Dinh ngã xuống sân đền trước sự chứng kiến của Công an phường 6 và công an 113.

Bà Lê Thị Dinh đang trình bày lại vụ việc với PV

Sau đó, bà Dinh đã có đơn kiện hành vi này của ông Tuấn đến cơ quan chức năng. Chưa dừng lại ở đó, vị Trưởng ban quản lý đền còn gây hấn cắt điện, nước, khóa nhà vệ sinh không cho họ sử dụng đến nay. Ông Trần Văn Nhiều (SN 1954, chồng bà Ngọc, nguyên là thư ký đền ) trình bày: “Vì quá tức giận, chúng tôi đã đôi co nặng lời với Tuấn. Nhưng ông ta đã cùng một số người khác dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu, mặt tôi. Ngay lúc đó công an phường 6 cũng đã có mặt lập biên bản. Tôi đã đi đến bệnh viện giám định thương tích và chụp hình làm bằng chứng. Gia đình tôi đưa đơn tố cáo và đến nay đang chờ kết luận của các cơ quan chức năng”.

Vết thương trên mặt ông Nhiều vừa bị đánh dẫn tới thương tật

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Lê Tuấn cho biết, "Ngôi đền trên của dòng họ Trần Lê chúng tôi lập nên và hiện đang" tiếp tục xin quận Bình Thạnh cấp chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình”. Trả lời về việc đánh đuổi, cắt điện nước và khóa nhà vệ sinh không cho bà Dinh, bà Ngọc và ông Phán vào sử dụng, ông Tuấn nói “Trước đây, bà Dinh vào được đền là nhờ vào người cô đã mất. Ông Phán là bảo vệ đền. Họ tự cho là Phó ban quản lý, người kiêm thủ quỹ. Nhiều năm ở đây, họ gây tai tiếng cho nhà đền, ông Phán thường xuyên gọi người tới đây nhậu nhẹt, đập phá đồ đạc. Tất cả họ không phải người của dòng họ Trần Lê này, không liên quan gì đến ngôi đền. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu đi khỏi đền, nhưng vẫn cứ ở cho đến nay” và phủ nhận việc hành hung người khác. Liên quan đến vụ việc này, bà Tần Thị Thu Lan, Chủ tịch UBND phường 6, quận Bình Thạnh, (TP.HCM) cho biết, “Ban quản lý đền tự phát do ông Tuấn dựng, nên không thông qua bầu cử công khai dân chủ. Đền thờ Hai Bà Trưng và Mẫu Phủ Giầy không phải là tài sản do dòng họ Trần Lê của ông Tuấn lập nên. Đây là tài sản chung của nhân dân, vì vậy phải giữ nguyên hiện trạng của đền, không ai được thay đổi di dời bất cứ vật dụng gì. Việc ông này tự cho là Thiếu tá công an chỉ là giả danh, không có thật nhằm chiếm đoạt tài sản, chính quyền sẽ xử lý dứt điểm. Trước hết, UBND phường yêu cầu ông Tuấn không được cắt điện, nước trong thời gian quận tổ chức bầu lại ban quản lý mới của đền, nhưng ông này vẫn không thực hiện”.

Đức Vượng

Từ khóa » đền Thờ Hai Bà Trưng Hoàng Hoa Thám