Phân Tích 8 Câu Thơ đầu Bài Việt Bắc - Tố Hữu | Văn Mẫu 12

     Phân tích 8 câu thơ đầu bài Việt Bắc - Tố Hữu để thấy hình ảnh bịn rịn giữa kẻ ở và người về, thể hiện tình cảm đặc biệt của người dân Việt Bắc dành cho người lính.

Hướng dẫn phân tích 8 câu đầu bài Việt Bắc

Đề bài: Phân tích 8 câu thơ đầu bài Việt Bắc của Tố Hữu

1. Phân tích đề

- Yêu cầu về nội dung: phân tích nội dung và nghệ thuật của 8 câu thơ đầu bài Việt Bắc.

- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng: các câu thơ, từ ngữ, hình ảnh, chi tiết thuộc phạm vi nội 8 câu thơ đầu trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

- Phương pháp lập luận chính: phân tích.

2. Luận điểm bài phân tích 8 câu đầu Việt Bắc

- Luận điểm 1: Nỗi nhớ của người ở lại dành cho người ra đi

- Luận điểm 2: Tiếng lòng của người ra đi mang bao nhớ thương, bịn rịn

3. Sơ đồ tư duy phân tích 8 câu đầu bài Việt Bắc

Sơ đồ tư duy phân tích 8 câu thơ đầu bài Việt Bắc

 Xem thêm: Sơ đồ tư duy Việt Bắc của Tố Hữu (các dạng đề khác nhau)

4. Khái quát về tác giả, tác phẩm

a) Tác giả Tố Hữu

- Tố Hữu (1920 - 2002) sinh ra và lớn lên trong gia đình Nho học và yêu văn chương ở Huế

- Ông sớm giác ngộ cách mạng, hăng say hoạt động cách mạng và kiên cường đấu tranh trong các nhà tù thực dân, trải qua nhiều lần tù ngục.

- Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của đất nước, đặc trách mặt trận văn hóa văn nghệ.

- Đường cách mạng, đường thơ: có sự thống nhất, không thể tách rời. Mỗi tập thơ của ông là một chặng đường cách mạng.

+ Tập thơ “Từ ấy” (1937 - 1946)

+ Tập thơ “Việt Bắc” (1946 - 1954)

+ Tập thơ “Gió lộng” (1955 - 1961)

+ Tập thơ “Ra trận” và tập “Máu và hoa”

+ Các tập thơ còn lại: thể hiện những chiêm nghiệm về cuộc đời của tác giả.

- Phong cách thơ: Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị rất sâu sắc và tính dân tộc rất đậm đà. Thơ ông là tấm gương phản chiếu tâm hồn một người chiến sĩ cách mạng suốt đời phấn đấu, hi sinh vì tương lai tươi đẹp của dân tộc, cuộc sống hạnh phúc của con người.

Mẫu dàn ý phân tích 8 câu đầu Việt Bắc

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam.

+ Việt Bắc là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp.

- Khái quát nội dung 8 câu thơ đầu bài Việt Bắc: Đoạn thơ đã tái hiện niềm thương nỗi nhớ, cũng chính là niềm trăn trở chung của đồng bào ta trong lần chia tay lịch sử.

2. Thân bài:Phân tích nội dung 8 câu thơ đầu Việt Bắc

a) Phân tích 4 câu đầu Việt Bắc: Nỗi nhớ của người ở lại dành cho người ra đi

- Khơi gợi kỷ niệm về một giai đoạn đã qua, về không gian nguồn cội, nghĩa tình.

  • Điệp từ "nhớ" thể hiện nỗi nhớ da diết, sâu nặng
  • Cách xưng hô "mình - ta” : thân mật gần gũi như trong ca dao
  • Điệp cấu trúc “mình về mình có nhớ” : lời ướm hỏi, khơi gợi lại những kỉ niệm về “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”, về thiên nhiên Việt Bắc nghĩa tình.

=> Hai câu hỏi đều hướng về nỗi nhớ, một nỗi nhớ về thời gian “mười lăm năm”, một nỗi nhớ về không gian: sông, núi, nguồn.

=> Đó là khoảng thời gian gắn bó biết bao kỉ niệm của người dân Việt Bắc với người lính.

b) Phân tích 4 câu sau: Tiếng lòng của người về xuôi mang bao nỗi nhớ thương, bịn rịn

  • Từ láy “bâng khuâng” thể hiện sự xao xuyến, “bồn chồn” thể hiện sự không yên tâm trong dạ, không nỡ rời bước
  • Hình ảnh “áo chàm” chỉ người dân Việt Bắc thân thương giản dị
  • Cử chỉ "cầm tay nhau" thay lời nói chứa đầy cảm xúc.

=> Không khí buổi chia tay thân tình, gần gũi, bịn rịn không muốn chia xa.

- Lời người ở lại nhắn gửi tới người ra đi: Lời nhắn gửi được thể hiện dưới hình thức những câu hỏi: nhớ về Việt Bắc cội nguồn quê hương cách mạng, nhớ thiên nhiên Việt Bắc, nhớ những địa danh lịch sử, nhớ những kỉ niệm ân tình...

  • Liệt kê hàng loạt các kỉ niệm
  • Ẩn dụ, nhân hóa: rừng núi nhớ ai
  • Điệp từ “mình”
  • Cách ngắt nhịp 4/4 đều tha thiết nhắn nhủ người về thật truyền cảm.

=> Thiên nhiên, mảnh đất và con người Việt Bắc với biết bao tình nghĩa, ân tình, thủy chung.

c) Đặc sắc nghệ thuật

- Thể thơ lục bát truyền thống

- Sử dụng hình ảnh đối đáp quen thuộc trong ca dao

- Sử dụng hình ảnh hoán dụ, từ láy, câu hỏi tu từ, lặp cấu trúc.

- Giọng thơ trữ tình, đằm thắm

- Ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhịp điệu.

3. Kết bài

- Khái quát nội dung 8 câu thơ đầu bài Việt Bắc: Tám câu đầu là khung cảnh chia tay đầy tâm trạng, bịn rịn, lưu luyến, bâng khuâng của kẻ ở người đi.

- Cảm nhận của em về đoạn thơ.

Tham khảo thêm mẫu dàn ý và tuyển chọn các bài cảm nhận 8 câu thơ đầu bài Việt Bắc hay nhất

   Qua phân tích 8 câu thơ đầu bài Việt Bắc đã phần nào giúp các em cảm nhận được tình cảm đặc biệt của người dân Việt Bắc dành cho những người lính.

Để hiểu rõ hơn về tác phẩm, về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến các em có thể tham khảo qua hướng dẫn chi tiết và các bài văn phân tích Việt Bắc đặc sắc nhất được ĐọcTàiLiệu biên soạn.

TOP 5 bài văn mẫu hay phân tích 8 câu đầu bài Việt Bắc

Phân tích 8 câu đầu Việt Bắc học sinh giỏi mẫu số 1

Tố Hữu là một hồn thơ đặc biệt trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Hồn thơ ông là sự kết hợp hài hoà giữa chất chính trị trong nội dung và chất trữ tình trong nghệ thuật. Tố Hữu luôn đi cùng, đi sát với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, nhưng bước vào trang thơ qua trái tim tinh tế, nhạy cảm của ông, những sự kiện ấy đã hóa thành cảm hứng nghệ thuật lãng mạn với giọng điệu ngọt ngào, tha thiết. “Việt Bắc” là một thành công lớn trong đời thơ Tố Hữu, thể hiện trọn vẹn những đặc điểm phong cách ấy đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các cơ quan Trung ương đảng và Chính phủ từ biệt căn cứ địa cách mạng Việt Bắc để trở về Hà Nội. Tám câu đầu của bài thơ đã khắc hoạ “nỗi niềm kẻ ở người đi” trong cuộc chia tay giữa cán bộ cách mạng và đồng bào miền núi thật cảm động.

