Phạm Vi Quyền Im Lặng Trong Pháp Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
TS Vũ Thị Phượng – Trần Trọng Nam (Chuyên viên pháp lý)
Công ty luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư Hà Nội
Bài viết được đăng tải trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam (xem tại đây).
Quyền im lặng (silent right) được cho là bắt đầu từ cảnh báo Miranda đã trở thành án lệ theo một phán quyết năm 1966 của Tòa án tối cao Hoa Kỳ trong vụ Miranda kiện bang Arizona. Tuy nhiên, có thể nó đã có từ sớm hơn ở Anh vào thế kỷ 17 . Ở Việt Nam, quyền im lặng cũng đã được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và ngày càng được bị can, bị cáo sử dụng nhiều trong thời gian gần đây, được đánh giá là một biện pháp tránh bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra và nhằm nâng cao vai trò của người bào chữa cũng như hạn chế oan, sai trong tố tụng hình sự. Việc làm rõ phạm vi quyền im lặng là cần thiết để có cơ sở đánh giá tính chuẩn mực của việc chủ thể sử dụng quyền và chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền, được thể hiện qua các nội dung như phạm vi chủ thể hưởng quyền, thời điểm được sử dụng quyền, nội dung của lời khai báo và trách nhiệm bảo đảm của cơ quan có thẩm quyền trong việc chứng minh tội phạm khi chủ thể hưởng quyền sử dụng quyền im lặng.
Phạm vi chủ thể có quyền sử dụng quyền im lặng và nội dung của lời khai báo
Ở Việt Nam, quyền im lặng được hiểu như một quyền của người bị buộc tội không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình và mặc dù không ghi nhận trực tiếp với tên gọi là “quyền im lặng” nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã ghi nhận một cách gián tiếp như một quyền quan trọng của người bị buộc tội. Tuy nhiên, đặt trong tổng thể các mối quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, cần nhìn nhận quyền im lặng theo nghĩa rộng hơn đó là quyền từ chối khai báo của các chủ thể mà pháp luật cho phép là hợp pháp. Với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ xã hội và chứng minh tội phạm nên cần khẳng định chủ thể hưởng quyền im lặng không bao giờ thuộc về các chủ thể tiến hành tố tụng mà sẽ chỉ thuộc về nhóm các chủ thể tham gia tố tụng. Song, không phải tất cả các chủ thể tham gia tố tụng đều được hưởng quyền này và nếu có quyền này cũng có giới hạn hưởng quyền khác nhau. Do đó, có thể chia ra nhóm các chủ thể có quyền im lặng tuyệt đối và nhóm các chủ thể có quyền im lặng tương đối.
Nhóm các chủ thể có quyền im lặng tuyệt đối
Quyền im lặng tuyệt đối có thể hiểu là khả năng chủ thể được hưởng quyền hoàn toàn có thể không phải đưa ra lời khai chống lại chính mình trong mọi thời điểm, với mọi chủ thể yêu cầu đưa ra lời khai. Với tính chất này, quyền im lặng tuyệt đối chỉ thuộc về người bị buộc tội. Tuy nhiên, chúng ta chỉ đặt ra vấn đề quyền khi đặt chủ thể trong mối quan hệ pháp luật nhất định và chỉ đặt ra vấn đề quyền im lặng khi đặt trong mối quan hệ pháp luật để thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm. Do đó, quan hệ pháp luật làm phát sinh quyền im lặng là loại quan hệ pháp luật mà trong đó một bên chủ thể còn lại phải có nghĩa vụ, trách nhiệm chứng minh tội phạm. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, có hai nhóm chủ thể có trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh tội phạm.
Thứ nhất, theo Điều 15 BLTTHS năm 2015 về nguyên tắc xác định sự thật vụ án: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Vì thế, trong mối quan hệ pháp luật với các chủ thể tiến hành tố tụng hình sự, người bị tình nghi là tội phạm (gồm người bị tạm giữ, người bị buộc tội) có quyền từ chối khai báo trước những câu hỏi, yêu cầu mà nội dung mang tính bất lợi với chính họ trong các hoạt động lấy lời khai (tự khai, hỏi cung, phúc cung, đối chất, xét hỏi…), trong các hoạt động điều tra khác cần có sự tham gia của người bị buộc tội như trong hoạt động thực nghiệm điều tra.
Người bị buộc tội không được sử dụng quyền im lặng trong trường hợp câu hỏi được đưa ra và câu trả lời không mang tính bất lợi cho chính bản thân người bị buộc tội khai báo. Cụ thể, trong trường hợp đồng phạm, mỗi chủ thể tham gia có vai trò khác nhau và việc chứng minh vai trò của từng người sẽ là căn cứ để xác định mức độ tráh nhiệm hình sự đối với chủ thể đó. Quá trình chứng minh, chủ thể tiến hành tố tụng có quyền được sử dụng lời khai của các đồng phạm làm một trong những nguồn chứng cứ quan trọng nhưng những lời khai của các đồng phạm với nhau có giá trị chứng minh cao về tội phạm với đồng phạm nhưng cũng có thể hàm chứa các nội dung thể hiện sự bất lợi với chính người đưa ra lời khai.
