Phân định Vùng Dân Tộc Thiểu Số Và Miền Núi Với Việc Xây Dựng Chế ...

1. Phân định xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao

Ngày 27/11/1989, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) miền núi; Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/HĐBT ngày 13/3/1990 về một số chính sách cụ thể phát triển KT-XH miền núi. Để xác định địa bàn bàn thực hiện chủ trương, chính sách lớn nêu trên, Ủy ban Dân tộc đã trình Thủ tướng Chính phủ tiêu chuẩn xác định miền núi, vùng cao như sau:

- Các xã miền núi là xã có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên có độ cao 600m trở lên so với mặt biển.

- Huyện miền núi là huyện có 2/3 số xã là miền núi.

- Xã vùng cao là xã có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên có độ cao 600m trở lên so với mặt biển.

- Huyện vùng cao là huyện có 2/3 số xã là vùng cao.

Căn cứ tiêu chuẩn xác định đơn vị hành chính là miền núi, vùng cao, ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức xác định; Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Nội vụ kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Ngày 22/12/1992, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc công bố danh sách xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao để làm căn cứ bố trí kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội từ năm 1993 trở đi.

Từ năm 1993 đến nay, đã có 9 quyết định công nhận xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao (bao gồm 5 đợt công nhận chính thức và 4 đợt công nhận bổ sung) với tổng số:

- 12 tỉnh vùng cao, chiếm 19% số tỉnh của cả nước;

- 9 tỉnh miền núi, chiếm 14,3% số tỉnh của cả nước;

- 23 tỉnh có miền núi, chiếm 36,5% số tỉnh của cả nước;

- 168 huyện vùng cao, chiếm 23,6% số huyện của cả nước;

- 133 huyện miền núi, chiếm 18,7% số huyện của cả nước.

- 2.529 xã vùng cao, chiếm 22,7% số xã, phường, thị trấn của cả nước;

- 2.311 xã miền núi, chiếm 20,7% số xã, phường, thị trấn của cả nước.

Việc phân định miền núi, vùng cao là cơ sở quan trọng để thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn về phát triển KT-XH miền núi của Bộ Chính trị và Chính phủ. Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến đại phương, đảm bảo sự thống nhất và có sự tham gia của các cấp, các ngành liên quan.

Tuy nhiên, đến nay việc xác định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao để áp dụng các chính sách phát triển KT-XH không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước do chủ yếu dựa vào độ cao của đơn vị hành chính so với mặt nước biển. Ví dụ một số xã, huyện, thành phố của các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk tuy được công nhận là vùng cao, song có điều kiện KT-XH phát triển hơn nhiều so với một số xã, huyện miền núi của các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Ngay trên địa bàn một tỉnh, huyện cũng có sự bất cập nêu trên, như: Tỉnh lào Cai, các phường Cốc Lếu, Kim Tân của TP. Lao Cai được công nhận là vùng cao, song có điều kiện KT-XH khá phát triển, tỷ lệ hộ nghèo chỉ từ 0,08% đến 0,35%. Song các xã là miền núi như Thượng Hà, Long Khánh của huyện Bảo Yên, tỷ lệ hộ nghèo trên 43% cận nghèo trên 24% và đang là các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hầu hết các chính sách hiện nay chủ yếu triển khai trên địa bàn các xã được phân định theo trình độ phát triển, chỉ còn 2 chính sách sử dụng danh sách huyện miền núi, vùng cao.

2. Phân định xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển

Việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi thành 3 khu vực là căn cứ pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách, như: Chương trình 135; Chương trình trung tâm cụm xã, chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, chính sách thu hút cán bộ đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh, sinh viên,… Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc lập, phân bổ ngân sách, đầu tư, hỗ trợ, áp dụng các định mức đầu tư phù hợp với mức độ khó khăn dựa trên kết quả phân định 3 khu vực đã góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các xã, huyện, tỉnh trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cho đến nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển đã thực hiện qua 4 giai đoạn. Cụ thể:

- Giai đoạn 1996-2005, có 946 xã khu vực I, 1.969 xã khu vực II và 1.737 xã khu vực III. Giai đoạn này không xác định thôn đặc biệt khó khăn.

