Phân Loại Các Loại Hình Ngôn Ngữ

Sự phân loại hiện nay thường được nhiều người chấp nhận nhất là sự phân loại các ngôn ngữ trên thế giới thành 4 loại hình: • loại hình khuất chiết • loại hình chắp dính • loại hình đơn lập • loại hình lập khuôn

1. Loại hình khuất chiết.

Loại hình này còn được gọi là ngôn ngữ hoà kết, ngôn ngữ hình thức, ngôn ngữ hữu cơ. Đặc điểm của loại hình này là: quan hệ ngữ pháp được diễn đạt ở ngay trong bản thân từ nhờ từ có biến hình ở trong câu nói (1). Trong từ – một trong những đơn vị cơ bản nhất của ngôn ngữ loại hình này – có sự đối lập giữa căn tố với phụ tố: căn tố và phụ tố (nói chung là các hình vị trong từ) kết hợp chặt chẽ với nhau, hoà làm một khối: giữa phụ tố và các ý nghĩa mà chúng diễn đạt không có một sự tương ứng đơn giản kiểu một đối một (một phụ tố – một ý nghĩa). Ngôn ngữ thuộc loại hình khuất chiết còn có thể chia nhỏ ra thành:

a, Ngôn ngữ tổng hợp, tức là ngôn ngữ có đầy đủ các đặc điểm loại hình vừa nêu trên; b, Ngôn ngữ phân tích, là ngôn ngữ trong đó hiện tượng biến hình của từ đã có phần giảm bớt đi, và thay vào đó, người ta dùng hư từ, dùng trật tự từ, dùng ngữ điệu để diễn đạt quan hệ ngữ pháp

2. Loại hình chắp dính

Ngôn ngữ thuộc loại hình này còn được gọi là ngôn ngữ niêm kết.

Đặc điểm của loại hình này là quan hệ ngữ pháp cũng diễn đạt bên trong từ, trong từ cũng có sự đối lập rõ rệt giữa căn tố và phụ tố; nhưng căn tố ít biến đổi và có thể tách ra dùng độc lập thành từ; còn phụ tố thì kết hợp một cách cơ giới với căn tố, mỗi phụ tố thường diễn đạt một ý nghĩa nhất định (quan hệ 1–1).

Loại hình khuất chiết và loại hình chắp dính là hai loại hình đã được xác định từ lâu, ngay từ khi hướng loại hình học mới bắt đầu được hình thành. Hiện nay cũng không có ai nghi ngờ về sự tồn tại của hai loại hình này và cũng không có ai phản bác gì về những ngôn ngữ đã được quy vào hai loại hình này. Từ trước đến nay ai ai cùng đều nhất trí rằng các ngôn ngữ Ấn-Âu (như tiếng Phạn, tiếng Hi Lạp cổ, tiếng Latin, các tiếng Xlavơ (Slavic languages), các tiếng Giecmanh (Germanic languages), các ngôn ngữ tiếng Semitic (như tiếng Do Thái cổ, tiếng Ảrập) đều thuộc loại hình khuất chiết. Hầu hết các dòng trên đây đều thuộc kiểu ngôn ngữ tổng hợp. Thuộc kiểu phân tích, thường người ta chỉ dẫn tiếng Anh hiện đại làm ví dụ. Riêng một đôi nhà nghiên cứu thì cũng nhập luôn cả tiếng Pháp vào kiểu phân tích ở trong nội hạt loại hình khuất chiết.

Còn đối với loại hình chắp dính thì người ta thường nhất trí cho rằng ví dụ điển hình nhất là các ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kì, các ngôn ngữ Uran-Antai và một số ngôn ngữ châu Phi kiều như ngôn ngữ Băngtu.

3. Loại hình đơn lập

Những ngôn ngữ thuộc loại hình này còn được gọi là các ngôn ngữ không có hình thái, ngôn ngữ không biến hình, ngôn ngữ đơn lập hai ngôn ngữ phân tiết.

Ở loại hình này, quan hệ ngữ pháp chỉ được diễn đạt bằn trật tự trước sau của từ và/hoặc bằng các hư từ. Ở loại hình này, từ không có hiện tượng biến hình. Trong một số ngôn ngữ thuộc loại hình này, đơn vị cơ bản là hình tiết: đây là một đơn vị có nghĩa, có vỏ ngữ âm thường trùng với âm tiết, có khả năng vừa dùng như từ vừa dùng như hình vị. Ở loại hình này, người ta thường hay nói đến vấn đề khó xác định ranh giới từ, vấn đề khó phân biệt các yếu tố hư với yếu tố thực cũng như vấn đề mặt cấu tạo từ ít phát triển.

Ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập có thể chia nhỏ thành:

a, những ngôn ngữ vừa không có hiện tượng biến hình từ vừa không có cấu tạo từ, tức là những ngôn ngữ chỉ có căn tố (Hán cổ); b, và những ngôn ngữ không có biến hình từ nhưng có cấu tạo từ: đây là trường hợp những ngôn ngữ có thân từ (Indonesia).