Do đó, nếu lời khai của người bị buộc tội về một đồng phạm khác dù bất lợi hay thậm chí có lợi với đồng phạm đó nhưng lại mang tính bất lợi cho chính họ thì quyền im lặng vẫn được phép sử dụng. Pháp luật cho phép mỗi chủ thể đều có quyền tự bảo vệ chính mình và quyền im lặng là sự thể hiện rõ nét cho điều đó, BLTTHS năm 2015 cũng quy định “Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình có tội” (Điều 15), cụ thể hơn nữa tại các Điều luật trực tiếp quy định về quyền của người bị tạm giữ, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị can, bị cáo đều ghi nhận việc trình bày lời khai của các chủ thể này là quyền chứ không phải là nghĩa vụ và đều khẳng định các chủ thể này có quyền “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” (điểm d khoản 2 Điều 58, điểm c khoản 2 Điều 59, điểm d khoản 2 Điều 60, điểm h khoản 2 Điều 61 BLTTHS – Quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo).
Tuy nhiên cần phải phân biệt khi người bị buộc tội đưa ra lời khai với tư cách là người bị giữ, bị can, bị cáo khác với việc đưa ra lời khai với tư cách người làm chứng, người chứng kiến vì khi đó trách nhiệm của họ là phải khai báo những nội dung mà họ biết về vụ án. Trong trường hợp đó, họ trở thành nhóm chủ thể có quyền im lặng tương đối.
Thứ hai, điểm a khoản 2 Điều 73 BLTTHS quy định: Người bào chữa có nghĩa vụ “Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 5 Luật Luật sư năm 2015 cũng khẳng định một trong những nguyên tắc quan trọng trong hành nghề Luật sư là “Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng”. Do đó, có thể hiểu người bào chữa với mục đích bảo vệ người bị buộc tội sẽ có nghĩa vụ sử dụng hết các biện pháp thu thập chứng cứ hợp pháp để chứng minh những vấn đề có lợi cho thân chủ của mình, trong đó bên cạnh việc chứng minh vô tội thì việc chứng minh giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là bắt buộc.
Tuy nhiên, trong quá trình chứng minh đó, khả năng thân chủ của họ phải trình bày về sự thật vụ án có nội dung hàm chứa việc nhận tội, hoặc bất lợi khác đối với họ cho người bào chữa có khả năng cao. Do vậy, xét trong mối quan hệ với người bào chữa, mặc dù người bào chữa là người bảo vệ quyền, lợi ích cho người bị tạm giữ, người bị buộc tội nhưng bằng sự đánh giá cá nhân dựa trên “niềm tin” với người bào chữa hoặc lo sợ khả năng người bào chữa sử dụng lời khai của họ để sử dụng vào mục đích khác, không có lợi cho họ (thậm chí thuộc trường hợp người bào chữa phải tố giác tội phạm do thân chủ đã thực hiện) thì người bị tình nghi phạm tội vẫn có thể sử dụng quyền im lặng khi người bào chữa đặt ra các câu hỏi mang tính bất lợi cho mình trong các buổi tiếp xúc chính thức có mặt của chủ thể tiến hành tố tụng (như buổi hỏi cung, đối chất… của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc tại phiên tòa) và các buổi tiếp xúc không có mặt của chủ thể tiến hành tố tụng.
Nhóm các chủ thể có quyền im lặng tương đối
Quyền im lặng tương đối có thể hiểu là khả năng chủ thể được hưởng quyền trong những trường hợp nhất định có thể không phải đưa ra lời khai chống lại người mà họ có quan hệ thân thích. Cũng giống như nhóm chủ thể có quyền im lặng tuyệt đối, những người có quyền im lặng tương đối khi sử dụng quyền của mình là khi họ đặt trong mối quan hệ pháp luật với các chủ thể có nghĩa vụ chứng minh tội phạm.
