Phân Loại Rác Tại Nguồn - Báo Nhân Dân

Hình ảnh những thùng rác sơn khác mầu, dành cho ba loại rác vô cơ, hữu cơ và tái chế khác nhau đã trở nên quen thuộc với người dân từ thành thị tới nông thôn vài năm gần đây. Nhưng dù một số chương trình phân loại rác tại nguồn (PLRTN) đã được thí điểm triển khai ở khá nhiều địa phương, việc hình thành thói quen sống xanh cho cộng đồng vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Số dự án thí điểm tỷ lệ nghịch với kết quả thu được

Tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Dẫu vậy, việc phân loại rác thải còn nhiều trở ngại bởi các mô hình mới được thực hiện tại nguồn, chưa thiết lập thành chuỗi quy trình phân loại trong thu gom.

Theo “Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016-2020” do Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố cuối năm 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước, trung bình 64.658 tấn/ngày. Lượng CTRSH ước tính ở các đô thị tăng trung bình 10-16%/năm (với tổng khối lượng phát sinh 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm, chiếm tới 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh của cả nước). Cũng theo kết quả thống kê giai đoạn 2016-2019, tốc độ thu gom và xử lý CTRSH đô thị tăng trung bình 2%/năm, phần lớn chỉ được xử lý bằng hình thức chôn lấp thô sơ. Việc PLRTN chưa được triển khai thường xuyên, rộng rãi và không đồng bộ với hoạt động thu gom, xử lý.

Hiện tại, công tác phân loại CTRSH mới được thực hiện thí điểm tại một số khu vực thuộc một vài đô thị lớn, rác chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn và vận chuyển tới bãi chôn lấp. Do không được phân loại, rác vô cơ-hữu cơ, rác thải, rác tái chế trộn lẫn nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp. Các điểm xử lý rác theo kiểu thủ công này luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực. Hiện, trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra khoảng hơn 7.000 tấn rác, chủ yếu chuyển đến bãi chôn lấp thuộc Khu liên hiệp xử lý rác Nam Sơn-Sóc Sơn và bãi Xuân Sơn. Với công nghệ xử lý hiện tại và lượng rác thải ra ngày càng tăng thì theo tính toán, những bãi chôn lấp rác này sẽ hết khả năng tiếp nhận trong vài năm tới.

Rác thải luôn là vấn đề nóng, gây bức xúc ở nhiều địa phương. Lượng rác chôn lấp khá lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đến định hướng phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân. Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước có nhiều nỗ lực tăng cường công tác quản lý nhà nước trong xử lý chất thải rắn đô thị. Nhiều địa phương cũng đã đầu tư, ban hành nhiều chính sách để xây dựng những dự án phân loại rác sinh hoạt từ đầu nguồn thải. Thí dụ như TP Hồ Chí Minh đã triển khai phân loại CTRSH tại nguồn từ năm 2017, với lộ trình từng bước rõ ràng. Nếu năm 2017, mỗi quận/huyện thực hiện ít nhất tại một phường/xã/ thị trấn thì năm 2018 mở rộng số lượng từ 3-5 và đến năm 2020 thì triển khai trên toàn địa bàn thành phố. Thế nhưng, kết quả thu lại không được bao nhiêu vì hàng loạt nguyên nhân: các hộ gia đình/chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại; công tác tuyên truyền và triển khai chưa đồng bộ; thành phố mới dừng lại ở tuyên truyền, vận động là chính và chưa kiểm tra, xử phạt (theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15-20 triệu đồng với hành vi không PLRTN).

Cách đây 15 năm, Hà Nội cũng đã từng rầm rộ ra quân dự án 3R bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại CTRSH trên địa bàn Hà Nội không được duy trì. Nguyên nhân là bởi chúng ta chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm...

Việc phân loại CTRSH tại khu vực nông thôn hiện chủ yếu được tiến hành ngay tại hộ gia đình. Giấy, bìa các-tông, kim loại, chai nhựa (để bán), chất thải thực phẩm (sử dụng cho chăn nuôi) để đáp ứng chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Các thành phần khác hầu hết không được phân loại mà thường để lẫn lộn cả thành phần có khả năng phân hủy và khó phân hủy như túi ni-lông, thủy tinh, cành cây, lá cây, hoa quả, xác động vật chết... Việc phân loại đem lại hiệu quả thấp, mang tính riêng lẻ, không đồng bộ và chưa được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình không hợp tác hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí. Ngoài ra, các địa phương chưa có nhiều chiến dịch phát động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc phân loại CTRSH tại nguồn.

Từ khóa » Hình ảnh Rác Thải Sinh Hoạt