Phân Biệt Sốt Xuất Huyết Và Các Dạng Sốt Khác

1. Sốt xuất huyết và sốt phát ban

Sốt phát ban có nhiều bệnh và tác nhân gây bệnh khác nhau, nhưng tựu trung có sốt và phát ban. Sốt phát ban chủ yếu gặp ở nước ta là bệnh sởi do virus sởi gây ra, bệnh Rubella do virus Rubella gây ra và bệnh do Rickettssia, trong đó ở Việt Nam hay gặp nhất là bệnh sốt mò. Phương thức truyền bệnh của bệnh sởi và bệnh Rubella là lây theo đường hô hấp, còn bệnh sốt mò môi giới truyền bệnh là do mò đỏ.

Bệnh sốt xuất huyết, tác nhân gây bệnh là virus Dengue, bệnh lây từ người bệnh sang người lành chưa có miễn dịch chống virus Dengue là muỗi. Có hai loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn và muỗi hổ Châu Á.

Sốt xuất huyết là một loại bệnh dịch nguy hiểm, nếu muỗi truyền bệnh càng nhiều, tốc độ lây lan bệnh càng nhanh, nếu người dân chưa có miễn dịch chống sốt xuất huyết. Nếu bị sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em mà không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Sốt xuất huyết thường có sốt cao liên tục 3 - 4 ngày, ho, sổ mũi, đau nhức mình mẩy, đau nhức hố mắt, nôn và có thể tiêu chảy.

Sốt trong bệnh sốt xuất huyết khó giảm với thuốc hạ sốt paracetamol trong 3 ngày đầu và khi sốt bắt đầu giảm sẽ bắt đầu xuất huyết, biểu hiện như da sung huyết (da đỏ ửng, môi khô đỏ tươi... do hiện tượng cô đặc máu), có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, mắt đỏ và hay kèm nôn, chân tay lạnh. Thông thường từ ngày thứ 3, bệnh có tiến triển nặng, nhất là trẻ em, vì vậy, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ có nguy cơ diễn biến xấu bởi sốc hoặc do tổn thương các cơ quan khác.

Đối với bệnh sốt phát ban, hầu hết các trường hợp bắt đầu với triệu chứng sốt cao từng cơn (thân nhiệt có thể tăng lên 39 - 400C) và xuất hiện ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi, có thể nôn mửa và phát ban đỏ. Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy. Kết mạc mắt đỏ, viêm, chảy nước mắt...

Nếu nguyên nhân gây sốt là do virus đường tiêu hóa, có thể sớm xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa (phân lỏng, nhầy, không có máu và có thể nôn ói sau khi ăn). Hầu hết bệnh sốt phát ban từ ngày thứ 4 trở đi người bệnh thường hết sốt, ăn được, da có thể bị nổi phát ban 3 -5 ngày rồi lặn.

Để phân biệt sốt xuất huyết với sốt phát ban, cách đơn giản nhất là dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ) hoặc vùng da sung huyết, nếu thấy chấm đỏ đó mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay là sốt phát ban, còn nếu vẫn thấy chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ lại xuất hiện, đó là sốt xuất huyết (đây là dấu hiệu ấn ngón tay hoặc thời gian hồi phục màu da trong chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết).

Hai tiêu chuẩn để nghĩ đến sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột và xuất huyết. Nếu có điều kiện nên xét nghiệm công thức máu sẽ thấy bạch cầu có thể giảm, tiểu cầu giảm rõ, tốc độ lắng máu tăng.

2. Sốt xuất huyết và sốt do COVID-19

ThS.BS Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus. Hai bệnh tuy triệu chứng ban đầu giống nhau nhưng có những điểm đặc trưng riêng về yếu tố dịch tễ, đường lây truyền cũng như bệnh cảnh.

Sốt xuất huyết và COVID-19 khi khởi phát thường có những biểu hiện tương đối giống nhau và dễ gây nhầm lẫn (sốt, đau đầu, mỏi người, ớn lạnh), tuy nhiên khác nhau ở các triệu chứng đi kèm và diễn biến của sốt.

