Phân Biệt Các Hệ Màu Trong Thiết Kế đồ Hoạ RGB, CMYK, Lab Color ...

Hệ màu – Màu sắc là một thành phần quan trọng cần nắm vững đối với các bạn học thiết kế, cũng như kỹ thuật in ấn. Màu sắc giúp chúng ta định hướng được thiết kế, ý tưởng, cảm xúc, ẩn dụ những thông tin của mình qua mẫu thiết kế. Nắm được bản chất của màu sắc để thực hiện sản phẩm phù hợp với mục đích, yêu cầu của cá nhân và khách hàng. Thái Triển xin tóm tắt về 3 hệ màu cơ bản (ngoài ra còn nhiều cách phân chia khác, các hệ màu khác) gồm RGB, CMYK, Lab color, PANTONE.

1. RGB là gì?

RGB là từ viết tiếng anh của 3 màu cơ bản Red (đỏ), Green (xanh lá), Blue (xanh dương). Đây là hệ màu cộng, 3 màu cơ bản cộng vào nhau thành màu trắng. Hệ màu này dùng để hiển thị màu trên các màn hình điện thoại, TV, màn hình máy tính và những thiết bị điện tử khác.

Đặc điểm của hệ màu RGB

RGB được ra đời từ những năm 1953, được sử dụng để làm tiêu chuẩn cho tivi màu cũng như các màn hình Internet. Hệ màu RGB có đặc điểm nổi bật đó là phát xạ ánh sáng, hay còn có tên gọi khác đó là mô hình ánh sáng bổ sung. Hiểu một cách đơn giản thì khi 3 màu Red (Đỏ), Green (Xanh lá) và Blue (Xanh dương) hòa trộn với nhau theo tỉ lệ 1:1:1 sẽ tạo thành màu trắng (màu sáng hơn màu gốc).

Hệ màu RGB hoạt động bằng cách phát các điểm sáng màu khác nhau để tạo thành hình ảnh, màu sắc trên nền đen như nền tivi, máy tính, máy ảnh,…

Các file thiết kế cũng như hình ảnh sử dụng màu RGB cũng như ánh sáng trắng sẽ hiển thị đẹp hơn, chân thực và sắc nét hơn. Còn nếu sử dụng các hệ màu khác sẽ sai lệch khá lớn.

Cách chuyển hệ màu RGB

Nếu thiết kế các ấn phẩm truyền thông, đăng lên các trang mạng xã hội, hiển thị trên màn hình điện tử thì sử dụng đúng hệ màu RGB là điều rất quan trọng. Để chuyển sang hệ màu RGB trên các phần mềm thiết kế thì có thể thực hiện theo các cách:

  • Khi sử dụng phần mềm Adobe Photoshop: sau khi mở ảnh chọn Image -> Mode -> chọn sang hệ màu CMYK.
  • Khi sử dụng phần mềm Adobe Illustrator: vào thanh menu chọn File -> Document Color Mode -> chọn sang hệ màu CMYK.

Ưu điểm của hệ màu RGB

Màu sắc đa dạng, phong phú

Dải màu của hệ màu RGB rộng hơn CMYK rất nhiều, đặc biệt là các sắc màu nằm trong huỳnh quang sáng Chính vì thế, khi sử dụng hệ màu này thì sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn trong thiết kế.

Màu sắc rực rỡ, rõ nét hơn

Khi xem các hình ảnh, video trên các thiết bị điện tử, màn hình led mà sử dụng hệ màu RGB thì sẽ đem đến trải nghiệm màu sắc phong phú và chân thực hơn.

Ứng dụng của hệ màu RGB

Hệ màu RGB được sử dụng để quan sát hình ảnh, thiết kế, video hiển thị trên các thiết bị điện tử, màn hình tivi, màn hình điện tử,…

Hiểu rõ về hệ màu RGB cũng như ứng dụng thực tế sẽ giúp giảm thiểu xảy ra sai sót khi thiết kế, tăng hiệu quả thẩm mỹ cho hình ảnh, từ đó thu hút người xem. Ngoài ra, cần tránh sử dụng sai mục đích, nhầm lẫn với hệ màu CMYK.

