Phạm Tứ (1917 - 1987) - UBND Thành Phố Đà Nẵng

Năm 1942, bị địch bắt giam, kết án 2 năm tù, giam ở nhà lao Quảng Nam.

Sau Cách mạng Tháng 8-1945, được cử làm Chủ nhiệm Việt Minh tổng Thanh Quít, lần lượt được bầu vào Huyện ủy Điện Bàn; Phó bí thư Huyện ủy Tam Kỳ; Bí thư Huyện ủy Điện Bàn; Bí thư Huyện ủy Đại Lộc; Bí thư Huyện ủy Thăng Bình.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (3-1952), ông được bầu vào Tỉnh ủy, làm Bí thư Nông hội tỉnh, rồi Trưởng ty Công an tỉnh đến Hiệp định Genève (20-7-1954). Ông được phân công ở lại miền Nam, làm Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng. Trong những ngày phong trào cách mạng bị địch đánh phá khốc liệt, cơ sở phần lớn bị tan vỡ, phong trào cách mạng lâm vào cảnh vô cùng khó khăn, song Phạm Tứ đã kiên cường bám đất, bám dân, từng bước gây dựng lại phong trào. Nhiều lúc ông phải sống trong hầm bí mật, ngâm mình nơi bàu nước, ngủ ở nơi cồn mả, miếu hoang, vừa đói khát, vừa ốm đau, để móc nối, xây dựng lại cơ sở cách mạng. Có thời gian sức khỏe ông giảm sút, thiếu cơm phải đào khoai sống để ăn, nhằn những bông lúa non vừa ngậm sữa ở ngoài đồng để lấy sức. Răng ông cái rụng, cái lung lay, không nhai nổi khoai sống, người cán bộ bảo vệ ông là Đặng Công Quyện phải nhai nát rồi mớm cho ông để có sức vượt qua cơn đói. Chính ông Phạm Tứ với vai trò là Phó bí thư Tỉnh ủy, đã trực tiếp xây dựng lại cơ sở Đảng ở các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang, Tiên Phước. Năm 1958, ông Phạm Tứ ở trong phái đoàn của Khu ủy V do ông Võ Toàn (Võ Chí Công) và Trần Lương (Trần Nam Trung) phụ trách vượt Trường Sơn ra Bắc báo cáo tình hình và góp ý xây dựng Nghị quyết 15 của Trung ương về việc phát triển phong trào cách mạng ở miền Nam. Sau một thời gian chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, trước khi trở về Nam, ông đã đề nghị với Ban Tổ chức Trung ương xin một số cán bộ thành lập bộ khung chi viện cho chiến trường. Nhiều người trong số này về sau trở thành tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bí thư, chủ tịch tỉnh…

Từ đầu năm 1961 đến cuối 1963, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng. Khi có chủ trương của Khu ủy V chia tách thành hai đơn vị, thì ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Sau đó, ông được bổ sung vào Khu ủy V, phụ trách Trưởng ban Kiểm tra Đảng, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng đồng bằng hai tỉnh Nam – Ngãi.

Đầu năm 1965, trong khi đi kiểm tra kết quả trận đánh địch, ông không may vướng mìn, bị thương cụt một chân. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về sống tại thành phố Đà Nẵng và mất ngày 23-5-1987.

Nhân kỷ niệm 10 ngày mất của ông (2007), Nhà nước đã truy tặng ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Như vậy, ông Phạm Tứ là người Bí thư Tỉnh ủy thứ hai được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân(1).

Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Phạm Tứ.

(1) Người đầu tiên là bà Nguyễn Thị Định, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre thời chống Mỹ.

Cổng TTĐT thành phố

Từ khóa » Phạm Tu Là Ai