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Cảm xúc chủ đạo bao trùm bốn câu thơ đầu là nỗi niềm băn khoăn da diết khôn nguôi. Đó là nỗi niềm của cuộc chia ly kẻ ở người đi, trong cuộc chia tay giữa người cán bộ cách mạng và nhân dân miền núi. Chỉ có bốn câu thơ mà xuất hiện đến hai câu hỏi tu từ kết hợp với phép điệp “mình về mình có nhớ” đã khắc hoạ nỗi nhớ triền miên, day dứt khôn nguôi và tạo ra âm hưởng triền miên, khắc khoải. Giọng điệu câu hỏi đầy trữ tình là vậy nhưng nội dung lại rất rõ ràng, hướng tới những vấn đề hết sức cụ thể. Hai câu thơ đầu tiên là câu hỏi hướng về thời gian: “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”. Khoảng thời gian “Mười lăm năm” được nhắc tới chính là những năm tháng kháng Nhật và chống Pháp đầy gian khó. Khi ấy, Việt Bắc là căn cứ địa của cách mạng, núi rừng Việt Bắc che chở cho người chiến sĩ, đồng bào Việt Bắc đùm bọc cho người cách mạng. Đó chính là thời gian nghệ thuật quá khứ mà “ta” và “mình” từng gắn bó trong tình cảm “thiết tha mặn nồng”, khăng khít không tách rời. Chỉ một từ “ấy” được dùng đắt giá mà câu thơ dường như đã gọi về cả một khoảng thời gian xa xăm, gợi biết bao nỗi nhớ thương.

Không cần liệt kê các sự kiện cụ thể, không cần kể về từng mốc thời gian, chỉ một hình ảnh “mười lăm năm ấy” thôi cũng đủ để gọi về cả một thời quá khứ gắn bó nghĩa tình giữa người đồng bào và người cách mạng. Bởi đây là lời tâm tình của chính “mình” và “ta”, chính những người đã cùng nhau trải qua năm tháng ấy nên không cần nói rõ mà như đã hiểu hết ý tình trong từng câu chữ. Cách khơi gợi đầy tinh tế ấy không chỉ gợi ra những kỷ niệm khó quên, mà còn thể hiện tình cảm gắn bó, thấu hiểu lẫn nhau giữa hai bên. Nhưng gợi về những kỷ niệm trong quá khứ không phải chỉ để nhớ, mà còn để hỏi: “Mình về mình có nhớ ta”. Câu hỏi làm xao xuyến lòng người, gợi nhắc đến những câu ca dao bình dị đã in sâu trong tâm thức người Việt.

“Mình” và “ta” là vốn cặp từ nhân xưng phổ biến trong câu ca dao về tình nghĩa lứa đôi ngọt ngào, nay đã được Tố Hữu vận dụng khéo léo để thể hiện mối tâm tình lúc biệt ly mà người đồng bào miền núi thể hiện với người cán bộ cách mạng. Câu hỏi vừa như có phần bùi ngùi xúc động, lại như ẩn chứa một lời nhắc nhở nhẹ nhàng  về việc “chớ quên”. Hỏi để mà nhắc, mà gợi là ký ức nghĩa tình. Chỉ thay đổi một chữ mà tình cảm trong câu hỏi thứ hai “Mình về mình có nhớ không” đã gợi một thái độ hoàn toàn khác. Câu hỏi thứ hai có phần nghiêm nghị hơn hướng về những không gian cụ thể: “Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”. Người ở lại dường như đã hình dung ra viễn cảnh khi người cán bộ trở về miền xuôi. Khi ấy, không gian xung quanh sẽ thay đổi hoàn toàn. Không còn núi rừng đại ngàn hùng vĩ, không còn thượng nguồn tuôn trào dữ dội, chỉ còn những hàng cây phẳng lặng và con sông lững lờ. Khi ấy, liệu người đi có còn nhớ về quá khứ, về nguồn cội hay không? Câu thơ gợi ra suy ngẫm sâu xa về đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, nghĩa tình thủy chung. Đây cũng là triết lí về lẽ sống cao cả từng nhiều lần xuất hiện trong thơ Tố Hữu.

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Nếu như bốn câu thơ đầu là tâm cảnh của những người trong buổi chia ly thì bốn câu thơ tiếp lại khắc họa ngoại cảnh, miêu tả trọn vẹn khung cảnh của cuộc chia tay. Đó là một cuộc chia tay bịn rịn với những lời từ biệt (“tiếng ai”),  những bước chân phân vân nửa ở nửa đi không dứt khoát (“bồn chồn bước đi”), với màu áo chàm đơn sơ giản dị đến mủi lòng (“áo chàm đưa buổi phân li”) và cuối cùng là cái cầm tay bồi hồi không nói lên lời (“cầm tay nhau biết nói gì”). Bầu không khí của cuộc chia tay không hẳn là buồn thảm (không có tiếng khóc) nhưng cũng chẳng nhẹ nhàng. Cảm nhận chung được gợi lên ở bốn câu thơ là sự bâng khuâng, ngập ngừng và những cảm xúc không thể gọi tên. Đại từ phiếm chỉ “ai” đã làm cho những câu hỏi được đặt ra ở bốn câu thơ trên bỗng trở nên mơ hồ.

Những câu hỏi thiết tha tình nghĩa “Mình về mình có nhớ ta / không” dường như không được đặt ra bởi một người nào cụ thể, mà chính là tiếng vọng của núi  rừng, là tiếng lòng của người ở lại đã được người ra đi thấu hiểu, lắng nghe. Gắn bó thiết tha mười lăm năm tình nghĩa, giờ đây, người đồng bào và người cán bộ đối diện mà đàm tâm, lời tâm tình không cần nói ra mà vẫn cảm được tất cả những gì “tha thiết”, khắc khoải nhất. Chẳng biết là những lời từ biệt, tâm tình ấy đến từ đâu, nhưng dường như nó vẫn văng vẳng sâu xa trong tâm hồn của người đi kẻ ở. Câu thơ tiếp theo được sử dụng liên tiếp đến hai từ láy là “bâng khuâng” (bên trong) và “bồn chồn” (bên ngoài). Nỗi niềm day dứt, nửa ở nửa về không chỉ thể hiện trong nội tâm mà còn được biểu hiện ra bằng hành động (chân bước phân vân). Bởi cuộc chia ly này có thể là cuộc chia ly mãi mãi.

Kháng chiến thành công, căn cứ cách mạng phải trở lại miền xuôi. Một bước chân đi này không chỉ là rời xa vùng đất, con người cụ thể mà còn là rời xa cả một thời quá khứ, rời xa những kỷ niệm gắn bó nghĩa tình trong hoàn cảnh khó khăn. Bởi thế, những tình cảm “bâng khuâng”, không rõ trong lòng đã hoá thành những bước đi ngập ngừng, lưu luyến. Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” vừa gợi ra màu áo đặc trưng của người miền núi, vừa gợi ra cái giản dị, đơn sơ, mộc mạc trong tâm hồn họ. Những người đồng bào đã một thời hết lòng cưu mang, che chở cho cán bộ chiến sĩ, nay lại xót xa đưa tiễn buổi chia ly. Kẻ ở người đi, có lẽ người phải ở lại để chứng kiến sự ra đi là những người nhiều cảm xúc hơn cả. Hình ảnh cái nắm tay trong câu thơ cuối cùng thật cảm động:

“Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Những cảm xúc không tên trong lòng người đã hoá thành cái nắm tay thật chặt. Nói sao cho hết nghĩa tình những năm kháng chiến, nói sao cho hết tâm tình kẻ ở người đi. Thật khó có ngôn từ nào có thể diễn tả cảm xúc, tâm trạng của những người đã gắn bó với nhau trong hành trình gian khổ nhất của dân tộc, nay lại phải chia xa. Bởi thế, nên chẳng “biết nói gì”, tất cả tâm tư, tình cảm họ gửi vào cái “cầm tay” đầy tình nghĩa. Như thế, là không nói mà cũng là nói rất nhiều. Họ không giao tiếp với nhau bằng lời nói thông thường mà đã trở thành tâm giao, tri âm tri kỷ. Hình ảnh cái nắm tay đã khái quát thật cảm động tình cảm gắn bó, cảm xúc bùi ngùi giữa người đồng bào miền núi và người cán bộ cách mạng.

