Ori And The Will Of The Wisps - Đánh Giá Game - Vietgame Asia

Ori and the Will of the Wisps – Là hậu bản của tựa game đi cảnh phong cách Metroidvania xuất sắc Ori and the Blind Forest từng khiến cộng đồng game chao đảo với phong cách hình ảnh xuất sắc, âm nhạc tuyệt vời và lối chơi thú vị dù còn một số hạn chế nhất định.

Với tư cách một hậu bản mất tới 5 năm phát triển và một game tiền nhiệm xuất sắc như vậy, Ori and the Will of the Wisps phải làm rất nhiều để có thể xứng đáng với cái tên của mình.

May thay, Moon Studios đã cho ta một phần tiếp theo trên cả tuyệt vời, tiếp tục phát huy những gì Ori and the Blind Forest làm tốt và mở rộng game với nhiều ý tưởng thú vị khác.

Vậy cụ thể họ đã làm thế nào, hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu nhé!

[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
Will of the Wisps

MỘT THẾ GIỚI THẦN TIÊN

Thế giới của Ori and the Will of the Wisps giữ nguyên tinh thần của game tiền nhiệm khi vẫn lung linh, tráng lệ đến choáng ngợp!

Từng nhành cây, ngọn cỏ của game được vẽ tay và điểm sáng cực kì tinh tế và sống động cùng hình ảnh nền không kém phần chi tiết, và sự đa dạng của phong cách hình ảnh game càng khiến trải nghiệm trực quan của Ori and the Will of the Wisps thực sự đặc biệt hơn nữa.

Game là một bản đồ rộng lớn với nhiều phân đoạn, và mỗi phân đoạn có một phong cách hình ảnh đặc trưng đầy thú vị, lấy ví dụ như phân đoạn mà người viết thích nhất là Baur’s Reach, một khu vực tuyết phủ trắng xóa.

Khu vực này chiếm chủ yếu bởi những gam màu lạnh và màu trắng của tuyết, nhưng được “tô điểm” bằng những cành lá vàng và những chiếc lồng đèn cháy âm ỉ, khiến bức tranh toàn cảnh trông thực sự đầm ấm, như một quang cảnh thiên nhiên mà người chơi cùng Ori được hòa mình vào khám phá, phiêu lưu, điều này tách biệt với rừng cây xanh ngắt và đầy sức sống ở những màn chơi khác, khiến cho mình thực sự hào hứng mỗi khi “tìm ra” khu vực mới này.

Will of the Wisps

Tất nhiên người viết sẽ không tiết lộ thêm những quang cảnh thú vị khác trong game, điều đó các bạn sẽ phải tự khám phá, nhưng hãy mong đợi một sự đa dạng trong phong cách hình ảnh lung linh, tráng lệ và hết sức thần tiên của game!

Tuy lung linh và tráng lệ như vậy, nhưng game không “quên” vai trò chính của game là giúp người chơi vượt qua những thử thách mình đặt ra, vì vậy, game đã hết sức tinh tế dùng mặt hình ảnh để cho người chơi biết đâu là nguy hiểm, đâu là lối đi bằng phong cách tráng lệ của mình, cũng không quên “ngầm” hướng dẫn người chơi những lối đi khám phá bí mật bằng phong cách hình ảnh tráng lệ của mình, khiến cho cái đẹp của Ori and the Will of the Wisps hiếm khi nào có cảm giác “thừa thãi” hay phô trương không cần thiết, mà là một nhân tố quan trọng đồng hành cùng người chơi trong chuyến phiêu lưu của mình.

[su_quote]cái đẹp của Ori and the Will of the Wisps hiếm khi nào có cảm giác “thừa thãi” hay không cần thiết[/su_quote]
Will of the Wisps

Tất cả sự diệu kì về mặt hình ảnh đó, hòa với bản soundtrack tuyệt hảo từ nhà soạn nhạc tài ba Gareth Coker là một trải nghiệm thực sự đặc biệt.

Những phân đoạn gay cấn được đệm các bản nhạc thính phòng hoành tráng và dồn dập, những phân đoạn chậm hơn thì tiết tấu nhạc chậm lại, du dương và kéo người chơi vào thế giới lung linh đó, khiến cho người chơi càng hào hứng khám phá hơn.

CẠM BẪY VÀ NGUY HIỂM

Về mặt hình ảnh và âm thanh, Ori and the Will of the Wisps đã không khiến người hâm mộ thất vọng trong việc truyền tải, vậy còn lối chơi của game thì sao?

May mắn thay, những ưu điểm của phiên bản trước đó được game phát huy tối đa, còn những khuyết điểm thì được “sửa” một cách kĩ lưỡng.