- Sốt xuất huyết:

Sốt cao đột ngột, liên tục từ 39 - 40 độ C trong 2 - 7 ngày liền.Chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng.Ban xung huyết và/ hoặc xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm chỗ tiêm, chảy máu cam, nôn ra máu.

- COVID-19:

Sốt (≥ 37,5 độ C), ở trẻ em khởi phát thường sốt cao (≥ 38,5 độ C) trong 2 ngày đầu sau đó tự hết sốt.Đau đầu, đau họng, đau cơ hoặc đau cả người.Cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi.Ho, hụt hơi hoặc khó thở.Mất vị giác hoặc khứu giác.Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi.Các triệu chứng tiêu hóa: buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng có khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, suy hô hấp, suy tim, suy thận, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.

Đặc biệt vấn đề đồng nhiễm COVID-19 và sốt xuất huyết, bệnh nhân có nguy cơ trở nặng, thậm chí tử vong cao hơn nếu hai bệnh cùng biến chứng nặng, không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Zalo

3. Sốt xuất huyết, tay chân miệng và cúm A/H1N1

Các bệnh này đều có triệu chứng chung là sốt, việc phân biệt cần dựa trên các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.

- Sốt virus và các bệnh đường hô hấp:

Sốt cao từ 38,5 - 41 độ C, đau khắp mình mẩy, đau đầu;Viêm đường hô hấp: ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ;Rối loạn tiêu hóa;Phát ban (mẩn đỏ, xuất huyết dưới da):Thường xuất hiện 2 - 3 ngày sau khi sốt.Viêm kết mạc: Đỏ mắt, có dử mắt, chảy nước mắt.Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.

Khi mắc các bệnh lý đường hô hấp, bệnh nhân thường có các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, rồi sau đó là thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái.

- Sốt do cúm A/H1N1:

Theo các nhà chuyên môn, bệnh nhân bị sốt do cúm luôn luôn (hơn 95%) có đi kèm với các triệu chứng ho, đau họng, sổ mũi, chảy nước mũi, nhức mình mẩy, nếu bệnh nặng có thêm triệu chứng đau ngực, khó thở. Nếu xét nghiệm máu thì bạch cầu không tăng, tiểu cầu không giảm, hồng cầu bình thường không bị cô đặc máu.

Sốt do sốt xuất huyết thì bệnh nhân chỉ có sốt cao (39 - 40 độ C) kéo dài trên 5 ngày, không ho, chảy nước mũi..., uống thuốc hạ sốt không bớt. Sau khi sốt vài ngày, trên người xuất hiện lấm tấm các nốt xuất huyết dưới da. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có dấu hiệu suy tuần hoàn, huyết áp hạ hoặc kẹp, mạch nhanh yếu, da lạnh. Người bứt rứt, vật vã. Sốc sâu mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, chân tay lạnh. Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa.

Khi người bệnh, đặc biệt là trẻ em bị sốt cao liên tục từ ngày thứ 3 trở đi mà chưa phát hiện được nguyên nhân gây sốt thì nên nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết, nên đưa người bệnh đến khám tại các cơ sở y tế để được thử máu (xem máu có cô đặc và tiểu cầu có giảm không), được theo dõi và hướng dẫn cách chăm sóc.

- Sốt trong bệnh tay chân miệng:

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là:

Trẻ sốt cao 1-2 ngày, đau họng, đau miệng;Xuất hiện loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi;Nốt hồng ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối và ở mông.

Zalo

Sốt trong bệnh sốt xuất huyết khó giảm với thuốc hạ sốt trong 3 ngày đầu...

4. Sốt xuất huyết và sốt rét

Dù ban đầu, những triệu chứng của sốt rét và sốt xuất huyết đều là là sốt cao, rét run nhưng chúng vẫn có sự khác nhau:

- Thời gian ủ bệnh, thời gian xuất hiện triệu chứng của sốt rét và sốt xuất huyết là khác nhau:

Với bệnh sốt xuất huyết : Các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện sau khoảng 4 - 5 ngày kể từ khi bị muỗi đốt. Từ lúc phát hiện bệnh với những cơn sốt đầu tiên, khoảng 7 - 10 ngày sau các triệu chứng sẽ giảm dần. Với bệnh sốt rét : Khác với sốt xuất huyết, những triệu chứng của sốt rét sẽ xuất hiện sau 10 - 15 ngày kể từ khi bị muỗi đốt.