Với thể thơ lục bát truyền thống, đại từ xưng hô “mình – ta” đặc trưng ca dao và âm điệu thiết tha, tâm tình, tám câu thơ đầu của bài thơ “Việt Bắc” đã diễn tả thật cảm động nghĩa tình sâu nặng trong buổi chia ly. Một sự kiện lịch sử trọng đại (căn cứ cách mạng trở về miền xuôi sau chiến thắng Điện Biên Phủ) đã được Tố Hữu cảm nhận đầy chất trữ tình, kết hợp với cội nguồn văn hoá truyền thống dân tộc đã mang lại cho đoạn thơ cảm hứng trữ tình – chính trị độc đáo.

Bài thơ “Việt Bắc” nói chung và tám câu thơ đầu nói riêng quả thực là một thành công nghệ thuật lớn của nhà thơ Tố Hữu. Tố Hữu mãi xứng đáng là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, là người nối tiếp mạch nguồn truyền thống văn hoá dân tộc trong thời đại mới.

Phân tích 8 câu đầu Việt Bắc mẫu số 2

Tố Hữu là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, nhà thơ của lý tưởng Cộng sản.  Nhà thơ Tố Hữu đã để lại dấu ấn riêng mang đậm Hồn thơ trữ tình chính trị qua các bài thơ tiêu biểu như: “Từ Ấy”, “Việt Bắc”, “Gió lộng”,... trong đó, Việt Bắc được đánh giá rất cao trong số kho tàng thơ ca của thơ Tố Hữu nói riêng và thơ ca chống Pháp nói chung. Bài thơ được sáng tác vào tháng 10 năm 1954 khi Trung ương Đảng và toàn bộ Chính phủ lâm thời cùng cán bộ chiến sĩ rời khỏi chiến khu để về lại Thủ đô Hà Nội. Lấy cảm hứng từ không khí của buổi chia tay lịch sử Tố Hữu đã xúc động viết lên bài thơ này. Bài thơ có hai nhân vật “ta” và “mình”. Trong buổi chia tay lịch sử ấy hai nhân vật ấy đã để lại bao tâm trạng thiết tha bồi hồi.

Việt Bắc là khu căn cứ địa kháng chiến được thành lập từ năm 1940 gồm 6 tỉnh viết tắt là Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà. Nơi đây cán bộ chiến sĩ và nhân dân Việt Nam đã có 15 năm gắn bó keo sơn nghĩa tình. Sau chiến thắng Điện Biên pháp phải ký hiệp định Giơnevơ trả lại Hà Nội. Nay cán bộ phải về xuôi tiếp tục nhiệm vụ cách mạng, buổi chia tay ấy biết bao kỷ niệm cứ ùa về khiến lòng người đi kẻ ở ray rứt bồn chồn mãi không yên.

Bốn câu thơ mở đầu là lời của Việt Bắc tướng hỏi tôi gợi kỉ niệm về một giai đoạn đã qua về không gian nguồn cội nghĩa tình. Qua đó thể hiện tâm trạng của người ở lại:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không 

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn

Câu hỏi tu từ “Mình về mình có nhớ ta” mới đọc lên đã thấy ngay tình cảm dạt dào thương mến, tác giả sử dụng hai đại từ nhân xưng “mình” với “ta” một cách ngọt ngào sâu lắng đậm đà chất ca dao. Trong câu hỏi trên “mình” là chỉ người ra đi “ta” là chỉ người ở lại. Người ở lại hỏi người ra đi còn nhớ ta trong mười lăm năm ấy hay không. “Mười lăm năm ấy” là trạng ngữ chỉ thời gian, đó là thời gian chỉ độ dài gắn bó nhớ thương vô vàn giữa “người” đi kẻ ở. Thời gian ấy được tính từ năm 1940 sau khởi nghĩa Bắc Sơn cho đến tháng 10 năm 1954. Vừa đúng mười lăm năm đó là mười lăm năm “mình” đây “ta” đó đắng cay ngọt bùi. Mười lăm năm có họa cùng chia có phúc cùng hưởng. Mười lăm năm “mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”, mười lăm năm “bát cơm chấm muối mối thù nặng vai”. Làm sao cán bộ chiến sĩ có thể quên được bao nhiêu nghĩa bao nhiêu tình. Bốn chữ “thiết tha mặn nồng” đã cho thấy tình cảm giữa những người dân Việt Bắc và người cán bộ thật thủy chung sâu nặng keo sơn bền chặt.

Hai câu đầu là gợi nhắc kỷ niệm mười lăm năm gắn bó, hai câu sau là lời nhắc nhở chân tình, lời dặn dò kín đáo mà rất đỗi thiết tha:

Mình về mình có nhớ không 

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn

Người ở lại hỏi “mình về mình có nhớ không” là câu hỏi tu từ hỏi không phải để tìm câu trả lời mà hỏi để nhắc nhở về Hà Nội rồi thấy sông nhớ đến suối nguồn Việt Bắc. Cách gợi nhớ này cho thấy được lời dặn dò kín đáo rất nổi chân tình Việt Bắc là cội nguồn cách mạng quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa là trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến. Xin người về đừng quên cội nguồn mà hãy luôn nhớ về hội một cội câu thơ này phải chăng là sự vận dụng rất linh hoạt và tài tình của Tố Hữu với câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn qua đó nhà thơ cũng nhắc nhở thế Hệ cháu con phải biết hướng về gốc gác về cái nôi cho ta hình hài.

Bốn câu thơ tiếp theo là tiếng lòng của người về xuôi mang bao nhiêu nỗi nhớ thương:

Tiếng ai tha thiết bên cồn 

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi 

Áo chàm đưa buổi phân ly 

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay… 

Một tiếng “ai” nghe bâng khuâng xao xuyến lạ lùng. Phải chăng “tiếng ai” kia là lời của người Việt Bắc với những chân tình tha thiết và kỉ niệm ngày về mang theo bao nỗi niềm khó tả khiến cho “Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi”. Việt Bắc trong giây phút chia ly ấy đã hóa tâm hồn trong lòng người cán bộ hai từ láy “Bâng khuâng” và “bồn chồn” đã góp phần làm nên tâm trạng người ra đi. “Bâng khuâng” có nghĩa là nhớ nhung luyến tiếc buồn vui lẫn lộn mà buồn nhiều hơn vui. “Bồn chồn” là từ láy diễn tả tâm trạng cảm xúc day dứt hồi hộp nôn nao trong lòng khiến cho bước chân đi cũng ngập ngừng bình tĩnh không muốn chia xa. Buổi chia tay ấy có hình ảnh “Áo chàm đưa buổi phân ly” đầy cảm động. “Áo chàm” là màu áo nghèo khổ bình dị của người dân Việt Bắc, là hình ảnh hoán dụ để chỉ con người Việt Bắc. Đó là những con người nghèo khổ hắt hiu lau xám nhưng luôn đậm đà lòng son thủy chung mặn nồng. Chính màu áo ấy, con người ấy đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Hỏi làm sao người đi có thể quên được màu áo ân tình ấy.

