Phải Chăm Sóc, Bảo Vệ, Giáo Dục Trẻ Em Tốt Hơn Nữa!

Năm 2004, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, quy định các quyền cơ bản, bổn phận của trẻ em đồng thời nêu trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Điều 4 của Luật này quy định “Không phân biệt đối xử với trẻ em” với những nội dung rất tiến bộ: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”.

Luật nêu 10 quyền của trẻ, trong đó có quyền được khai sinh và có quốc tịch, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền sống chung với cha mẹ, quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được học tập, quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch, quyền được phát triển năng khiếu, quyền có tài sản, quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội…

Trên cơ sở của Luật này, cùng với những vận động của đời sống, xã hội, năm 2016, Quốc hội đã ban hành Luật Trẻ em, quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Luật này có nhiều điểm tiến bộ, trong đó đã nêu đến 25 quyền của trẻ em và được tách thành một mục riêng, với những quyền cơ bản như quyền sống, quyền được khai sinh và có quốc tịch, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, quyền vui chơi, giải trí, quyền giữ gìn, phát huy bản sắc, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền về tài sản, quyền bí mật đời sống riêng tư, quyền được sống chung với cha, mẹ, quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi, quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động, quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt, quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy, quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang, quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội, quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp, quyền của trẻ em khuyết tật, quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn...

Với những quy định khá cụ thể này, việc thực thi các quyền trẻ em được quan tâm trên thực tế, trong đó, trẻ em được quyền bày tỏ ý kiến, được lắng nghe, được tôn trọng… Công tác trẻ em dần trở thành là một hoạt động thường xuyên của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, dù tổ chức đó không có chức năng về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Đó đây, nạn bạo hành trẻ em vẫn diễn ra thường xuyên, đáng ngại là do chính những người có trách nhiệm nuôi, dạy trẻ với tâm lý “con tôi tôi đánh”, “thương cho roi cho vọt”, “có đánh mới nên người”… Nhiều trường hợp bạo hành rất dã man, gây cho trẻ nhiều thương tích, thậm chí mất mạng. Hay nạn xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, với khoảng 7 vụ mỗi ngày, là con số nhức nhối toàn xã hội.

Đó là chưa kể nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại nhưng không được phát hiện hoặc có phát hiện nhưng không được xử lý đến nơi đến chốn. Hay nạn mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em, chăn dắt trẻ em để ăn xin… vẫn còn diễn ra không phải cá biệt, thậm chí có nơi còn hình thành đường dây với quy mô không nhỏ. Điều đáng nói là hành vi này nhiều trường hợp lại có sự tổ chức, tiếp tay của chính cha mẹ, người thân của trẻ. Hay việc chăm sóc, giáo dục trẻ lại có những biểu hiện chưa phù hớp, như bắt trẻ học nhồi nhét, cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ như là một cách “giữ trẻ”, cho trẻ tiêu tiền quá sớm mà không có biện pháp quản lý đúng cách… Các biểu hiện sai lầm này đáng tiếc là ít được người thân của trẻ nhận ra mà vẫn cho đó là một cách thương con của người lớn…

Do đó, các cơ quan chức năng, toàn xã hội phải thực sự chăm sóc, bảo vệ, giáo viên trẻ em tốt hơn nữa với những biện pháp hợp lý và hiệu quả hơn nữa. Trong đó, cần triển khai các quy định pháp luật về công tác trẻ em đến với mọi cơ quan, tổ chức, mọi người dân, để mọi người nhận thấy rằng chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em không chỉ là một công tác bình thường mà là một trách nhiệm quan trọng, có ý nghĩa lớn đến sự phát triển của xã hội, của đất nước. Bởi trẻ em hôm nay sẽ trở thành chủ nhân của đất nước trong tương lai, chất lượng của thế hệ mai sau rõ ràng sẽ có kết quả từ công tác trẻ em hôm nay. Cần có những biện pháp xử lý nghiêm các hành vi gây tổn thương cho trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần; trong bất cứ tình huống nào, một hành vi vi phạm pháp luật mà đối tượng là trẻ nhỏ cũng cần xem đó là tình tiết tăng nặng. Bên cạnh đó, các chính sách chăm sóc, giáo dục, bồi dưỡng trẻ thành công dân tốt, thành nhân tài… phải được thực hiện tốt hơn nữa, nhất là trong hoạt động giáo dục, sao cho có thể phát huy được năng lực, điều kiện cụ thể của từng trẻ…

Từ khóa » Chăm Sóc Giáo Dục Trẻ Em Là Gì