Theo quy định hiện hành, “Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS” (khoản 5 Điều 66 BLTTHS). Theo đó, người làm chứng có trách nhiệm phải khai báo trung thực các tình tiết vụ án mà họ biết nếu không có thể tùy mức độ sẽ có thể bị xử lý về các tội theo BLHS trong đó có tội “Che giấu tội phạm” (Điều 389 BLHS năm 2015) hoặc tội “Không tố giác tội phạm” (Điều 390 BLHS năm 2015). Tuy nhiên, nếu người che giấu tội phạm, người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm trên. Như vậy, nếu người làm chứng trong vụ án hình sự mà người bị buộc tội là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người làm chứng thì việc họ đưa ra lời khai chống lại người bị buộc tội là người thân thích của họ một mặt sẽ giúp cơ quan chức năng có thêm chứng cứ quan trọng giải quyết vụ án nhưng mặt khác sẽ đi ngược lại với đạo lý về tình cảm gia đình, truyền thống Việt Nam. Do đó, trong trường hợp này người làm chứng có quyền từ chối khai báo mà không vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, xuất phát từ nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp và nhiệm vụ của người bào chữa nên chủ thể có quyền im lặng tương đối còn có thể kể đến là người bào chữa trong quá trình tiến hành bào chữa mà phát hiện ra thân chủ của mình đã thực hiện tội phạm thì cũng có quyền im lặng trong suốt quá trình tố tụng hình sự được diễn ra với người đó (khoản 3 Điều 19 BLHS năm 2015 – Không tố giác tội phạm).
Song tính tương đối của quyền im lặng của người làm chứng và người bào chữa không chỉ dừng lại ở việc họ có quyền im lặng trước cơ quan chức năng về việc biết rõ người thân thích hoặc thân chủ đã phạm tội mà còn thể hiện ở chỗ phạm vi im lặng của các chủ thể này không được sử dụng trong trường hợp người bị buộc tội là người thân thích hoặc thân chủ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thời điểm được sử dụng quyền im lặng
Việc xác định phạm vi chủ thể được hưởng quyền sẽ là căn cứ để xác định thời điểm họ được sử dụng quyền im lặng và việc xác định thời điểm phát sinh quyền sẽ là căn cứ để xác định việc sử dụng quyền là hợp pháp hay không. Hầu hết các quốc gia trên thế giới có ghi nhận quyền im lặng đều xác định thời điểm phát sinh quyền này khi một người bị tình nghi phạm tội bị bắt hoặc bị khởi tố hình sự.
Theo điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự của Cộng hòa liên bang Đức, trước khi hỏi cung một người bị tình nghi phạm tội phải thông báo cho họ về quyền được tự do trình bày hoặc không trình bày về những cáo buộc phạm tội, đồng thời được mời Luật sư bào chữa. Pháp luật tố tụng hình sự của Hoa Kỳ cũng có quy định tương tự và nổi tiếng với Cảnh báo Miranda (Miranda warning) “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa”… Ở Việt Nam, với việc trao quyền im lặng tuyệt đối cho người bị buộc tội thì thời điểm được cho là phát sinh quyền này là khi phát sinh tư cách tố tụng của người bị buộc tội (tức người bị bắt, bị can, bị cáo – Điều 4, BLTTHS năm 2015).
Như vậy, trong suốt quá trình từ khi một người bị tình nghi là tội phạm bị tạm giữ, bị bắt trong trường hợp bắt người bị giữ khẩn cấp, bị bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã hoặc sau khi họ bị khởi tố hình sự thì những lần phải tiếp xúc với người tiến hành tố tụng như quá trình lấy lời khai với cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, người đó được sử dụng quyền im lặng để từ chối khai báo hoặc chỉ khai báo trong trường hợp có người bào chữa (nếu người này có mời người bào chữa hoặc thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa), nếu trong giai đoạn xét xử đặc biệt tại buổi thẩm vấn công khai tại phiên tòa, bị cáo vẫn có thể giữ quyền im lặng trước những câu hỏi của phía bên buộc tội (đại diện Viện kiểm sát), phía bên bị hại, bên đồng phạm khác và của Hội đồng xét xử nếu các câu hỏi có nội dung mang tính bất lợi cho họ như các câu hỏi mang tính lấy thông tin chứng minh họ là chủ thể tội phạm, chứng minh các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, các tình tiết về nhân thân không có lợi cho người phạm tội. Như vậy, người bị tình nghi là tội phạm có quyền lựa chọn khai báo hoặc giữ im lặng trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự mà các chủ thể tiến hành tố tụng không được phép hạn chế cũng như tìm mọi cách buộc họ phải trình báo.
Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong chứng minh tội phạm và việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi quyền im lặng được sử dụng
Việc sử dụng hay không sử dụng quyền im lặng là quyền tự quyết định của người bị tạm giữ, người bị buộc tội, các chủ thể tiến hành tố tụng cũng như người bào chữa không có quyền can thiệp dưới mọi hình thức. Bởi trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về nhà cầm quyền mà đại diện là các cơ quan tiến hành tố tụng. Các nguồn chứng cứ khác nhau có những giá trị chứng minh khác nhau tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể và không thể phủ nhận giá trị chứng minh của lời khai về tội phạm của chính chủ thể thực hiện.