Câu thơ đầy tính chất biểu cảm “biết nói gì hôm nay” không phải là không có gì để nói có nhiều điều để nói lắm chứ không nói được vì xúc động nghẹn ngào không thốt được nên lời. Những lời không nói ấy có lẽ đã nằm hết trong ba chữ “cầm tay nhau”. Cầm tay là biểu tượng của tình yêu thương đoàn kết, cầm tay là đã đủ nói lên ba cảm xúc trong lòng rồi. Mặt khác ba dấu chấm lửng đặt ở cuối câu như càng tăng thêm cái tình cảm hoạt động ấy nó giống như nốt lặng trong một khuông nhạc mà ở đó tình cảm cứ ngân dài. Lâu lắm rồi, Việt Bắc là một kiệt tác của Tố Hữu hoặc cũng là kiệt tác của thơ ca cách mạng thơ ca kháng chiến. Bài thơ nói chung và đoạn thơ nói riêng khiến tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu trở thành tiếng nói yêu thương, là nét nổi bật trong phong cách thơ Tố Hữu mà không có bài nào thấm thía hơn Việt Bắc.

Tám câu đầu là khúc nhạc dạo đầu của bài thơ Việt Bắc gợi lên tình yêu thương gắn bó ấn tượng để lại trong lòng bạn đọc chính là tình cảm giữa kể ở lại người đi được diễn tả bằng thể thơ lục bát đậm đà tính dân tộc.

Phân tích 8 câu đầu Việt Bắc ngắn gọn nhất mẫu số 3

Tố Hữu không phải một nhà thơ đi tìm cái mới ở những chốn xa xăm và lạ lẫm. Ông khơi nguồn cho sự mới ngay trên cái nền truyền thống của thơ ca dân tộc, để biểu đạt tình cảm yêu thương tình nghĩa. Điều này được thể hiện rất rõ qua tám câu thơ đầu trong “Việt Bắc”.

“Việt Bắc” được sáng tác vào năm 1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ - ne - vơ về Đông Dương được kí kết. Vào tháng 10 năm 1954, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Nhân dịp ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ. Tác phẩm là khúc ca ân tình về kháng chiến, con người Việt Nam trong cách mạng. Bốn câu thơ đầu là lời ướm hỏi ngọt ngào của người ở lại:

Mình về mình có nhớ ta? Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng. Mình về mình có nhớ không? Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.

Hai đại từ “Mình” và “ta” được lặp lại nhiều lần khiến lời thơ trở thành lời đối thoại, lời tâm tình tha thiết. Tố Hữu đã vận dụng cách xưng hô thân mật quen thuộc trong những câu ca dao, dân ca truyền thống để diễn tả nghĩa tình cách mạng. “Mình” - người cán bộ về xuôi, “ta” - người dân Việt Bắc. Cụm từ “thiết tha mặn nồng” diễn tả sự gắn bó, tình sâu nghĩa nặng giữa người chiến sĩ cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Câu hỏi tu từ “Mình về mình có nhớ ta?”, “Mình về mình có nhớ không?” vừa bộc lộ sự quyến luyến, nhớ nhung lại vừa mang âm điệu của một lời dặn dò tình nghĩa.

Dù hôm nay các chiến sĩ cách mạng trở về thủ đô nhưng đừng bao giờ quên đi khoảng thời gian gắn bó “Mười lăm năm ấy”, hãy mãi khắc ghi hình ảnh con người và thiên nhiên Việt Bắc trong lòng. Câu thơ “Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn” gợi nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc. Núi rừng Việt Bắc đã cưu mang, che chở cho cán bộ cách mạng. Nhờ có những người dân nơi đây mà kháng chiến mới thắng lợi vẻ vang, hòa bình được lập lại. Ân tình ấy không thể nào quên!

Trước những lời dặn dò của người ở lại, người ra đi chưa trả lời trực tiếp mà lại thể hiện cảm xúc bằng những lời độc thoại nội tâm:

Tiếng ai tha thiết bên cồn Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi Áo chàm đưa buổi phân ly Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Đại từ phiếm chỉ “Ai” chỉ người dân Việt Bắc.Những từ láy “tha thiết”, “bâng khuâng”, “bồn chồn” diễn tả tâm trạng lưu luyến, bịn rịn, không nỡ rời xa của người chiến sĩ cách mạng. Trong đó, “Bâng khuâng” gợi lên cảm giác hoài niệm. Dường như người chiến sĩ đang chìm đắm trong dòng cảm xúc, hồi tưởng lại những kỉ niệm khi gắn bó với nơi thủ đô gió ngàn. Từ “bồn chồn” cho thấy sự đan xen của nhiều dòng cảm xúc, dâng lên như lớp lớp sóng trào trong lòng tác giả. Tố Hữu đã rất tinh tế khi tạo ra sự hô ứng cho hai khổ thơ. Nếu ở bên trên, người ở lại nói “thiết tha” thì đến đây, người ra đi lại nói “tha thiết”. Điều này tạo nên một mạch ngầm tri âm giữa người đi và kẻ ở, cho thấy sự đồng điệu trong cảm xúc. Không chỉ vậy, các hình ảnh như “cồn”, “áo chàm” còn gợi không khí, con người, cảnh vật nơi núi rừng. Màu áo chàm được hoán dụ để khắc họa bản sắc trang phục của đồng bào Việt Bắc. Ngày người chiến sĩ về xuôi, cả thiên nhiên và nhân dân Việt Bắc cùng tiễn bước. Cụm từ “biết nói gì” không phải là đôi bên đều không có gì để nói mà có ý nghĩa rằng cả người ra đi và người ở lại đều quá xúc động, không thể nói hết cho thỏa niềm thương nhớ. Im lặng dường như trở thành một thứ ngôn ngữ đặc biệt giúp con người thể hiện tình cảm một cách kín đáo mà sâu sắc. Tất cả những nhớ thương, lưu luyến được gửi vào cái cầm tay nặng ân tình.

Đoạn thơ đầu đã khắc họa khung cảnh chia tay đầy xúc động giữa người dân Việt Bắc với các cán bộ cách mạng. Qua đó, nhà thơ ca ngợi tình cảm thủy chung, son sắt của con người Việt Nam trong những năm kháng chiến gian lao.

Phân tích 8 câu đầu Việt Bắc mẫu số 4

Trong cuộc sống này, có khoảnh khắc nào lưu luyến bằng khoảnh khắc chia xa sau khoảng thời gian 15 năm vẹn nghĩa, nồng tình. Dẫu biết rằng xa tới đâu chỉ cần giữ trong tâm chính mình là đủ, nhưng lại không thể nào ngăn nổi sự hụt hẫng, bâng khuâng. Tố Hữu viết “Việt Bắc” thật tinh tế khi chọn những câu chữ để đặt vào vẫn thơ, gửi trọn bao nỗi niềm tâm sự:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”

Câu thơ của Tố Hữu phảng phất chất liệu ca dao - chất liệu dân tộc kết hợp với lối xưng hô “mình - ta” đầy ý nhị. Tiếng lòng của người ở lại đã được gói ghém và thể hiện một cách trọn vẹn ở hai câu thơ này. Câu hỏi tu từ được nhà thơ sử dụng một cách linh hoạt, rất phù hợp để thể hiện những nỗi niềm sâu kín của người ở lại:

“Mình về mình có nhớ ta”

Câu thơ được thể hiện dưới hình thức là một câu hỏi tu từ và có cấu trúc phần lớn là vần bằng. Thêm vào đó, từ kết thúc được lựa chọn là từ “ta” mang âm “a”, đây là một âm có sức lan tỏa bởi đó là một âm tiết mở, tạo nên sự ngân vang và dư ba cho câu thơ. Để tình thương mến thương giữa người với người lan tỏa khắp nơi đây, không gian này, trong khoảnh khắc lưu luyến ấy. Câu hỏi khơi dậy kỷ niệm, sợi dây nghĩa tình giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ miền xuôi. Câu hỏi bỏ ngỏ liệu rằng người đi rồi, về với thủ đô sao vào nắng Ba Đình rồi, có còn nhớ tới tình nghĩa 15 năm qua không? Giọng khởi đầu đã là giọng yêu thương trìu mến, vương vấn bao nỗi niềm, lưu luyến. Điểm rơi thấp nhất của câu thơ là tiếng “về” gợi cảm giác về khoảng trống, về sự hụt hẫng trong lòng người ở lại. Câu hỏi hướng về khoảng thời gian 15 năm.

