Phân Có Máu Do Nguyên Nhân Gì? - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Màu sắc của phân

Máu trong phân có thể là do xuất huyết ở đường tiêu hóa trên hoặc dưới. Việc dựa vào màu sắc có thể giúp chỉ ra nguồn gốc là xuất huyết ở vị trí nào.

Tiêu phân đen

Đường tiêu hóa trên bao gồm miệng, thực quản, dạ dày và phần trên của ruột non được gọi là tá tràng. Phân đen có thể chỉ ra chảy máu ở đường tiêu hóa trên. Theo nguyên tắc chung, máu càng sẫm màu thì vị trí xuất huyết càng ở cao.

Một số thống kê cho biết, xuất huyết ở đường tiêu hóa trên trên phổ biến hơn xuất huyết đường tiêu hóa dưới, chiếm khoảng 70% tổng số các trường hợp.

Máu đỏ tươi

Đây thường là dấu hiệu của chảy máu ở đường tiêu hóa dưới bao gồm ruột già, trực tràng và hậu môn.

Nguyên nhân nào khiến đi cầu có máu?

Các vết loét hoặc tổn thương đường tiêu hóa có thể gây kích ứng dẫn đến chảy máu, trong quá trình đại tiện máu sẽ đi ra khỏi cơ thể cùng với phân.

Một số tình trạng sức khỏe cụ thể có thể liên quan như:

Viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột là một thuật ngữ chung để chỉ các tình trạng gây khó chịu cho dạ dày.

Nứt hậu môn

Nứt hậu môn trường hợp xuất hiện những vết rách nhỏ, mỏng ở niêm mạc hậu môn có thể chảy máu và gây đau khi đi cầu.

Bệnh trĩ

Trĩ là tình trạng phình giãn các đám rối tĩnh mạch ở trực tràng dưới. Táo bón kéo dài khiến phân cứng khi đại tiện có thể làm vỡ các tĩnh mạch này dẫn đến đi cầu ra máu.

Loét dạ dày

Loét dạ dày tá tràng là những vết loét phát triển ở niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng có thể gây xuất huyết và phân có máu. Những vết loét này có thể là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc do sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài.

loét dạ dày có thể gây đi tiêu có máu

Túi thừa (Diverticula)

Các túi nhỏ có thể hình thành bên trong đại tràng. Chúng dễ bị nhiễm trùng và viêm và đôi khi có thể bị vỡ và gây chảy máu.

Bệnh viêm ruột

Các bệnh viêm ruột như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng có thể gây ra phân có máu.

Lỗ rò hậu môn

Lỗ rò hậu môn là một đường hầm nhỏ hình thành giữa phần cuối của ruột và phần da gần hậu môn. Rò hậu môn thường phát triển khi nhiễm trùng gần hậu môn khiến mủ tích tụ ở các mô xung quanh. Khi mủ thoát đi để lại lỗ rò, có thể tiếp tục chảy mủ hoặc máu.

Thuốc

Một người có thể bị chảy máu đường tiêu hóa do tác dụng phụ của thuốc làm loãng máu chẳng hạn như:

  • Warfarin (Coumadin)
  • Enoxaparin (Lovenox)
  • Apixaban (Eliquis)

Nếu bất kỳ ai dùng thuốc làm loãng máu gây đi cầu ra máu nên thông báo cho bác sĩ để có được hướng dẫn xử lý phù hợp.

Polyp đại tràng

Những khối u nhỏ này có thể là lành tính hoặc tiền ung thư. Polyp đại tràng vỡ có thể gây ra phân có máu.

Ung thư

Các khối u ung thư của đường tiêu hóa có thể làm mỏng lớp niêm mạc của các mô ở đường tiêu hóa khiến chúng dễ bị xuất huyết.

Máu trong phân của trẻ em

Phân có máu có thể đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh. Một số nguyên nhân bao gồm:

Dị ứng thức ăn: Dị ứng với protein trong thức ăn hoặc sữa có thể gây viêm dạ dày ruột dẫn đến chảy máu đường tiêu hóa.