Lối chơi của game có hai nhân tố chính là phần “platforming” – đi cảnh và chiến đấu, và game yêu cầu người chơi phải thuần thục và chính xác trong cả hai nhân tố đó.

Trước tiên, hãy nói về đi cảnh – platforming.

Tương tự với phần đầu, phần di chuyển của game vẫn rất phức tạp, nhưng giờ được thêm nhiều kĩ năng mới, bao gồm Grapple – Ori tung ra một sợi dây và “kéo” mình về phía những mục tiêu định trước, Dash – Ori phóng mình về phía trước một khoảng dài, kể cả ở trên không trung, Glide – lượn trên không và Burrow – Ori đào một đường hầm xuống lòng đất và liên tục di chuyển về phía trước.

Tất cả những kĩ năng này kết hợp cùng với những kĩ năng đã có từ bản đầu như Bash, nhảy đúp… khiến cho giờ đây sự đa dạng của các câu đố đi cảnh được nâng lên một tầm cao mới.

Toàn bộ các kĩ năng cần thiết mà người chơi cần để tịnh tiến trong game thường sẽ được “mở khóa” trong 4 tiếng đầu chơi game, sau đó sẽ có một số kĩ năng nhất định mà bạn phải tới một “vùng” nhất định mới có.

Từ đó khiến cho việc di chuyển từ nơi A đến nơi B của Ori and the Will of the Wisps thực sự thú vị.

Hiếm khi nào người chơi phải kết hợp toàn bộ kĩ năng lại với nhau, nhưng việc di chuyển bình thường cũng đôi lúc khiến người chơi đau đầu “xâu chuỗi” những phân đoạn kết hợp kĩ năng lại, tuy nhiên chúng cũng xen kẽ kèm theo những phân đoạn đầy chông gai (theo nghĩa đen!) yêu cầu người chơi phải nghĩ thật nhanh để có thể kết hợp những kĩ năng đó một cách chính xác để có thể vượt qua.

Cao trào nhất là những phân đoạn rượt đuổi căng thẳng giữa Ori và trùm, yêu cầu người chơi phải phản ứng nhanh trong việc xâu chuỗi kĩ năng, khiến những màn rượt đuổi này trở thành một bài kiểm tra kĩ năng của người chơi, yêu cầu họ phải nghĩ nhanh, phản ứng thật nhanh và chính xác, như phần của lại của game, nhưng giờ đây dưới âm nhạc dồn dập và một con quái vật khổng lồ rượt theo!

[su_quote]điểm sáng lớn nhất của Ori and the Will of the Wisps lại là những màn đấu trùm[/su_quote]

Một trong những phàn nàn thường thấy về phiên bản Ori and the Blind Forest là dường như cơ chế chiến đấu và kẻ thù của game có phần nhạt nhòa quá, dường như nghe được điều này, Moon Studio đã biến hậu bản trở thành một tựa game Castlevania chính hiệu dưới phong cách của riêng họ, khi giờ đây, chiến đấu được đầu tư kĩ lưỡng không kém gì các tựa game phong cách Metroidvania khác hiện nay.

Điểm đổi mới đầu tiên là giờ đây người chơi được cung cấp rất nhiều,… vũ khí!

Từ thanh gươm ánh sáng Spirit Edge, tới ngọn giáo Spike, hay sự trở lại của chú tinh linh bắn ra những tia sáng khi đi cùng Ori…

Will of the Wisps

Những vũ khí này được cung cấp cho người chơi thông qua các Spirit Tree hoặc người chơi mua bằng điểm spirit ở một NPC có tên là Opher, và người chơi được chọn tối đa 3 kĩ năng một lần.

Sở dĩ bộ kĩ năng của Ori được trau chuốt đến như vậy vì thiết kế kẻ thù của game đã được nâng tầm lên rất nhiều.

Kẻ thù trong game rất nhiều và rất hung hãn, chúng sẽ lao đến, nhảy lên hoặc bay tới chỗ Ori liên tục, yêu cầu người chơi phải nghĩ nhanh giữa việc sử dụng những kĩ năng điều khiển đám đông, hoặc có tầm xa hoặc sát thương cao để xử lý những kẻ thù này, cộng thêm việc hầu hết các kĩ năng di chuyển của game đều có thể áp dụng vào chiến đấu một cách hoàn hảo, như Bash để biến đòn đánh của kẻ thù thành một vũ khí của Ori, hay Dash để né khỏi nguy hiểm.

Cơ chế chiến đấu trong game thực sự có chiều sâu và khiến người viết hào hứng với mọi cuộc đụng độ, vì đây là những thử thách thực sự yêu cầu người chơi phải linh hoạt và thuần thục trong việc sử dụng và kết hợp kĩ năng chiến đấu, cùng với việc tung hứng giữa các kĩ năng di chuyển

Tuy nhiên, điểm sáng lớn nhất của Ori and the Will of the Wisps lại là những màn đấu trùm.

