Phân Loại Trợ Từ Trong Tiếng Nhật - Trung Tâm Nghiên Cứu Nhật Bản
Có thể bạn quan tâm
Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức (vị trí của trợ từ trong câu) và tiêu chí chức năng (khả năng kết hợp của chúng với những từ loại nào) mà trợ từ có thể được phân chia làm nhiều nhóm. Có nhóm trợ từ thuần túy ngữ pháp như “trợ từ cách” (ga, he, de, to...). Có nhóm trợ từ chuyên dùng để biến đổi thể thức của từ (biến động từ thành danh từ - gọi là danh hóa động từ như no, koto...), có nhóm trợ từ liệt kê to, te, ya... tương đương với các liên từ “và”, “với” trong tiếng Việt. Lại có nhóm biểu thị ngữ dụng như “trợ từ quan hệ” wa, mo, koso... Ngoài ra là các nhóm trợ từ biểu thị ngữ khí như “trợ từ trung gian” sa, ne, na..., “trợ từ kết thúc” ka, wa, zo... Loại này có khi chỉ là các từ cảm thán không thể dịch ra tiếng nước ngoài. Với một diện hoạt động rộng và phong phú như vậy, có thể nói phạm vi “trợ từ tiếng Nhật” rộng hơn bất cứ quan niệm nào về các loại từ bổ trợ như: “hư từ ngữ pháp”, “hư từ tình thái” trong tiếng Việt, “giới từ” của tiếng Anh, “tiếp vĩ ngữ”, “liên từ”, “thán từ”, “phó từ” của tiếng Nga, tiếng Pháp... Tóm lại. “trợ từ tiếng Nhật” bao gồm tất cả các loại này, gọi chung chúng bằng cái tên “trợ từ”.
Trong khuôn khổ có hạn của một bài nghiên cứu, chúng tôi chỉ xin khảo sát các quan điểm nghiên cứu và phân loại trợ từ của các học giả Nhật Bản từ thời Minh Trị trở đi, tất nhiên có điểm qua một số mốc quan trọng trong quá trình lịch sử nghiên cứu trợ từ ở Nhật Bản. Cuối cùng, trên cơ sở tổng kết các quan điểm phân loại trên, chúng tôi sẽ đưa ra một sơ đồ phân loại trợ từ và một số ví dụ tiêu biểu về các nhóm trợ từ chính trong tiếng Nhật, nhằm giúp học viên Việt Nam học tiếng Nhật có được một khái niệm cơ bản về trợ từ trong tiếng Nhật.
1. Khái niệm chung về trợ từ trong tiếng Nhật
Trong tiếng Nhật, đặc biệt là trong ngôn ngữ viết, chúng ta thường gặp những cấu trúc có trợ từ như sau:
(1) むかし、ある所におじいさんとおばあさんがいました。(Mukashi, aru tokoro ni ojiisan to obaasan ga imashita.) (Ngày xưa, ở một nơi nọ có một ông già và một bà lão.)
Trong câu (1) có các trợ từ ni, to, ga. Trợ từ ni biểu thị cụm từ đứng trước nó – aru tokoro (một nơi nọ) là địa điểm của động từ tồn tại imashita (có); trợ từ to biểu thị từ đứng trước nó – ojiisan (ông lão) và từ đứng sau nó obaasan (bà lão) có mối liên hệ ngang hàng, có thể dịch trợ từ to trong trường hợp này là “và” (một ông lão và một bà lão); trợ từ ga chỉ ra từ đứng trước nó – ojiisan to obaasan (một ông lão và một bà lão) là chủ thể của hành động tồn tại imashita (có).
(2) ある日、おじいさんは山へしばりに行き、おばあさんは川へ洗濯に行きました。(Aru hi, ojiisan ha yama he shibari ni iki, obaasan ha kawa he sentaku ni ikimashita.) (Một hôm, ông lão thì lên núi kiếm củi, còn bà lão thì ra sông giặt.)
Trong câu (2) có các trợ từ wa, he, ni xuất hiện hai lần ở hai mệnh đề câu. Trợ từ wa biểu thị ojiisan (ông già) và obaasan (bà lão) là chủ thể của hành động iki (đi); trợ từ he chỉ yama (núi) ở mệnh đề thứ nhất và kawa (sông) ở mệnh đề thứ hai là hướng của hành động đi; trợ từ ni trong mệnh đề thứ nhất chỉ ra shibari (kiếm củi) là mục đích của hành động iki (đi) - đi kiếm củi và trợ từ ni trong mệnh đề thứ hai biểu thị sentaku (giặt) là mục đích của hành động ikimashita (đi) - đi giặt.
