Phân Biệt Công Dụng Của Cây Thanh Thất Và Thanh Thất Cao (lá Có độc)

Bạn có biết, việc trồng rừng phòng hộ ở Ninh Thuận gặp rất nhiều khó khăn vì khí hậu ở đây khô nóng quanh năm. Hơn nữa, việc trồng cây trên núi đá khô cằn lại càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện cây thanh thất có thể sống tốt tại vùng này, đảm bảo mục tiêu phủ xanh núi đá Chà Bang (1).

Không chỉ là cây lâm nghiệp, thanh thất còn được biết đến là cây thuốc nam trong y học cổ truyền. Vậy, loài cây này có tác dụng gì và cách sử dụng như thế nào?

Cây thanh thất là cây gì?

Cây thanh thất còn được gọi là cây bút, cây càng hom, cây xú xuân, cây càn thôn, cây lĩnh nam xú xuân 岭南臭椿 (ở Trung Quốc) và có tên khoa học là Ailanthus triphysa, thuộc họ Thanh thất (2) (3).

Cây thanh thất
Cây thanh thất
Hoa thanh thất
Hoa thanh thất

Đặc điểm: Đây là cây gỗ lớn, lá kép lông chim dài với nhiều lá chét có lông ở mặt dưới. Đặc biệt, lá thanh thất già khi rụng xuống sẽ có màu đỏ. Quả của cây có hình trái xoan, có cánh và chỉ có 1 hạt bên trong. Ở nước ta, cây này mọc nhiều từ các tỉnh phía Bắc vào đến Đồng Nai (4).

Công dụng làm thuốc của cây thanh thất

Vỏ cây thanh thất có chứa chất nhựa màu xám đen hoặc đỏ và khi đốt lên thì có mùi thơm đặc trưng khá dễ chịu.

Theo y học cổ truyền, vỏ cây này có vị đắng, tính ấm, không có độc và có nhiều công dụng như thanh nhiệt, thu liễm, sát trùng, giúp hạ sốt, điều trị kiết lỵ, giúp bổ máu và tiêu cơm cho trường hợp phụ nữ sau sinh. Ngoài ra, dân gian còn dùng vỏ cây ngâm rượu để làm thuốc bổ (liều lượng theo chỉ định của thầy thuốc).

Thân cây thanh thất
Thân cây thanh thất

Có thể kể đến một số bài thuốc cụ thể sau đây:

  • Điều trị đại tiện ra máu, đau bụng chói và kiết lỵ ra máu: lấy vỏ cây hoặc vỏ rễ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô rồi xay nát thành bột, mỗi lần uống từ 6 – 12 g.
  • Điều trị bạch đới: lấy vỏ cây phơi khô, xay nát thành bột rồi trộn với bột hoạt thạch (tỉ lệ bằng nhau). Hỗn hợp này bạn chia thành nhiều lần uống, mỗi lần uống từ 5 – 10 g (ngày uống 2 lần).

Lưu ý: Mầm cây thanh thất mặc dù có thể ăn được nhưng chúng ta không nên ăn (vì nếu lỡ ăn nhiều sẽ gây hôn mê (do ảnh hưởng đến tạng phủ) và gây động phong.

Phân biệt

Cây thanh thất được nói đến trên đây (chùy hoa mọc ở nách lá, hoa xếp thành dạng hình xim) khác với cây thanh thất cao (Ailanthus altissima, chùy hoa dạng tháp) (4).

Hoa cây thanh thất
Hoa cây thanh thất
Hoa cây thanh thất cao
Hoa cây thanh thất cao

Công dụng của cây thanh thất cao:

Dân gian thường dùng cây thanh thất cao trong các trường hợp như:

  • Điều trị tiêu chảy và kiết lỵ: lấy 12 – 20 g vỏ cây thanh thất cao, nấu lấy nước uống.
  • Điều trị đại tiện ra máu: lấy 12 g vỏ quả thanh thất cao, nấu lấy nước uống trong ngày (nếu bị đại tiện ra máu lâu ngày thì dùng 12 g vỏ cây nhưng chỉ lấy phần trắng, nấu lấy nước rồi hòa với một ít rượu và uống.

Lưu ý: Những người âm hư không nên dùng.

Ngoài ra, có một điều quan trọng cần lưu ý là lá cây này có độc nên các loài gia súc ăn phải có thể chết. Ngoài ra, khi chặt đốn cây này, người tiếp xúc cũng có thể bị viêm tấy, dị ứng hoặc phồng rộp da… (4).

Do đó, cần phân biệt trong tiếp cận và sử dụng hai loại cây vừa nêu trên để tránh nhầm lẫn làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguồn tham khảo

  1. Hiệu quả từ mô hình trồng rừng trên núi đá tại Ninh Thuận, https://baomoi.com/hieu-qua-tu-mo-hinh-trong-rung-tren-nui-da-tai-ninh-thuan/c/38823026.epi, ngày truy cập: 18/ 05/ 2021.
  2. Thanh thất, https://vi.wikipedia.org/wiki/Thanh_th%E1%BA%A5t, ngày truy cập: 18/ 05/ 2021.
  3. 岭南臭椿, https://baike.baidu.com/item/%E5%B2%AD%E5%8D%97%E8%87%AD%E6%A4%BF/10837854, ngày truy cập: 18/ 05/ 2021.
  4. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 841.

Từ khóa » Cây Xú Xuân