Những con trùm to lớn chiếm nửa màn hình với vô số đòn đánh “hủy diệt” thực sự mới là thử thách khó nhằn, với sự thuần thục trong việc kết hợp kĩ năng chiến đấu của người chơi, cũng như các màn trùm rượt đuổi là thử thách số một trong việc kết hợp kĩ năng di chuyển vậy.

Tất cả chúng, đều có một bộ kĩ năng hết sức đặc trưng!

NÀO TA CÙNG KHÁM PHÁ!

Vì là một game theo phong cách Metroidvania, nên việc khám phá trong Ori and the Will of the Wisps đóng vai trò hết sức quan trọng, người chơi sẽ phải liên tục đi tìm những nâng cấp cho nhân vật cũng như “phần thưởng” được bố trí rải rác khắp bản đồ.

Vậy điều đó ảnh hưởng đến nhịp độ game ra sao?

Người viết rất vui khi được nói với các bạn rằng nhịp độ của game là HOÀN HẢO!

Một trong những điều không ưng ý lớn nhất của người viết thường thấy với game có phong cách “metroidvania”: nhịp game thường bị hẫng đi mỗi khi người chơi muốn khám phá lại một khu vực cũ.

Việc này xảy ra trong Ori khá nhiều, nhưng lần này, với bộ kĩ năng khá phức tạp, cộng thêm nhà phát triển “đoán” được hướng đi khám phá lại của người chơi nên họ đã đặt những lối đi cực kì tinh tế làm cho nhịp độ game không bao giờ bị hẫng, những phân khúc trùm/cao trào được giữ nhịp và xây dựng phải nói là hoàn hảo, khiến cảm giác hào hứng sau mỗi phân đoạn khám phá/chiến đấu của người viết không bao giờ bị “nhạt nhòa” khi chơi game.

Nhà phát triển game thực sự ý thức được người chơi muốn làm gì và sẽ làm gì chứ không bỏ các phần thưởng rải rác cho có.

Cùng với việc game “thêm” một nhân vật mới có tên Lupo, người sẽ “bán” cho Ori những tấm bản đồ của khu vực đó càng khiến cho sự khám phá của game như dễ dàng hơn.

[su_quote]nhịp độ game không bao giờ bị hẫng, những phân khúc trùm/cao trào được giữ nhịp và xây dựng phải nói là hoàn hảo[/su_quote] [su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]

NHỮNG LỖI VẶT KHÔNG ĐÁNG CÓ

Ori and the Will of the Wisps hoàn toàn có thể là một tựa game hoàn mỹ nếu không vì… lỗi (bug) vặt nhiều quá.

Người viết mất khá nhiều thời gian với bài đánh giá này vì mắc phải một lỗi game khủng khiếp không chơi tiếp được: những cảnh vật quan trọng trong việc tịnh tiến bỗng dưng biến mất và màn hình bỗng dưng đen sì, thế nên người viết đành phải ngậm ngùi… chơi lại từ đầu.

Không những thế, những lỗi vặt về âm thanh bị rè, hoặc… biến mất luôn rất nhiều, chưa kể khung hình cứ lâu lâu tụt hẳn xuống dưới 30fps khiến người viết “chết tức tưởi” thực sự khiến game cảm thấy không vui nữa!

Dù bạn có là người dễ dãi với những lỗi thế này nhưng chúng quá nhiều, khiến cho việc trải nghiệm liên tục “gập ghềnh”, rất may là nhiều lỗi trong số đó đã được vá ngay lập tức, nhưng của chúng đã ảnh hưởng chung đến trải nghiệm chơi khá nhiều, thật không đáng có chút nào!

[su_quote]Ori and the Will of the Wisps hoàn toàn có thể là một tựa game hoàn mỹ nếu không vì… lỗi (bug) vặt nhiều quá.[/su_quote]

THÔNG TIN

  • Sản xuất: Moon Studios
  • Phát hành: Microsoft
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 11/03/2020
  • Hệ máy: Windows, Xbox One,

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows (64bits only) 7 / 8 / 8.1 / 10
  • CPU: AMD Athlon X4 | Intel Core i5 4460 1.8GHz
  • RAM: 8GB
  • VGA: Nvidia GTX 950 | AMD R7 370
  • HDD: 20 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: AMD Ryzen 7 3750H
  • RAM: 16 GB
  • VGA: NVIDIA GTX 1660ti
  • SSD: Samsung SSD 850 EVO 250GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI VIETGAMECHƠI TRÊN HỆ PC

Từ khóa » Game ỏi