Như vậy, các cấu trúc câu trên đều chứa trợ từ. Các trợ từ bổ trợ ý nghĩa ngữ pháp như ga, he, ni... đều gắn với những từ đứng trước nó để chỉ ra từ đó là tham tố chủ thể, địa điểm, phương hướng hay mục đích của động từ vị ngữ. Người Nhật gọi nhóm này là các “trợ từ cách” và coi chúng như các đơn vị “dán nhãn ngữ pháp”[1] cho các yếu tố đứng trước chúng.
Trong các ví dụ trên, ta còn gặp trợ từ wa đứng ở vị trí chủ thể thay cho trợ từ ga. Trợ từ wa không phải là trợ từ cách, nó thuộc nhóm “trợ từ quan hệ”. Trợ từ wa biểu thị phần đứng trước nó là phần đề, phần nêu đối tượng của thông báo.
Vậy thì trợ từ là gì? Trợ từ tiếng Nhật được quan niệm rất rộng. Nó bao gồm nhóm trợ từ thuần túy mang ý nghĩa ngữ pháp gọi là “trợ từ cách”, nhóm “trợ từ biểu thị ý nghĩa quan hệ” (so sánh, lựa chọn, nhấn mạnh) của yếu tố ngôn ngữ mà nó đi kèm, nhóm “trợ từ liệt kê” có thể dịch tương đương với các yếu tố “và, với, cùng”... trong tiếng Việt; “trợ từ định danh” – là phương tiện chuyên biệt để biểu thị sở hữu cách, danh hóa động từ... Ngoài ra còn các loại “trợ từ gián đoạn”, “trợ từ kết thúc” biểu thị ngữ khí của câu...
Nhưng đối với tiếng Việt, không thể tìm ra nhóm từ loại nào có ý nghĩa tương đồng với nhóm trợ từ tiếng Nhật. Đặc biệt là với nhóm “trợ từ cách” trong tiếng Nhật. Có thể nói, nhóm trợ từ thuần túy ngữ pháp này là một loại từ rất đặc biệt, là những đơn vị “dán nhãn” ngữ pháp mà hoạt động của nó đã nói lên một cách đầy đủ nhất đặc trưng loại hình quan trọng của tiếng Nhật: một ngôn ngữ đa âm tiết chắp dính.
So sánh với tiếng Việt, một ngôn ngữ “đơn lập phân tích tính”, ta thấy ý nghĩa ngữ pháp được biểu hiện qua trật tự từ trong câu như ví dụ dưới đây:
(3) Chị tôi khen em bé. Chủ ngữ - vị ngữ - bổ ngữ
(4) Em bé khen chị tôi. Chủ ngữ - vị ngữ - bổ ngữ
Ở câu (3) “chị tôi” là chủ thể, là người gây ra hành động “khen” và “em bé” là đối tượng của hành động “khen”. Khi đổi vị trí của các danh từ trong câu như câu (4) thì chức năng ngữ pháp của các danh từ này trong câu hoàn toàn thay đổi, ý nghĩa của câu cũng bị biến đổi. Lúc này “em bé” lại là người gây ra hành động “khen” và “chị tôi” là đối tượng của hành động - tức là người được khen.
Trong tiếng Nhật hoàn toàn khác. Trừ vị trí cố định của động từ (hoặc tính từ) - vị ngữ ở cuối câu, các yếu tố khác đều có thể di chuyển vị trí một cách khá tự do. Ví dụ:
(5) 姉-が子-をほめる?。 Chủ ngữ (-ga) bổ ngữ (-wo) vị ngữ
(Ane-ga ko-wo homeru) (Chị tôi khen em bé)
(6) 子-を姉-がほめる?。 Bổ ngữ (-wo) chủ ngữ (-ga) vị ngữ
(Ko-wo ane-ga homeru) (Chị tôi khen em bé)
Nhờ vào sự “dán nhãn” của các trợ từ “ga” và “wo” đối với các danh từ đứng trước nó – “ane” (chị tôi) và “ko” (em bé), các danh từ này có thể đổi chỗ cho nhau mà câu không biến đổi nghĩa.
Như vậy, trợ từ, đặc biệt là trợ từ cách có vai trò rất quan trọng. Tuy chúng không được dịch ra bằng đơn vị từ vựng tương đương, cụ thể nào, nhưng sự kết hợp chặt chẽ giữa chúng với các từ đứng trước đã tạo ra những đơn vị cú pháp, những thành phần câu cơ bản. Chúng ta có thể hình dung các từ tố là “những viên gạch”, còn trợ từ là “chất vữa” để gắn kết những viên gạch đó, đem đến cho chúng ta một giá trị hiện thực nhất định tạo nên “ngôi nhà” - câu.
