Phải Lòng Con Gái Bến Tre - Địa Danh Và Nét đẹp - Báo Đồng Khởi
Có thể bạn quan tâm
Phà Rạch Miễu. Ảnh: Phương Đông
Bài hát “Phải lòng con gái Bến Tre” (thơ: Luân Hoán - nhạc: Phan Ni Tấn) gần đây được công chúng yêu nhạc đón nhận. Lời bài hát với những đại từ nhân xưng “qua”, “bậu” tuy xưa nhưng lại là những lời tán tỉnh khá dễ thương của một “gã thương hồ” với một cô gái Bến Tre nên được giới trẻ yêu thích.
Đặc biệt, lời bài hát nhắc đến nhiều địa danh nổi tiếng của Bến Tre. Đáng tiếc là theo thời gian, một số địa danh đã trở thành quá khứ hoài niệm vì nhiều lý do khác nhau. Dù còn tồn tại hay không, những cái tên đất, tên sông, tên cồn, tên chợ… đã trở thành “thương hiệu” tạo nên cốt cách, diện mạo của con người Bến Tre. Đối với các chàng trai đã từng “phải lòng con gái Bến Tre” chắc cũng thuộc lòng lời người xưa: Nết đất nết người.
Nhớ phà Rạch Miễu
“Bậu sang phà Rạch Miễu, qua lẽo đẽo theo sau
Đôi bóng trăng trên đầu hường như áo cô dâu
Áo bậu đỏ cánh kiến, da bậu vàng phù sa
Mắt ngời xanh nước biển, tim bậu hồng lòng qua”.
Thời sinh viên đi học, trên đường về quê mà xuống được phà Rạch Miễu thì xem như đã tới nhà. Cái cảm giác được đứng bên lan can của con phà “hải trình dài nhất Việt Nam” đón gió mát từ dòng sông rộng sau khi bước ra từ những chiếc xe chật cứng hành khách của những năm 1980 thật là sảng khoái. Thường mỗi thời điểm phà chạy hai chuyến qua lại. Nhớ lại mỗi lúc hai phà chạy ngang qua cũng ráng nhìn qua bên kia để… tìm người quen. Hóa ra phà cũng chạy nhanh chớ không chậm như mình tưởng. Thấy Cồn Phụng và nghe mùi nước mắm phảng phất từ những cơ sở ở Tân Thạch là đến Bến Tre.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết trong một tạp văn: “Bến Tre lần đầu, tôi ngơ ngác như một cô dâu mới, con phà Rạch Miễu chạy chậm như chiều. Một chuyến phà thong dong, người ta bỏ ra khỏi xe, ngồi ngắm sông, người ta cười nói chậm, đốt thuốc và nhả khói cũng chậm rì. Thời gian như ngưng đọng, trên gương mặt người, trên dòng sông, trên cái cồn đất xanh rì cây trái…”.
Một người bạn thân ở ngoài tỉnh, không biết có “theo bén gót” cô gái Bến Tre nào không cũng từng nhận xét: “Phà Rạch Miễu là phà sạch nhất miền Tây!”. Dù sạch thì vẫn phải xây cầu Rạch Miễu, vì đó là một xu thế tất yếu. Gần đây, lãnh đạo cấp trên cũng đã chấp thuận chủ trương xây dựng cầu Rạch Miễu 2. Vậy nên, từ lâu đã không còn nghe câu nói quen thuộc từ các anh phụ xe: “Cô bác vui lòng xuống xe qua phà!” cũng như không còn thấy hình dáng thon thả của các cô gái Bến Tre “ngoe nguẩy” xuống phà.
Trúc Giang hữu tình
“Bậu sang phà Rạch Miễu, vô Chợ Giữa nhởn nhơ
Về Trúc Giang đang chờ hay về Cù Lao Ốc trăng mơ?
Tức bàn chân quấn quýt, quanh quẩn vòng thủy chung
Bóng dừa vương áo mỏng, in đậm chùm yêu thương”.
Chợ Giữa thuộc xã Phú Hưng, cách trung tâm TP. Bến Tre ba kí-lô-mét. Tôi nhớ rõ chi tiết này vì một anh bạn viết cho biết nó nằm “giữa” chợ Bến Tre và chợ Mỹ Lồng, khu vực nơi đây, đất giồng cao, nổi tiếng trồng được bắp ngon:
“Xoài chua, cam ngọt Ba Lai
Bắp thì Chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hòa”.
