Đăng nhập
Việt Nam Overnight Trang Chủ Diễn Đàn > E - CÁC CÂU LẠC BỘ > CLB Học Tập > Học Online > - Tặng tiền điện tử miễn phí
- Phát thẻ điện thoại miễn phí
- Những nhiệm vụ kiếm tiền
- Hướng dẫn kiếm tiền Binance
FR CV NV QC Phân tích 2 khổ thơ 2,3 trong bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 16 Tháng tám 2021.
-
Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!
Bài viết: 2,003 Phân tích hai khổ thơ sau trong bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng, từ đó hãy nêu cảm nhận về vẻ đẹp của những người lính Tây Tiến qua hai khổ thơ này. "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa Kìa em xiêm áo tự bao giờ Khèn lên man điệu nàng e ấp Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ. Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ Có nhớ dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa" "Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn." Vần thơ trên đâu chỉ là tiếng lòng của riêng nhà thơ Chế Lan Viên, đó còn là tiếng lòng của biết bao người đã từng trót mang trong hồn những kỉ niệm về vùng đất mà mình đã từng một thời gắn bó. Dẫu không phải quê hương, nhưng chỉ cần nhắc một lời nơi đầu môi, tất cả kỉ niệm lại ùa về như một thước phim hồi ức. "Tây Tiến" của Quang Dũng được viết lên từ hồi ức gian khổ mà hào hùng của những tháng ngày nhà thơ gắn bó cùng binh đoàn Tây Tiến và mảnh đất miền Tây Bắc yêu thương. Xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ: Nhớ thiên nhiên, nhớ đồng đội, nhớ nhớ kỉ niệm ấm áp tình đồng bào.. Tám câu thơ: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa [..] Trôi dòng nước lũ hoa đung đưa" Tái hiện những ấn tượng sâu sắc về một đêm lửa trại và nỗi nhớ của nhà thơ về cảnh chiều sương Châu Mộc thơ mộng, trữ tình. Thấp thoáng sau những dòng thơ đậm chất lãng mạn ấy, Quang Dũng đã khắc họa sinh động vẻ đẹp hào hoa, nghệ sĩ của những chàng lính trẻ Hà thành. Nói đến Quang Dũng là nói đến một nghệ sĩ đa tài: Làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc – lĩnh vực nào ông cũng thể hiện tài năng của mình ở những tác phẩm tiêu biểu. Nhưng người đọc biết đến ông nhiều hơn cả với tư cách là một nhà thơ. Thơ Quang Dũng phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình. Tây Tiến là đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào, đánh tiêu hao lực lượng địch, bảo vệ biên giới Việt Lào. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên, học sinh Hà thành. Họ chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, nhưng lại rất lạc quan và dũng cảm. Đến cuối năm 1948, Quang Dũng nhận được lệnh chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa lâu, tại Phù Lưu Chanh, nỗi nhớ ùa về, Quang Dũng viết bài thơ "Tây Tiến" để gửi tiếng lòng mình vào đó. Bàn về đặc trưng của thơ, Lê Quý Đôn từng khẳng định: "Thơ phát khởi từ lòng người ta". Tố Hữu cũng viết: "Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy". Và nhà thơ Pháp Alfret de Mussé cũng chia sẻ: "Hãy biết rằng chính quả tim ta đang nói và thở than lúc bàn tay đang viết", "nhà thơ không viết một chữ nào nếu cả toàn thân không rung động" (dẫn theo PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 01/2009). Tất cả những nhận định đó đều nói đến đặc trưng của thơ là cảm xúc. Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. "Tây Tiến" trở thành một hiện tượng đặc biệt và có sức sống lâu bền trước hết phải kể đến yếu tố cảm xúc của bài thơ. Chính những xúc cảm mãnh liệt của nhà thơ khi hồi tưởng về một thời từng sống, chiến đấu trong binh đoàn Tây Tiến đã làm nên mạch cảm xúc thi vị và hào hùng của bài thơ, thành nhịp đập trái tim của thi phẩm và đem đến những rung cảm thẩm mĩ sâu sắc trong lòng người đọc. Nếu mười bốn câu thơ đầu là nỗi nhớ về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội cùng những cuộc hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến thì những câu thơ tiếp theo là nỗi nhớ về đêm liên hoan lửa trại nồng ấm tình quân dân: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa Kìa em xiêm áo tự bao giờ Khèn lên man điệu nàng e ấp Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ." Trên con đường hành quân vượt suối băng rừng, người lính cũng có lúc được dừng chân bên bản vắng. Vốn thanh lịch, hào hoa, những chàng lính trẻ Hà thành đã mang đến nơi đây cả một không gian tưng bừng vui vẻ. Câu thơ đầu tiên tựa như một tiếng reo vui: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa" Lại một lần nữa, thi sĩ nhìn ánh đuốc mà liên tưởng đến hoa. Nếu trong đêm sương Mường Lát, ánh đuốc soi đường lung linh, huyền ảo như "hoa về trong đêm hơi" thì lần này, trong đêm lửa trại giữa bản mường miền Tây, bút pháp lãng mạn đã khiến ảnh lửa bập bùng nơi đóng quân trở thành đuốc hoa rực rỡ. Không dừng lại ở nét nghĩa này, trường liên tưởng vô biên của thơ còn khiến ta hình dung "đuốc hoa" ở đây mang nét nghĩa đậm chất lãng mạn bởi nó gợi lên hình ảnh ánh nến đêm tân hôn của tân lang, tân nương thuở trước. Như vậy, hình ảnh trên gợi những liên tưởng thú vị, đem đến sự náo nức, rạo rực trong lòng người, khiến đêm liên hoan giữa bộ đội và dân làng trở thành đêm "hội" tưng bừng, vui vẻ. Cụm từ "bừng lên" là một nốt nhấn tươi sáng cho cả câu thơ. Ánh sáng từ lửa trại, tử đuốc hoa là nguồn sáng đột ngột, chói lòa xua đi cái tối tăm lạnh lẽo của núi rừng thâm u. Chữ "bừng" ấy còn như mang cả niềm vui sướng, rạo rực của lòng người vào thơ. Người đọc còn có thể hình dung ra ánh mắt ngỡ ngàng, gương mặt bừng sáng của các chiến sỹ, bừng sáng vì sự phản chiếu của ánh lửa bập bùng đêm hội, bừng sáng còn vì ngọn lửa ấm nóng trong tâm hồn - ngọn lửa của niềm vui trẻ trung, lạc quan, ngọn lửa của tình yêu với con người và mảnh đất miền Tây. Trong đêm hội đuốc hoa tưng bừng ấy, ánh mắt các chàng lính trẻ như dừng lại lâu hơn nơi những thiếu nữ miền sơn cước: "Kìa em xiêm áo tự bao giờ" Thán từ "kìa" và cụm từ nghi vấn "tự bao giờ" khiến người đọc hình dung cảm xúc ngỡ ngàng, trìu mến của các chiến sĩ trước sự xuất hiện của các cô gái miền Tây. Đó là cảm giác rất chân thực trong một dịp vui hiếm hoi sau bao ngày hành quân giữa điệp trùng núi cao, vực thẳm, sương dày, với mưa rừng và thú dữ. Dẫu sao, họ cũng là những chàng trai trẻ, đang tuổi yêu đương và mơ mộng. Còn cái đẹp lại luôn khiến con người say đắm, kiếm tìm. Nên một thoáng ngẩn ngơ trước cái đẹp cũng là điều dễ hiểu. Trong cảm nhận của những chàng lính Hà thành, các cô gái miền Tây hiện lên như những vũ nữ thiên thần với "xiêm áo" lộng lẫy và nét "e ấp" dịu dàng đầy nữ tính. Xuất hiện giữa một đoàn quân "xanh màu lá", giữa những người lính "dữ oai hùm", vẻ đẹp của các cô gái miền Tây tạo lên nét tương phản đậm chất thi vị, chất lãng mạn và làm dịu đi rất nhiều hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh. Trên nền nhạc khèn mênh mang, dìu dặt, trong ánh lửa đuốc bập bùng, người lính Tây Tiến như mơ màng, say đắm trong "man điệu" của núi rừng. Họ chiêm ngưỡng và phiêu du trong những hình ảnh rực rỡ, những âm thanh ngọt ngào, những vũ điệu duyên dáng.. Hồn thơ của những chàng lính trẻ như bay trên sóng nhạc đến với thế giới của mộng mơ, thế giới của