2. Vài nét về lịch sử nghiên cứu trợ từ của các học giả Nhật Bản
Những nghiên cứu đầu tiên về trợ từ có lẽ bắt đầu vào thời Juntokuin (1197-1242). Trong cuốn “Yakumomisho” (八雲御抄) có chương viết về “Te-ni-wo-ha”, trong đó đã nêu lên những trường hợp sử dụng trợ từ cơ bản nhất trong thơ tanka Nhật. Những nghiên cứu về “Te-ni-wo-ha” trong thơ tanka tiếp tục được tiến hành ở thời Muromachi. Đến giai đoạn Edo, đặc biệt có các công trình “Ayuisho” (1774) của tác giả Funjitani Nariakura và “Kotoba no tamanoo” (1779) - tác giả Motoori Norinaga. Sau đó là các công trình nghiên cứu của các tác giả Tachibana Moribe, Tojo Gimon, Nagano Yoshikoto, Kurozawa Okienamaro, Hagiwara Hiromichi, Nagajima Hirotani, Togashi Hirokage... Giai đoạn Minh Trị, hai công trình “Ko nippon bunten” (Điển văn cổ Nhật Bản) của Otsuki Fumihiko và “Nippon bunporon” (Nhật Bản ngữ pháp luận) của học giả Yamada Yoshio đã mở ra một thời kỳ nghiên cứu mới.
2.1. Các tên gọi của “trợ từ”:
- Thuật ngữ “Te-ni-wo-ha”
Cái tên đầu tiên của trợ từ tiếng Nhật, trước khi ra đời thuật ngữ “trợ từ” là “Te-ni-wo-ha”. Thực ra, “Te-ni-wo-ha” hay còn gọi là okototen chính là các gọi các dấu đặc biệt dùng để đọc các bài khóa Trung Quốc đời xưa. Các dấu này được đặt ở bốn góc, bốn cạnh và trung tâm chữ tượng hình theo một nguyên tắc xác định nào đó, là bản lề để đọc các bài văn cổ. Sau đó, trợ từ được gọi bằng nhiều thuật ngữ, mỗi thuật ngữ đều có một ý nghĩa riêng.
- Thuật ngữ Joji (助辭(じょじ)):“Joji” có nghĩa là phụ từ, trợ từ – từ bổ trợ, đồng nghĩa với tên gọi “Joshi”.
- Thuật ngữ Seijoji (静助辭(せいじょじ)) - Tĩnh trợ từ: Thuật ngữ này được đặt ra nhằm phân biệt trợ từ không biến hình với trợ từ biến hình là “Dojoji”(動助辭(どうじょじ)).
- Thuật ngữ “Kankeishi” (関係詞(かんけいし)): Kankeishi có nghĩa là “quan hệ từ”. Thuật ngữ này thể hiện chức năng quan trọng nhất của trợ từ - vai trò biểu thị quan hệ giữa các từ trong câu.
- Thuật ngữ “Kochishi” (後置詞(こうちし) và “Koshi” (後詞(こうし): “Kohishi” có nghĩa là “hậu trí từ” (từ đặt ở đằng sau) và “koshi” - hậu từ cũng với nghĩa đó. Thuật ngữ này nêu lên vị trí đặc biệt của trợ từ trong tiếng Nhật, khác với giới từ trong tiếng Anh, Nga, Đức..., trợ từ luôn đi sau các từ mà nó bổ trợ ý nghĩa.
2.2. Các quan niệm của học giả Nhật Bản về trợ từ tiếng Nhật:
Tiến sĩ Yamada Yoshio[2] đưa ra một hệ thống quan niệm về trợ từ như sau:
- Khác với các từ trong ngôn ngữ biến hình, biểu hiện quan hệ giữa chúng với nhau bằng cách thay đổi hình thái của chúng, trợ từ trong tiếng Nhật hoàn toàn không có đặc trưng đó vì chúng là những chữ không biến hình.
- Khác với các thực từ, trợ từ không thể tự nó biểu hiện một khái niệm cụ thể nào, nó chỉ có ý nghĩa khi kết hợp với các thực từ khác.
- Về mặt chức năng, trợ từ được sử dụng gắn kết với thể ngôn (danh từ, đại từ, số từ) và dụng ngôn (động từ, tính từ) và phó từ để giải thích ý nghĩa ngữ pháp của các từ này và chỉ ra quan hệ tương hỗ giữa chúng.
Như vậy, tổng kết lại quan điểm của Yamada Yoshio, có thể thấy những điểm đáng chú ý sau:
Về mặt hình thức, ông coi trợ từ là những từ không biến hình và có hình thức rất ngắn, chỉ khoảng một đến ba âm tiết. Về mặt ý nghĩa từ vựng, Yamada xếp trợ từ vào nhóm hư từ do chúng không biểu hiện được ý nghĩa thực tế nào và không thể độc lập làm thành phần câu. Ngoài ra, khi lý giải điều này, ông còn đưa ra một luận cứ về mặt ngữ âm học: trợ từ khi được phát âm lên, hầu như không phát âm tách khỏi khối thực từ mà nó gắn liền. Nếu phát âm tách rời, giá trị của nó bị mờ đi. Đó chính là nguyên nhân để ông khẳng định trợ từ hoàn toàn không có ý nghĩa riêng của nó, song quan điểm này bị nhiều học giả Nhật Bản khác bác bỏ.