Mười năm năm, vốn chỉ là khoảng thời gian vô tri trong tâm thức của mỗi người, thế nhưng với người đi kẻ ở, đó lại là khoảng thời gian chứa đựng biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, biết bao nhiêu gian khổ hy sinh, biết bao nhiêu ân nặng, nghĩa tình của đôi bờ miền xuôi, miền ngược. Nhà thơ đã rất tình tế khi chọn cách thêm vào sau mốc thời gian từ “ấy” để cá nhân hóa, trữ tình hóa, cảm xúc hóa khoảng thời gian này. Theo tâm lý bình thường, người ở lại vẫn thường rất nhạy cảm với những cuộc chia xa, người đi thường háo hức vì được đến khám phá những điều mới lạ ở chân trời mới. Chính vì thế, cảm xúc bao trùm trong hai câu thơ này là cảm giác hụt hẫng, nhớ mong. Biết bao nhiêu nghĩa tình sâu nặng được gói trọn trong hai từ “thiết tha, mặn nồng”. Tôi cứ phân vẫn mãi, bởi hai từ này thường chỉ dùng khi nói về tình yêu lứa đôi, thế nhưng ở đây lại được Tố Hữu sử dụng để đưa vào giây phút chia ly giữa đồng bào miền ngược và cán bộ miền xuôi.

Chưa cần người ra đi hồi đáp, ngừoi ở lại lại muốn tiếp tục được hỏi người ra đi về nỗi nhớ, niềm thương:

“Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”

Vẫn là dạng câu hỏi tu từ, đây là lời tâm tình của người ở lại hỏi người ra đi. Câu thơ như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, gửi đến cán bộ cách mạng với mong mỏi, khi về Hà Nội rồi, liệu rằng có còn nhớ đến nơi đây hay không. Nỗi niềm được nhắc nhở bộc bạch qua hai từ: “núi”, “sông”. Từ “núi” biểu thị cho nỗi nhớ thiên nhiên, từ “sông” nhắc tới cội nguồn. Vừa là cội nguồn của cách mạng, thế nhưng đó cũng là cội nguồn của nghĩa tình.

Người ở lại cùng với những khoảng trống và những nỗi trông mong chỉ dám gửi vào vô định cùng những câu hỏi bỏ ngỏ, người ra đi chẳng trả lời thế nhưng lại bộc bạch tấm lòng tri ân và đồng vọng của mình một cách thật tinh tế:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi”

Đại từ phiếm chỉ “ai” đã vang lên một cách thảng thốt, bồi hồi. Ta có cảm giác như người ra đi đang chìm đắm, đang miên man trong những dòng xúc cảm, những hoài niệm, những kỷ niệm về Việt Bắc rồi bất ngờ sực tỉnh, chợt nhận ra hiện thực phũ phàng khi vài phút giây đây thôi, ta sẽ phải chia xa nhau chưa biết đến bao giừo gặp lại. Trước những biến thiên của cuộc đời, con người ta luôn mang trong mình những trạng thái tâm lý phức tạp, bất ngờ. Vừa náo nức, vừa hạnh phúc ngập tràn khi kháng chiến thành công, muốn về với thủ đô thân yêu để đoàn tụ với bạn bè, gia đình thế nhưng cũng lại chẳng muốn bước đi vì nơi đây - mảnh đất này - những con người kia 15 năm qua đã cùng ta cố gắng, cùng ta chiến đấu, yêu thương và che chở cho ta.

Trước câu hỏi của những người ở lại, người ra đi không trực tiếp trả lời nhưng lại tự khẳng định lòng mình với mối thâm tình với vùng đất, con người Việt Bắc:

“Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi”

Tác giả đã rất tinh tế khi sử dụng hai tính từ “bâng khuâng” và “bồn chồn” để diễn tả của người đi. Thêm vào đó, còn cấu trúc thơ kết hợp với biện pháp đảo ngữ đã giúp cho nhà thơ thể hiện, nhấn mạnh vào trạng thái cảm xúc của người ra đi. Trong giây phút luyến lưu này, người ra đi đang trong tâm thế nửa muốn đi, nửa lại chẳng muốn rời, nửa không muốn xa nửa lại phải đành xa. Trong tâm tưởng của người ra đi, cảnh chia ly diễn ra vô cùng cảm động.

Tố Hữu tái hiện qua 2 câu thơ tiếp theo:

“Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” gợi cho người đọc biết bao liên tưởng và suy ngẫm. Đó là hình ảnh biểu trưng cho người dân Việt Bắc – màu áo chàm của những con người bền bỉ, màu áo chàm là màu của tình nghĩa vẹn nguyên – màu áo chàm màu đơn sơ, mộc mạc, ân tình, giản dị lẫn với rừng xanh. Đó là một trong nhữngg chi tiết nổi bật thể hiện cho hình ảnh của những người ở lại – đồng bào Việt Bắc. Giờ chia ly không muốn cũng đã tới, trong khoảnh khắc ấy, dường như tất cả mọi thứ đều ngưng lại và chẳng có thứ ngôn từ nào có thể diễn tả hết mọi cảm xúc bây giờ. Mọi điều trở nên vô nghĩa, chỉ có cái nắm tay xóa nhòa tất cả: “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.

Bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu nghĩa tình mặn nông son sắt bây giờ được trao cho nhau qua hơi ấm đôi tay. Người đi kẻ ở chẳng thể nói gì, chỉ có sự nghẹn ngào và hụt hẫng đang chiếm lĩnh không gian.

Quả thực, trong khoảnh khắc tất cả mọi thứ lùi xa chỉ còn nghĩa tình ở lại, cái nắm tay là hình ảnh vô giá có sức mạnh to lớn gìn giữ trọn vẹn những phút giây. Tôi lại chợt nhớ tới những vần thơ quen thuộc của nhà thơ Lưu Quang Vũ:

“Phút chia tay ta chỉ nắm tay mình Lời chưa nói thì bàn tay đã nói Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại Còn bồi hồi trong những ngón tay ta.”

Phân tích 8 câu đầu Việt Bắc mẫu số 5

Khung cảnh chia ly đầy tâm trạng bịn rịn, lưu luyến bâng khuâng của kẻ ở người đi

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Geneve được ký kết, tháng 10 năm 1954, các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Nhân sự kiện có tính chất lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc, khắc họa lại cuộc chia tay lịch sử với những tình cảm thủy chung son sắt. Tình cảm ấy được thể hiện qua những câu thơ sau:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Đoạn thơ tràn đầy một nỗi nhớ tưởng như không thể kìm nén được, cứ trào ra theo ngòi bút và tuôn chảy thành những dòng thơ. Có đến bốn chữ “nhớ” trong một đoạn thơ tám câu chắc hẳn nỗi nhớ ấy phải thật da diết và sâu nặng. Đây là nỗi nhớ quê hương cách mạng của người đã từng gắn bó sâu sắc với vùng đất thiêng đầy kỷ niệm ấy, là nỗi nhớ của nghĩa tình, của ân tình thủy chung.

Khúc hát dạo đầu đã nhắc đến nỗi nhớ của đạo lí Việt Nam, cảnh tiễn đưa bâng khuâng trong nỗi nhớ, người ở lại hỏi người ra đi cũng chỉ một nỗi nhớ và người ra đi trả lời bằng chính nỗi nhớ ấy của mình. Tố Hữu đã diễn tả nỗi nhớ quê hương cách mạng bằng tiếng nói ngọt ngào, tha thiết của khúc hát đối đáp giao duyên nam nữ trong dân ca. Khúc hát ấy thấm nhuần đạo lí ân tình thủy chung:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”.