những vẻ đẹp say người nơi phương xa xứ lạ. Câu thơ có tới sáu thanh bằng đã diễn tả tinh tế cảm giác mơ màng, chơi vơi ấy. Nếu như bốn câu trên diễn tả không khí tươi vui, tình quân dân ấm áp trong đêm lửa trại tràn ngập ánh đuốc và tiếng nhạc khèn thì bốn câu dưới, lại là bức vẽ tuyệt đẹp về sông nước miền Tây trong một buổi chiều sương. Những hoài niệm rực rỡ và sống động về đêm lửa trại đã được thay bằng những bâng khuâng xa vắng trong nỗi nhớ tha thiết mênh mông về cảnh sắc con người: "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy" Nỗi nhớ miền Tây được gửi vào lời nhắn với "người đi". Nhưng thực chất, "người đi" ấy chính là sự phân thân của tác giả. Nên câu thơ vừa là lời hỏi hướng về người đi, và cũng là lời giãi bày của chính lòng mình. Nhà thơ đang hướng lòng mình về với Châu Mộc, về núi rừng Miền Tây, trong một chiều sương ảo diệu. Chiều sương của hoài niệm, nhớ nhung. Thời gian buổi chiều vốn đã gợi nhớ, gợi thương, lại thêm "chiều sương" nữa lại càng mênh mang thương nhớ. Ngòi bút của Quang Dũng thực sự có thần khi chấm phá một vài nét mà gợi ra cả một bức tranh thiên nhiên đẹp như trong cổ tích. Trong làn sương chiều bảng lảng, tất cả trở nên mơ màng, huyền ảo. Cảnh sắc nhòa mờ như những nét vẽ đậm chất cổ trang trên phiến lụa. Bức tranh thiên nhiên qua một vài nét phác thảo có dáng người thấp thoáng, có hồn lau nẻo bến bờ, có cánh hoa đong đưa bên dòng nước lũ.. đã mang đến ấn tượng về cái hồn rất riêng của chiều sương Châu Mộc. Vẻ đẹp của thiên nhiên Châu Mộc say đắm lòng người cũng đi vào trang thơ Tố Hữu với những vần thơ thật đẹp: "Nông trường Châu Mộc như hoa nở Giữa núi rừng Tây Bắc hát ca" Lau sậy là một trong những "đặc trưng" của núi rừng Tây Bắc. Lau phất phơ triền núi, lau xạc xào bờ bãi, lau bạt ngàn những cánh rừng hoang vắng.. để rồi tạo thành nét vẽ thật đẹp trong thơ Quang Dũng: "Có thấy hồn lau nẻo bến bờ" Cụm từ "nẻo bến bờ" khiến ta hình dung cả một không gian mênh mông lau trắng. Lau sậy của thiên nhiên đã tạo nên màu sắc chủ đạo, tạo nên đường nét mềm mại cho bức tranh chiều sương Châu Mộc. Nét đặc sắc trong câu thơ chính là cách nhà thơ chọn từ "hồn lau" thay vì "bờ lau", "ngàn lau" hay "rừng lau". Chỉ thay đổi một từ mà làm thay đổi cả hồn thơ và làm cho bức tranh sinh động hẳn lên. Lau sậy không còn vô tri vô cảm nữa, nó như có linh hồn, nó làm thành hồn riêng của rừng chiều buồn vắng. Khi đã xa miền Tây, câu hỏi "Có thấy hồn lau nẻo bến bờ" càng làm dâng lên cảm giác nhớ thương trong lòng người. Những bờ lau trắng đã một thời đồng hành cùng bước chân người chiến sĩ, nay người đã đi xa, ngàn lau vẫn ở lại giữa mênh mông gió núi, cảm giác về những bờ lau cô đơn "nẻo bến bờ" như nhân lên nỗi cô đơn trong lòng người vậy. Giữa nền huyền ảo, thơ mộng của sương mờ và lau trắng, nổi bật lên dáng người lom khom trên con thuyền độc mộc: "Có nhớ dáng người trên độc mộc" Với thủ pháp gợi tả, hình ảnh con người Tây Bắc không được khắc họa cụ thể mà chỉ hiện lên qua bóng dáng thấp thoáng, xa xôi. Và dù chỉ một mình với con thuyền độc mộc, con người nơi đây vẫn hiện lên thật đẹp bởi dáng vẻ cứng cỏi, kiên cường "đè thác lũ băng băng lướt tới". Hình ảnh ấy khiến ta chợt nhớ đến người lái đò tài hoa trí dũng trong trang văn Nguyễn Tuân. Bức tranh thơ mộng ấy càng trở nên đẹp hơn, tình tứ hơn khi Quang Dũng điểm thêm vào dòng nước đang chảy xiết những bông hoa rừng duyên dáng: "Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa" Phát huy tối đa hiệu quả của bút pháp tương phản trong thơ lãng mạn, câu thơ đã vẽ lên hai nét vẽ đối