PH Của Sữa Rửa Mặt ảnh Hưởng đến Da Thế Nào - My Wellness Pedia

Da là bộ phận lớn nhất trên cơ thể con người nên sức khoẻ của da cũng thể hiện sức khoẻ của cơ thể. Rửa mặt là bước đầu tiên của chu trình chăm sóc da, giúp loại bỏ bụi bẩn, làm sạch da chuẩn bị cho các bước dưỡng. Tuy vậy, lựa chọn sai sữa rửa mặt có thể gây ra các vấn đề như khô da, ngứa, viêm da và mụn. Các triệu chứng này đều có thể xảy ra khi sử dụng sữa rửa mặt có tính kiềm, pH cao – thực tế là các triệu chứng đó đã xảy ra với tớ và chúng đã không còn nữa từ khi tớ chuyển sang dùng sữa rửa mặt có tính axit.

Từ năm 1892, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra bề mặt da có tính axit. Một nghiên cứu năm 2006 [note]Lambers H et al. (2006), “Natural skin surface pH is on average below 5, which is beneficial for its resident flora”[/note] đưa ra kết quả độ pH của da trong khoảng từ 4.48 đến 5.38, và tính axit này giúp cho da khoẻ mạnh với các vi sinh vật tốt. Tuy nhiên các sản phẩm tẩy rửa có thể tác động tới da, làm tăng độ pH của da từ đó ảnh hưởng tới sức khoẻ của da. Việc chọn lựa sản phẩm sữa rửa mặt với pH thấp, cỡ 5.5 là rất quan trọng để giữ cho da khoẻ mạnh [note]Schmid M.-H., Korting H.C. (1995), “The Concept of the Acid Mantle of the Skin: Its Relevance for the Choice of Skin Cleansers“[/note] và chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn sau đây.

Lưu ý: pH = 7.0 là trung tính, trên 7.0 là tính kiềm và dưới 7.0 là tính axit. pH tăng/giảm 1.0 là tính kiềm/axit tăng 1.0.

Cấu trúc da và độ pH của da

cấu trúc da
Cấu trúc của da

Làn da của chúng ta gồm 3 lớp: lớp biểu bì (epidermis), lớp hạ bì (dermis) và các mô dưới da (hypodermis). Trong đó, lớp biểu bì là lớp ngoài cùng của da, bảo vệ chúng ta khỏi vi khuẩn, độc tố và mất nước. Lớp ngoài cùng của lớp biểu bì là lớp sừng (stratum corneum), bao gồm các tế bào chết được gắn kết với nhau bởi lipid gồm có ceramides, cholesterol và các axit béo. Lớp sừng này tạo thành màng chắn bảo vệ các tế bào bên dưới khỏi viêm nhiễm, mất nước và các tác động bên ngoài khác. Bên cạnh đó, tuyến bã nhờn tiết ra dầu, kết hợp với mồ hôi tạo ra một lớp màng axit mỏng (acid mantle) bảo vệ da trên lớp sừng, chống lại vi khuẩn có hại cho da.

Các nghiên cứu chỉ ra lớp màng bảo vệ da có độ pH xung quanh mức 5, và có sự liên hệ giữa sự thay đổi pH của da với các bệnh về da như viêm da và mụn [note]M.-H. Schmid-Wendtnera, H.C. Korting (2006), “The pH of the Skin Surface and Its Impact on the Barrier Function”[/note]. Vi khuẩn P. acnes gây mụn sinh sôi rất tốt ở pH 6.0 – 6.5, nhưng sinh sôi rất chậm ở pH 5.5. Môi trường axit của da còn có vai trò quan trọng đối với hoạt động của các enzymes, đặc biệt là trong việc tái tạo lớp bảo vệ da. Vì thế bảo toàn pH của da cũng như lớp màng axit rất quan trọng đối với sức khoẻ của da. Tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về pH của sữa rửa mặt.

