Persephone - Nữ Thần Mùa Xuân Trong Thần Thoại Hy Lạp

Chúng ta vẫn mặc nhiên thừa nhận rằng mùa xuân là mùa của sự khởi đầu, mùa của sự khai sáng cảnh vật và lòng người, mùa của tuổi trẻ, của tình yêu và sự sống. Có lẽ, sự bừng dậy của cỏ cây hoa lá trong tiết ấm sau đông tàn, những nảy nụ của lộc biếc, những rộn rã của chim muông, những sắc hương muôn màu,… làm lòng người trỗi dậy, lâng lâng, giao hòa với vạn vật trong bản giao hưởng đắm say đã thừa nhận vị thế khởi đầu của mùa xuân. Người Hy Lạp cổ đại không bằng lòng với sự mặc định ấy, họ muốn truy tìm bản chất của sự vận động đổi thay của đất trời, bằng một huyền thoại đầy trí tuệ, huyền thoại về nàng Persephone.

Persephone là con gái duy nhất của vị thần Zeus tối thượng với nữ thần Mùa màng Demeter. Được Zeus chấp thuận, thần Hades bắt cóc Persephone, đưa nàng xuống âm phủ làm vợ. Mất đứa con gái yêu dấu và xinh đẹp, Demeter đau khổ vô cùng nên bỏ bê việc đồng ruộng, mùa màng. Đất đai trở nên khô cằn, hạt không nảy mầm, lúa không đâm bông, cây không sinh trái,… nạn đói diễn ra liên tiếp, tiếng than khóc oán trách của nhân dân thấu tận trời xanh. Bậc phụ vương của loài người đành hạ lệnh Hades trả Persephone cho Demeter. Không thể bất tuân, nhưng trước khi từ biệt Hades ma mãnh đã dụ dỗ Persephone ăn quả lựu, thứ “tượng trưng cho cuộc hôn nhân chính thức, không thể chia rẽ”[1]. Vì vậy, Persephone không được ở vĩnh viễn bên mẹ, hằng năm, nàng phải dành một phần thời gian (ba tháng, cũng có dị bản là sáu tháng) sống với chồng ở thế giới âm cung. Thời gian Persephone xa mẹ, Demeter lại chìm trong tang tóc, tiêu điều, vạn vật lại âu sầu, ủ rũ khóc than, lạnh lẽo chết chóc như mùa đông (và mùa thu). Hết kỳ hạn, Persephone về với mẹ, dương gian lại ngập tràn nắng ấm, đất đai lại màu mỡ, hoa trái lại sum suê, vạn vật lại tái sinh như mùa xuân (và mùa hạ).

Người xưa không chỉ thể hiện năng lực tưởng tượng kỳ diệu, mà còn đầy chất trí tuệ, nhân văn. Câu chuyện giải thích sự vận động của thời tiết, mùa màng bằng tình cảm mẹ con nguyên thủy trong những hoàn cảnh đoàn viên ấm áp và xa cách chia lìa. Nhưng có thể, sự thâm thúy của người xưa không dừng lại ở đó. Nếu đọc thoáng qua, ta thấy dường như huyền thoại trên đã đặt trọng tâm ở nữ thần Mùa màng Demeter và khoảng thời gian nàng mất con, chứ không phải là ở nữ thần Mùa xuân Persephone và thời gian nàng hiện diện? Vậy ý nghĩa thực sự của nữ thần Persephone mà người Hy Lạp cổ xưa muốn gửi gắm là gì?