Jimbo Kaku[3] là người phản đối mạnh mẽ quan điểm của Yamada cho rằng trợ từ hoàn toàn không có ý nghĩa từ vựng. Ông chứng minh: “sakura-no” (cây anh đào) và “hana-ga” (hoa) – mỗi cụm từ trên là một đơn vị cú pháp, nhưng nếu tách “sakura” và “hana” ra thì hai từ này đã có thể là đơn vị của pháp rồi (từ tố); còn lại “no” và “ga” tuy không phải là thành phần ngang cấp, song chúng cũng có những ý nghĩa riêng nhất định. Lại so sánh, “sakura-no” (của cây anh đào) và “sakura” (cây anh đào), khi loại trừ ý nghĩa của “sakura” đi thì vẫn còn lại ý nghĩa của “no”.
Đồng tình với quan điểm của Jinbo Kaku, Hashimoto Shinkichi[4] đưa ra ví dụ về sự khác nhau của “watakushi” (tôi) và “watakushi-ha” (tôi thì) chính là ở ý nghĩa của trợ từ “ha”. Song ông cũng công nhận rằng ý nghĩa này xuất hiện rất trừu tượng, tinh tế và hiểu được nó rất khó, nhưng không thể đánh đồng sự khó hiểu với trống nghĩa được.
Học giả Mitsuya Kieda thì nhấn mạnh đến đặc điểm chức năng của trợ từ. Ngay ở cái tên gọi của nó - “trợ từ” đã biểu hiện đặc trưng quan trọng nhất: là từ bổ trợ ý nghĩa cho các đơn vị cú pháp khác và biểu thị quan hệ giữa các đơn vị này. Ở đặc điểm chức năng này, giữa trợ từ và trợ động từ không có sự khác nhau về chất, có chăng sự khác nhau chỉ ở chỗ đơn vị nào là đối tượng để chúng trợ nghĩa mà thôi.
Đặc trưng “trợ nghĩa” của trợ từ đối với các đơn vị mà nó đi kèm đưa đến “tính vị trí” của trợ từ. Sự thay đổi vị trí trợ từ sẽ lập tức làm biến đổi quan hệ giữa các thành phần câu. Kieda đưa ra các ví dụ sau:
(7) 彼は本のみを買う。
(Kare-ha hon-nomi-wo kau) (Anh ta chỉ mua sách)
(8) 彼のみは本を買う。
(Kare-nomi-ha hon-wo kau) (Chỉ có anh ta mua sách)
Sự thay đổi vị trí của trợ từ “nomi” (chỉ có) từ chỗ kết hợp với “hon” (sách): “hon-nomi-wo kau” (chỉ mua có sách, không mua gì khác) chuyển sang kết hợp với “kare” (anh ta): “kare-nomi-ha”... (Chỉ có anh ta (mua sách), không ai mua cả) đã dẫn đến sự biến đổi nghĩa của toàn câu như trên.
Bên cạnh đó, Kieda cũng nhấn mạnh, chức năng “trợ nghĩa” của trợ từ được biểu hiện cả trên hai bình diện: từ vựng và ngữ pháp, đặc biệt là bình diện ngữ pháp - vì trợ từ phần lớn là công cụ biểu thị ý nghĩa ngữ pháp. Trong quá trình biểu hiện quan hệ ngữ pháp này, khả năng “trợ nghĩa” của nó mới được bộc lộ.
Từ những quan điểm đã trình bày ở trên, có thể rút ra một số khái niệm cơ bản nhất về trợ từ như sau:
- Về hình thức: trợ từ là những từ không biến hình.
- Về ý nghĩa từ vựng: hầu hết các trợ từ không biểu hiện một khái niệm cụ thể nào, song không thể coi chúng là những đơn vị hoàn toàn trống nghĩa. Ý nghĩa cơ bản của trợ từ là biểu thị quan hệ và ý nghĩa này được bộc lộ khi trợ từ kết hợp với những từ khác.
- Về chức năng: trợ từ chủ yếu biểu hiện ý nghĩa ngữ pháp, các quan hệ ngữ pháp, chỉ ra vai trò của các thành phần trong câu. Trợ từ luôn đứng sau từ mà nó kết hợp.
- Về loại, trợ từ có rất nhiều loại, với những chức năng khác nhau, được phân chia thành nhiều nhóm.
- 3. Phân loại trợ từ tiếng Nhật
Trợ từ tiếng Nhật từ rất lâu đã được các học giả Nhật Bản quan tâm nghiên cứu và tiến hành phân loại theo nhiều hướng khác nhau. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, chúng tôi xin được bỏ qua các học giả thời Tokugawa để trình bày những quan điểm đáng lưu tâm của các học giả tính từ thời Minh Trị (1868-1912) trở đi.
