Ph. Ăng-ghen Bảo Vệ, Phát Triển Chủ Nghĩa Mác Và Những Kinh ...

Ph. Ăng-ghen bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác thông qua lý luận và hoạt động thực tiễn

Năm 1844, tác phẩm đầu tiên của Ph. Ăng-ghen là “Phê phán chính trị kinh tế học” được đăng trên tờ “Niên giám Pháp - Đức”. Đây được coi là tác phẩm mở đầu cho tư duy phê phán của Ph. Ăng-ghen khi xem xét những tư tưởng về chính trị, kinh tế của các nhà tư tưởng cùng thời. Điều này được C. Mác, người chủ của tờ “Niên giám Pháp - Đức” lúc bấy giờ, đánh giá rất cao và coi đây là “một cuốn đại cương tài tình về khoa học chính trị của giai cấp vô sản”. Có thể nói, đây cũng chính là mối lương duyên cho cuộc gặp gỡ và tình bạn vĩ đại của C. Mác và Ph. Ăng-ghen sau này. Cuối năm 1844, Ph. Ăng-ghen sang Đức gặp C. Mác. Dù đây là lần đầu gặp nhau nhưng hai ông nhanh chóng có những điểm tương đồng về lập trường, tư tưởng. Sau đó, Ph. Ăng-ghen cùng với C. Mác viết chung một loạt tác phẩm tiêu biểu, như “Gia đình thần thánh” (năm 1845), “Hệ tư tưởng Đức” (năm 1846), “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (năm 1848), “Cách mạng và phản cách mạng ở Đức” (năm 1851 - 1852),…

Ngoài việc đồng hành cùng C. Mác, Ph. Ăng-ghen còn tự tìm cho mình một hướng nghiên cứu riêng là khoa học tự nhiên và nâng cao khả năng ngoại ngữ. Đó là tiền đề để Ph. Ăng-ghen là tác giả của một số tác phẩm nổi tiếng, như “Biện chứng của tự nhiên” (năm 1873 - 1883), “Tác dụng của lao động trong việc chuyển biến từ vượn thành người” (năm 1876), “Chống Đuy-rinh” (năm 1877), “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước” (năm 1883), “Lút-vích Phoi-ơ-bắc và sự cáo chung và triết học cổ điển Đức” (năm 1888)….

Trong các tác phẩm của mình, Ph. Ăng-ghen bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trên những phương diện cơ bản như sau:

Thứ nhất, xây dựng và phát triển chủ nghĩa Mác trên cả ba bộ phận cấu thành là triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học.

Trong lĩnh vực triết học, cũng như C. Mác, Ph. Ăng-ghen tuy xuất thân từ phái Hê-ghen trẻ nhưng ông có công lao to lớn trong việc xây dựng chủ nghĩa duy vật biện chứng thông qua những nguyên lý, quy luật, phạm trù của phép biện chứng duy vật. Mặc dù khẳng định những quan điểm duy vật lịch sử là một trong hai phát kiến vĩ đại của C. Mác, nhưng Ph. Ăng-ghen cũng có công rất lớn trong việc cung cấp những luận chứng thuyết phục để chứng minh tính chất duy vật triệt để của học thuyết Mác trong lĩnh vực lịch sử, xã hội; làm cho chủ nghĩa duy vật trở nên hoàn bị và là “công cụ nhận thức vĩ đại” của con người. Đặc biệt, bằng việc chỉ ra những quy luật của giới tự nhiên, Ph. Ăng-ghen không chỉ khẳng định tính thống nhất vật chất của thế giới mà còn làm sáng tỏ thêm mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên. Từ đó, Ph. Ăng-ghen đã cùng với C. Mác xây dựng được một hệ thống lý luận triết học hoàn chỉnh với những quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

Trong lĩnh vực kinh tế chính trị học, Ph. Ăng-ghen đã chứng tỏ là một nhà kinh tế học xuất sắc khi chỉ ra được những quy luật vận động của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, bóc trần bản chất bóc lột giá trị thặng dư của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đặc biệt, khi giúp C. Mác hoàn thành nốt những tập bản thảo còn dang dở của bộ “Tư bản”, Ph. Ăng-ghen cũng góp phần quan trọng trong việc luận giải những tư tưởng lớn của C. Mác về đặc trưng của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Trong lĩnh vực chủ nghĩa xã hội khoa học, với những trải nghiệm trong thời gian dài ở các nước Anh, Pháp, Đức, cùng thời gian cộng tác với C. Mác, Ph. Ăng-ghen đã tạo lập và hoàn thiện những quan điểm về chủ nghĩa xã hội khoa học, mà linh hồn của lý luận đó là làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân - giai cấp có khả năng tổ chức và lãnh đạo xã hội thông qua đảng cộng sản, tiến hành cải biến xã hội từ xã hội tư bản chủ nghĩa sang xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trên phạm vi từng nước và trên toàn thế giới. Nhờ có lý luận này, giai cấp công nhân đã từng bước bước lên vũ đài chính trị và xác lập được vai trò to lớn của mình. Cùng với C. Mác, Ph. Ăng-ghen có công lao trong việc cung cấp những luận cứ thuyết phục để biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành chủ nghĩa xã hội khoa học. Vì vậy, “những chiến lược, sách lược cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và sự hình thành các chính đảng vô sản mà ông đưa ra trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời hoạt động lý luận và thực tiễn cách mạng của ông là một cống hiến lớn vào kho tàng chủ nghĩa xã hội khoa học”(1).