pH của sữa rửa mặt ảnh hưởng tới da thế nào

Việc sử dụng sữa rửa mặt có pH khác với pH của da có thể làm thay đổi pH của da cả ngắn và dài hạn [note]Hans Christian Korting, Otto Braun-Falco (1996), “The Effects of Detergents on Skin pH and its Consequences”[/note]. Rửa mặt bằng sản phẩm có tính kiềm với pH rất cao 10.5 – 11.0 làm pH của da tăng trên mức bình thường trong nhiều giờ. Ngay cả rửa với nước lã và sữa rửa mặt với pH giống da cũng có thể làm tăng pH của da nhưng mức độ ít hơn và thời gian ngắn hơn.

pH strips, pH sữa rửa mặt

Nghiên cứu của Korting et al. [note]H.C. Korting et al. (1995), “The Influence of Regular Use of a Soap or an Acidic Syndet Bar on Pre-Acne”[/note] thử nghiệm ảnh hưởng của việc sử dụng sản phẩm rửa mặt có pH 5.5 giống với da và sản phẩm rửa mặt tính kiềm pH cao trên một nhóm 120 tình nguyện viên bị mụn cấp độ 1 – 2 (có từ 2 – 20 vết viêm). Kết quả thu được sau 12 tuần thí nghiệm là số lượng mụn viêm ở nhóm dùng sản phẩm rửa mặt có pH 5.5 giảm đi trong khi tăng lên ở nhóm dùng sản phẩm có tính kiềm. Khi bắt đầu thử nghiệm, số lượng mụn sưng ở các tình nguyện viên ở 2 nhóm là như nhau nhưng sau 12 tuần, số lượng đó ở nhóm dùng sản phẩm có tính kiềm nhiều hơn nhóm còn lại tới 50%. 21% – 26% người ở nhóm dùng sản phẩm kiềm còn gặp phải tình trạng ngứa da, tấy đỏ và khô tróc.

Nghiên cứu này không khẳng định được là có thể chữa hết hẳn mụn chỉ bằng cách sử dụng sữa rửa mặt phù hợp nhưng nó chứng minh sự quan trọng của việc rửa mặt với sản phẩm có pH giống với da. Kết quả của nó cũng phù hợp với các nghiên cứu ở trên khi cho thấy dùng sữa rửa mặt có pH cao sẽ phá huỷ lớp màng axit bảo vệ da, làm khô da, phá vỡ môi trường vi sinh cân bằng của da, tạo điều kiện cho vi khuẩn mụn sinh sôi.

Từ các nghiên cứu này chúng ta có thể tạm rút ra: dùng sữa rửa mặt có độ pH cao sẽ làm lớp màng bảo vệ da yếu đi, khô da, làm tình trạng mụn xấu đi trong khi dùng sữa rửa mặt có tính axit giống/gần giống với da là bước quan trọng để da mặt khoẻ mạnh. Da mỗi người một khác nhau nên sự ảnh hưởng của sữa rửa mặt đối với mỗi người có thể khác nhau. Nhìn chung, tớ rút ra sữa rửa mặt tốt là rửa xong, mặt thấy sạch, thoáng và da vẫn mềm, mịn, mướt mát, không gây kích ứng, gây mụn. Nếu rửa xong mà da mặt thấy căng, khó chịu, sờ thấy khô thì sản phẩm đó tẩy rửa quá mạnh, không tốt. Đặc biệt nếu sống ở nơi khí hậu khô, độ ẩm thấp thì càng cần tránh sữa rửa mặt làm khô da.

Lựa chọn sữa rửa mặt

Thị trường sữa rửa mặt kể cả dòng bình dân và dòng cao cấp rất đa dạng, với công thức, thành phần khác nhau, kết cấu khác nhau và pH khác nhau.

pH các loại sữa rửa mặt
pH của các loại sữa rửa mặt từ trái sang phải lần lượt là: 5.5, 5.5, 6.0, 7.0, 7.0. Bốn loại sữa rửa mặt ở bên trái được review tại bài viết này.

