PH Nước Tiểu | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Nước tiểu là một chất lỏng vô trùng do thận tạo ra và thải ra khỏi cơ thể qua niệu đạo có thành phần bao gồm nước, muối và các chất thải hòa tan của quá trình trao đổi chất. Sự cân bằng của các hợp chất này có thể ảnh hưởng đến mức độ axit của nước tiểu được đánh giá bằng độ pH.

Độ pH là phép đo mức độ axit hoặc kiềm của nước tiểu. Bác sĩ thường kiểm tra pH nước tiểu kết hợp chung với các xét nghiệm chẩn đoán khác khi một người có các triệu chứng có thể liên quan đến các vấn đề đường tiết niệu.

pH bình thường của nước tiểu là bao nhiêu?

Theo Hiệp hội Hóa học lâm sàng Hoa Kỳ, giá trị trung bình cho pH nước tiểu là 6.0, nhưng có thể dao động từ 4,5 đến 8,0. Nước tiểu dưới 5.0 là axit hoá và nước tiểu cao hơn 8,0 là kiềm hoá

Các phòng xét nghiệm khác nhau tuỳ theo hệ thống máy khác nhau có thể có trị số khác nhau cho mức độ pH "bình thường". Kết quả xét nghiệm sẽ được bác sĩ thường giải thích cụ thể cho từng bệnh nhân.

Mức độ pH bất thường có nghĩa là gì?

Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến pH nước tiểu là thực phẩm. Vì vậy bác sĩ có thể cần biết thêm thông tin về các loại thực phẩm thường ăn trước khi đánh giá kết quả pH nước tiểu.

Thực phẩm có tính axit bao gồm:

  • Lúa mì
  • Sô-đa
  • Thực phẩm giàu protein (đạm).
  • Thực phẩm có đường.

Thực phẩm có tính kiềm bao gồm:

  • Các loại hạt khô
  • Rau
  • Phần lớn các loại trái cây.

pH cao khi nước tiểu có tính kiềm cao hơn. Điều này có thể báo hiệu một số tình trạng bệnh lý như:

  • Sỏi thận
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
  • Rối loạn chức năng liên quan đến thận.

pH nước tiểu cao cũng có thể do tình trạng nôn kéo dài. Việc nôn kéo dài gây rối loạn một số ion trong máu, dịch vị và điều này ảnh huởng đến pH của nước tiểu

Nước tiểu có tính axit có thể tạo ra một môi trường để hình thành sỏi thận.

pH thấp khi nước tiểu có tính axit hơn. Điều này có thể báo hiệu một số tình trạng bệnh lý như:

  • Nhiễm ketoacidosis tiểu đường - một biến chứng của bệnh tiểu đường.
  • Tiêu chảy
  • Thiếu dinh dưỡng trầm trọng.
  • Một số loại thuốc đường uống cũng có thể làm cho pH nước tiểu có tính axit.

Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ về việc sử dụng một số loại thuốc khi xét nghiệm nước tiểu.

Tại sao cần kiểm tra pH nước tiểu

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến pH nước tiểu, bác sĩ không thể chẩn đoán tình trạng bệnh lý chỉ dựa trên độ pH. Vì vậy, cần xem xét pH nước tiểu cùng với các triệu chứng khác để chẩn đoán. Xét nghiệm pH nước tiểu cũng là phương pháp để kiểm tra hiệu quả điều trị sỏi thận.

Các loại thuốc như chất ức chế anhydrase carbonic (acetazolamide) với mục đích làm cho nước tiểu có tính kiềm hơn, vì vậy tùy theo mục đích kiểm tra có thể cần phải thực hiện xét nghiệm nước tiểu nhiều lần để xem độ pH có thay đổi hay không.

Cách kiểm tra pH nước tiểu

Đôi khi, bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu nước tiểu sạch để ngăn nhiễm khuẩn mẫu.

Trước khi tiến hành lấy mẫu nước tiểu, bệnh nhân cần làm sạch vùng sinh dục, sau đó đi tiểu bình thường và dùng lọ vô trùng hứng nước tiểu giữa dòng nghĩa là không lấy nước tiểu lúc bắt đầu và lúc kết thúc đi tiểu. Lượng nước tiểu cần thiết để kiểm tra pH là từ 30-60 ml.

Một xét nghiệm nước tiểu có ba giai đoạn chính:

Kiểm tra bằng mắt: Kỹ thuật viên phòng xét nghiệm kiểm tra nước tiểu bằng cách xem xét màu sắc, các chất lạ như máu có trong nước tiểu và nước tiểu có xuất hiện bọt hay không.

Thử nghiệm giấy quỳ: Nhúng mảnh giấy quỳ trong mẫu nước tiểu. Sau một khoảng thời gian, giấy quỳ sẽ thay đổi màu sắc cho kết quả nước tiểu có tính axit hoặc kiềm. Màu sắc cũng có thể thay đổi nếu các chất khác chẳng hạn như glucose, bạch cầu, bilirubin hoặc protein, có trong nước tiểu. Để chính xác hơn, sẽ có hệ thống máy phân tích ra giá trị pH tức độ axit hoặc kiềm được lượng giá ở con số

Kiểm tra bằng kính hiển vi: Kỹ thuật viên sẽ kiểm tra một lượng nhỏ nước tiểu dưới kính hiển vi để tìm kiếm các tế bào, chẳng hạn như hồng cầu, bạch cầu hoặc tinh thể. Thông thường, các tế bào này không có trong nước tiểu và chỉ hiện diện khi có một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

Xét nghiệm pH nước tiểu không gây ra tác dụng phụ.

Tóm lược

Độ axit hoặc độ kiềm của nước tiểu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh lý. Xét nghiệm pH nước tiểu thường được kiểm tra cùng với các xét nghiệm phân tích nước tiểu khác.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Xét Nghiệm Nước Tiểu Ph 8 5