Otsuki Fumihiko[5] đưa ra hai cách phân loại khác nhau:
Cách phân loại thứ nhất, dựa trên cách sử dụng trợ từ ông chia “Te-ni-wo-ha” thành ba nhóm:
- Nhóm 1: các trợ từ chỉ liên kết với danh từ - gọi là tĩnh từ “Te-ni-wo-ha”: 1-ga, 2-no, ga, tsu, 3-ni, 4-wo, 5-to,mo, 6-he, 7-yori, kara, 8-made.
- Nhóm 2: các trợ từ kết hợp với các từ loại khác: 9-wa,ba, 10-mo, 11-zo, nami, namo, shi, 12-koso, 13-dani, sura, 14-sae, 15-nomi, bakari, 16-ya,ka.
- Nhóm 3: chỉ kết hợp với động từ (hoặc các từ có tính chất động từ): 17-ba, 18-to, 19-ni, wo, ga, 20-te (nite, tote, shite, nishite, toshite), 21-de, 22-zutsu.
Cách phân loại thứ hai dựa trên ý nghĩa chức năng, được nhiều học giả chấp thuận hơn:
- Nhóm 1: các trợ từ biểu thị chủ ngữ: ga,no; kết hợp hai danh từ: no,ka; đối tượng: ni, wo, to; biểu thị phương hướng: he, yori, kara, de.
- Nhóm 2: ý nghĩa phân chia, kết hợp: wa, to; ý nghĩa chỉ trỏ: zo, nami, koso; ý nghĩa tường minh: dani, sura, sae; ý nghĩa giới hạn: nomi, bakari; nghi vấn: ya, ka.
- Nhóm 3: ý nghĩa giả định: ba; ý nghĩa bác bỏ, cự tuyệt: to, tomo, do, domo; đưa ra sự đối lập ý nghĩa: ga; kết thúc và liên kết: te, de, tsutsu.
Ủy ban nghiên cứu quốc ngữ Nhật Bản[6] đưa ra cách phân loại dựa trên tiêu chí hình thức, chia trợ từ ra làm 4 nhóm lớn:
1- Các trợ từ kết hợp với thể ngôn, dụng ngôn và các từ khác.
2- Các trợ từ chỉ kết hợp với dụng ngôn.
3- Các trở từ chỉ kết hợp với thể ngôn.
4- Các trợ từ kết hợp với dụng ngôn và các từ khác.
Mỗi nhóm đều đưa ra những trợ từ cụ thể với các đặc điểm chức năng riêng biệt.
- Nhóm 1: Các trợ từ kết hợp với thể ngôn, dụng ngôn và các từ khác:
Ka (câu hỏi); kara (nguồn gốc và phạm vi của hành động); kiri, giri (giới hạn); gurai (chỉ mức độ, gần đúng); koso (nhấn mạnh ý nghĩa); sa (nói nhẹ nhàng, không nhấn mạnh); sae, saemo (có ý nghĩa giống như dake khi chỉ một vật nào đó với mục đích nhấn mạnh nó và loại bỏ các sự vật khác); Shika (chỉ giới hạn); dake, dakeni (biểu hiện mức độ giới hạn); de, demo (chỉ định); to, tomo, totemo, tatte, tattemo (cộng thêm giá trị); Dokoro, koko (gợi lên ví dụ); nado (liệt kê sự vật cùng loại); nari, naritomo, narito (có ý nghĩa như sonomama - nguyên trạng thái như vậy); demo (dù, dẫu, cũng được); ni, nishite (chỉ địa điểm); no (định danh); bakari (giới hạn); hoka (chỉ một sự vật loại trừ các sự vật khác); hodo (mức độ gần đúng); made (mức độ gần đúng); made, mademo (sự giới hạn hoặc mức độ tác động); mo (liệt kê, có ý nghĩa giảm nhẹ hoặc tăng cường); ya (liệt kê); yara (liệt kê, nghi ngờ); yori, yoriha, yorimo, yorihoka, yorishika (sử dụng khi so sánh, giới hạn, hạn chế); ha (sử dụng khi nói về chủ đề nào đó); demo (sử dụng khi nêu ý nhẹ nhàng, không chính xác hóa); nagara (có ý nghĩa như sonomama); ya, yai (tiếng kêu).