Nghe như ca dao, lại phảng phất âm hưởng thơ Kiều, hai câu đầu gợi ta nhớ đến một câu thơ trong Truyện Kiều:

“Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”

Việt Bắc đã hỏi người cán bộ về xuôi có còn nhớ mình không? Có còn nhớ những tình cảm thiết tha, mặn nồng trong suốt khoảng thời gian mười lăm năm gắn bó. Nhìn cây còn có nhớ núi, nhìn sông còn có nhớ đến nguồn? Bốn câu thơ nhưng thực chất là hai câu hỏi tu từ. Lời của người ở nhưng thực chất là lời nói của người đi để nói lên đạo lí Việt Nam truyền thống vốn là bản chất tốt đẹp của dân tộc ta. Không chỉ nói lên mà chính là nhắc nhở mọi người, nhắc nhở chính mình bởi vì cái đạo lí ấy thiêng liêng lắm, quý giá lắm, phải giữ gìn và phát huy.

Sâu nặng biết bao trong “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”, ân tình biết bao khi “nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”. Bốn câu thơ mà có đến bốn chữ “mình”, bốn chữ “nhớ” hòa quyện quấn quýt cùng chữ “ta”, khiến cái đạo lí ân tình Việt Nam đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài thơ Việt Bắc, trở thành chủ đề lớn của tác phẩm. Sau khúc hát mở đầu là cảnh tiễn đưa bâng khuâng trong nỗi nhớ của người ra đi và cả người ở lại:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Có âm thanh da diết và màu sắc đậm đà thủy chung, có bước chân bồn chồn và những cái nắm tay đầy lưu luyến. Mỗi bước chân của người đi mang theo nỗi niềm luyến lưu cho người ở lại. “Tiếng ai” không phải là câu hỏi, cũng chẳng phải là đại từ phiếm chỉ mà đó chính là cách nói thể hiện nỗi niềm “bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”. “Bâng khuâng” vì “đi không nỡ”, nhưng “bồn chồn” vì ở cũng chẳng đành bởi lẽ Việt Bắc đã trở thành ký ức, thành tình yêu, thành tâm hồn:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”

Từ láy bâng khuâng, bồn chồn được Tố Hữu sử dụng rất tinh tế ở câu thơ này. Nó thể hiện được nỗi niềm, được tâm trạng và cả những chuyển động trong cảm xúc, để rồi hình ảnh tiếp theo xuất hiện là chiếc áo chàm qua thủ pháp hoán dụ gợi tả con người Việt Bắc:

“Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Màu áo chàm là một hình ảnh đầy ý nghĩa, đó là màu áo của Việt Bắc đậm đà, son sắt như chính lòng thủy chung của con người nơi đây. Màu áo ấy nhắc nhở người ra đi nhiều ký ức khó phai nhòa.

Câu thơ “cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” mang một giá trị biểu cảm rất lớn. “Cầm tay nhau” nhưng chẳng “biết nói gì” vì có quá nhiều nỗi niềm cần bày tỏ, vì trong lòng họ tràn ngập nỗi nhớ thương nên không biết nói điều gì trước, điều gì sau, điều gì nên giãi bày, điều gì nên giấu kín trong tim. Cho nên chẳng “biết nói gì” chính là nói lên rất nhiều tấm lòng thương nhớ. Câu thơ ngắt nhịp 3/3/2 như sự ngập ngừng lưu luyến, làm ta liên tưởng đến buổi tiễn đưa của người chinh phu và chinh phụ trong Chinh phụ ngâm:

“Bước đi một bước, giây giây lại dừng”.

Trong màn đối đáp giao duyên của cuộc chia tay lịch sử ấy, Tố Hữu đã để cho người ở lại lên tiếng trước. Điều này không chỉ hợp lý, tế nhị mà còn cần thiết cho sự phát triển mạch thơ trong cả bài thơ.

Bằng việc sử dụng đại từ “mình - ta” cùng thể thơ lục bát, Tố Hữu đã tái hiện cuộc chia tay lịch sử của Việt Bắc và người chiến sĩ cách mạng với biết bao ân tình, chung thủy. Con người dễ cộng khổ nhưng khó đồng cam, Việt Bắc ra đời chính là lời nhắc nhở tình nghĩa gắn bó cùng đạo lý tri ân muôn đời của dân tộc.

Xem thêm: Phân tích khổ thơ đầu Việt Bắc

Nghe bài văn phân tích 8 câu đầu bài Việt Bắc hay nhất

Phân tích 8 câu đầu Việt Bắc mẫu số 6: Cuộc chia ly đầy lưu luyến giữa kẻ ở người đi

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, tiêu biểu cho thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn của con người Cách mạng. Thơ ông đậm đà tính dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện. Bài thơ "Việt Bắc" là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp. "Việt Bắc" là một trong những bài thơ được xếp vào hạng những bài thơ "tống biệt" của Tố Hữu. Mặc dù là đề tài cũ, nhưng bài thơ vẫn mới mẻ bởi "Việt Bắc" ra đời trong cuộc chia tay đặc biệt giữa nhân dân Việt Bắc và cán bộ kháng chiến vào tháng 10/1954. Ra đời trong hoàn cảnh ấy, bài thơ không mang cảnh trạng của một cuộc chia ly với nỗi buồn đầy nước mắt, mà là nỗi niềm chia ly trong tình cảm giữa cán bộ và nhân dân sâu đậm ân tình. Đoạn thơ mở đầu của bài thơ là sự thể hiện tinh tế và sâu sắc những rung động trong trái tim của người đi và người ở trong giờ phút phân li:

- Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

- Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

Bốn câu thơ đầu là lời của người ở lại nói với người ra đi:

- Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tác giả mở đầu bằng một câu hỏi mang âm hưởng ca dao, tình yêu: "Mình về mình có nhớ ta". "Mình về" là hoàn cảnh để người ở lại bộc lộ nỗi niềm. "Về" gợi đến sự chia li, đó là sự chia li của người ra đi và người ở lại. Về mặt kết cấu câu thơ thì "mình" đứng ở đầu câu, còn "ta" đứng ở cuối câu thơ. Nó gợi lên cái khoảng cách giữa "ta" và "mình". Nỗi niềm gợi lên qua câu hỏi ấy của người ở lại là nỗi nhớ, tình cảm của người ở lại hướng tới người ra đi. Đứng giữa câu thơ là một từ "nhớ", nó làm cho "mình" và "ta" dường như được xích lại gần nhau hơn. Cơ sở tạo nên nỗi nhớ ấy là: "Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng". Câu thơ phảng phất âm hưởng của thơ Kiều, nhưng từ âm hưởng đó lại vang lên nỗi niềm tình cảm của những con người trong một thời kháng chiến. "Mười lăm năm ấy" gợi đến một quãng thời gian khó khăn, một thời đau thương, mất mát. Tuy vậy, dường như tất cả mất mát đau thương ấy chìm đi, đọng lại trong câu thơ chỉ còn là tình cảm "thiết tha mặn nồng". Đó chính là sự gắn bó thân thiết, tình cảm chia bùi sẻ ngọt trong "mười lăm năm ấy" giữa "ta" và "mình". Bởi vậy, hỏi nhưng cũng chính là để bộc lộ tình cảm và hỏi chính là thể hiện mong muốn người ra đi cũng có tình cảm như chính mình.