Trước đây tớ dùng La Prairie Purifying cleanser (pH = 7.0) và rửa xong sờ lên má thấy khô ráp. Thời gian đó là lúc tớ thường xuyên bị lên mụn ở má, sưng lâu và vết thâm lâu mờ, da trông mệt mỏi, không sáng, sau khi make up thì bị flaky. Sau khi tìm hiểu ra sữa rửa mặt có thể là một trong các nguyên nhân (và đo pH của tất cả các lọ sữa rửa mặt có trong nhà), tớ chuyển lại sang dùng Sisley cleansing milk with sage (pH = 6.0) và ngạc nhiên vì trong một thời gian khá ngắn, không còn bị lên mụn ở má nữa, da cũng nhanh lành hơn. Tuy nhiên, đợt này da tớ có một số chỗ bị khô và đỏ nên tớ vừa chuyển sang dùng thử sản phẩm mới của La Roche Posay là Hydrating Gentle Cleanser với pH 5.5. Với sản phẩm này, tớ thấy da mềm và mịn sau khi rửa xong, nhưng dùng chưa lâu nên sẽ cho nhận xét sau.

Theo tớ khi lựa chọn sữa rửa mặt, bạn nên lưu ý các điểm sau:

foam cleanser, sữa rửa mặt

  • Chọn sữa rửa mặt có tính axit với pH giống/gần giống da, theo tớ thì không nên vượt quá 6.0 (nên nhớ pH tăng 1.0 tức là tính kiềm tăng 10 lần). Sữa rửa mặt tạo bọt (foam cleansers) thường có tính kiềm, pH cao, làm khô da nên tớ thường tránh loại này. Tuy nhiên, cũng có những loại foam cleansers có pH 5.5 như Sulwhasoo Snowise EX Cleanser, Cerave Foaming Cleanser, và sữa rửa mặt với pH 5.5 vẫn có khả năng làm khô da. Topic này ở reddit tổng hợp độ pH của khá nhiều sữa rửa mặt chủ yếu của Hàn và Nhật vào một file google doc để bạn tham khảo.
  • Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ để bảo toàn cấu trúc và lớp bảo vệ của da, điều này đồng nghĩa với việc tránh dùng sản phẩm có các loại hạt chà xát vào da và tránh sản phẩm có chứa các chất tẩy rửa mạnh, các chất gốc sulfate như sodium lauryl sulfate, sodium laureth sulfate. Các chất tẩy rửa mạnh sẽ phá hoại lớp màng lipid của da, làm yếu lớp bảo vệ, dẫn tới khô da, tấy đỏ, ngứa, kích ứng, viêm sưng (mụn) và ảnh hưởng xấu tới quá trình tái tạo da [note]Russell M. Walters et al. (2012), “Cleansing Formulations that Respect Skin Barrier Integrity”[/note].
  • Kiểm tra thành phần sữa rửa mặt, xem có chất nào có khả năng gây kích ứng, mụn không. pH thấp nhưng thành phần không hợp với bạn thì vẫn có khả năng gây mụn. Bạn có thể tra được thông tin này trên cosdna.com.
  • Tớ rút ra phân loại dành cho da khô, da thường, da hỗn hợp, da dầu (For dry skin/normal skin/combination skin/oily skin) ở trên các lọ sữa rửa mặt chỉ mang tính tham khảo. Cái quan trọng là thành phần, pH của sản phẩm và tình trạng của da bạn sau khi dùng sản phẩm đó. Nhiều sản phẩm sữa rửa mặt cho da dầu và mụn có pH rất cao với chất tẩy rửa mạnh, với quan niệm là phải rửa cho da khô để giảm dầu mới hết mụn. Thật ra chính điều đó có thể làm da tệ hơn, lý do thì toàn bộ phần trên của bài viết đã dẫn chứng tại sao. Hơn nữa, có ý kiến cho rằng rửa cho da càng khô thì càng làm da tiết dầu nhiều hơn do nó đang cố tự cân bằng trở lại. Nhớ là sản phẩm rửa mặt phù hợp với bạn là loại rửa xong da sạch thoáng đồng thời vẫn mềm, mịn.
  • Mỗi vùng, mỗi mùa có thời tiết khác nhau, độ ẩm, nhiệt độ khác nhau nên chú ý yêu cầu của da để thay đổi sữa rửa mặt nếu cần thiết.

Từ khóa » Sữa Rửa Mặt Có độ Ph Cao Thì Sao