- Nhóm 2: Các trợ từ chỉ kết hợp với dụng ngôn:
Ga (kết hợp hai mệnh đề ý nghĩa tương phản); kara, karaha, karaniha (chuyển tiếp về trước đến vế sau của câu); keredomo (đối lập với vế trước); shi (liệt kê, tăng ý nghĩa tình thái); ze, zo (nhấn mạnh ý nghĩa); so (giả thiết); te (yêu cầu một cách nhẹ nhàng); to (điều kiện hoặc sự trùng hợp của sự kiện); tomo, to (điều kiện, giả thiết); ni (chỉ trạng thái, mục đích của hành động); no (kết hợp với từ đứng trước để (danh từ hóa) chuyển từ đó sang thể ngôn); noni (không phụ thuộc vào điều kiện đứng trước); monoka, monka, mono desu ka (lối hỏi mỹ từ, lối hỏi có tính khẳng định); mono nara, kotonara (ý giả định, tương tự như nara ở nhóm 1); mono no (có ý nghĩa như keredomo – tuy, nhưng); mono wo, koto wo (có ý nghĩa như noni - tuy rằng); yo (chỉ giả thiết); wa, wai (ngữ khí từ); tatte, tattemo (có ý nghĩa như tote – cho rằng); tara, dara, dattara, deshitara (liệt kê những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau); tsutsu (có ý nghĩa như nagara); te, te-ha, de-ha, temo, demo (trình bày liên tục, diễn đạt những hoàn cảnh khác nhau, có cả ý nghĩa của kara - như vậy, dakara - vì vậy, noni - mặc dù); tokoroga, tokorode (kết hợp, liên kết hai câu có ý nghĩa trái ngược nhau, liên kết câu trước với câu sau); ba (điều kiện, giả thiết, liệt kê các hành động, trạng thái, ý nghĩa nguyên nhân).
- Nhóm 3: Trợ từ kết hợp với thể ngôn:
He (phương hướng, đối tượng); ga (biểu thị đối tượng của sự mong muốn, của sở thích hoặc sự ghét bỏ); shite (liên kết các hành động và trạng thái); zutsu (chia số lượng); datte (có ý nghĩa như totemo); de, deshite, node, nodeshite, te, demo (địa điểm của hành động, phương tiện, công cụ, sự liên kết các hành động); to (chỉ chủ thể cùng thực hiện hành động); tomo (có nghĩa như ishoni - cùng với); ni (địa điểm, thời gian, đối tác, phân phối); no (danh từ hóa); wo (chỉ điểm gây ra hành động).
- Nhóm 4: Kết hợp với dụng ngôn và các trợ từ khác:
Na, naa (bày tỏ kiên trì); ne, nee (cũng vậy); no, noo (cũng vậy); mama (sự không biến đổi); yo (than vãn); e (cũng vậy).
Mitsuya Shigematsu[7] lại phân chia trợ từ thành ba dạng:
- Kết hợp với danh từ
- Kết hợp với động từ
- Kết hợp với những từ loại khác.
Học giả Yoshika Kyosake[8] cho thêm các dạng nữa như sau:
- Trợ từ dạng 1: kết hợp với thể ngôn hoặc những từ có tính chất thể ngôn để xác định quan hệ giữa chúng với các từ khác.
- Trợ từ dạng 2: kết hợp với những từ loại khác, biểu hiện những ý nghĩa khác nhau.
- Trợ từ dạng 3: kết hợp với gốc (từ căn) của dụng ngôn để liên kết chúng với các từ khác.
- Trợ từ dạng 4: khi kết hợp với dụng ngôn ở giữa hoặc cuối câu thì biểu hiện câu hỏi, hoặc sự ra lệnh, sự mong muốn...
- Trợ từ dạng 5: được đặt ở giữa hoặc cuối câu để làm nhẹ phát âm hoặc nhấn mạnh trạng thái tình cảm.
Những hướng phân loại trên tuy kết quả cụ thể thu được có khác nhau nhưng nhìn từ góc độ lý luận chung, chúng không khác nhau ở tiêu chí phân loại. Phần lớn các học giả trên đều dựa vào “tiêu chí hình thức”, tức là điều kiện sử dụng của trợ từ để phân loại mà bỏ qua một tiêu chí vô cùng quan trọng khác - “tiêu chí nội dung” , đó là: các quan hệ cơ bản mà trợ từ biểu hiện. Thực ra, đây mới chính là chức năng cơ bản của trợ từ và cũng là điều kiện để nhóm từ này tồn tại trong một ngôn ngữ đa âm tiết chắp dính như tiếng Nhật.
Học giả Yamada Yoshio (1873-1959) là người mở ra một thời kỳ mới trong quá trình nghiên cứu trợ từ tiếng Nhật khi ông dựa vào hai tiêu chí: điều kiện sử dụng trợ từ và quan hệ mà nó biểu hiện để tiến hành phân loại trợ từ. Từ công trình nghiên cứu này của ông, việc nghiên cứu trợ từ đã tiến thêm một bước mới về chất.
Trong các bài giảng về ngữ pháp tiếng Nhật, Yamada Yoshio đã đưa ra một hệ thống trợ từ liên kết các thành tố các cấp độ dưới đây:
- Chủ cách: các trợ từ cách no, ga, wo, ni, to, he, yori, kara, de.
- Trạng ngữ: dani, sura, sae, nomi, bakari, made, nado, yara, dake, gurai.