- Đặc điểm phân biệt tiếp là sốt và dấu hiệu xuất huyết dưới da:

Đối với sốt xuất huyết: Khởi phát của sốt xuất huyết là những cơn sốt đột ngột kéo dài suốt 3 - 4 ngày, người bệnh có thể sốt từ 39 đến hơn 40 độ C. Cùng với đó là cơn đau đầu và đau nhức xương kéo dài. Sau đó có thể xuất hiện các nốt xuất huyết dưới da.Khác với sốt xuất huyết, người bị sốt rét sẽ có thời gian sốt ngắn hơn, nhưng nhiều triệu chứng hơn như đau xương khớp, đổ mồ hôi, thiếu máu, nôn… Sau đó sốt rét sẽ trở lại với những cơn sốt điển hình lần lượt qua 3 giai đoạn: Giai đoạn rét run, giai đoạn sốt nóng, giai đoạn vã mồ hôi.Thông thường những cơn sốt sẽ xuất hiện từng đợt kéo dài 6 - 10 tiếng. Những cơn rét run thì từ 15 phút tới 1 tiếng (giai đoạn cường giao cảm). Khi nhiệt độ tăng đến 39 - 40 độ C thì cơn rét khoảng 30 phút đến vài giờ đồng hồ rồi giảm dần, cơ thể vã mồ hôi. Ngoài ra, còn có thể vàng da nhẹ.

5. Sốt xuất huyết với sốt thông thường khác

Bệnh sốt xuất huyết thường sẽ diễn biến 2 - 3 ngày đầu người bệnh sẽ sốt cao liên tục, khó hạ sốt, đau đầu, đau mỏi người... Lúc này triệu chứng sốt xuất huyết Dengue giống như các sốt do virus khác và chỉ phân biệt được bằng xét nghiệm.

Ngoài ra, mức độ sốt cao hay thấp tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể mạnh hay yếu, nhiệt độ vượt quá 37.5 độ C là bị sốt, do đó một số bệnh nhân sốt xuất huyết có thể chỉ sốt nhẹ nên không để ý. Từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 người bệnh bắt đầu lui sốt nhưng có thể xuất hiện nổi mẩn đỏ xuất huyết ở các mức độ khác nhau.

Đối với các bệnh gây sốt thông thường khác, người bệnh cũng có thể sốt cao nhưng là sốt từng cơn, kèm các triệu chứng viêm ở đường hô hấp trên như: Ho, chảy nước mũi, đau họng, đau nhức toàn thân, có thể có hoặc không có phát ban...

Nếu có xuất hiện các nốt nổi mẩn đỏ sẽ biến mất nhanh sau khi thực hiện căng da. Còn sốt xuất huyết ban đỏ vẫn còn hoặc biến mất rất chậm.

Không nên nghĩ rằng đã mắc sốt xuất huyết một lần thì lần sau không mắc nữa bởi vì sốt xuất huyết ở nước ta có 4 type khác nhau, mắc bệnh loại nào, lần sau sẽ không mắc loại đó nhưng vẫn có thể mắc 1 trong 3 loại còn lại. Vì vậy, một người có thể bị mắc sốt xuất huyết nhiều lần.

Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết như hiện nay, cách tốt nhất để phân biệt các loại sốt là đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm công thức máu trong bệnh sốt xuất huyết Dengue sẽ thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm, xét nghiệm kháng nguyên test Dengue (+) dương tính.

Người dân tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi chưa được chẩn bệnh. Việc dùng thuốc bừa bãi dễ làm bệnh nặng hơn, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn.

Zalo

P.TTGDSKNguồn tin : Bộ Y tế

Từ khóa » Phát Ban đỏ Sốt Xuất Huyết