PC Thừa Thiên Huế Pha Chế Dung Dịch Rửa Tay Sát Khuẩn Theo Công ...

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra công thức tự pha chế dung dịch rửa tay khô khi nhu cầu sử dụng đang ngày càng tăng cao. Theo khuyến cáo WHO, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn là cách tốt nhất để loại trừ vi khuẩn, virus. Bên cạnh đó, thuốc sát khuẩn, dung dịch rửa tay có cồn cũng có chức năng tương tự. Khi dịch bệnh đang leo thang và chưa có Vaccin để phòng bệnh, ngoài việc hạn chế tiếp xúc với người bệnh, hạn chế nơi tập trung đông người thì rửa tay thường xuyên là phương pháp tối ưu nhất để bảo vệ sức khỏe của mỗi người.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng tiếp cận được với xà phòng và nguồn nước sạch, nhất là đối với các CBCNV, công nhân hàng ngày làm việc ngoài hiện trường và thao tác trên lưới. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế hiện nay đang sử dụng dung dịch rửa tay diệt khuẩn được sản xuất tại nhiều nơi với giá trung bình 200.000 VNĐ/500 ml để cấp phát cho toàn thể CBCNV trong Công ty. Dung dịch rửa tay diệt khuẩn thường được đặt tại các điểm cố định như: tầng hầm giữ xe, tiền sảnh ra vào trụ sở làm việc và phòng giao tiếp khách hàng.

Công ty chưa cấp phát dung dịch rửa tay tại các phòng làm việc, giữa hành lang các tầng trong toà nhà hay các chai nhựa có dung tích nhỏ (30 ml - 60 ml) để CBCNV mang theo bên mình giúp phòng dịch. Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng trong mùa dịch tăng đột biến nên việc mua dung dịch rửa tay diệt khuẩn với số lượng lớn tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Theo tài liệu do WHO cung cấp, công thức để pha chế 10 lít dung dịch rửa tay diệt khuẩn gồm: Cồn 96° (Ethanol 90%): 8333 ml; Oxy già 3% (Hydrogen peroxide 3%): 417 ml; Glycerin (Glycerol): 145 ml; nước cất hoặc nước đun sôi để nguội: 1105 ml. Sau khi pha chế, nồng độ của chế phẩm là: Cồn: 80%; Glycerin (Glycerol): 1,45%; Oxy già 3%: 0,125%. Công thức dung dịch rửa tay diệt khuẩn của WHO dựa trên chứng cứ nghiên cứu, theo tiêu chuẩn EN1500, đảm bảo tác dụng nhanh, sát khuẩn rộng và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ nhiễm khuẩn (tài liệu tham khảo: https://www.who.int/gpsc/5may/Guide_to_Local_Production.pdf).

Cồn 96° rất nhanh bay hơi, khó bảo quản, khó tìm mua trên thị trường do không đảm bảo đúng hàm lượng ethanol (các cơ sở sản xuất kém chất lượng thường trộn lẫn Methanol vào thành phẩm để tăng lợi nhuận). Mặt khác, dung dịch pha theo đúng chuẩn WHO do không cho thêm hương liệu nêu mùi cồn nồng, tạo cảm giác rất khó chịu cho người sử dụng. Trước tình hình cấp thiết trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài, nhóm tác giả sáng kiến Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu và tự pha chế thành công dung dịch rửa tay sát khuẩn theo công thức được WHO đưa ra để phục vụ công tác phòng chống dịch tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, mạnh dạn nghiên cứu và thay thế cồn 96° bằng cồn y tế 90° với nồng độ cồn sau khi pha chế khoảng 75% - 80% (750 mg/l – 800 mg/l), đây là nồng độ được các tổ chức y tế khuyến nghị để đảm bảo diệt khuẩn tối ưu khi sử dụng vì bốc hơi chậm và đủ thời gian diệt khuẩn, đồng thời bổ sung thêm hương liệu để pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn thân thiện với mọi người, phục vụ công tác phòng chống dịch tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế.

Việc tự pha chế dung dịch rửa tay diệt khuẩn đã cung cấp dung dịch rửa tay diệt khuẩn đến toàn thể CBCNV tại các phòng ban và các CBCNV, công nhân thao tác ngoài hiện trường, chủ động nguồn cung và không phụ thuộc vào thị trường biến động bên ngoài, giúp tiết kiệm chi phí, giúp toàn thể CBCNV có ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và mọi người xung quanh trong suốt quá trình diễn ra dịch bệnh, qua đó đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích các tập thể, cá nhân khác tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Nhóm tác giả thực hiện pha chế dung dịch

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã gửi mẫu thành phẩm đến Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ Phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y Tế Tỉnh Thừa Thiên Huế để kiểm định chất lượng và kết quả hàm lượng Ethanol trong dung dịch đáp ứng theo quy định diệt khuẩn của WHO là 75%.

Sau khi thử nghiệm và triển khai, Ban lãnh đạo Công ty đã có thể yên tâm hơn trong việc cung cấp dung dịch rửa tay diệt khuẩn đến toàn thể CBCNV trong Công ty mà không sợ thiếu hụt sản phẩm khi dịch bệnh đang bùng phát.

Dung dịch được chia ra nhiều chai nhỏ để tất cả CBCNV Công ty tiện sử dụng

Việc tự thực hiện pha chế thành công dung dịch sát khuẩn để lưu hành nội bộ cũng góp phần để lại ấn tượng trong toàn thể CBCNV, nhắc nhở mỗi cá nhân luôn biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình và cho môi trường làm việc.

Dung dịch sát khuẩn sau khi chia ra các chai nhỏ đặt ở nhiều địa điểm tại Công ty

Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, ngoài việc hạn nơi tập trung đông người, xúc họng bằng nước muối thì rửa tay thường xuyên là phương pháp để bảo vệ sức khỏe của mỗi người, qua đó góp phần tuyên truyền, đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh.

PC Thừa Thiên Huế xin chia sẻ thành phần, công thức và cách pha chế dung dịch rửa tay diệt khuẩn như sau:

Các thành phần trong 500 ml dung dịch rửa tay diệt khuẩn tự pha chế gồm:

Cách pha chế 500 ml dung dịch rửa tay diệt khuẩn: - Đổ 400 ml cồn 90° vào bình to. Dùng ống đong đo đúng 25 ml Oxy già 3%. Sau đó đổ oxy già vào bình chứa cồn, sau đó lắc nhẹ.

Cồn 90° – Oxy già 3% – Hỗn hợp cồn và Oxy già

- Tiếp tục thêm 9 ml Glycerin vào dung dịch. Vì Glycerin rất nhớt, nên sẽ bị dính vào ống đong. Do đó cần phải thực hiện động tác tráng ống đong vài lần với 65 ml nước cất/nước đun sôi để nguội đã chuẩn bị sẵn (nhằm lấy hết Glycerin vào dung dịch).

- Đổ 65 ml nước cất/nước đun sôi để nguội lại vào bình. Thêm khoảng 1g tinh thể bạc hà vào hỗn dịch.

Glycerin – Nước đun sôi để nguội – Tinh thể bạc hà

- Lắc hoặc khuấy nhẹ dung dịch. Đậy ngay nắp bình sau khi pha xong để không bị bay hơi.

- Sau 72h mới sử dụng để đảm bảo các mầm vi khuẩn (nếu có) trong dung dịch sẽ bị tiêu diệt hết, bảo quản nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp và xa nguồn nhiệt.

- Thời hạn sử dụng sản phẩm sau khi pha chế: 6 tháng.

- Nồng độ sản phẩm sau pha chế:

* Cồn: 75%

* Glycerin (Glycerol): 1,6%

* Oxy già 3%: 0,14%

- Dung dịch lỏng, không màu, mùi cồn nhẹ; sau khi xoa lên tay 15 giây, tay khô hoàn toàn, cảm giác mát lạnh và mùi thơm dễ chịu do có hương liệu bạc hà.

WHO không khuyến khích cho các chất làm gel hay tăng độ sánh (như nha đam, carbomer…) vào dung dịch rửa tay vì có thể ảnh hưởng tới tính sát khuẩn, bên cạnh đó dung dịch lỏng khi tra vào tay sẽ dễ phân bố, lan ra rộng và nhanh hơn dung dịch đặc, qua đó tăng tính sát khuẩn.

WHO đưa ra khuyến cáo về nồng độ cồn căn bản trong các chế phẩm rửa tay để mang lại hiệu quả sát khuẩn cao nhất là từ 75%-80%. (https://www.who.int/gpsc/5may/tools/who_guidelines-handhygiene_summary.pdf)

Từ khóa » Cách Pha Dung Dịch Khử Khuẩn Bằng Cồn Và Oxy Già