Peru - Wikivoyage

Lịch sử

[sửa]

Đế chế Inca đã phát triển thành một đế chế rộng lớn nhất thời kỳ Tiền Colombo tại châu Mỹ. Tên của đế chế Inca trong tiếng Quechua là Tihuantinsuyo, có nghĩa là Bốn vùng thống nhất, tức bốn đơn vị hành chính trong đế chế là Chinchasuyo, Antisuyo, Contisuyo và Collasuyo. Đường biên giới của đế chế Inca đã mở rộng nhất vào đầu thế kỉ 16 bằng cả những cuộc chiến tranh chinh phục đẫm máu và sự liên kết hòa bình với các dân tộc khác. Pacha Kutiq là vị vua đầu tiên của đế chế Inca đã thực hiện những cuộc chinh phục các dân tộc láng giềng, hình thành nên đế chế Inca rộng lớn.

Người Inca đã cai trị một vùng đất rộng lớn bao gồm các quốc gia hiện nay là Peru, Ecuador, một phần các nước Colombia, Bolivia, Argentina và Chile. Trung tâm hành chính, chính trị và tôn giáo của đế chế được đặt tại thủ đô Cuzco. Tiếng Quechua là ngôn ngữ chính thức tại đế chế. Các dân tộc khác trong đế chế Inca vẫn được quyền thờ phụng tôn giáo và có lối sống riêng của họ, nhưng đều phải chấp nhận nền văn hóa và vị thần tối cao của Inca, thần mặt trời Inti. Vua Inca, cũng được gọi là Inca, được coi là đại diện của thần linh trên Trái Đất.

Francisco PizarroKhi người Tây Ban Nha đặt chân đến vào năm 1531, Peru là trung tâm của đế chế Inca hùng mạnh và thịnh vượng thời bấy giờ, với kinh đô đặt tại Cuzco. Họ biết rằng Peru là một xứ sở giàu có với rất nhiều vàng và đã âm mưu biến vùng đất này thành thuộc địa của người Tây Ban Nha.

Lúc bấy giờ, đế chế Inca đang lâm vào khủng hoảng bởi cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai hoàng tử Huascar và Atahualpa. Tận dụng thời cơ đó, Francisco Pizarro đã tiến hành một cuộc đảo chính. Ngày 16 tháng 11 năm 1532, khi lễ hội Cajamarca của người Inca đang được cử hành thì người Tây Ban Nha bất chợt tấn công và bắt giữ Atahualpa. Sau khi Huascar bị giết, người Tây Ban Nha vu cáo Atahualpa tội giết người và đã thắt cổ ông.

Sau cái chết của Atahualpa, Francisco Pizarro đã đưa Tupac Amaru lên làm Inca. Những sự chà đạp và bóc lột tàn tệ của Tây Ban Nha đã làm cho người dân bản xứ căm phẫn. Họ đã nổi dậy đấu tranh, nhưng các cuộc khởi nghĩa đều bị dìm trong biển máu. Dân số Inca sụt giảm nhanh chóng. Nhiều thành phố của họ bị đặt lại tên theo người Tây Ban Nha đồng thời nền văn hóa riêng bị mất mát.

Phó vương quốc Peru (1542-1824)[sửa]Năm 1542, phó vương quốc Peru thành lập bao gồm toàn bộ các thuộc địa của Tây Ban Nha tại Nam Mỹ. Sự độc quyền về thương mại được thiết lập. Những nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú của Peru như vàng và bạc đã làm nên sự hùng mạnh của đế chế Tây Ban Nha. Nhưng sang thế kỉ 18, các phó vương quốc Tân Granada và Rio de la Plata được thành lập khiến cho Peru không còn giữ được vai trò quan trọng như trước nữa.

Thị trấn Lima được thành lập vào năm 1535 trở thành chỗ dựa vững chắc của phó vương quốc. Nó nhanh chóng phát triển thành một thành phố trung tâm đầy quyền lực. Những đường vận chuyển kim loại quý đều đi qua Lima để đến eo đất Panama, từ đó được đưa đến Seville, Tây Ban Nha. Vào thế kỉ 18, Lima trở thành thủ đô hoa lệ của xứ thuộc địa, với rất nhiều trường đại học và nơi ở của những lãnh đạo quan trọng. Thời kỳ này, những cuộc nổi dậy của người Inca vẫn tiếp tục diễn ra nhưng đều bị đàn áp dã man.

Những cuộc vận động dân tộc giành độc lập cho Peru được thực hiện bởi những chủ đất người Tây Ban Nha và quân đội của họ, lãnh đạo bởi Jose de San Martin của Argentina và Simon Bolivar của Venezuela. Jose de San Martin đã tuyên bố thành lập nền cộng hòa của Peru vào ngày 28 tháng 7 năm 1821 tại thủ đô Lima, Peru. Sự giải phóng Peru chính thức được hoàn thành vào tháng 12 năm 1824, khi tướng Antonio Jose de Sucre đánh bại quân đội Tây Ban Nha tại trận Ayacucho. Tây Ban Nha đã có những nỗ lực vô ích để giành lại quyền kiểm soát và phải chính thức công nhận sự độc lập của Peru vào năm 1879.

Nhưng sau khi giành được độc lập, Peru lại có những cuộc xung đột về lãnh thổ với các quốc gia láng giềng, cao điểm là cuộc chiến tranh Thái Bình Dương (1879-1883) giữa Peru và Bolivia với Chile. Peru đã bị mất đi một số vùng lãnh thổ, nhiều thành phố bị phá hủy nặng nề, đồng thời nảy sinh một mối bất hòa sâu sắc với Chile mãi về sau này.

Sau khi chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc, Peru đã có những nỗ lực phi thường để xây dựng lại đất nước. Năm 1894, Nicolás de Piérola đã đồng ý để đảng của ông và đảng Dân tộc Peru tổ chức tấn công du kích đánh chiếm thủ đô Lima, trục xuất Andrés Avelino Cáceres và trở thành tổng thống Peru trong cuộc bầu cử vào năm 1895. Ông hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống năm 1899 với việc phục hưng đất nước bằng các chính sách cải cách tài chính, quân sự, dân sự của mình. Đất nước Peru tương đối ổn định đến những năm 1920.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 đã châm ngòi cho sự bất ổn chính trị tại Peru. Ngày 29 tháng 10 năm 1948, tướng Manuel A. Odria tiến hành một cuộc đảo chính và trở thành tổng thống, thiết lập chế độ độc tài quân sự tại Peru. Đến năm 1979, Peru quay trở lại tiến trình dân chủ. Thập kỉ 1980, đất nước Peru lại phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khủng hoảng như nợ nước ngoài, lạm phát tăng cao kỷ lục, nạn buôn bán ma túy và bạo lực tràn lan. Tổng thống Alberto Fujimori lên nắm quyền năm 1990 đã tiến hành những biện pháp cải tổ và tư nhân hóa nền kinh tế khiến nước này phát triển trở lại, song ông lại đối mặt với những cáo buộc liên quan tới tham nhũng và thảm sát trong thời gian cầm quyền. Đất nước Peru ngày nay vẫn tiếp tục phải chống chọi với nạn tham nhũng và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế hơn nữa, khi mà khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng lên.

Từ khóa » đất Nước Peru Có Cái Gì Nóng Nhất