(Ca dao)
Sẵn đây nhắn các bạn muốn “quyết lòng ở rể” Bến Tre. Khu vực Chợ Giữa còn là nơi tọa lạc của đình Phú Tự, với cây Bạch Mai cổ thụ trên ba trăm tuổi chỉ nở hoa thơm ngát vào đêm Nguyên tiêu mà các bậc tiền nhân đã trồng lưu dấu chứng tích thời mở cõi. Theo truyền thống, Ngày Thơ Việt Nam tại Bến Tre tổ chức tại đình này vào đêm trăng tròn tháng Giêng âm lịch hằng năm. Nơi linh khí đất trời hội tụ, văn chương thi phú giao hòa hẳn là nơi tốt nhất cho đêm hẹn hò đầu tiên với cô gái mặc áo “đỏ cánh kiến” xứ Dừa.
Hồ Trúc Giang thơ mộng nằm giữa lòng TP. Bến Tre. Ảnh: Nhật Minh
Trúc Giang là một quận của tỉnh Kiến Hòa cũ, bao gồm nhiều xã, phường thuộc TP. Bến Tre và huyện Châu Thành ngày nay. Trúc Giang hiện tại là tên chính thức của một cái hồ tuyệt đẹp giữa trung tâm TP. Bến Tre mà người dân quen gọi là Bờ Hồ. Trước đây hồ này có tên là hồ Chung Thủy. Tên gọi là hồ Trúc Giang nhưng xung quanh không có cây trúc mà chỉ có những cây me tây cổ thụ tạo bóng mát quanh hồ. Tuổi của những cây này có lẽ rất lớn. Tôi đi học, ra trường, học tiếp, đi làm… mà cây không biết có tự bao giờ vẫn sừng sững đứng đó thách thức với thời gian. Có một điều, khi hồ chưa được cải tạo, thành hồ bằng đất dễ bị sạt lở, một số cây me tây tróc gốc ngã vào lòng hồ. Có lẽ cũng đã mang theo những cái tên khắc vào cây lồng trong hình trái tim chìm sâu dưới nước.
Bây giờ, nếu quan sát kỹ ven hồ, chỗ công viên tượng đài Liệt sĩ Trần Văn Ơn sẽ thấy một cây thân ngã rạp gie tàn ra mặt nước, như thể sắp ngã vì tróc gốc. Nhờ thành hồ được gia cố nên cây vẫn sống đến giờ như một nhân chứng sống cho những hoài niệm đi qua.
Tôi sinh ra ở vùng đất Trúc Giang và tuổi thơ đi học quanh quẩn cái hồ thơ mộng này. Lớn lên một chút là những quán cà phê quanh hồ, nhà thủy tạ đợi giờ tan trường. Thời tôi đi học, rất nhiều bạn đi bộ từ nhà đến trường nên hình ảnh một anh chàng “lẽo đẽo” theo sau một tà áo dài “nhởn nhơ” nào đó cũng thường thấy. Dân Bến Tre mà không “phải lòng con gái Bến Tre” mới là chuyện lạ!
Vầng trăng Cồn Ốc
Cù lao Ốc hay Cồn Ốc trên sông Hàm Luông, cách trung tâm TP. Bến Tre hơn mười kí-lô-mét, nay là xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm. Đây là vùng đất của vườn dừa và vườn cây ăn trái. Dân thương hồ chắc thường qua nơi đây và ngủ lại đêm ở “Cù lao Ốc trăng mơ”. Lời bài hát chỗ này viết rất nặng tình, không phải kiểu chọc ghẹo qua đường: Bóng dừa vương áo mỏng, in đậm chùm yêu thương.
“Bậu sang phà Rạch Miễu
Thăm trường cũ Nam Phương
Lư lắc lư xe thổ mộ... Chèn ơi quá dễ thương!
Tức mình theo bén gót, năn nỉ hoài hổng nghe
Ước gì đương trắc trở, gặp nụ cười Bến Tre!”
Hình ảnh một cô gái đẹp ngồi lắc lư trên xe thổ mộ từ phà Rạch Miễu về thăm trường cũ thì đúng là “Chèn ơi, quá dễ thương!”. Rất tiếc là từ lâu rồi “xe ngựa” không còn được xem là phương tiện giao thông phổ biến nữa. Gần đây, loại hình “xe ngựa trên đường quê” đã và đang được các khu du lịch sinh thái ở huyện Châu Thành đưa vào khai thác rất hấp dẫn với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.
Phơi bánh phồng Sơn Đốc dưới nắng xuân. Ảnh: Thiên Nga
Trường cũ Nam Phương tên chính thức là “Trường Nữ công Nam Phương” được xây dựng vào những năm 1950 chuyên dạy “nữ công gia chánh”. Tài liệu chính thức về ngôi trường này không có nhiều nhưng có chi tiết đáng tin cậy là nữ sinh trường này nổi tiếng là các cô gái đẹp.
