Phác đồ điều Trị Hội Chứng Thận Hư ở Người Trưởng Thành
Có thể bạn quan tâm
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Nhận định chung
Hội chứng thận hư là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa, xuất hiện khi có tổn thương ở cầu thận do nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau gây nên, đặc trưng bởi phù, protein niệu cao, protein máu giảm, rối loạn lipid máu và có thể đái ra mỡ.
Phác đồ điều trị hội chứng thận hư nguyên phát
Điều trị triệu chứng
Giảm phù - Chế độ ăn:
Đảm bảo khẩu phần đủ protein ở bệnh nhân (0,8-1g/kg/ngày + lượng protein mất qua nước tiểu).
Hạn chế muối và nước khi có phù nhiều.
Bổ xung các dung dịch làm tăng áp lực keo: nếu bệnh nhân có phù nhiều (áp dụng khi albumin máu dưới 25 g/l), tốt nhất là dùng Albumin 20% hoặc 25% lọ 50 ml,100ml. Nếu albumin < 20g/l có thể dùng Albumin 20% loại 100 ml.
Giảm phù - Lợi tiểu:
Dùng lợi tiểu khi đã có bù protein và bệnh nhân không còn nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn.
Ưu tiên dùng lợi tiểu loại kháng aldosteron như spironolactone (verospirone, aldactone) hoặc phối hợp với furosemide.
Liều dùng verospirone bắt đầu từ 25 mg/ngày hoặc furosemid bắt đầu từ 20 mg/ngày, tùy theo đáp ứng của bệnh nhân để điều chỉnh liều lợi tiểu. Cần phải theo dõi số lượng nước tiểu, cân nặng hàng ngày và xét nghiệm điện giải đồ máu.
Điều trị đặc hiệu
Cần phải điều trị theo thể tổn thương mô bệnh học, tuy nhiên trong điều kiện không thể sinh thiết thận có thể áp dụng theo phác đồ dưới đây:
Corticoid (prednisolone, prednisone, methyprednisolone, trong đó 4mg methyprednisolone tương đương với 5 mg prednisolone):
+ Liều tấn công: prednisolone 5mg dùng liều 1-2 mg /kg /ngày kéo dài 1-2 tháng, uống cả liều vào 1 lần trước 8h sáng sau ăn no. (Liều tấn công corticoid không được vượt quá 80 mg prednisolone/ ngày).
+ Liều củng cố (bắt đầu khi protein niệu 24h âm tính): prednisolone 5mg dùng liều 0,5 mg/kg/ngày, kéo dài 4-6 tháng.
+ Liều duy trì: prednisolone 5-10mg/ngày dùng cách ngày, kéo dài hàng năm.
+ Cần theo dõi các biến chứng như: Nhiễm khuẩn, tăng huyết áp, đái tháo đường, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tâm thần, hội chứng giả cushingvv…
Thuốc ức chế miễn dịch khác:
Trong trường hợp đáp ứng kém với corticoid, không đáp ứng, hay tái phát hoặc có suy thận kèm theo nên chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để phối hợp điều trị với một trong số các thuốc giảm miễn dịch dưới đây. Nếu bệnh nhân không đáp ứng, hoặc có tác dụng phụ của thuốc không dự phòng được, nên xét chỉ định sinh thiết thận để hướng dẫn điều trị theo tổn thương bệnh học.
Cyclophosphamide (50 mg): dùng liều 2-2,5mg/Kg/ngày,tấn công 4-8 tuần. Khi protein niệu âm tính thì duy trì 50mg/ngày trong thời gian 4-8 tuần. Cần theo dõi và duy trì số lượng bạch cầu không dưới 4,5 giga/lit.
Chlorambucil 2mg: dùng liều 0,15-0,2/mg/kg/ngày, kéo dài 4-8 tuần, sau đó duy trì liều 0,1mg/kg/ngày.
Azathioprine (50 mg): dùng liều 1-2mg/kg/ngày. Cần theo dõi số lượng bạch cầu và tiểu cầu.
Cyclosporine A (25 mg,50mg,100mg):dùng liều 3-5mg/kg/ngày, uống chia hai lần, trong thời gian 6-12 tháng hoặc hơn nữa tùy từng trường hợp.
Mycophenolate mofetil (250 mg, 500mg) hoặc Mycophenolate acid (180 mg, 360mg,720 mg): dùng liều 1-2 g /ngày (uống chia 2 lần mỗi ngày) trong 6 đến 12 tháng.
Các thuốc ức chế miễn dịch trên được dùng khi bệnh nhân không có đáp ứng với corticoid hoặc có nhiều tác dụng phụ, cần phải giảm liều hoặc ngừng corticoid.
Điều trị biến chứng
Điều trị nhiễm trùng: Dựa vào kháng sinh đồ để cho kháng sinh phù hợp. Nếu cần thiết cần giảm liều hoặc ngừng corticoid và ức chế miễn dịch nếu nhiễm trùng nặng, khó kiểm soát.
Điều trị dự phòng một số tác dụng phụ như loét dạ dày tá tràng , loãng xương…
Điều trị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, dự phòng tắc mạch đặc biệt khi albumin máu giảm nặng.
Điều trị suy thận cấp : cân bằng nước, điện giải, đảm bảo bù đủ albumin.
Phác đồ điều trị hội chứng thận hư thứ phát
Theo nguyên nhân gây bệnh.
Phòng bệnh
Bệnh có tính chất mạn tính, có thể tái phát.
Cần theo dõi và điều trị lâu dài.
Không sử dụng các loại thuốc và các chất không rõ nguồn gốc, gây độc cho thận.
Từ khóa » Phác đồ Bù Albumin
-
Sử Dụng Hợp Lý Albumin Trên Thực Hành Lâm Sàng
-
PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ XƠ GAN TIẾN TRIỂN - Tổng Hội Y Học Việt Nam
-
[PDF] BỘ Y TẾ CỤC QUẢN LÝ DƯỢC
-
️ Vai Trò Của Dịch Truyền Albumin Trên Bệnh Nhân Hồi Sức
-
XƠ GAN
-
Các Chế Phẩm Dinh Dưỡng Chính Cho Bệnh Nhân ICU - HSCC
-
XƠ GAN - Bệnh Viện đa Khoa Tỉnh Quảng Ninh
-
Albumin - Protein Của Huyết Thanh
-
Tác Dụng Phụ Nghiêm Trọng Khi Dùng Albumin ở Bệnh Nhân Xơ Gan ...
-
Phác đồ điều Trị Xơ Gan Tiến Triển - .vn
-
Phác đồ điều Trị Hội Chứng Thận Hư Vô Căn Trẻ Em
-
10 Quan Niệm Về Albumin Và Bằng Chứng Y Văn Tới Hiện Tại
-
Điều Trị Xơ Gan Mất Bù: Những điều Cần Biết | Vinmec