Tuy nhiên, việc chứng minh tội phạm phải được sử dụng từ nhiều nguồn chứng cứ khác nhau với nhiều biện pháp điều tra khác nhau mà không dừng lại ở việc chỉ áp dụng một biện pháp điều tra hỏi cung bị can với chỉ một nguồn chứng cứ duy nhất là lời khai của người bị tình nghi. Theo đó, BLTTHS đã quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội” (Điều 98).
Như vậy, ngay cả khi có lời nhận tội của bị can, bị cáo thì trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải đánh giá sự phù hợp với sự thật khách quan của vụ án bằng cách đặt lời nhận tội đó trong hệ thống các chứng cứ khác. Ngoài ra, trên cơ sở nguyên tắc suy đoán vô tội, nếu đã sử dụng mọi biện pháp hợp pháp nhưng vẫn không thể chứng minh tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội, kết luận người đó không có tội.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong trường hợp những buổi làm việc chính thức với cơ quan điều tra, người bị tạm giữ, bị can sử dụng quyền im lặng tuyệt đối thì cơ quan điều tra có quyền áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt hay không. Theo BLTTHS các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập dữ liệu điện tử bí mật (Điều 223 BLTTHS) được áp dụng với các trường hợp: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Điều 224 BLTTHS) và thủ tục áp dụng được quy định nghiêm ngặt để tránh xâm phạm đến quyền bí mật đời tư của người bị áp dụng.
Trên cơ sở nguyên tắc cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng các biện pháp hợp pháp để chứng minh tội phạm, do đó việc các cơ quan này quyết định áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt nêu trên khi thỏa mãn các điều kiện về thời điểm áp dụng, loại tội phạm được áp dụng cũng như tuân thủ các quy định về thủ tục áp dụng là hoàn toàn hợp pháp. Do đó, cho dù người bị buộc tội sử dụng quyền im lặng của mình khi họ có những cuộc tiếp xúc chính thức với các cơ quan tư pháp hình sự thì các cơ quan này vẫn có thể đưa ra, sử dụng các chứng cứ thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại bí mật, thu thập dữ liệu điện tử bí mật để chứng minh tội phạm thậm chí các chứng cứ thu được bao gồm cả các cuộc nói chuyện, tin nhắn, email, video … mà bị can, bị cáo trực tiếp truyền tải những nội dung chống lại chính họ như lời nhận mình đã thực hiện tội phạm hoặc tường thuật về quá trình phạm tội… Như vậy, việc bị can, bị cáo sử dụng quyền im lặng không làm mất đi quyền được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt của cơ quan điều tra đã được BLTTHS quy định tại Chương XVI.
Tóm lại, mặc dù pháp luật cho phép được sử dụng quyền im lặng trong mọi giai đoạn tố tụng tuy nhiên sử dụng quyền đó vào thời điểm nào, khi nào để có lợi nhất cho bản thân là sự cân nhắc của chính chủ thể hưởng quyền. Phạm vi quyền im lặng phụ thuộc vào tư cách tố tụng mà chủ thể hưởng quyền tham gia trong vụ án là chủ thể có quyền im lặng tuyệt đối hay chủ thể có quyền im lặng tương đối. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng là tôn trọng khi các chủ thể sử dụng quyền im lặng đồng thời phải sử dụng các biện pháp khác nhau gồm cả biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt để chứng minh tội phạm.
Từ khóa » Khi Một Người Quyết định Im Lặng
-
Nên Làm Gì Khi Chàng Im Lặng? Hiểu Lý Do, Bạn Sẽ Cứu Vãn được Tình ...
-
Khi Người Yêu Im Lặng, Mình Phải Làm Gì? - Hello Bacsi
-
Nên Làm Gì Khi Chàng Im Lặng? - Webtretho
-
Chia Tay Bằng Cách Im Lặng! Đàn ông Và Sự Im Lặng
-
Có Phải đàn ông Khi Hết Yêu đều Im Lặng - VnExpress
-
Nắm Bắt Tâm Lý đàn ông Khi Im Lặng - Giúp Bạn ổn định Mối Quan Hệ ...
-
Im Lặng... Là Cách Chia Tay Khiến Người Ta đau Lòng Nhất - Coocxe
-
Khi đàn ông Im Lặng Không Nhắn Tin - Bạn Nên Làm Gì?
-
Khi Người Yêu Im Lặng, Mình Phải Làm Gì
-
Nên Im Lặng Bao Lâu Sau Chia Tay
-
Học Cách Im Lặng Trong Tình Yêu, Ai Cũng Cần Phải Học - Stardaily
-
Hậu Chia Tay: Đàn ông Im Lặng Là Muốn Nói điều Gì?
-
Quy định Của Pháp Luật Về Sự Im Lặng Của Các Bên Khi Thực Hiện Hợp ...
-
Bạn Trai Hoặc Bạn Gái Chia Tay Trong Im Lặng Thì Nên Làm Gì?