Về vị trí tọa lạc của ngôi trường này, chưa có sử liệu chính xác, qua tham khảo nhiều nguồn thì ở “đâu đó chỗ Miếu Tiên sư, gần Sở Giáo dục và Đào tạo!”. Còn tên của trường này có phải được đặt theo tên của Nam Phương hoàng hậu hay không, theo tôi là có hai nguyên cớ. Một là, bà Nam Phương quê ở Gò Công, thời điểm này thuộc tỉnh Mỹ Tho, giáp với Bến Tre, nhiều địa danh bây giờ thuộc tỉnh này nhưng ngày xưa thuộc tỉnh kia. Lý do thứ hai, nghe nói sinh thời, bà Nam Phương luôn nhiệt tình ủng hộ và bảo trợ cho những phụ nữ làm nghề thêu may.
Nụ cười Bến Tre
“Bậu sang phà Rạch Miễu, ngoe nguẩy xuống Bến Tre
Về Cái Mơn, Lương Hòa hay là về Sơn Đốc, Ba Tri?
Guốc bậu rụng tiếng lá, thoang thoảng mùi làm duyên
Thoáng mùi thương quá đỗi, mùi tình Lục Vân Tiên”.
Đoạn này gồm toàn địa danh nổi tiếng của tỉnh, nếu ai đến xứ cù lao mà chưa đặt chân những nơi này xem như thiếu sót. Này nhé, Cái Mơn được mệnh danh là “vương quốc của cây cảnh”, tham quan vườn trái cây “bao bụng” với cô chủ nhà xinh đẹp làm hướng dẫn viên chắc là kỷ niệm khó quên đối với du khách. Lương Hòa với Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, một địa điểm về nguồn, một nơi giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân nói chung và phụ nữ Bến Tre nói riêng. Sính lễ họ nhà trai đã mua “bánh tráng Mỹ Lồng” thì phải mua thêm “bánh phồng Sơn Đốc” cho đủ bộ. May mắn nữa là, nếu lấy được vợ Ba Tri, xem như không uổng “kiếp thương hồ”.
“Sông Bến Tre nhiều hang cá ngát
Đường Kho Bạc cát nhỏ dễ đi
Gái Ba Tri nhiều đứa nhu mì
Lòng thương em bậu sá gì đường xa”.
(Ca dao)
Nhà báo Minh Trường (Báo Sài Gòn Giải Phóng) gửi cho tôi nguyên bản bài thơ “Ta may mắn được làm thi sĩ nhờ đã phải lòng gái Bến Tre” của tác giả Luân Hoán. Nhiều câu thơ rất hay nhưng khi phổ nhạc đã “bỏ sót”. Nếu không thật sự “phải lòng” không thể viết “Ba Tri nồng muối ngấm/ Biển hát đất nằm nghe”.
***
Ước gì đương trắc trở, gặp nụ cười Bến Tre!
Tôi muốn nhắc lại câu này một lần nữa như là câu hay nhất tôi bình chọn trong bài hát “Phải lòng con gái Bến Tre”. Đi qua nhiều địa danh, gặp gỡ nhiều con người để thấy rằng mỗi nơi, mỗi người đều có những nét đẹp riêng. Có lẽ, nét đẹp về con người là khó phai mờ trong tâm khảm mọi người. Phà có thể không còn nhưng khó có thể quên những giây phút chia tay khi phà cập bến. Trường có thể không còn nhưng dáng ai đó trong tà áo dài học sinh vẫn đọng mãi trong trí nhớ của các chàng trai trẻ.
Tôi nghĩ gã thương hồ “khua dầm loang nắng đục” đã “phải lòng con gái Bến Tre” một nét đẹp: Nụ cười Bến Tre.
Nguyễn Võ Khang Hạ
Nguyễn Võ Khang Hạ
Từ khóa » Trúc Giang Nghĩa Là Gì
-
Ý Nghĩa Của Tên Trúc Giang
-
Ý Nghĩa Tên Trúc Giang - Tên Con
-
Ý Nghĩa Của Tên Trúc Giang
-
Ý Nghĩa Của Tên Trúc Giang - TenBan.Net
-
Đặt Tên Cho Con Trúc Giang 65/100 điểm Tốt
-
Đặt Tên Cho Con Nguyễn Trúc Giang 50/100 điểm Trung Bình
-
Tên Châu Trúc Giang ý Nghĩa Gì, Tốt Hay Xấu? - Xem Tên Con
-
Trúc Giang Tiếng Trung Là Gì? - Từ điển Số
-
Tên Con Huỳnh Trúc Giang Có ý Nghĩa Là Gì - Tử Vi Khoa Học
-
Hồ Trúc Giang - Điểm Du Lịch Bến Tre - Bazan Travel
-
Ý Nghĩa Tên Giang
-
Khởi Tố Bị Can Hồ Trúc Giang - Báo Người Lao động
-
Vì Sao 2 Thương Binh Chưa Di Dời Khỏi Chung Cư Trúc Giang?
-
Chung Cư Trúc Giang Tiếp Tục Bị Nghiêng, Dân Sống Trong Sợ Hãi