Phân Biệt Các Dòng Xe Mô Tô - Hiểu đúng Về Xe Phân Khối Lớn - OKXE

Bạn còn nhớ cảm giác của những ngày đầu tiên khi tìm hiểu về các dòng xe mô tô, xe PKL chứ? Khá khó hiểu đúng không nhỉ? Vậy nên cũng có không ít người mặc định rằng xe mô tô chính là PKL… Và bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ các dòng xe mô tô, xe PKL xem có gì khác biệt nhé.

Việc sở hữu trong tay một con xe PKL, hay đơn thuần chỉ là dòng mô tô là ao ước của không ít cánh mày râu. Không chỉ thể hiện cá tính, mà còn là niềm đam mê, khát khao chinh phục cũng như làm chủ tốc độ của phái mạnh.

Tất nhiên, không phải bất cứ biker nào cũng dễ dàng phân biệt các dòng xe mô tô, cũng như hiểu đúng về các xe phân khối lớn khi bắt đầu tìm hiểu. Vậy có điều gì khác biệt ở đây?

Hiểu rõ về xe moto phân khối lớn

Hiểu rõ định nghĩa xe phân khối lớn

Bạn có bao giờ mặc định rằng những chiếc xe có kiểu dáng hầm hố, thể thao hay thấy ở các tay đua đều nghĩ đó là xe phân khối lớn. Đó thật sự là một sai lầm.

Trên thực tế, xe phân khối lớn, phân khối nhỏ hay mô tô được phân loại không chỉ dựa trên thiết kế mà còn cả dung tích động cơ. Luật có quy định rất cụ thể.

Những chiếc xe hai bánh, động cơ dưới 50cc được gọi là xe gắn máy, trên 50cc là mô tô. Dễ nhầm lẫn nhất chính là trong phân khúc xe mô tô lại chia ra hai loại nữa, gồm dòng underbone và dòng moto phân khối. Trong moto phân khối lại chia ra phân khối lớn (PKL) và phân khối nhỏ (PKN).

Dòng xe underbone

Định nghĩa dòng xe underbone

Những chiếc xe có thiết kế bình xăng nằm dưới yên, dung tích dưới 175cc. Ví dụ: Honda Wave, Future, Sirius,…và các mẫu côn tay như Winner, Exciter, Raider…đều thuộc dòng Underbone.

Định nghĩa dòng xe moto phân khối nhỏ

Các mẫu xe có dung tích dưới 175cc, thiết kế bình xăng lộ ra bên ngoài nằm ở phía trước được gọi là xe PKN. Thiết kế tương tự nhưng xe có dung tích trên 175cc được xếp vào nhóm xe phân khối lớn.

Ví dụ: Honda CB150R, GSX-S150, CBR150RR, FZ150…là những mẫu moto PKN. Các mẫu xe PKL như Honda CBR250, Z1000, CBR1000R…

>>> Xem một số mẫu moto khác trên OKXE tại đây

Phân loại xe moto phân khối lớn

Không chỉ đơn giản là một chiếc xe có động cơ cho tiếng kêu to, những chiếc xe phân khối lớn cũng được phân loại theo cấu tạo và theo mục đích sử dụng của người dùng.

Dòng Sport bike

Là dòng xe thể thao, những tay đua tốc độ sẽ sử dụng dòng phân khối lớn này bởi trang bị của nó phục vụ cho việc chạy nhanh, rất nhanh. Sở hữu gia tốc lớn nên cho khả năng tăng tốc rất nhanh.

Một mẫu xe phân khối lớn thuộc dòng Sport bike của Yamaha

Xe có cấu tạo khí động học, thiết kế theo kiểu ngồi ôm bình xăng, chúi về trước. Khi mua một chiếc Sport bike là đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận sự thiếu tiện dụng. Không cốp xe, không móc treo tuy nhiên có móc treo nón nha. Ngoài ra, việc ngồi cúi nhiều về trước nên rất dễ đau nhức cơ thể nếu ngồi quá lâu.

Sport bike thu hút các biker bởi kiểu dáng mạnh mẽ, nam tính. Tuy nhiên, vì có thiết kế lớn nên khá to và nặng, phù hợp với biker cao to, khỏe khoắn. Không thể treo nhiều đồ trên xe và gầm xe khá thấp.