Ảnh minh họa. Nguồn: ngdieutam.wordpress.com

Đọc Thần thoại Hy Lạp chúng ta biết, trước khi bị Hades bắt cóc về làm vợ ở âm phủ, tên của Persephone là Kore (Core) mang ý nghĩa là “thiếu nữ”, “đồng trinh” (“the maiden”, “the daughter”)[2], nàng cùng các tiên nữ chăm sóc, trồng trọt và đảm bảo cho hoa lá phát triển tươi tốt. Chỉ sau khi nàng làm vợ của Hades, nàng mới được gọi là Persephone và cùng lúc mang hai bản nguyên trong một bản thể: Nữ thần mùa xuân và Nữ hoàng của vương quốc tối tăm. Điều này khá dễ hiểu vì đời sống của nàng bị chi phối bởi mẹ (thần Demeter) và chồng (thần Hades). Khi nàng trở lại dương gian với mẹ thì nàng sống với bản nguyên Mùa xuân và lúc quay về âm phủ với chồng, nàng lại đảm trách vai trò Nữ hoàng âm phủ. Những bản nguyên này luân phiên hiện diện và khiếm diện như sự tuần hoàn thay thế của mặt trăng và mặt trời, như ngày và đêm trong chu trình của vũ trụ vậy. Điều cần làm rõ ở đây là vì sao chỉ khi là vợ của Hades và trở về dương gian nàng mới được gọi là Persephone và tên nàng có nghĩa là “mang lại” hoặc “gây ra cái chết”[3]?

Khi rút thăm phân chia giới phận trị vì, Zeus là chúa tể của bầu trời, Poseidon cai quản biển và đại dương, còn Hades trị vì thế giới ngầm dưới mặt đất. Thế giới âm phủ của Hades so với bầu trời cao vời vợi của Zeus và đại dương mênh mông của Poseidon thì thật tối tăm và lạnh lẽo, thế giới của những bóng ma và ác quỷ, đồng thời cũng là chốn của những mỏ vàng, châu báu và của cải bất tận. Chính vì vậy, Hades hiện diện bao giờ cũng gắn với chiếc mũ tàng hình, chó ngao ba đầu Cerberus và tay không quên cầm cái sừng của sự sung túc. Tên gọi khác của Hades là Pluto (Ploutos) với ý nghĩa là “vị thần của sự giàu có, là người phân phối của cải, chúa tể cai quản đất ngầm giàu những hạt giống cần thiết cho mùa màng bội thu”[4].

Đọc huyền thoại về Persephone người ta thường buồn, tiếc vì nàng đã ăn hạt lựu, ăn thức ăn chốn âm cung để không được ở bên mẹ hoàn toàn, quanh năm suốt tháng. Nhưng kỳ thực, chính việc ăn lựu này mới mang lại ý nghĩa bản nguyên là nữ thần Mùa xuân trong sự quay trở lại dương gian. Nàng đã mang của cải, hạt giống từ địa phủ trở về như sự phân phối cho con người trần thế. Hơn nữa, hạt lựu đỏ và nóng bỏng được ví như tia lửa của Đất cho nên “sự trở lại của nàng trên mặt đất cũng hàm nghĩa sự sưởi ấm, sự nhuộm xanh chính mặt đất”[5]. Trong ý nghĩa đó, hành động của Persephone, cũng cao cả như Prometheus, đã đánh cắp lửa để bảo đảm cho sự vĩnh hằng của thế giới và cuộc đời này. Chính vì vậy, những bức tượng mô tả Persephone còn lưu tồn đến nay chủ yếu là cảnh Hades bắt cóc nàng, Persephone trở lại trần gian, Persephone và Hades, Persephone và Demeter thì còn có hình ảnh một nữ thần trẻ cầm những hạt lúa mỳ và một ngọn đuốc rực lửa.

Nếu hành động trở về trần thế và mang theo hạt lựu như là hành động gieo hạt và hạt nảy mầm trong hoạt động nông nghiệp thì vì sao tên nàng lại mang ý nghĩa là “mang lại” hoặc “gây ra cái chết”? Trong Thần thoại La Mã, tên của Persephone là Proserpina được giải thích là có nguồn gốc bởi chữ Latinh proserpere nghĩa là “nổi lên”, “leo lên”, “bắn ra”[6] do liên quan đến sự phát triển của ngũ cốc. Ý nghĩa này bổ sung và thống nhất với ý nghĩa tên gọi của Persephone trong Thần thoại Hy Lạp.