2. CMYK là gì?

CMYK là một bảng mã màu trong thiết kế và in ấn. Bốn chữ CMYK là viết tắt của 4 màu:

  • C – Cyan: màu xanh lơ.
  • M – Magenta: màu hồng sẫm.
  • Y – Yellow: màu vàng.
  • K – Key: màu đen.

Màu đen có tên tiếng anh là Black, đáng lẽ sẽ được viết tắt là B, nhưng bởi B sẽ trùng với Blue (trong hệ màu RGB) nên màu đen được ký hiệu là K (Key) để thể hiện đây là màu chủ đạo, rất quan trọng trong in ấn.

Đặc điểm của hệ màu CMYK

Hệ màu CMYK có một đặc điểm nổi bật là hấp thụ ánh sáng hay còn gọi là hệ màu trừ. Màu mắt chúng ta quan sát được là những màu không bị hấp thụ, được phản xạ ánh sáng từ nguồn khác chiếu tới. Màu CMYK không có khả năng tự phát ra ánh sáng.

Muốn thay đổi màu CMYK thì không dùng cách tăng thêm ánh sáng mà bản thân màu CMYK sẽ loại bỏ đi ánh sáng đi từ ánh sáng gốc để thay đổi thành các màu sắc khác nhau. Vì vậy, khi 3 màu Cyan, Magenta và Yellow kết hợp lại sẽ tạo ra màu đen (bởi lúc này ánh sáng đã bị loại bỏ tất cả các màu).

Đây là đặc điểm nổi bật của hệ màu CMYK, trái ngược hoàn toàn với màu RGB.

Cách chuyển hệ màu CMYK

Thiết kế trên hệ màu CMYK hay RGB rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, màu sắc sản phẩm sau khi in. Để chuyển sang hệ màu thiết kế CMYK, có thể thực hiện theo các cách sau:

  • Khi sử dụng phần mềm Adobe Photoshop: sau khi mở ảnh chọn Image -> Mode -> chọn sang hệ màu CMYK.
  • Khi sử dụng phần mềm Adobe Illustrator: vào thanh menu chọn File -> Document Color Mode -> chọn sang hệ màu CMYK.

Ưu điểm của hệ màu CMYK

Hệ màu CMYK được dùng rất nhiều trong in ấn, bởi những ưu điểm vượt trội mang lại cho các sản phẩm. Dưới đây là một số ứng dụng cũng như ưu điểm của hệ màu CMYK trong in ấn

Tiết kiệm mực in

Để tạo ra màu đen thì có thể trộn 3 màu C + M + Y với tỉ lệ 1:1:1, tuy nhiên điều này sẽ gây ra tốn mực rất nhiều. Bởi màu đen được sử dụng rất nhiều trong in ấn. Vì vậy, hệ màu CMYK bổ sung thêm 1 hộp màu đen, giúp tiết kiệm mực in cũng như chi phí sản xuất.

Tăng độ chân thực, dễ dàng chọn được màu in phù hợp

Nếu sử dụng màu RGB để thiết kế và màu CMYK để in ấn thì sẽ tạo sự chênh lệch rất lớn khi nhìn trên máy tính và sản phẩm thực tế. Bởi vậy, thiết kế trên hệ màu CMYK sẽ tăng tính chân thực của màu sắc. Khách hàng có thể thoải mái pha trộn, chọn màu sắc phù hợp với độ chính xác cao khi sử dụng hệ màu CMYK.