Như vậy, có thể nói, “chủ nghĩa Mác trên tất cả các phương diện cấu thành của nó, từ nội dung đến phương pháp, từ những mầm mống đầu tiên đến khi có một diện mạo trưởng thành, từ những luận chiến đanh thép để tự bảo vệ trước những đòn tấn công, xuyên tạc của kẻ thù cho đến những tổng kết thực tiễn đặc sắc và những dự báo khoa học về xã hội tương lai đều in đậm dấu ấn những đóng góp kiệt xuất của Ph. Ăng-ghen”(2).

Thứ hai, không ngừng bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện thực tiễn đã có nhiều thay đổi.

Cũng như C. Mác, Ph. Ăng-ghen luôn khẳng định hệ thống lý luận do các ông xây dựng lên có tính phê phán. Tính phê phán đó không chỉ bao hàm sự phê phán đối với các nhà tư tưởng có quan điểm phiến diện, sai lầm về thế giới khách quan, mà còn bao hàm cả sự phê phán đối với chính tư tưởng của các ông qua mỗi thời kỳ lịch sử. Do đó, Ph. Ăng-ghen không bao giờ coi lý luận của mình cũng như của C. Mác là học thuyết hoàn hảo, là chân lý vĩnh hằng và buộc mọi người phải rập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận ấy thông qua nghiên cứu và tổng kết thực tiễn. Chẳng hạn, với tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, ông và C. Mác chỉ rõ, nếu được viết lại thì cũng cần bổ sung và yêu cầu những người cộng sản “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”(3). Đó là lý do giải thích tại sao trong khoảng hơn 20 năm (1872 - 1893), ông cùng C. Mác đã 7 lần viết “Lời tựa” cho những lần tái bản tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”. Sau khi C. Mác qua đời (năm 1883), những “Lời tựa” cho những lần xuất bản kế tiếp của “Tuyên ngôn” chỉ còn một mình Ph. Ăng-ghen đứng tên. Những “Lời tựa” đó chính là sự bổ sung, phát triển tư tưởng của “Tuyên ngôn” trên quan điểm thực tiễn, lịch sử - cụ thể và phát triển, làm cho “Tuyên ngôn” trở thành tác phẩm kiểu mẫu của việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác bằng thực tiễn sinh động, mà chính Ph. Ăng-ghen là người tiên phong đi đầu.

Thứ ba, đấu tranh không khoan nhượng với những phe phái phi mác-xít để bảo vệ chủ nghĩa Mác.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cũng như C. Mác, Ph. Ăng-ghen nhiều lần bị chính quyền tư sản các nước trục xuất, kiện ra tòa vì tội “nói xấu”, “phỉ báng” chính quyền. Không chỉ có vậy, tư tưởng của các ông luôn bị chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại xuyên tạc, bôi nhọ, phản bác. Vì vậy, bên cạnh việc viết những tác phẩm có tính chất tuyên ngôn hay chính sự, lý luận thuần túy, Ph. Ăng-ghen còn viết một số tác phẩm bút chiến để vạch trần các luận điệu xuyên tạc, lừa bịp của những kẻ cơ hội, tư sản, trong đó, tiêu biểu nhất là tác phẩm“Chống Đuy-rinh”. Với tác phẩm này, Ph. Ăng-ghen đã trình bày một cách có hệ thống những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác và qua đó, không chỉ nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác, mà còn phát triển nó lên một tầm cao mới. Một điều đáng trân trọng là trong bất cứ điều kiện, tình huống nào, Ph. Ăng-ghen cũng luôn tuyệt đối trung thành với hệ tư tưởng mà ông và C. Mác đã xây dựng.

Ph. Ăng-ghen đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác không chỉ trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, mà còn thông qua hoạt động thực tiễn rất sôi nổi và tích cực trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cùng với C. Mác, Ph. Ăng-ghen đấu tranh không khoan nhượng chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái (của Pru-đông, Lát-xan, Bac-u-nin...) để thống nhất hàng ngũ quốc tế cộng sản. Ngoài ra, Ph. Ăng-ghen là người đỡ đầu của Đảng Dân chủ Xã hội Đức và có ảnh hưởng to lớn đến hoạt động của đảng này. Những nhà xã hội chủ nghĩa ở Pháp, Áo, Hung-ga-ry, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha, I-ta-ly, Nga, Hà Lan và ở nhiều nước khác đều nhận được sự giúp đỡ vô giá của Ph. Ăng-ghen. Vì vậy, đúng như V.I. Lê-nin nhận xét: “Sau bạn ông là C. Mác (mất năm 1883), Ph. Ăng-ghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”(4). Từ những đóng góp to lớn của mình đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Ph. Ăng-ghen xứng danh là “người thầy vĩ đại” của giai cấp công nhân toàn thế giới.

Có thể thấy, Ph. Ăng-ghen không chỉ cùng C. Mác xây dựng nên những nguyên lý của chủ nghĩa Mác, mà còn có công lao to lớn trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, bất chấp mọi sự xuyên tạc, công kích của các thế lực thù địch. Vì thế, không thể nói rằng: “Ph. Ăng-ghen chỉ là người đi sau C. Mác” hay “hệ thống lý luận chỉ được đứng tên C. Mác, không có tên Ph. Ăng-ghen”,… Những quan điểm đó là sự xuyên tạc, bóp méo và cố tình phủ nhận những công lao to lớn của Ph. Ăng-ghen đối với sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa Mác. Đúng như V.I. Lê-nin khẳng định: “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ph. Ăng-ghen”(5).

Từ khóa » Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Các Mác Và ăngghen