- Liên từ: ba, to, tomo, do, domo, ga, ni, wo.
- Quan hệ từ: ha, mo, zo, namu, koso, ya, ka, na, naso, sae, demo, hoka, shika.
- Kết từ: ga, gana, ka, kana, kashi, sa, he, ze, i, na, tomo.
- Thán từ: go, ya, shi, na, ne, zo.
- Bảng phân loại trợ từ của Yamada Yoshio[9]
CÁC TRỢ TỪ |
| ||||
Biểu hiện quan hệ đặc biệt | Không biểu hiện quan hệ đặc biệt | ||||
Quan hệ với các thành phần câu | Quan hệ với các câu |
| |||
|
| Quan hệ với toàn câu | Quan hệ với vị ngữ |
| |
Chủ cách | Trạng ngữ | Liên từ | Quan hệ từ | Kết từ | Thán từ |
Học giả cuối cùng mà chúng tôi muốn đề cập đến là ông Mitsuya Kieda (mất năm 1949). Quan điểm phân loại của ông dựa trên cơ sở phân loại chung của tiến sĩ Yamada Yoshio, có chủ trọng thêm một số quan điểm của tiến sĩ Hashimoto Shinkichi. Sở dĩ chúng tôi dừng việc tổng kết các quan điểm phân loại trợ từ tiếng Nhật tại học giả này là vì quan điểm của ông đang được phần lớn các giáo trình tiếng Nhật hiện đại sử dụng. Trong cuốn “Ngữ pháp tiếng Nhật”, quyển I, trang 506-507, Mitsuya sắp xếp trợ từ theo 8 nhóm cơ bản như sau:
1. Trợ từ cách: ga, no, ni, wo, to, he, yori, kara, de, tsu, na, i.
- Phó trợ từ: dani, sura, sae, nomi, bakari, made, nado, yara, ka, dake, kiri, gurai, zutsu, dokoro, nari.
- Trợ từ quan hệ: wa, mo, zo, namu, ya, ka, koso, na, sae, demo, hoka, shika, datte, narito.
- Trợ từ tiếp tục: ba, to, tomo, do, domo, ni, wo, ga, noni, monowo, tokoroga, mo, temo, demo, kara, made, te, shite, nagara, tsutsu.
- Trợ từ liệt kê: to, ya, ka, yara, ni, nari, no, dano, tari.
- Trợ từ định danh: no, zo, kara, hodo.
- Trợ từ kết thúc: ga, gana, ka, kana, kamo, kashi, na, ne, ni, ka, he, ze, tomo, i, no, yo, sa.
- Trợ từ trung gian: yo, ya, shi, zo, he, na, ne, gana.
Trên đây là những quan điểm phân loại trợ từ đáng lưu ý nhất tính từ thời Minh trị trở đi. Chúng tôi đã trình bày các quan điểm này theo một trình tự lịch sử và dừng lại ở quan điểm của học giả Mitsuya Kieda. Quan điểm của ông được coi là cơ sở của bài giảng ngữ pháp tiếng Nhật ở nhiều trường đại học lớn và cũng đồng thời là quan điểm phân loại mà các giáo trình ngữ pháp tiếng Nhật hiện đại sử dụng. Cuối cùng, chúng tôi thử đưa ra một sơ đồ mô hình hóa hệ thống trợ từ tiếng Nhật[10] theo quan điểm của ông Mitsuya Kieda để bạn đọc cùng tham khảo. Tuy nhiên, mỗi trợ từ tiếng Nhật thường có nhiều trường hợp sử dụng, mỗi cách sử dụng có thể đặt trợ từ vào những bình diện khác nhau trong phân loại. Nói một cách khác, mỗi trợ từ có thể có mặt ở nhiều nhóm khác nhau, hoạt động như những từ đồng âm khác nghĩa, Trong trường hợp này, chúng tôi xin lấy ý nghĩa chính (với ý nghĩa này, trợ từ hoạt động với tần số cao nhất) làm cơ sở phân nhóm cho trợ từ.
Hệ thống trợ từ tiếng Nhật
File đính kèm
Trên đây là khảo sát bước đầu của chúng tôi về hệ thống trợ từ và phân loại trợ từ trong tiếng Nhật. Tiếng Nhật thuộc loại hình ngôn ngữ đa âm tiết chắp dính, mọi ý nghĩa ngữ pháp, ngữ dụng... đều được biểu hiện bằng trợ từ. Ngược lại, tiếng Việt của chúng ta lại thuộc loại hình đơn lập phân tích tính, các ý nghĩa ngữ pháp, ngữ dụng chủ yếu được biểu hiện bằng trật tự từ và hư từ. Mặt khác, mặc dù trợ từ tiếng Nhật là một tiểu hệ thống đã được phân định rõ ràng thành các nhóm chức năng khác nhau, chuyên biểu đạt những ý nghĩa ngữ pháp, ngữ dụng riêng biệt, song trong thực tiễn sử dụng thường xảy ra hiện tượng cạnh tranh, luân phiên thay thế của các trợ từ thuộc những nhóm chức năng hoàn toàn khác nhau. Điều này gây khó khăn cho học viên Việt Nam học tiếng Nhật. Chính vì vậy, hiểu được hệ thống phân loại trợ từ và nắm vững được ý nghĩa của chúng trên các bình diện hoạt động khác nhau sẽ giúp cho học viên bớt nhầm lẫn trong quá trình thực tập sử dụng ngôn ngữ này./.