lập: "Hoa" – "nước lũ". Nói đến nước lũ là nói đến sự dữ dội, cuồng loạn. Còn hoa lại gợi nét đẹp mong manh, yếu đuối. Thế nhưng, bất chấp sức mạnh cuồng loạn, dữ dội của thiên nhiên, đóa hoa rừng vẫn dập duềnh theo sóng nước một cách đầy duyên dáng. Quang Dũng không viết "đung đưa", mà dứt khoát phải là "đong đưa". Vì "đung đưa" chỉ gợi sự chuyển động cơ học, còn "đong đưa" lại gợi bao nhiêu tình tứ.. Dưới con mắt người nghệ sĩ đa tình, đến cả bông hoa rừng bên dòng nước lũ cũng không hề vô tri, vô giác, ngược lại chúng còn biết làm duyên, làm dáng, gợi cảm và đáng yêu. Cái đẹp kiêu hãnh mà gợi tình của thiên nhiên Tây Bắc đã được Quang Dũng tô đậm trong câu thơ này. Người đọc không khỏi bâng khuâng nhớ đến một tứ thơ lãng mạn: "Cảnh vĩ đại nghiêng trời thác ngàn đổ Nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay" (Thế Lữ) Bút pháp lãng mạn đậm nét trong đoạn thơ không chỉ khắc họa vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây mà còn góp phần tô đậm vẻ đẹp tâm hồn người chiến binh Tây Tiến. Họ ra đi chiến đấu với ý chí quyết tâm, với tinh thần lạc quan và rạng rỡ những niềm vui, những kỉ niệm đẹp về tình quân dân thắm thiết trên mọi nẻo đường hành quân. Như vậy, họ không chỉ hào hùng mà còn hào hoa, không chỉ anh hùng mà còn nghệ sĩ. Nếu 14 câu đầu và đoạn thơ kế sau khắc họa vẻ đẹp hào hùng, anh dũng, thì hai khổ thơ này lại khiến ta cảm nhận phương diện lãng mạn, hào hoa của những chàng lính Hà thành. Hai vẻ đẹp tưởng chừng đối lập nhưng lại bổ sung cho nhau tạo nên nét vẽ trọn vẹn hơn, chân thực hơn về bức chân dung người lính. Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
Đoạn thơ thể hiện những nét đặc sắc trong nghệ thuật thơ Quang Dũng: Nhà thơ sử dụng một hệ thống từ ngữ đặc biệt có giá trị tạo hình, biểu cảm như "bừng", "hồn lau", "đong đưa".. Bút pháp thi trung hữu nhạc và thi trung hữu họa đã đem đến chất nhạc, chất họa đặc sắc cho bài thơ, đem đến những câu thơ tái hiện sinh động một không gian huyền ảo, với những đường nét thi vị, tràn ngập âm thanh, lung linh ánh sáng; những câu thơ khi rạo rực hân hoan, khi bâng khuâng xa vắng, khi mơ mộng bồng bềnh. Xem thêm: Mở rộng: Tây tiến và những câu thơ có thể dùng để liên hệ, so sánh Phân Tích Hình Tượng Người Lính Tây Tiến Trong Đoạn Thơ: Tây Tiến Đoàn Binh Không Mọc Tóc
Luong9, Giang000000, SOn2212222 và 35 người khác thích bài này. Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng mười một 2022 Thùy Minh, 16 Tháng tám 2021 #1 Đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK để đọc nội dung ẩn và chia sẻ bài viết -
Từ Khóa:
- ngữ văn 12
- phân tích
- tây tiến
- văn học
- van12
Trả lời qua Facebook
- Login with Facebook
- Log in with Google
Tên tài khoản hoặc địa chỉ Email: Bạn đã có tài khoản rồi?
- Tích vào đây để đăng ký
- Vâng, Mật khẩu của tôi là:
- Bạn đã quên mật khẩu?
Duy trì đăng nhập Đăng ký!
Đề tài cần chú ý
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc... Ột Éc replied 7 Tháng mười một 2024
- Nội quy box học online Sói replied 1 Tháng tám 2023
Đang tải... Xem nhiều nhất tuần
- Phân tích đoạn trích Thúc Sinh... AiroiD posted 15 Tháng mười một 2024
- Nghị luận xã hội: Vai trò của... Cơn Mưa Mùa Hạ posted 25 Tháng mười một 2024 lúc 12:41 PM
- Nghị luận xã hội: Tuổi trẻ sáng tạo Cơn Mưa Mùa Hạ posted 25 Tháng mười một 2024 lúc 12:36 PM
Đang tải... Bạn đã từng đơn phương ai chưa?
- Rồi 360 phiếu
- Chưa 164 phiếu
Hướng dẫn cách kiếm tiền trên Binance
Việt Nam Overnight Trang Chủ Diễn Đàn > E - CÁC CÂU LẠC BỘ > CLB Học Tập > Học Online > Đang tải...