Loại hình đơn lập được xác định ở sau hai loại hình khuất chiết và chắp dính. Người ta biết đến loại hình này sau khi tiếp xúc với văn ngôn Trung Quốc. Trong cách định nghĩa loại hình hiện nay đang còn có chỗ khác nhau, nhưng trong việc quy ngôn ngữ nào vào loại hình này thì người ta lại tương đối thống nhất. Từ trước đến nay bao giờ tiếng Hán cũng được quy vào loại hình này, đặc biệt là Hán cổ đại. Ngoài tiếng Hán, người ta còn kể đến các ngôn ngữ thuộc khu vực Đông Nam Á, ngôn ngữ Aranta ở châu Úc và các ngôn ngữ Eve, Ioruba ở châu Phi.

Điểm thường gây tranh luận nhiều nhất ở loại hình này là việc quy các ngôn ngữ vào các kiểu nhỏ: chẳng hạn, đứng trước tiếng Việt hiện đại, có người đem nó xếp cùng tiếng Hán cổ đại và coi là ngôn ngữ căn tố; có người lại coi nó là ngôn ngữ có thân từ.

4. Loại hình lập khuôn

Ngôn ngữ thuộc loại hình này đôi khi còn được gọi là ngôn ngữ hỗn nhập hay đa tổng hợp.

Đặc điểm của loại hình này là bên cạnh những đơn vị là từ lại có thể có những đơn vị nửa là từ, nửa là câu. Loại đơn vị "nửa từ nửa câu" này thường được xây dựng trên cơ sở một dạng động từ trong đó bao gồm cả bổ ngữ, trạng ngữ và đôi khi cả chủ ngữ. Loại hình lập khuôn gần gũi với loại hình chắp dính ở nguyên tắc chắp nối hình vị với hình vị; mặt khác nó lại gần gũi với loại hình khuất chiết ở điểm có thể xảy ra hiện tượng biến đổi vỏ ngữ âm của hình vị khi hình vị kết hợp với nhau.

Thông thường người ta cho rằng loại hình lập khuôn là lại hình các ngôn ngữ người da đỏ ở châu Mĩ, loại hình của một số ngôn ngữ ở Capcadơ và loại hình của các ngôn ngữ Chukôt, Camchat. Nhưng nhận định này thường hay bị chính các nhà chuyên nghiên cứu các ngôn ngữ này phản bác.

Thông thường người ta hay dẫn ra ba cơ sở sau đây để phê phán việc tách các ngôn ngữ lập khuôn thành một loại hình riêng biệt:

– Thứ nhất, việc tách ngôn ngữ lập khuôn thành một loại hình riêng biẹt là không logic, không có cơ sở nhất quán: ở loại hình khuất chiết, chắp dính và đơn lập, tiêu chí dùng để phân loại là "phương thức diễn đạt ý nghĩa ngữ pháp" còn ở đây, tiêu chí để xác định loại hình lập khuôn lại là tiêu chí "có kiểu loại đơn vị đặc biệt nửa giống từ, nửa giống câu".

Kể ra, vào đầu thế kỉ XIX, khi Humboldt tác loại hình này thành một loại hình riêng, thì Humboldt cũng có cơ sở logic của mình: ông xuất phát từ khái niệm từ, đối lạp lọi hình không có từ (loại hình đơn lập) với loại hình có từ (từ khuất chiết hay từ chắp dính), do đó trường hợp có đơn vị nửa từ nửa câu nghĩa là "đơn vị phá vỡ ranh giới từ, hoà từ vào câu" ông cũng phải tách riêng. Nhưng hiện nay, giới loại hình học đa số không xuất phát từ khái niệm từ nữa thì cố nhiên việc tách ngôn ngữ lập khuôn thành một loại hình riêng là một việc làm thiếu cơ sở nhất quán.

– Thứ hai, loại đơn vị nửa từ nửa câu rất ít khi gặp: chúng chỉ chiếm 2% đến 3% tổng số (trong một văn bản 2000 từ chỉ có độ 40–60 đơn vị lập khuôn; trong một đoạn khẩu ngữ bên cạnh 627 từ chỉ có 9 đơn vị lập khuôn). Thế nghĩa là trong các ngôn ngữ lập khuôn phương thức cấu tạo ra dạng của từ chủ yếu lại là phương thức sử dụng phụ tố, theo lối hạn định.

– Thứ ba, đặc trưng của đơn vị lập khuôn là một đặc trưng chưa được xác định rõ: khi thì người ta cho nó nằm ở địa hạt cấu tạo từ (mặc dầu người ta thấy chức năng cú pháp ở các thành tố bên trong đơn vị); khi thì người ta lại cho nó nằm ở địa hạt cấu tạo từ tổ (mặc dù không ai phủ nhận nét gần gũi giữa đơn vị lập khuôn với đơn vị từ); đó là chưa kể đến các ý kiến cho rằng đơn vị lập khuôn là một đơn vị đặc biệt, vừa có tính hình thái, vừa có tính cú pháp.

* Theo N.V. Xtankevich. Loại hình các ngôn ngữ. Nxb Đại học và THCN, H., 1982, trang 38–43.

(1) Thường thường thì hiện tượng biến hình xảy ra ở bộ phận phần cuối từ gọi là biến tố, nhưng ở một số ngôn ngữ lại có cả hiện tượng "biến tố bên trong".

Chia sẻ:

  • Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Twitter (Mở trong cửa sổ mới)
  • Nhấp để chia sẻ trên WhatsApp (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ lên LinkedIn (Mở trong cửa sổ mới)

Từ khóa » Các Loại Ngôn Ngữ