Trong chu trình của mỗi đời sống, cái chết là sự kết thúc đời sống và đã có sự khởi đầu ắt hẳn sẽ có sự kết thúc. Huyền thoại nữ thần Persephone đã nói về quá trình nảy sinh và lụi tàn của cây cỏ bằng sự minh triết của người Hy Lạp cổ xưa: những hạt giống nguyên vẹn (đồng trinh, Kore) ban đầu được gieo xuống đất (như bị Hades bắt cóc và cưỡng bức) trở thành những hạt mầm (hợp nhất Persephone, Nữ hoàng địa ngục), rồi nảy mầm, hoa lá trên mặt đất (Persephone trở về với mẹ Demeter). Như vậy huyền thoại bị bắt cóc của Persephone như là biểu tượng của thảm thực vật, ngũ cốc nảy mầm (chồi, nụ) trong mùa xuân và lụi tàn vào vào đất sau khi thu hoạch. Do đó, Persephone không chỉ là nữ thần Mùa xuân mà còn là nữ thần Thiên nhiên (goddess of Nature), người vừa sản sinh vừa phá hủy mọi thứ. Trong ý nghĩa đó, Persephone thường gắn liền với nghi lễ nông nghiệp; sự tái hợp với Demeter gắn với sự tăng trưởng của mùa xuân và các chu kỳ của sự sống, cái chết và tái sinh hoặc đổi mới. Sự kết hợp này là biểu tượng của sự vĩnh cửu của đời sống, sự tuần hoàn của vũ trụ: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết” (Nguyễn Khải) và cái chết cũng là khởi đầu của một sự sống khác, đời sống khác.

Từ huyền thoại về nữ thần Persephone người Hy Lạp cổ đại không chỉ giải thích một cách thuyết phục về sự vận động của thời tiết, sự phân chia bốn mùa gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp trong chu trình đời sống của cây cỏ, ngũ cốc mà câu chuyện còn phản ánh trình độ tư duy biện chứng sâu sắc, nhãn quan thấu thị của người xưa.

Một mùa xuân mới đang về khởi đầu và nối tiếp những hành trình còn dở dang…

[1] Chevalier J., Gheerbrant A. (Phạm Vĩnh Cư chủ biên, 2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng Trường viết văn Nguyễn Du, Đà Nẵng, tr.265.

[2] Eleusinian Mysteries: https://www.britannica.com/topic/mystery-religion#ref363172, truy cập ngày: 4/12/2019.

[3] “Her name is commonly derived from pherein phonon, “to bring” or “cause death” in A Dictionary of Greek and Roman biography and mythology, London, Smith, William (Ed., 1873).

[4] Nguyễn Văn Khỏa (2007), Thần thoại Hy Lạp, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.120.

[5] Chevalier J., Gheerbrant A. (Phạm Vĩnh Cư chủ biên, 2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng Trường viết văn Nguyễn Du, Đà Nẵng, tr.554.

[6] “to emerge”, “to creep forth”, “to shoot forth” in A Dictionary of Greek and Roman biography and mythology, London, Smith, William (Ed., 1873).

Tài liệu tham khảo

1. Chevalier J., Gheerbrant A. (Phạm Vĩnh Cư chủ biên, 2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng Trường viết văn Nguyễn Du, Đà Nẵng.

2. Eleusinian Mysteries, nguồn: https://www.britannica.com/topic/mystery-religion#ref363172, truy cập ngày: 4/12/2019.

3. Nguyễn Văn Khỏa (2007), Thần thoại Hy Lạp, Nxb Văn học, Hà Nội.

4. Smith, William (Ed., 1873), A Dictionary of Greek and Roman biography and mythology, London.Nguồn:http://www.perseus.tufts.edu/hopper/text?doc=Perseus:text:1999.04.0104:entry=persephone-bio-1,truy cập ngày 4/12/2019.

TS. Nguyễn Thị Tuyết - Khoa Sư phạm

Từ khóa » Thần Mưa Trong Thần Thoại Hy Lạp