Đến câu thơ thứ ba cũng là một câu hỏi. Câu hỏi: "Mình về mình có nhớ không" cũng có sự lặp lại gần giống câu thơ đầu. Tuy vậy, đối tượng hỏi không chỉ còn bó hẹp trong mối quan hệ giữa "ta - mình" và nỗi nhớ dường như không còn chỉ hướng tới "ta", mà nỗi nhớ đó đã hướng vào đối tượng rộng lớn hơn rất nhiều, đó chính là không gian "núi rừng" và "sông nguồn". Câu hỏi gợi về không gian có "núi", có "nguồn" ở núi rừng Việt Bắc. Đây chính là không gian quen thuộc gắn với người ở lại và cũng gắn bó với cả người ra đi. Không gian đó với người ra đi và người ở lại không còn là không gian vô hồn, vô cảm mà là không gian chứa đầy kỉ niệm, nó góp phần tạo nên tình cảm cho người ra đi.

Ở trong câu thơ xuất hiện nhiều lần hai động từ chỉ hành động "nhìn" và "nhớ". Một hành động tác động vào thị giác, một hành động tác động vào tâm tưởng; một hành động hướng tới hiện tại, một hành động hướng về quá khứ. Sự đan xen giữa các hành động đó mà người ở lại đưa ra là để muốn nhắc nhở người ra đi sống ở hiện tại đừng quên về quá khứ, sống ở miền xuôi đừng quên miền ngược, đừng quên về những kỉ niệm của một thời đã qua. Đó chính là mong muốn của người ở lại nhắn nhủ tới người ra đi. Trước khi mong muốn người ra đi để nhớ thì người ở lại đã thể hiện nỗi nhớ của mình. Nỗi nhớ đó biểu đạt trực tiếp qua động từ "nhớ" xuất hiện nhiều lần ở khổ thơ, càng về cuối thì từ "nhớ" xuất hiện càng nhiều đã thể hiện cường độ nhớ ngày một tăng và nó đã tạo nên âm hưởng chủ đạo cho bài thơ. Đó là âm hưởng nhớ thương, ân tình tha thiết.

Bốn câu thơ đầu chỉ với hai câu hỏi, nhưng chủ yếu là để giãi bày tình cảm và để mong muốn người ra đi cũng có tình cảm như chính mình, bởi giữa hai đối tượng đó có sự gắn bó khăng khít trong một thời kháng chiến và một vùng kháng chiến. Để rồi từ đó, người ra đi đáp lại người ở lại bằng bốn câu thơ:

- Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

Người ở lại đặt ra câu hỏi nhưng người ra đi không trực tiếp trả lời câu hỏi đó mà thay vào đó người ra đi thể hiện tình cảm lưu luyến, bịn rịn trong buổi chia tay. Ấn tượng ban đầu đã tác động đến người ra đi: "Tiếng ai tha thiết bên cồn". "Ai" là đại từ không xác định. "Ai" có thể là nhân vật đang xuất hiện trước mắt người ra đi, quen thuộc với người ra đi - một con người cụ thể xuất hiện "bên cồn" trong buổi chia li. "Ai" có thể là bất cứ người dân Việt Bắc đã cùng sống, cùng làm việc, cùng sinh hoạt với người ra đi. Dù hiểu theo cách nào thì ấn tượng tác động đến người ra đi là âm thanh tiếng nói tha thiết - đó chính là âm thanh rất đỗi ngọt ngào, thiết tha, sâu lắng. Và âm thanh đó dường như gọi về biết bao kỉ niệm, biết bao buổi trò chuyện tâm tình và âm thanh đó gọi về mối tình keo sơn gắn bó thân thiết giữa người ở lại với người ra đi. Chính âm thanh đó đã khiến cho người ra đi "Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi".

Câu thơ ngắt nhịp 4/4 với hai vế tiểu đối trong tương quan đối lập giữa bên trong và bên ngoài. "Trong dạ" thì "bâng khuâng" còn hành động bên ngoài biểu hiện sự "bồn chồn" thấp thỏm của người ra đi, nhưng lại có sự tương đồng trong cảm xúc và hành động. Chính vì cảm xúc "bâng khuâng" thì mới có hành động "bồn chồn" đó được.

Trong cảm nhận của người ra đi, một hình ảnh bình dị, quen thuộc thường xuất hiện trong cuộc sống đời thường đó là hình ảnh "áo chàm". Hơn thế nữa chiếc "áo chàm" gợi đến sắc màu bền bỉ khó phai. Tác giả sử dụng hình ảnh hoán dụ "áo chàm" để chỉ người dân Việt Bắc và bởi vậy nói "áo chàm đưa buổi phân li" là nói về cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa người Việt Bắc với người cách mạng. Mượn hình ảnh "áo chàm" dường như tác giả muốn nói đến tình cảm thủy chung sắt son khó phai mờ của người dân Việt Bắc với người chiến sĩ cách mạng. Và ấn tượng đậm nét nhất với người ra đi chính là hành động "Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...".

Trước tiên là hành động "cầm tay nhau" là hành động quen thuộc và rất đẹp của những ai khi chia li, nó thể hiện tình cảm gắn bó thân thiết và đồng thời thể hiện sự lưu luyến giữa kẻ ở người đi. Họ cầm tay nhau trong tâm trạng nghẹn ngào, vì thế không nói lên lời. Dấu ba chấm xuất hiện cuối dòng thơ như nốt nặng không lời, nhưng chính nó lại quý giá hơn rất nhiều những lời nói thường ngày bởi cái cầm tay đã nói lên tất cả những lưu luyến, bịn rịn. Câu thơ kết lại đoạn thơ có nhịp thơ thay đổi khác thường. Sự thay đổi của nhịp thơ không chỉ tạo nên sự ngập ngừng cho giọng điệu của câu thơ mà còn tạo nên cái ngập ngừng của tình cảm. Và đồng thời sự khác lạ trong nhịp thơ ấy đã diễn tả sự khác lạ trong diễn biến tình cảm của kẻ ở người đi.

>> Đọc thêm: Soạn bài Việt Bắc ngắn gọn nhất

Văn mẫu 12 phân tích 8 câu thơ đầu bài Việt Bắc bài số 7

Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ ông mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đậm chất trữ tình. Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị như tập thơ “Từ ấy”, “Máu và hoa”… trong đó tiêu biểu nhất là bài thơ “Việt Bắc” trích trong tập thơ “Việt Bắc”. Bài thơ đã thể hiện một cách thành công về nỗi nhớ nhung, tâm trạng bồi hồi, lưu luyến trong buổi chia tay của người Việt Bắc với cán bộ cách mạng. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong đoạn thơ:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng, là cái nôi kháng chiến. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 7 năm 1954, hiệp định Giơ ne vơ được kí kết. Tháng 10 năm 1954, Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt bắc trở về Hà Nội. Nhân sự kiện lịch sử ấy Tố Hữu đã viết bài thơ “Việt Bắc”.

Câu thơ mở đầu là một câu hỏi tu từ chứa nhiều cảm xúc:

“Mình về mình có nhớ ta”

“Mình” là chỉ người ra đi - người chiến sĩ cách mạng, “ta” chính là người Việt Bắc. Câu hỏi chính là lời của người ở lại hỏi người ra đi rằng khi người chiến sĩ cách mạng về xuôi rồi còn có nhớ đến người Việt Bắc hay không? Với cách xưng hô “mình - ta” đậm chất ca dao cùng với điệp từ mình đã cho ta thấy được tình cảm gắn bó thân thiết đầy yêu thương, làm cho nỗi nhớ càng trở nên day dứt khôn nguôi. Người Việt Bắc muốn hỏi người kháng chiến có nhớ:

“Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”

