Phân độ Các Giai đoạn Của Ung Thư - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

1. Tại sao cần phải xác định các giai đoạn của ung thư?

Các giai đoạn của ung thư nhằm mô tả mức độ phát triển của bệnh, bao gồm vị trí khởi phát của tế bào ung thư, khối u lớn đến mức nào và đã ảnh hưởng đến các bộ phận/cơ quan nào khác. Xác định được giai đoạn của ung thư mà bệnh nhân đang mắc phải sẽ giúp bác sĩ:

  • Xác định được mức độ nghiêm trọng của ung thư.
  • Lập kế hoạch điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
  • Dự đoán quá trình tiến triển của ung thư, tiên lượng sống của người bệnh và khả năng điều trị thành công.

Tuy nhiên, không phải bệnh ung thư nào cũng được phân chia theo giai đoạn. Ví dụ bệnh bạch cầu là bệnh ung thư các tế bào máu nên chúng sẽ di căn khắp nơi trên cơ thể. Do đó, hầu hết bệnh bạch cầu không phân chia theo các giai đoạn của ung như như bệnh ung thư có sự phát triển của khối u đặc.

2. Các xét nghiệm xác định các giai đoạn của ung thư

Sau khi thăm khám lâm sàng và tìm hiểu về tiền sử bệnh của bệnh nhân, nếu nghi ngờ có sự phát triển của khối u ác tính, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán các giai đoạn của ung thư như sau:

  • Xét nghiệm: máu, nước tiểu hoặc các loại dịch cơ thể khác để tìm sự hiện diện của các chất chỉ điểm ung thư – đây là những chất có thể có nồng độ thấp hoặc cao hơn bình thường khi các tế bào có phát triển bất thường.
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như X-quang, MRI, PET-scan, quét xương, xạ hình và siêu âm… cho phép quan sát và xác định sự có mặt của khối u ở các khu vực bên trong cơ thể cùng kích thước của chúng.
  • Sinh thiết là phương pháp lấy ra một khối u hoặc một phần của khối u, hay dịch để phân tích xem có phải ác tính hay không. Có nhiều cách để bác sĩ tiến hành lấy mẫu sinh thiết, chẳng hạn như bằng kim nhỏ, nội soi hay phẫu thuật.

3. Các hệ thống phân loại giai đoạn của ung thư

Hiện nay có 2 hệ thống phân loại chính cho các giai đoạn của ung thư bao gồm: hệ thống TNM và hệ thống số.

Phân độ TNM là gì?

Hệ thống TNM mô tả các giai đoạn của ung thư có sự phát triển của khối u đặc. TNM là viết tắt của: Khối u, Nút và Di căn. Đây là hệ thống phân giai đoạn phổ biến nhất. Cụ thể là:

  • T (Tumor): khối u nguyên phát, là nơi bắt nguồn của ung thư.
  • N (Nodes): ung thư lan đến các hạch bạch huyết lân cận.
  • M (Mestatastic): ung thư đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể hay chưa.

Khi hệ thống TNM mô tả bệnh ung thư sẽ có thêm số hoặc chữ cái đi kèm để cung cấp thêm thông tin chi tiết về tình trạng ung thư, ví dụ: T1N0MX hoặc T3N1M0. Cụ thể như sau:

Đối với khối u nguyên phát (Tumor-T)

  • TX: Không thể đo được hoặc không có thông tin về khối u nguyên phát.
  • T0: Không tìm thấy khối u nguyên phát.
  • Tis: Tế bào ung thư chỉ phát triển ở lớp tế bào nơi chúng bắt đầu mà chưa phát triển vào các lớp sâu hơn.
  • T1, T2, T3, T4: Số này có thể dùng để mô tả kích thước và/hoặc mức độ lây lan của khối u nguyên phát vào các cấu trúc lân cận. Số sau chữ T càng lớn, khối u càng lớn và/hoặc càng lây lan sang các mô lân cận. T có thể được chia nhỏ hơn nữa để cung cấp thông tin chi tiết hơn, chẳng hạn như T3a chỉ ung thư di căn vào phổi, T3b chỉ ung thư di căn đến bộ phận khác…

Các hạch bạch huyết lân cận (Node-N)

Nhiều loại ung thư thường lây lan đến các hạch bạch huyết ở xung quanh trước khi tấn công những bộ phận khác của cơ thể. Ung thư loại N mô tả giai đoạn này của bệnh ung thư.