Ứng dụng của hệ màu CMYK

Hệ màu CMYK có thể được sử dụng trong in ấn với nhiều công nghệ khác nhau như in offset, in laser, in UV,… và in ấn trên tất cả các ấn phẩm như in tờ rơi, tờ gấp, catalogue, túi giấy, hộp giấy,…

3. LAB color

Lab Color là một hệ màu của photoshop, cho ta lưu giữ số lượng màu sắc. Hệ màu này tương đối phức tạp, dựa trên cảm nhận màu sắc của mắt người. Ở một khía cạnh nào đó thì nó là hệ các màu mà mắt người có thể nhìn thấy được. Hệ màu l a b được biểu diễn bằng tổ hợp 3 kênh xử lý, đó là:

  • L (Lightness- Luminance): Kênh L là trục thẳng đứng, biểu diễn mức độ sáng của màu, có giá trị từ 0 (Back) đến 100 (White). Kênh này hoàn toàn chỉ chứa các thông tin về độ sáng, chứ không chứa giá trị màu nào thực sự.
  • Kênh “a”: Kênh chứa các giá trị màu từ Green (-) cho tới Red ( + )
  • Kênh “b”: Có các giá trị màu từ Blue (-) đến Yellow (+).

Khi thông tin màu và độ sáng được lưu tách ra, sẽ giúp người dùng có thể thao tác được rất nhiều trên kênh L mà không làm ảnh hưởng đến các giá trị của màu. Hơn nữa, số lượng màu gần như tương đương với hệ màu in ấn RGB. Nhờ có kênh L giúp cho màu sắc trong hệ màu Lab Color lớn hơn rất nhiều.

Đặc điểm của hệ màu Lab Color

Màu Lab có ưu điểm nổi bật đó chính là sự phân tách riêng về giá trị màu và độ sáng của màu sắc. Vậy nên, trong quá trình chỉnh sửa ảnh, người thiết kế có thể thực hiện chỉnh sửa với nhiều thao tác trên kênh độ sáng mà không làm ảnh hưởng đến màu gốc của ảnh. Có các thao tác cơ bản như levels, sharpen,….các filter dùng trong photoshop sẽ cho kết quả màu tốt hơn khi sử dụng màu Lab.

Trước đây, khi làm các file hiển thị trên màn hình chúng ta thường dùng hệ màu RGB nhưng khi đi in thì máy in lại in theo hệ màu CMYK nên chất lượng sản phẩm sau khi in khác hoàn toàn với file thiết kế. Do đó, trước khi in, các designer cần phải chỉnh bản thiết kế theo hệ màu CMYK. Nhưng chắc chắn khi chuyển từ hệ RGB sang CMYK vẫn có sự sai lệch về màu sắc. Thêm nữa, hệ màu CMYK trong photoshop bị giới hạn nên rất khó để thiết kế bằng hệ màu này được.

Nhưng với sự xuất hiện của hệ Lab, bạn có thể chuyển sang chế độ Lab để căn chỉnh màu chuẩn rồi chuyển sang CMYK để in ấn. Ở chế độ Lab các bộ lọc vẫn sử dụng một cách bình thường, khi chỉnh levels ảnh cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến màu gốc của ảnh.

Hướng dẫn chuyển đổi màu của hệ màu Lab

Trong các phần mềm thiết kế độ hóa đều có chức năng chuyển đổi màu sắc giữa các chế độ màu sắc. Nhưng không phải ai cũng biết cách chuyển đổi hệ màu Lab nhất là đối với người mới hoặc chưa biết cách sử dụng phần mềm thiết kế đồ họa. Dưới đây là cách chuyển đổi hệ màu L a b trên phần mềm đồ họa photoshop và illustrator, cụ thể:

Trong illustrator: Để chuyển đổi bạn chọn File trên thanh công cụ rồi chọn Document Color Model sau đó chọn chế độ màu Lab Color.

Đối với ứng dụng photoshop cách làm như sau: Bạn vào Image trên thanh công cụ, chọn Mode rồi chọn hệ màu Lab.