Các bất thường về cấu trúc đường tiêu hóa: Các vấn đề khiến ruột bị xoắn - chẳng hạn như rối loạn nhu động ruột và tắc ruột có thể dẫn đến xuất huyết.

Viêm ruột hoại tử: Tình trạng nghiêm trọng này gây viêm và hoại tử mô bên trong ruột, thường ảnh hưởng đến trẻ sinh non hoặc trẻ sơ sinh. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Đầy hơi;
  • Nôn ra mật;
  • Đi ngoài ra máu.

Chẩn đoán

Trước tiên, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, đồng thời cần xác định lượng máu có thể nhìn thấy khi đi tiêu. Ngoài ra xét nghiệm gọi là công thức máu toàn phần có thể được chỉ định nhằm xác định mức độ mất máu.

Nếu bệnh nhân báo mất một lượng máu lớn và xét nghiệm cho kết quả có lượng máu thấp, bác sĩ có thể tiến hành nội soi khẩn cấp đường tiêu hóa để tìm vị trí chảy máu.

Khi đã xác định được vị trí chảy máu, bác sĩ sẽ đưa các dụng cụ nhỏ qua ống nội soi để cầm máu và khắc phục vùng mô bị tổn thương. Khi không thể xác định và giải quyết tình trạng chảy máu, có thể cần phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần khu vực bị tổn thương.

Nếu tình trạng chảy máu không đe dọa đến tính mạng, bác sĩ có thể chỉ định hoặc thực hiện một số kỹ thuật, xét nghiệm bổ sung như:

Xét nghiệm máu ẩn trong phân: Phương pháp giúp phân tích mẫu phân để tìm sự hiện diện của máu.

Công thức máu toàn phần: Xét nghiệm máu này có thể giúp xác định các thành phần của máu cũng như mức độ mất máu.

Kiểm tra trực tràng: Giúp xác định bệnh trĩ hoặc các nguyên nhân khác gây chảy máu trong trực tràng.

Nội soi: Kiểm tra lớp niêm mạc bên trong của đường tiêu hóa.

Điều trị

Cách tiếp cận tốt nhất phụ thuộc vào nguyên nhân và nguồn gốc của chảy máu trong đường tiêu hóa. Nếu chảy máu do loét, nhiễm trùng hoặc viêm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc.

Trong một số trường hợp, phẫu thuật là cần thiết để ngăn chảy máu thêm. Bác sĩ có thể thực hiện các kỹ thuật bằng phương pháp nội soi như:

  • Tiêm thuốc để cầm máu;
  • Thiết bị đốt bằng điện, nhiệt hoặc laser
  • Xử lý tổn thương xuất huyết bằng kẹp, khâu hoặc băng.

Khi nào đến gặp bác sĩ

Nếu gặp phải các tình trạng nào dưới đây, nên đến khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị:

  • Phát hiện một lượng lớn máu đỏ hoặc sẫm khi đi tiêu;
  • Chóng mặt, mệt mỏi;
  • Da xanh xao;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Hụt hơi.

Một số triệu chứng khác ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn cần được thăm khám và kiểm tra theo dõi như:

  • Đau bụng không rõ nguyên nhân;
  • Đau khi đi cầu;
  • Có một lượng máu nhỏ khi đi tiêu.

Tóm lược

Máu trong phân có thể là vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng là nguyên nhân đáng lo ngại.

Tuy nhiên, nếu tình trạng chảy máu kéo dài nên đi khám bác sĩ. Điều này đặc biệt nếu chảy máu kèm theo các cơn đau. Nếu bất kỳ ai nhận thấy có nhiều máu khi đi cầu nên được cấp cứu, đặc biệt nếu có thêm các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, tim đập nhanh hoặc khó thở.

Xem thêm: Xuất huyết tiêu hóa

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » đi Kèm Máu