Phải Ra Khỏi Nhà Khi 'hung Thần Karaoke' Xuất Hiện - Báo Tuổi Trẻ

Phải ra khỏi nhà khi ‘hung thần karaoke’ xuất hiện - Ảnh 1.

Chương trình karaoke Tết ở xóm tôi thường khởi động lúc 12h trưa và kéo dài đến gần cuối đêm. Loa mở òng ọc dội vào từng nhà như phát đi thông điệp "chỉ cần một dàn loa nhà chúng ta cũng đủ làm bá chủ thiên hạ".

Lực lượng ca sĩ đoán chừng huy động cả dòng họ hát tiếp sức nhau, càng về sau giọng hát càng đa dạng, nam cao, nữ trầm, the thé, ngang phè đều nỗ lực phô diễn dòng nhạc bolero. Sau khi tâm sự Tết con không về thì xin gánh mẹ, gánh cả lời mẹ ru, sau đó tiếp tục ra ga tiễn anh lên đường và cảm thán về hai phương trời cách biệt….

Đó chỉ mới là một góc xóm. Quả nhiên là khu phố âm nhạc. Khu phố tôi có vài cụm karaoke chào xuân bung lụa như thế. Có cụm nhậu lầy chơi loa hẳn ra ngoài hẻm để giọng hát được lộ thiên hòa quyện đất trời. Cụm khiêm tốn hơn là hàng xóm sát vách của tôi, khoảng 6h chiều mới cất giọng, hát khoảng 3 tiếng thì tạm dừng để giữ giọng 6h đêm mai làm chương trình mới, ‘tụ hàng xóm’ này được cái diễn quanh năm chứ không thất thường mùa vụ, không khí gia đình thật đầm ấm vì có khi 4 người hùn vô hát chung một bài, đọc ráp như bắn súng.

Đôi khi tôi nghĩ lỗi tại mình, tại sao mình không sắm luôn một dàn karaoke rồi mình cũng suốt ngày đêm "đập vỡ cây đàn" hay đếm lá rơi" để đỡ phải dằn vặt. Con tôi không cách nào ngủ trưa, trong nhà muốn nói chuyện với nhau phải lặp lại câu nói hai lần vì tiếng nhạc đã thống trị rồi, muốn nói gì nhiều phải đợi giờ khát vọng âm nhạc của các góc xóm lắng xuống.

Tết lướt Facebook lát lát lại gặp bạn bè "rú" lên: "Trời ơi, lạy Chúa, xin đừng Gánh mẹ nữa được không, lá rơi gì rơi hoài không dứt, có một cây đàn sao ngày nào cũng đập vỡ vậy…" (lời trong các bài hát), cười với nhau mà thực tình ai "được" sống trong bầu trời karaoke đó cũng đau hết mình mẩy chứ không phải chuyện đùa đâu.

Vừa đi trốn nạn, tôi vừa nhớ về hai chữ ‘bao dung’. Năm 2004, Inoue Daisuke - một người chơi nhạc Nhật Bản, ‘cha đẻ’ của karaoke - đã được trao giải Ig Nobel hòa bình vì ‘phát minh ra cách hoàn toàn mới mẻ để con người bao dung với nhau hơn".

Ban đầu karaoke ra đời để thỏa mãn một nhóm nhỏ trong một không gian khu biệt. Nhưng karaoke nhanh chóng trở thành niềm đam mê của hàng tỉ người, thoát xác công nghệ liên tục từ băng lên đĩa, thêm hình, thêm thu âm… để đáp ứng nhu cầu ca hát vĩ đại của nhân loại từ Á sang Âu (lòng đam mê hát nhờ karaoke mới thấy là thứ đam mê sâu kín, dữ dội nhất bên trong chúng ta), có cả những cuộc thi karaoke quốc tế. Karaoke là một xu hướng không gì cản nổi của hiện tại và cả tương lai.

Trong quá trình hoàn thiện phức tạp đó, "lòng bao dung" khi hát và nghe karaoke vì thế cũng trải qua quá trình phát triển ‘nhiều màu sắc’ âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng karaoke gia đình phải chăng không còn phù hợp với lòng bao dung bình thường mà chúng ta có?

Chúng mọc lên khắp bản làng, đường hẻm như ‘một thế lực’, lời kêu cứu khắp nơi, có thể nói rất nhiều khi nó là ‘bạo hành âm thanh’, tác nhân gây trầm cảm, những vụ án giết nhau chỉ vì hát karaoke bất kể ngày đêm cũng đâu hiếm, số đông đều hiểu được cảm giác từ nhẹ nhàng đến "mắc chửi", "mắc đánh lộn" khi xung quanh mình là tiếng hát không khác gì tiếng bom từ sáng sớm đến canh thâu.

Đã có quá nhiều chuyên đề trên báo chí về nỗi đau khổ karaoke khu dân cư, karaoke loa thùng… qua đó cho thấy cũng như nhiều quốc gia, luật của Việt Nam đã cụ thể hóa rất rõ ràng những điều kiện để kinh doanh karaoke, và karaoke thôn xóm xếp chung trong những điều luật về tiếng ồn khu dân cư. Luật rất cụ thể và mức phạt rất cao, cao nhất đến 160 triệu đồng.

"Theo quy định tại thông tư 39/2010/TT-BTNMT, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (từ 21h đến 6h). Nếu hát karaoke phát ra tiếng ồn vượt mức cho phép có thể bị phạt thấp nhất là cảnh cáo và cao nhất lên đến 160 triệu đồng" (bài Gặp hàng xóm hát karaoke kiểu 'tra tấn', cần báo lên phường, xã).

Luật quá cụ thể nhưng nỗi nhức nhối vẫn còn quá trầm trọng, đó là vì cơ quan chức năng có thực sự xem nó là một vấn nạn rất quan trọng cần giải quyết triệt để hay không?

Nếu xem là quan trọng thì công cụ và cách thức thực thi luật cần cụ thể, dễ thực hiện và thực sự nghiêm túc hơn.

Cụ thể, cơ chế để tiếp nhận thông tin về karaoke loa thùng trong xóm ấp, khu phố ra sao, cách đo mức độ ồn như thế nào là dễ nhất, lực lượng nào đo là tiện nhất, và xử lý những sự vụ tạo tiền lệ sao cho có tính răn đe, nhìn người mà tự ngăn mình… chứ không phải ngay cả cơ quan chức năng cũng than khó 'luật có mà khó xử lý, biết là đo mà thiết bị đâu phải lúc nào cũng sẵn, phải phối hợp nhiều bộ phận'…. Nếu việc xử phạt quá nhiều trở ngại như vậy, thì người dân sẽ biết làm sao ngoài tiếp tục chịu trận?

Viết vài lời tâm sự này trong tiếng nhạc của ít nhất hai nhóm karaoke của xóm sương sâm tôi đang cư ngụ, nhớ lại một câu rất ý nhị mà tôi từng đọc trên một trang web của người Nhật "Bạn đâu lạ gì về karaoke phải không? Nhưng với karaoke, tùy vào nơi bạn đang sống mà khi nhắc đến nó trong đầu bạn sẽ hiện ra các hình ảnh khác nhau". Đa số người dân muốn nghĩ về karaoke như một thành tựu dễ thương nhất, chứ ai muốn khi nhắc tới karaoke là trong đầu hiện ra hình ảnh "hung thần".

Từ khóa » đập Vỡ Cây đàn Karaoke Mã Số