Oxytocin - Dược Thư
Có thể bạn quan tâm
Tên chung quốc tế: Oxytocin.
Mã ATC: H01B B02.
Loại thuốc:Thuốc thúc đẻ - Hormon thùy sau tuyến yên.
Dạng thuốc và hàm lượng
Ống tiêm : 1 ml chứa 2 đơn vị, 5 đơn vị, 10 đơn vị; óng tiêm có loại 2 đơn vị /2 ml, 5 đơn vị/ 5 ml; Lọ nhỏ mũi 5 ml, 40 đơn vị/ ml.
Chế phẩm có bán trên thị trường thường là dạng oxytocin tổng hợp, pH của dung dịch tiêm được điều chỉnh đến 2,5 - 4,5 bằng acid acetic. Hiệu lực của oxytocin được tính theo hoạt tính hạ huyết áp trên gà. Mỗi đơn vị tương ứng với 2 - 2,2 microgam hormon tinh khiết.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Oxytocin dùng để gây sẩy thai, gây chuyển dạ đẻ hoặc thúc đẻ và để giảm chảy máu nơi nhau bám. Oxytocin gây co bóp tử cung với mức độ đau thay đổi tùy theo cường độ co bóp tử cung. Oxytocin là một hormon nonapeptid, oxytocin ngoại sinh cũng có tất cả các tác dụng dược lý như oxytocin nội sinh.
Oxytocin kích thích gián tiếp lên co bóp cơ trơn tử cung bằng cách làm tăng tính thấm natri của sợi tơ cơ tử cung. Nồng độ cao estrogen làm hạ thấp ngưỡng đáp ứng của tử cung với oxytocin. Tử cung đáp ứng với oxytocin tăng theo thời gian mang thai và cao hơn ở người đang chuyển dạ; chỉ liều rất cao mới gây co bóp tử cung ở đầu thai kỳ. Tử cung đến hạn đẻ co bóp do oxytocin gây ra giống như khi chuyển dạ đẻ tự nhiên. Ở tử cugn đến hạn đẻ, oxytocin làm tăng biên độ và tần số cơn co tử cung, đồng thời làm giảm hoạt động của cổ tử cung nên làm giãn, làm cổ tử cung mở hết và nhất thời cản trở máu tới tử cung.
Oxytocin gây co bóp tế bào cơ biểu mô quanh nang tuyến sữa, làm sữa từ các nang tuyến sữa dồn vào các ống dẫn lớn hơn, vì vậy oxytocin làm sữa dễ chảy ra. Oxytocin không phải là chất tăng sinh sữa.
Oxytocin gây giãn mạch, tăng lưu lượng máu tới thận, mạch vành và não. Huyết áp thường không thay đổi, nhưng sau khi tiêm tĩnh mạch liều cao hoặc dung dịch không pha loãng, huyết áp có thể giảm thoáng qua, tim đập nhanh và cung lượng tim tăng do phản xạ. Bất kỳ một giảm huyết áp nào lúc đầu thường kéo theo tăng huyết áp nhẹ nhưng kéo dài sau đó.
Trái với vasopressin, oxytocin có tác dụng chống bài niệu yếu; tuy nhiên ngộ độc nước có thể xảy ra khi dùng oxytocin với một thể tích quá nhiều dịch truyền không có chất điện giải và/hoặc tiêm truyền quá nhanh.
Oxytocin bị chymotrypsin phân hủy ở hệ tiêu hóa. Sau khi tiêm tĩnh mạch oxytocin, tử cung đáp ứng hầu như ngay lập tức và giảm xuống trong vòng 1 giờ. Sau khi tiêm bắp, tử cung đáp ứng trong vòng 3 - 5 phút và kéo dài 2 - 3 giờ. Sau khi tiêm tĩnh mạch với liều 100 - 200 mili đơn vị, tác dụng gây chảy sữa của oxytocin xảy ra trong vòng vài phút và kéo dài khoảng 20 phút. Oxytocin được phân bố khắp dịch ngoại bào. Một lượng nhỏ oxytocin có thể vào vòng tuần hoàn thai nhi. Oxytocin có nửa đời trong huyết tương khoảng 3 - 5 phút. Thuốc bị phân hủy nhanh ở gan và thận. Oxytocinase là enzym trong tuần hoàn được sản xuất sớm từ đầu thai kỳ cũng có khả năng làm mất hoạt tính cuả oxytocin. Chỉ một lượng nhỏ oxytocin thải trừ vào nước tiểu ở dạng không đổi.