Ths. Ngô Hương Lan
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
Tài liệu tham khảo chính:
1. Kieda M., “Ngữ pháp tiếng Nhật”. NXB. Văn học nước ngoài, Matxcơva, 1958 (sách dịch tiếng Nga).
2. Golovin I.B. “Ngữ pháp tiếng Nhật hiện đại”. NXB. Đại học Tổng hợp Matxcơva, 1986 (tiếng Nga).
3. Hayashi.K.T., “Ngữ pháp I, các vấn đề về trợ từ”, Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản, Tokyo, 1978 (tiếng Nhật).
4. Yoshikawa Taketoki, “Nhập môn ngữ pháp tiếng Nhật”, NXB. Aruku, Tokyo, 1989 (tiếng Nhật).
5. Satokawa Yuriko (chủ biên), “Từ điển ngữ pháp tiếng Nhật”, NXB. Kuroshio, Tokyo, 1998.
6. Hoàng Trọng Phiến, “Ngữ pháp tiếng Việt. Câu.”, NXB. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1980.
7. Nguyễn Thị Việt Thanh, “Một số nét khái quát về thành phần chủ đề trong câu tiếng Nhật”, Tạp chí Ngôn ngữ số 1/1997.
8. Ngô Hương Lan, “Trợ từ tiếng Nhật trong câu (so sánh tương ứng với tiếng Việt)”, Luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học, Đại học KHXH & NV, 1998.
[1] Nguyễn Thị Việt Thanh: “Một số nét khái quát về thành phần chủ đề trong câu tiếng Nhật”. Tạp chí Ngôn ngữ số 1/1997.
[2] Kieda M. “Ngữ pháp tiếng Nhật”. NXB. Văn học nước ngoài, Matxcơva, 1958 (sách dịch tiếng Nga), tr.548.
[3] Kieda M. (đã dẫn), tr.110, 111.
[4] Kieda M. (đã dẫn), tr.25.
[5] Golovin I.B. “Ngữ pháp tiếng Nhật hiện đại. Nhà xuất bản Đại học Tổng hợp, Matxcơva. 1986. Tr.163 (tiếng Nga).
[6] Golovin I.B, đã dẫn. Tr.150-155.
[7] Golovin I.B, đã dẫn.
[8] Golovin I.B, đã dẫn.
[9] Kieda M. (đã dẫn), tr.551.
[10] Ngô Hương Lan: Luận văn thạc sĩ “Trợ từ tiếng Nhật trong câu (so sánh tương ứng với tiếng Việt)”, 1998.
Từ khóa » Trợ Từ Trong Tiếng Nhật Là Gì
-
Cách Dùng Trợ Từ Trong Tiếng Nhật Sao Cho Chuẩn?
-
CÁC TRỢ TỪ TRONG TIẾNG NHẬT & "TẤT TẦN TẬT" 1001 CÁCH ...
-
Mẹo Học Trợ Từ Tiếng Nhật
-
Tổng Hợp Cách Dùng Trợ Từ Trong Tiếng Nhật
-
Trợ Từ Tiếng Nhật Và Cách Sử Dụng Thành Thạo Trợ Từ に、で、を
-
99 Trợ Từ Trong Tiếng Nhật NHẤT ĐỊNH CÓ Trong Bài Thi JLPT
-
Các Trợ Từ Trong Tiếng Nhật Và Cách Sử Dụng
-
Tìm Hiểu Về Các Trợ Từ Trong Tiếng Nhật | WeXpats Guide
-
CÁCH DÙNG TRỢ TỪ TRONG TIẾNG NHẬT - .vn
-
Cách Sử Dụng Trợ Từ Tiếng Nhật Thông Dụng : へ, から Và を
-
[Trợ Từ へ, đi đâu ] Tiếng Nhật Nghĩa Là Gì?→ 場所 + へ, どこへ? Ý ...
-
Cách Sử Dụng Các Trợ Từ Trong Tiếng Nhật đúng Nhất
-
Cách Dùng Trợ Từ を、が、に、も、は、で、へ Trong Tiếng Nhật N5 ...
-
Sự Khác Nhau Giữa Các Trợ Từ DE Và NI Là Gì? | Cùng Nhau Học Tiếng ...