Mười lăm năm là từ chỉ thời gian, là khoảng thời gian gắn bó keo sơn giữa người chiến sĩ và người Việt Bắc. Đó là một khoảng thời gian dài cùng nhau chiến đấu, cùng nhau vượt qua biết bao gian khổ. Từ “ấy” vang lên chứ tác giả không sử dụng từ “đó” như để làm tăng thêm ý nghĩa của khoảng thời gian “mười lăm năm” đồng thời thể hiện sự trân trọng của tác giả với những ngày tháng gắn bó. Những từ “thiết tha”, “mặn nồng” là những từ nhấn mạnh tình cảm gắn bó keo sơn giữa người Việt Bắc và người cách mạng. Qua đó tác giả muốn nhấn mạnh hơn về tình nghĩa thủy chung son sắt luôn hướng tới cách mạng, hướng tới những người chiến sĩ của người dân Việt Bắc. Câu thơ tiếp theo như một lời nhắc nhở đối với người chiến sĩ cách mạng:

“Mình về mình có nhớ không”

Vẫn là câu hỏi tu từ, vẫn là cách xưng hô “mình” nhưng đây là câu hỏi vang lên như một lời nhắc nhở “có nhớ không”. Người Việt Bắc muốn nhắc nhở người chiến sĩ cách mạng về xuôi hãy nhớ đến Việt Bắc, hãy:

“Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Khi về tới Hà Nội, người cách mạng khi nhìn thấy cây ở Hà Nội phồn hoa thì hãy nhớ đến núi rừng nơi Việt Bắc. Hãy nhớ nơi gắn bó thủy chung, son sắc, nơi người cách mạng và người Việt Bắc đã cùng chiến đấu, cùng nhau vượt qua bao gian khổ. Khi nhìn thấy sông thì hãy nhớ đến nguồn, hãy nhớ đến sông núi Việt Bắc, nhớ đến những dòng sông cùng các chiến sĩ cách mạng chiến đấu. Hay đó chính là lời nhắc nhở của người Việt Bắc đối với người chiến sĩ cách mạng khi trở về xuôi nhìn thấy cảnh vật nơi phồn hoa đô thị tươi đẹp ấy thì hãy nhớ đến con người Việt Bắc, nhớ đến những ngày tháng chiến đấu gian khổ nơi núi rừng đầy hiểm trở, cheo leo.  Điệp từ “nhìn” và “nhớ” dường như đã nhấn mạnh ý hỏi của người ở lại. Mong muốn những người cách mạng luôn nhớ về nơi Việt Bắc. Nơi có những con người sắt son, thủy chung, luôn mong nhớ về người cách mạng.

Bốn câu thơ đầu tiên là lời của người Việt Bắc hỏi người cán bộ về xuôi. Với lối đối đáp cách xưng hô “mình - ta”, điệp từ cùng với từ láy, đặc biệt là kết hợp với câu hỏi tu từ đã cho thấy được tình cảm gắn bó thiết tha, mặn nồng, thủy chung son sắt của người Việt Bắc. Qua đó ta có thể cảm nhận được phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây. Dù phải sống trong khó khăn, đồi núi hiểm trở, thiếu thốn nhưng tình yêu của họ đối với người chiến sĩ là không hề thay đổi, luôn luôn cồn cào, da diết và mãnh liệt.

Vẻ đẹp của đoạn thơ không chỉ là lời của người Việt Bắc mà còn là câu trả lời của người cách mạng dành cho Việt Bắc:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Với đại từ nhân xưng “ai” đó chính là tiếng lòng của người Việt Bắc vang vọng như muốn gọi người chiến sĩ ở lại, hay đó chính là tiếng lòng của người chiến sĩ không muốn chia xa. Từ “tha thiết” như làm cho tiếng gọi đó vang vọng hơn, sâu lắng hơn, làm cho ta cảm nhận được tình cảm giữa Việt Bắc và người cán bộ cách mạng như vô cùng sâu nặng. Câu thơ tiếp theo càng làm rõ hơn điều đó:

“Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi”

Từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” chính là để chỉ tâm trạng người ra đi. “Bâng khuâng” là trạng thái lưu luyến day dứt, như còn lâng lâng một điều gì đó sâu sắc lắm trong tình cảm của mình. Nó khiến cho tâm trạng của con người day dứt đến khó chịu ,“bồn chồn” là chỉ sự ray rứt trong tâm trạng của con người như lo lắng điều gì đó. Tất cả đã tạo nên tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng về xuôi, khi trở về xuôi vẫn còn mang trong mình nỗi nhung nhớ, ray rứt khôn nguôi, cả sự lo lắng trong tâm trạng của người cán bộ cách mạng. Qua đó ta có thể cảm nhận được tình cảm của người cách mạng đối với Việt Bắc cũng sâu nặng không kém gì tình cảm của người Việt Bắc dành cho họ. Hai câu thơ cuối là hình ảnh chia tay đầy nước mắt giữa người chiến sĩ cách mạng và người Việt Bắc:

“Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

“Áo chàm” là màu áo nâu, là màu áo của người nông dân nghèo khổ, cực nhọc, vất vả quanh năm suốt tháng lao động cần cù để phục vụ cho cách mạng. Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” chính là để chỉ người Việt Bắc. Những người Việt Bắc ra tiễn những người cách mạng về xuôi trong một tâm trạng day dứt, bâng khuâng. Từ “phân li” như thể hiện buổi chia tay ấy như là sự chia cắt. Dường như họ không muốn rời xa nhau nhưng do hoàn cảnh họ phải chia li, xa rời nhau mỗi người một nơi. Qua đó thể hiện nỗi tiếc thương nhung nhớ, khẳng định tình cảm gắn bó sâu đậm của người Việt Bắc và người chiến sĩ cách mạng. Tình cảm ấy được khẳng định rõ ràng hơn trong câu thơ cuối:

“Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Không phải không có gì để nói mà là có quá nhiều điều để nói, không thể nói hết và không biết nói điều gì đầu tiên, từ “biết nói gì” đã thể hiện điều đó. Mười lăm năm gắn bó keo sơn, mười lăm năm cùng nhau vượt qua bao khó khăn gian khổ tình cảm của họ quá sâu đậm, có quá nhiều điều để nói nhưng những lời nói ấy tại sao không thốt nên lời, nó cứ nghẹn lại trong cổ họng mà thứ trào ra chỉ có nước mắt của sự chia li. Không nói ra được họ chỉ biết cầm tay nhau, chỉ hành động “cầm tay” thôi đã cho ta cảm nhận thấy tình yêu thương mặn nồng giữa họ. Hành động “cầm tay” thay cho những lời nói yêu thương, những lời gửi gắm, tình cảm giữa họ dường như được truyền hết qua hành động ấy. Đó còn là sự thể hiện tình cảm, tâm trạng chưa xa đã nhớ của người chiến sĩ cách mạng và đó cũng chính là tiếng lòng của họ.

Tám câu thơ ngắn gọn nhưng mang biết bao ý nghĩ. Qua đó cho ta cảm nhận sâu sắc về tình cảm thủy chung son sắt, gắn bó sâu nặng giữa người Việt Bắc và người cán bộ cách mạng về xuôi. Qua đó ta thấy được tâm trạng bồi hồi lưu luyến day dứt của họ.

Không chỉ thành công về nội dung, đoạn thơ còn thành công về nghệ thuật. Với lối đối đáp, cách xưng hô mình - ta, điệp từ, điệp ngữ cùng với hình ảnh hoán dụ, từ láy, ngôn từ bình dị, đậm đà tính dân tộc, tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.

Qua đoạn thơ ta đã cảm nhận được một cách rõ nét tình cảm, tấm lòng, tình yêu thương mà người Việt Bắc và người cán bộ cách mạng dành cho nhau. Tám câu thơ trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu mang lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Những ân tình ấy sẽ sống mãi trong lòng người đọc hôm nay và mai sau.

-/-

Trên đây là bài văn mẫu phân tích 8 câu đầu Việt Bắc của Tố Hữu bao gồm những bài văn hay nhất được Đọc tài liệu biên soạn. Hy vọng là tài liệu tốt giúp các em trong quá trình làm bài. Chúc các em học tốt môn văn lớp 12 !

Từ khóa » Bâng Khuâng Trong Dạ Là Gì