Chỉ định
Gây chuyển dạ đẻ cho các người mang thai đến hoặc sắp đến hạn đẻ mà nếu tiếp tục mang thai có thể có nguy cơ cho mẹ hoặc thai (thí dụ, thai phụ bị đái tháo đường, tăng huyết áp, suy nhau thai...).
Thúc đẻ khi tăng chuyển dạ kéo dài hoặc do đờ tử cung.
Phòng và điều trị chảy máu sau đẻ.
Gây sẩy thai (sẩy thai không hoàn toàn, thai chết lưu).
Chống chỉ định
Cơn co tử cung cường tính, tắc cơ học đường sổ thai; suy thai khi chưa đẻ; trường hợp không thể đẻ theo đường tự nhiên được (ví dụ: không tương ứng kích thước giữa đầu thai nhi và khung chậu, ngôi bất thường, nhau tiền đạo, mạch tiền đạo, nhau bong non, sa dây nhau, dễ bị vỡ tử cung do mang thai nhiều lần, đa ối, hoặc có sẹo tử cung do phẫu thuật, kể cả sẹo nạo thủng, bóc nhân xơ tử cung); tránh dùng thuốc kéo dài ở người bị đờ tử cung trơ với oxytocin, nhiễm độc thai nghén, sản giật, hoặc bệnh tim mạch. Người bệnh có tiền sử quá mẫn cảm với thuốc.
Thận trọng
Chỉ các cán bộ chuyên khoa cao trong bệnh viện có sẵn phương tiện chăm sóc tăng cường và phẫu thuật mới được dùng oxytocin. Trong khi dùng oxytocin, phải theo dõi liên tục cơn co tử cung, tần số tim thai nhi và mẹ, huyết áp mẹ và nếu có thể, áp lực trong tử cung, để tránh các biến chứng. Nếu xảy ra co tử cung cường tính, phải ngừng ngay oxytocin. Kích thích tử cung co do oxytocin thường giảm ngay sau khi ngừng thuốc.
Vì oxytocin có thể gây một vài tác dụng chống bài niệu, nên được khuyến cáo hạn chế đưa dịch vào cơ thể, tránh dùng các dịch tiêm truyền nồng độ natri thấp. Tránh dùng oxytocin liều cao trong giai đoạn dài, và giám sát lượng dịch đưa vào, thải ra trong khi dùng thuốc.
Thời kỳ mang thai
Oxytocin không được dùng trong 3 hoặc 6 tháng đầu thai kỳ, trừ trường hợp sẩy thai tự nhiên hay gây sẩy thai. Oxytocin không gây dị dạng thai khi dùng theo chỉ định, tuy nhiên có thể gây tác hại khác không phải quái thai.
Thời kỳ cho con bú
Oxytocin có thể vào sữa mẹ một lượng nhỏ. Khi cần điều trị oxytocin sau đẻ (kiểm soát chảy máu nặng), chỉ cho con bú sau khi ngừng thuốc ít nhất 1 ngày.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
ít gặp, 1/100 > ADR > 1/1000
Chuyển hóa: Tác dụng chống bài niệu, có thể gây ngộ độc nước thoáng qua kèm đau đầu và buồn nôn.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Toàn thân: Phản ứng phản vệ.
Da: Ban da, mày đay.
Hô hấp: Phù thanh quản.
Liều cao hoặc tử cung quá mẫn cảm với oxytocin: tăng trương lực tử cung, co thắt, co cứng tử cung hoặc vỡ tử cung.
Liều lượng và cách dùng
Gây chuyển dạ đẻ
Oxytocin nên truyền tĩnh mạch chậm bằng bơm điện. Thường dùng dung dịch chứa 5 đơn vị, pha trong 500 mldung dịch natri clorid 0,9 % hoặc dung dịch Ringer lactat hoặc dung dịch dextrose 5%, 10 mili đơn vị/ml, nhưng cũng có thể dùng dung dịch đậm đặc hơn truyền qua bơm điện. Tốc độ truyền ban đầu là 0,5 - 4 mili đơn vị (0,0005 - 0,004 đv)/phút, (ở Mỹ khuyến cáo tốc độ không quá 2 mili đơn vị (0,002)/phút), sau đó thêm tăng dần từ 1 - 2 mili đơn vị (0,001 - 0,002 đv)/phút, cách nhau ít nhất 20 phút, cho tới khi có cơn co tử cung như chuyển dạ bình thường. Tốc độ tới 6 mili đơnvị/phút (0,006đv/phút) đã được báo cáo cho nồng độ oxytocin huyết tương giống như khi chuyển dạ đẻ tự nhiên, nhưng cũng có thể phải dùng đến liều tới 20 mili đơn vị (0,02 đv)/phút hoặc hơn. Một khi chuyển dạ đã tiến triển, có thể ngừng dần dần tiêm truyền oxytocin. Phải giám sát liên tục tần số tim thai và cơn co tử cung.