- Giai đoạn 2006-2011, có 1.159 xã khu vực I, 2.197 xã khu vực II, 1709 xã khu vực III và 12.982 thôn đặc biệt khó khăn.

- Giai đoạn 2012-2015. Có 1.938 xã khu vực I, 1.273 xã khu vực II, 2.048 xã khu vực III và 18.391 thôn đặc biệt khó khăn.

- Giai đoạn 2016-2020, có 1.326 xã khu vực I, 1.273 xã khu vực II, 2.048 xã khu vực III và 20.173 thôn đặc biệt khó khăn.

So sánh giữa các giai đoạn cho thấy: số xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được phân dịnh thành 3 khu vực theo trình độ phát triển tăng, nguyên nhân chủ yếu là do chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính, như: chia tách tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Lai Châu; thành lập mới các huyện, xã ở Bình Phước, bạc Liêu, Quảng nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Điện Biên,…

3. Xây dựng chế độ, chính sách phát triển giáo dục dân tộc theo phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Theo Luật Giáo dục 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 (Điều 61. Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú,  trường dự bị đại học; Điều 82: Chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; Điều 89: Học bổng và trợ cấp xã hội; Điều 90: Chế độ cử tuyển), dựa trên kết quả phân định xã, thôn (bản) vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển (vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được phê duyệt theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ),Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành các văn bản chế độ, chính sách phát triển giáo dục đào tạo ở vùng này. Các văn bản được ban hành và thực hiện đa số là văn bản áp dụng phân định theo trình độ phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những văn bản áp dụng phân định theo miền núi, vùng cao như Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 13/1/1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường công lập, Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập quy định tại quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg, ngày 23 tháng 12 năm 1997của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của liên Bộ  Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cở sở giáo dục phổ thông công lập,…Và một số văn bản áp dụngcả 2 loại phân định trên như Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015,…

Có thể nói, việc hoạch định, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS&MN liên quan đến nhiều vùng, nhiều địa bàn khác nhau. Ngoài địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS&MN còn có các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; xã biên giới, xã an toàn khu. Việc áp dụng kết quả phân định theo trình độ phát triển để hoạch định chính sách phát triển giáo dục ở các vùng này gặp nhiều khó khăn do thiếu tính ổn định (hằng năm, từng giai đoạn, địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn có sự thay đổi trong quá trình phát triển). Bên cạnh đó, để đảm bảo tính công bằng, nhiều chế độ, chính sách vẫn cần phải dựa trên đặc điểm địa hình khó khăn hiểm trở của miền núi, vùng cao hoặc đặc điểm giao thông khó khăn phải vượt sông, biển như bãi ngang, hải đảo để có chính sách thu hút cán bộ.Ví dụ: khi xét đến chính sách đối với cán bộ công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn thuộc miền núi, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn phải khác với chính sách đối với cán bộ công tác ở vùng kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số có địa hình thuận lợi, giao thông đi lại dễ dàng hơn.

Như vậy, có thể nói, việc xây dựng và ban hành chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS&MN theo 2 cách phân định: phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao và phân định xã, thôn, bản theo trình độ phát triển đều có mặt thuận lợi và mặt hạn chế. Nếu áp dụng phân định theo miền núi, vùng cao thì chưa bao quát được hết các địa bàn sinh sống của người DTTS (Ví dụ: vùng Tây Nam Bộ không có miền núi, vùng cao); Nếu áp dụng phân định theo trình độ phát triển như hiện nay thì chỉ phù hợp cho từng giai đoạn ngắn nên thiếu tính ổn định.

Việc xây dựng chính sách phát triển giáo dục đối với vùng DTTS&MN dựa trên phân định vùng theo trình độ phát triển hiện nay vẫn còn những bất cập cần sửa đổi và bổ sung cho hoàn thiện hơn. Chính vì vậy, việc phân định vùng DTTS&MN một cách khoa học, hợp lý và đảm bảo tính ổn định làm cơ sở để hoạch định các chính sách phát triển ở vùng này là một vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay.

Ngô Thị Phong Vân Vụ Giáo dục dân tộc – Bộ Giáo dục và Đào tạo (Tổng hợp từ nguồn của UBDT và Bộ GDĐT)

Từ khóa » Bản đồ Các Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam