Phân Biệt đặc Xá, đại Xá Và Tha Tù Trước Thời Hạn Có điều Kiện

Phân biệt đặc xá, đại xá và tha tù trước thời hạn có điều kiện

Đặc xá, đại xá và tha tù trước thời hạn có điều kiện là các biện pháp thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội. Tuy nhiên, giữa chúng có sự khác nhau về thẩm quyền quyết định, đối tượng, thời điểm tiến hành và hậu quả pháp lý.

1. Khái niệm đặc xá, ân xá và tha tù trước thời hạn có điều kiện

Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt (khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá năm 2007).

Tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp được Tòa án áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện theo quy định của BLHS, xét thấy không cần buộc họ phải tiếp tục chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ (Điều 1 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao).

Hiện nay, chưa có văn bản nào đưa ra khái niệm về đại xá nhưng có thể hiểu đại xá là việc không truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành án đối với một số hành vi phạm tội và người phạm tội, thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước.

Đại xá theo quy định của pháp luật

 

2. Phân biệt đặc xá, đại xá và tha tù trước thời hạn có điều kiện:

* Về thẩm quyền:

- Thẩm quyền quyết định đặc xá thuộc về Chủ tịch nước (khoản 3 Điều 88 Hiến pháp năm 2013, Điều 16 Luật đặc xá năm 2007).

- Thẩm quyền quyết định đại xá thuộc về Quốc hội (khoản 11 Điều 70 Hiến pháp năm 2013).

- Thẩm quyền quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, trên cơ sở đề nghị của Trại giam; Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu (Điều 368 BLTTHS năm 2015 và Điều 5, 7 Thông tư liên tịch số 04 ngày 09/02/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

* Về đối tượng:

- Đối tượng được đặc xá là người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, có đủ điều kiện theo quy định của Luật Đặc xá, Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước đối với từng đợt đặc xá.

Trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đang chấp hành hình phạt tù, người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù mà không phụ thuộc vào các điều kiện được đề nghị đặc xá (Điều 21 Luật đặc xá năm 2007).

 - Đối tượng được đại xá là người phạm tội thực hiện các hành vi nêu trong văn bản đại xá, đang trong giai đoạn bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

- Đối tượng được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải là người đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 66, 106 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

* Về thời điểm

- Thời điểm đặc xá: Chủ tịch nước quyết định về đặc xá nhân dịp sự kiện trọng đại về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội có ý nghĩa lớn về đối nội, đối ngoại đối với sự phát triển của đất nước; ngày lễ Quốc khánh 2/9 hoặc các ngày lễ khác gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước; xét thấy cần thiết, Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định về đặc xá (Điều 3 Nghị định 76 ngày 04/7/2007 của Chính phủ).

Trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch nước quyết định đặc xá đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đang chấp hành hình phạt tù, người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù mà không phụ thuộc vào thời điểm đặc xá nêu trên (Điều 5 Luật đặc xá năm 2007).

- Thời điểm đại xá: Không có quy định cụ thể, việc đại xá do Quốc Hội quyết định.

- Thời điểm tha tù trước thời hạn có điều kiện: Việc rà soát, lập hồ sơ xét, đề nghị và thẩm định hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện phải hoàn thành trước ngày 15 tháng 4 đối với phạm nhân đủ điều kiện sau khi đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù Quý I, trước ngày 15 tháng 8 đối với phạm nhân đủ điều kiện sau khi đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù 06 tháng và trước ngày 31 tháng 12 đối với phạm nhân đủ điều kiện sau khi đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù năm để đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định (Điều 5 Thông tư liên tịch số 04 ngày 09/02/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Với quy định này có thể hiểu việc đề nghị, xem xét và quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện được tiến hành 03 đợt trong năm.

* Về hậu quả pháp lý:

- Người được đặc xá không phải chấp hành hình phạt tù còn lại. Họ chỉ phải tiếp tục chấp hành các hình phạt bổ sung theo bản án của Tòa án (nếu có). Người được đại xá vẫn là người có án tích và việc xóa án tích đối với họ thực hiện theo quy định của BLHS.

- Người đã được đại xá được coi như không phạm tội và họ sẽ không có án tích.

- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện là người chưa chấp hành xong hình phạt tù. Họ được thay đổi từ chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ sang hình thức giao cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cấp quân khu, chính quyền xã, phường, thị trấn giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành án phạt tù còn lại.

Trong thời gian thử thách, nếu người được tha tù trước thời hạn có điều kiện không vi phạm các quy định tại khoản 4 Điều 66 của BLHS thì khi hết thời gian thử thách, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù. Nếu họ vi phạm nghĩa vụ thì Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể hủy bỏ quyết định này và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành (Điều 368 BLTTHS năm 2015).

Nguồn: Kiemsat.vn

 

Từ khóa » đặc Xá đại Xá