Ghi chú: dung dịch nồng độ 10 mili đơn vị/phút. Truyền 6 ml/giờ sẽ cho 0,001 đv/phút.
Mổ lấy thai:Tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị ngay sau khi lấy thai ra.
Phòng chảy máu sau khi đẻ,sau khi đã xổ nhau:
Ngay sau khi bong nhau, tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị (nếu đã tiêm truyền tĩnh mạch để gây chuyển dạ đẻ hoặc thúc đẻ, tăng tốc độ truyền trong giai đoạn 3 và trong một vài giờ sau).
Chú ý: Có thể tiêm bắp ergometrin thay cho oxytocin nếu không cần tác dụng nhanh.
Ðiều trị chảy máu sau khi đẻ: Tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị, trong trường hợp nặng sau đó có thể tiêm truyền tĩnh mạch 5 - 20 đơn vị/ 500ml trong dịch pha không hydrat hóa (thí dụ dung dịch glucose 5%) với tốc độ thích hợp để kiểm soát đờ tử cung.
Chú ý: Tránh tiêm tĩnh mạch nhanh (có thể gây tụt huyết áp nhất thời), cần tiêm chậm.
Sẩy thaithường, nhất là thai chết lưu:Tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị, sau đó nếu cần thiết tiêm truyền tĩnh mạch 0,02 - 0,04 đơn vị/ phút hoặc nhanh hơn.
Chú ý: Tiêm truyền tĩnh mạch kéo dài với lượng lớn có thể gây ngộ độc nước cùng với hạ natri huyết.
Tương tác thuốc
Dùng cyclopropan gây mê phối hợp với dùng oxytocin sẽ gây hạ huyết áp.
Oxytocin sử dụng đồng thời với dinoproston có thể gây tăng trương lực cơ tử cung. Oxytocin làm chậm tác dụng gây mê của thiopental.
Ðộ ổn định và bảo quản
Oxytocin tiêm nên được bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn 15 - 250C, nhưng không nên để đông băng.
Tương kỵ
Tương kỵ với fibrinolysin, norepinephrin bitartrat, proclorperazin edisylat, và natri warfarin. Oxytocin cũng tương kỵ với nhiều thuốc khác, nhưng sự tương hợp phụ thuộc vào nhiều thông số (nồng độ của thuốc, pH, nhiệt độ).
Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Suy thai, ngạt và tử vong thai nhi, có thể làm tăng trương lực cơ tử cung, tử cung co cứng, vỡ tử cung và tổn thương mô mềm, bong nhau non và nghẽn mạch do nước ối.
Xử trí: Ngừng sử dụng oxytocin ngay. Ðiều trị triệu chứng và hỗ trợ nói chung.
Nguồn: Dược Thư 2002
Từ khóa » Xét Nghiệm Oxytocin
-
Hormone Oxytocin Có Chức Năng Gì? | Vinmec
-
Oxytocin Trong Sản Khoa: Những điều Cần Biết | Vinmec
-
Bác Sĩ Chỉ Ra Các Xét Nghiệm Cần Thực Hiện Khi Thai Nhi Quá Ngày Dự ...
-
"Hormone Tình Yêu" Oxytocin Và Những Sự Thật Thú Vị - Hello Bacsi
-
CST - Hello Bacsi
-
Xét Nghiệm Máu Chẩn đoán Sớm Trầm Cảm Sau Sinh
-
Các Phương Pháp Khởi Phát Chuyển Dạ | Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh
-
[PDF] CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ SUY THÙY TRƯỚC TUYẾN YÊN
-
Bài Giảng Oxytocics Trong Sản Khoa, Tăng Co Bằng Oxytocin, Phát ...
-
[PDF] QUY TRÌNH KỸ THUẬT KHOA PHỤ SẢN
-
Oxytocin Có Tiềm Năng Chữa Trị Alzheimer - Báo Cần Thơ Online
-
Sử Dụng Oxytocin Trong Chuyển Dạ - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Khi Nào Nên Làm Xét Nghiệm Xác định Thai Quá Ngày Dự Sinh
-
Chăm Sóc Sau Sinh - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia - MSD Manuals