  • NX: Không thấy thông tin về các hạch bạch huyết lân cận hoặc không đánh giá được.
  • N0: Không có ung thư ở các hạch bạch huyết lân cận.
  • N1, N2, N3: Những số này mô tả kích thước, vị trí và/hoặc số lượng các hạch bạch huyết có chứa ung thư. Con số sau N càng cao thì càng có nhiều hạch bạch huyết chứa khối u.

Di căn xa (MetastasisM)

  • MX: Di căn không thể đo được.
  • M0: Ung thư chưa lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
  • M1: Ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Phân giai đoạn ung thư dựa trên hệ thống số

Hệ thống số cũng phân loại các giai đoạn của ung thư dựa trên hệ thống TNM. Sau khi đã xác định khối u thuộc T,N hay M, bác sĩ sẽ dùng số để xác định cấp độ ung thư chi tiết hơn. Với hầu hết bệnh ung thư, hệ thống này sẽ phân chia theo 4 giai đoạn, được viết dưới chữ số La Mã từ I-IV.

  • Giai đoạn I: Khối u còn nhỏ và còn nằm trong cơ quan mà nó bắt đầu. Khi phát hiện ung thư ở giai đoạn này, bệnh nhân có tiên lượng tốt hơn, tuổi thọ tốt và thậm chí có thể chữa khỏi được.
  • Giai đoạn II: Thường biểu thị khối u có kích thước lớn hơn giai đoạn I nhưng chưa di căn đến các mô, cơ quan khác. Tuy nhiên, với một số loại ung thư, giai đoạn 2 để chỉ khối u đã xâm lấn vào hạch bạch huyết lân cận khối u.
  • Giai đoạn III: Biểu thị khối u lớn hơn và đã bắt đầu lây lan sang các mô xung quanh, đồng thời có trong hạch bạch huyết lân cận.
  • Giai đoạn IV: Giai đoạn tế bào ung thư đã di căn sang các cơ quan xa hơn trong cơ thể. Đây còn được gọi là ung thư thứ phát hay ung thư di căn. Hầu như không thể loại bỏ hết ung thư ở giai đoạn này.

Đôi khi các giai đoạn ung thư cũng được chia nhỏ nữa bằng các chữ cái A, B, C. Ví dụ ung thư cổ tử cung giai đoạn 3B.

Cần hiểu thế nào về ung thư giai đoạn 0 hay tiền ung thư?

Ung thư biểu mô tại chỗ đôi khi còn được gọi là giai đoạn 0, ung thư tại chỗ hay tiền ung thư. Bản chất đây là tình trạng có một nhóm tế bào phát triển bất thường tại một vị trí nhất định của cơ thể (loạn sản), nhưng số lượng quá ít để tạo thành khối u. Cũng có một số vùng ung thư biểu mô tại chỗ không bao giờ phát triển thành khối u.

Bởi vì các tế bào bất thường này chỉ phát triển thành vùng rất nhỏ nên chúng khó được chẩn đoán sớm, trừ khi ở một nơi dễ phát hiện, chẳng hạn như trên da. Ung thư biểu mô tại chỗ trong cơ quan nội tạng quá nhỏ để hiển thị trên phim chụp cắt lớp. Nhưng các xét nghiệm được sử dụng trong các chương trình tầm soát ung thư có thể phát hiện ung thư tại chỗ ở vú hoặc cổ tử cung.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Chẩn đoán Tnm