Cách chuyển đổi này bạn có thể thực hiện đối với 2 hệ màu là CMYK và RGB. Tuy nhiên do 2 hệ màu này có sự khác biệt nên việc chuyển đổi qua lại ít nhiều sẽ xảy ra tình trạng lệch màu. Theo ý kiến của người dùng, sau khi chuyển đổi, các thông số màu sẽ là các số lẻ, tùy theo chế độ màu chuyển đổi mà màu mới nhận được sẽ sáng hoặc tối hơn màu gốc.

4. Màu PANTONE

Được coi như màu sắc cơ bản thứ 5 bên cạnh 4 màu CMYK dành cho in ấn, màu Pantone trở thành hệ quy chiếu màu sắc chuẩn mực, ngôn ngữ giao tiếp chính thức trong công nghiệp thiết kế toàn cầu.

Pantone – cơ quan toàn cầu về màu sắc

Thuộc tập đoàn đa quốc gia X-Rite – Pantone LLC là một cơ quan màu sắc nổi tiếng thế giới. Trong hơn 50 năm cung cấp các sản phẩm dịch vụ và công nghệ trong khám phá màu sắc và biểu hiện sáng tạo, Pantone đã truyền cảm hứng cho vô số các nhà thiết kế trên toàn cầu từ lĩnh vực thời trang, nội thất cho đến đồ họa, thiết kế công nghiệp.

Năm 1963, Lawrence Herbert, cha đẻ của Pantone, đã sáng tạo một hệ thống đột phá cho phép nhận diện, giao tiếp màu sắc một cách trùng khớp, chính xác nhằm giải quyết tình trạng diễn giải sai lệch trong cộng đồng nghệ thuật đồ họa. Hệ thống của Herbert đã tạo tiền đề cho từ điển tiêu chuẩn màu đầu tiên PANTONE® MATCHING SYSTEM®. Kể từ đó, Pantone đã phát triển ý tưởng về hệ thống tiêu chuẩn để khớp màu cho hàng loạt các ngành công nghiệp mà sự chính xác về màu sắc trong từng giai đoạn (từ bước phác thảo đầu tiên trong thiết kế cho đến khâu sản xuất cuối cùng) là yếu tố sống còn như: kỹ thuật số, thời trang, sơn, nội thất, kiến trúc, thiết kế công nghiệp,…

Ngày nay, hệ thống tiêu chuẩn màu The PANTONE® được ngầm công nhận như một ngôn ngữ chuẩn mực và chính thức trong giao tiếp bằng màu sắc bất kể đó là với các nhà thiết kế, các nhà sản xuất, phân phối hay người tiêu dùng.

Mỗi năm, Pantone và hàng trăm đơn vị ủy quyền của Pantone cung cấp vô số các sản phẩm,dịch vụ ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Sản phẩm cốt lõi của Pantone là những bộ tiêu chuẩn so sánh và pha chế màu sắc vô cùng chi tiết, được đóng thành sách xòe dạng hình cánh quạt hoặc dạng sách từ điển, kích thước gần như tờ giấy A4 với nhiều trang màu lên đến hơn 2000 màu).

Các dòng sản phẩm chính của Pantone:

– Graphic: Là dòng sản phẩm cho ngành in ấn, thiết kế bao bì, thiết kế đồ họa.

– Fashion and Home: Là dòng sản phẩm dành cho ngành thời trang, dệt nhuộm vải, thuộc da.

– Industry: Là dòng sản phẩm cho kim loại và nhựa.

Bên cạnh cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn màu, công ty này còn thành lập PANTONE COLOR INSTITUTE® (Viện màu sắc Pantone) – cơ quan nghiên cứu ứng dụng và trung tâm thông tin về màu sắc, nơi đưa ra các dự báo và cung cấp các chuẩn màu cho giới thiết kế chuyên nghiệp. Các dự báo của viện bao gồm PANTONE Fashion Color Report (Báo cáo màu Pantone cho thời trang),PANTONE VIEW home + interiors (Góc nhìn của Pantone về bày trí và nội thất) và Color of the Year (Màu của năm).

1. The Pantone Colour Matching System (PMS) – ngôn ngữ chuẩn mực của màu sắc

The Pantone Colour Matching System (PMS) cơ bản là một hệ thống tái tạo màu tiêu chuẩn. Bằng việc tiêu chuẩn hóa màu sắc với tên gọi bằng các mã số, các nhà sản xuất ở các địa điểm khác nhau, các khâu khác nhau đều có thể tra cứu hệ thống Pantone và chắc chắn tạo ra hiệu ứng màu trùng khớp cho sản phẩm mà không cần bất kỳ một sự liên lạc trực tiếp nào.

Tiêu chuẩn hóa màu sắc từ việc tạo màu và dán nhãn mã số

PMS là một không gian màu sắc độc quyền sử dụng trong một loạt các ngành công nghiệp, chủ yếu trong in ấn, hiện nay mở rộng thêm trong ngành nhuộm vải (phục vụ các thiết kế thời trang), chế tạo vật liệu nhựa cũng như sơn phun, sơn tĩnh điện trên bề mặt kim loại (phục vụ thiết kế công nghiệp). Các hướng dẫn màu Pantone đã được chấp nhận rộng rãi và được sử dụng bởi các nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà in, các nhà sản xuất, tiếp thị cũng như khách hàng trong tất cả các ngành công nghiệp trên toàn thế giới nhằm xác minh cụ thể màu sắc, đặc điểm kỹ thuật thiết kế, kiểm soát chất lượng và thông tin liên lạc.

2. Màu Pantone là gì?

Các màu đã được nghiên cứu, tiêu chuẩn hóa với các thông số kỹ thuật trong pha chế, được đánh mã số cụ thể và đưa vào hệ thống PMS, là màu Pantone.

Người trong giới in ấn thường định nghĩa màu Pantone là màu pha, hay màu thứ 5. Bởi lẽ, màu Pantone đã được tiêu chuẩn hóa với đặc điểm kỹ thuật rõ ràng, có thể coi như màu pha sẵn, khác hoàn toàn với “màu thường” – các màu tạo ra từ việc nhà in pha trộn từ các màu CMYK (là 4 màu cơ bản trong in ấn).

Màu Pantone luôn có sắc độ tươi tắn, nổi bật hơn hẳn khi đặt cạnh những ấn phẩm được in offset từ 4 màu cơ bản (thường bị sai khác lớn với thiết kế).

Trong tên gọi các màu Pantone, bên cạnh mã số riêng thể hiện sắc độ, đi sau các số thường có thêm các chữ cái C,M,U nhằm thể hiện chính xác hiệu ứng màu thay đổi trên từng chất liệu giấy in. C (coated – giấy có lớp tráng phủ như giấy Couche), U (Uncoated – không tráng, như giấy Fort) và M (matte – mờ). Ví dụ, Pantone 199 Red có thể được xác định là Pantone 199C (C = giấy Coated), Pantone 199U (U = không tráng giấy) hoặc Pantone 199M (M = Matte Paper). Còn trong bảng tra cứu dành cho thiết kế vật liệu nhựa, các màu cũng được ký hiệu thêm bên cạnh mã số màu: chữ Q – opaque (thể hiện màu sắc được in trên bề mặt nhựa đục), chữ T – transparent (ký hiệu cho màu hiện lên trên bề mặt nhựa trong)

Mẫu màu Pantone trên hai chất liệu giấy khác nhau: giấy có tráng phủ và giấy không tráng
Mẫu chip nhựa để đối chiếu trong một bộ mã của Pantone

Phân loại các bộ mã Pantone

Bảng màu Pantone được xây dựng với nhiều bộ mã ứng dụng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau thậm chí là trong từng bộ phận khác nhau của một quy trình sản xuất. Ví dụ như, bộ phận tư vấn hoặc thiết kế mẫu mã thì dùng loại Pantone CMYK hay là Pantone Color Guide hoặc là Pantone Color Bridge…Còn bộ phận ở xưởng sản xuất hoặc bộ phận có nhu cầu cần công thức pha màu theo định lượng thì dùng bộ sản phẩm Pantone Formula Guide, Pantone Metallics.

Các sản phẩm của Pantone có thể đưa phân loại theo một số tiêu chí như sau:

Theo vật liệu tạo mẫu : ta có 2 sản phẩm tra cứu khác nhau: Pantone TPX (màu tra cứu được in trên chất liệu giấy, phục vụ ngành in ấn) và Pantone TCX (mẫu tra cứu trên chất liệu vải cotton, phục vụ ngành nhuộm vải cho các thiết kế thời trang, nội thất)

Pantone TPX
Pantone TCX

Theo mục đích sử dụng : có 2 loại Pantone CMYK hay Pantone Color Bridge (bộ chuẩn màu sắc để thiết kế trên các phần mềm đồ họa) và Pantone Formula Guide (có các công thức pha mực dành cho xưởng sản xuất, in ấn)

Pantone Bridge Color với các thông số chuyển đổi giữa màu Pantone và CMYK
Mẫu của bộ tra cứu Pantone Formula Guide

Theo đặc tính của vật liệu thiết kế: có loại chuyên dùng cho các thiết kế kim loại gọi là Pantone Metallics , và bảng màu dành cho thiết kế giấy decal, bảng hiệu, phấn gọi là Pantone Neon & Pastel.

Pantone Metallics
Các trang trong hướng dẫn màu Pantone Neon và Pastel

Cách tạo màu Pantone

Như đã nói giới thiệu ở trên, màu Pantone luôn có phần tươi sáng, nổi bật hơn so với các màu tạo thành từ việc in offset (từ hệ màu CMYK). Không chỉ vậy, tính bảo toàn, chính xác của màu Pantone từ bản thiết kế cho đến bản in cũng cao hơn rất nhiều, Vì vậy, với các sản phẩm in ấn đòi hỏi độ chuẩn xác cao về màu sắc, không chỉ để đảm bảo tính thẩm mỹ mà còn đảm bảo độ nhận diện thương hiệu của sản phẩm với khách hàng, việc tạo màu Pantone là vô cùng cần thiết. Sau đây, Designs.vn xin được giới thiệu với các bạn quy trình tạo màu Pantone khi thiết kế sản phẩm đồ họa in ấn, ứng dụng phổ biến nhất của tiêu chuẩn màu Pantone.

Bước 1: Lựa chọn bộ mã Swatch PMS (Pantone Matching System)

Như đã giới thiệu ở trên có nhiều phiên bản bộ mã swatch PMS để đáp ứng cho nhiều loại vật liệu in khác nhau. Vì lý do này, việc nói chuyện trước với nhà in của bạn về loại giấy nào sẽ được sử dụng để in là rất quan trọng để bạn có thể tham khảo đúng bộ mã ngay từ bước lựa chọn và lên ý tưởng. Các bộ mã swatch thường là có giá thành khá cao (đặc biệt là thư viện tham khảo đầy đủ – full reference library). Điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng những bộ mã có thể “hết hạn”, có nghĩa là chúng không còn áp dụng đối với các bộ mực hiện hành. Thêm vào đó, các bản tra cứu trên giấy này cũng được Pantone khuyến cáo chỉ có thể là khuôn mẫu chính xác trong một năm và cần thay mới do mực in sẽ dần ngả theo sắc vàng qua thời gian.

Bước 2: Làm việc với khách hàng

Để những gì có trong bộ mã swatch của bạn thực sự có giá trị, bạn hãy đến gặp khách hàng của mình để thảo luận với họ về màu sắc sẽ được sử dụng trong dự án. Khi bạn có một ý tưởng thiết kế, bạn có thể thảo luận về màu sắc chính xác cho phông nền, chữ và các yếu tố khác. Hãy nhớ rằng các ô màu swatch được dùng để xác định màu solid (màu đặc, màu mảng bẹt) và chúng không giúp ta bảo đảm chắc chắn rằng các yếu tố như hình ảnh (mà có thể chứa hàng triệu màu sắc đặt cạnh nhau) sẽ có hiệu ứng nguyên vẹn của từng màu riêng biệt như trong bảng màu Color Guide.

Bước 3: Chọn thư viện mẫu màu và những màu thích hợp trong phần mềm đồ họa của bạn.

– Trong Photoshop: Mở bảng màu swatches bằng cách nhấn vào Window > Swatches. Bảng mẫu màu tiêu chuẩn sẽ được hiển thị. Nhấp vào mũi tên nhỏ phía trên bên phải của cửa sổ swatches, bạn sẽ thấy một danh sách dài các thư viện màu sắc để lựa chọn, bao gồm nhiều bộ sưu tập Pantone. Chọn tên tập phù hợp với bộ mã màu mà bạn đang sử dụng. Photoshop sẽ hỏi xem bạn có muốn thay thế các bảng hiện tại hoặc bổ sung thêm vào (Append). Chọn “OK” để thay thế bảng màu đó, và thế là bạn chỉ nhìn thấy bảng màu Pantone.

– Trong Illustrator: Quá trình này về cơ bản là giống nhau, trừ khi bạn nhấp chuột vào mũi tên để đưa lên danh sách swatches, trước tiên bạn phải chọn “Open Swatch Library” để xem danh sách đầy đủ của Pantone và các thư viện màu khác.

Một khi các ô Pantone của bạn đã được hiển thị, bạn có thể thấy các số tham chiếu bằng cách rà chuột lên mỗi mẫu màu. Bây giờ bạn có thể chọn những màu sắc mà bạn đã chọn ra từ bộ mã của mình. Quá trình này có thể thay đổi chút ít tùy thuộc vào phiên bản của phần mềm Photoshop hay Illustrator mà bạn đang sử dụng. Các bảng màu swatch cũng có sẵn trong đa số các phần mềm đồ họa tiêu chuẩn vì vậy hãy chắc chắn là bạn chọn đúng bảng phù hợp cho công việc của mình.

Bước 5: Cung cấp thông số màu sắc cho nhà in

Mặc dù bạn đã chọn màu sắc thích hợp trong thiết kế của mình, điều quan trọng là bạn phải thông báo cho nhà in thông tin về màu nào sẽ được sử dụng và sử dụng ở chỗ nào. Bạn có thể làm điều này bằng cách in một bản cho mẫu thiết kế của mình rồi đánh dấu các vị trí với nhãn từng màu PMS theo số tham chiếu của nó.

Thợ in sẽ tra số tham chiếu của màu Pantone bạn đã chọn trong bảng tra cứu Formula Guide để có được công thức pha màu, rồi sử dụng mực màu quy chuẩn cơ bản của Pantone tiến hành pha mực in đúng tỷ lệ. Bằng cách đó, màu sắc kỳ vọng của khách hàng được chuyển tải nguyên vẹn từ ý tưởng thiết kế đến thành phẩm cuối cùng.

Quy trình này cũng tương tự trong ngành sản xuất với chất liệu vải, nhựa, kim loại mà trong đó những hướng dẫn về màu sắc Pantone Colour Guide để so sánh màu sắc được thiết kế riêng biệt cho từng chất liệu.

What’s your Reaction?+1 3+1 2+1 0+1 0+1 0+1 0+1 0 Facebook Twitter Email

Từ khóa » Hệ Màu Lab