Các mẫu xe phân khối lớn thuộc dòng Sport bike như: Honda CBR650R, Yamaha R1, Ducati 1098, Honda CBR1000RR….

Dòng Naked bike

Được thiết kế nhằm giúp người dùng dễ dàng di chuyển trong đường phố, linh hoạt. Hầu hết các mẫu xe dòng Naked bike đều được thừa hưởng khối động cơ từ dòng Sport nhưng có giới hạn về động cơ (mã lực, mô-men xoắn…).

Dòng Naked bike của Ducati

Thiết kế của Naked cũng khá giống với Sport, nhưng ở Sport bạn không thể ngồi thẳng lưng thì ở Naked bike cho phép bạn có thể ngồi thẳng hoặc hơi cúi người về phía trước. Tư thế khá thoải mái cho những ai di chuyển xa.

Ngoài ra, ở Sport khối động cơ được bao bọc kín bởi các ốp vỏ nhựa thì ở Naked bộ máy được để lộ ra ngoài. Rất đúng với Naked (trần trụi). Mặc dù đều là xe phân khối lớn nhưng chiều dài của những mẫu xe Naked ngắn hơn Sport, tiện di chuyển trong đường phố.

Các dòng Naked bike phổ biến: Z650, Z900 ABS, Suzuki GSX-S1000, Ducati Monster 821…

Dòng Cruiser

Một biến thể mới từ dòng Naked nhưng Cruiser ưu tiên cho đường trường, bạn cần tìm dòng xe phân khối lớn chuyên phượt thì đây chính là sự lựa chọn.

Thiết kế kiểu ngồi của Cruiser mang vẻ vương giả

Thùng đồ được gắn hai bên hông hoặc ở đuôi xe, cũng có thể gắn ở cả hai vị trí nên rất thuận tiện để đi chu du, khám phá nhiều vùng đất mới. So với Naked thì Cruiser dài hơn.

Không nam tính, thể thao như Naked, Cruiser mang nét lịch lãm và sang trọng nên nó cũng rất kén người dùng. Dòng xe chỉ phù hợp với người đứng tuổi.

Tư thế ngồi của Cruiser cũng thể hiện vẻ vương giả, ngồi thẳng lưng, hơi ngả về sau hoặc trước một chút, hai tay đưa thẳng ra trước điều khiển ghi đông. Ghi đông (tay lái) của xe có thiết kế dài và cao, thậm chí là rất cao.

Bạn dễ dàng nhìn thấy dáng vẻ Cruiser qua những chiếc xe của ông lớn Harley-Davidson.

Dòng Touring

“Touring”, cái tên đã nói lên tất cả mục đích của dòng xe này. Xu hướng dùng để di chuyển xa, đi tour trong thời gian dài nên xe có kích thước rất đồ sộ. Ưu tiên tiện nghi nên trông vẻ ngoài của nó rất bề thế.

Mọi trang bị đều mang tính tiện dụng cho chuyến đi xa

Hình hài của nó khá giống với Cruiser nhưng tư thế ngồi lại thoải mái hơn rất nhiều, có chỗ dựa lưng cho cả người ngồi trước và sau. Được trang bị cả kính chắn gió trước, thể tích bình xăng rất lớn. Đặc biệt, một số còn được trang bị hệ thống tự cân bằng, túi khí an toàn cho người lái và hệ thống giải trí trên xe.

Vì to và bề thế nên không phải ai cũng thích, không phải ai cũng lái được.

Dòng Dirt bike

Nó còn có tên gọi thân thiện khác “cào cào”. Dòng xe chuyên trên các địa hình đồi núi,sình lầy, phức tạp.

Một chiến mã dòng Dirt bike

Thiết kế yên xe cao, thân xe nhỏ gọn, bánh xe lớn có lớp gai sâu và to, trông rất “dã chiến”. Có kiểu dáng nhỏ gọn, đẹp nhưng Dirt bike chỉ thích hợp để biểu diễn hoặc đi địa hình.

>>> Xem một số mẫu moto khác trên OKXE tại đây

Từ khóa » Các Dòng Xe Mt