Phân Tích Bài Ca Dao Sau đây: "Đồng Đăng Có Phố Kì Lừa, Có Nàng ...

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Đây là bài ca dao rất hay nằm trong chùm ca dao nói về cảnh đẹp đất nước.

- Thông qua việc giới thiệu cảnh đẹp của xứ Lạng, chàng trai bày tỏ tình yêu trong sáng, nồng nhiệt mà tự nhiên, tế nhị của mình.

2. Thân bài:

a/ Hai câu đầu:

- Điệp từ có nhắc lại 3 lần (có phố..., có nàng..., có chùa...), nhịp thơ ngắn, dồn dập thể hiện cảm xúc hứng khởi, tự hào về quê hương tươi đẹp.

- Cảnh sinh hoạt: phố Kì Lừa nổi tiếng đông vui, sầm uất.

- Cảnh thiên nhiên: tượng nàng Tô Thị nổi tiếng gắn liền với một truyền thuyết đẹp về lòng chung thuỷ của người phụ nữ. Chùa Tam Thanh là một thắng cảnh trong lòng núi đá, là cõi Phật u tịch, thiêng liêng...

- Tất cả liên kết với nhau, tạo nên một quần thể danh thắng tuyệt vời của xứ Lạng, làm rung động trái tim du khách.

b/ Hai câu sau:

- Đại từ phiếm chỉ Ai có nghĩa rất rộng nhưng trong văn cảnh cụ thể này thì ai đồng nghĩa với em. (Đối tượng mà chủ thể trữ tình trong bài ca dao là anh muốn ngỏ lời yêu).

- Bõ công: từ cổ, nghĩa là cho xứng đáng với công sức bỏ ra. Cách nói gián tiếp để khẳng định phong cảnh xứ Lạng rất đẹp, nếu ai trong đời không một lần đến thăm thì thật uổng.

- Hai câu này vừa là lời khẳng định đầy tự hào về quê hương, vừa là lời tỏ tình hồn nhiên, khéo léo.

3. Kết bài:

- Tình cảm trong bài ca dao vừa nồng nàn vừa tha thiết. Điều đó cho thấy đời sống tâm hồn đa dạng, phong phú của người dân Việt xưa.

II. BÀI LÀM

Đây là một trong những bài ca dao hay nhất trong chùm bài về đề tài ca ngợi cảnh đẹp đất nước. Hai câu đầu giới thiệu Đồng Đăng - mảnh đất địa đầu Tổ quốc với những tên núi, tên phố, tên chùa nổi tiếng xưa nay. Hai câu thơ sau là lời mời mọc du khách lên thăm xứ Lạng. Thoạt nghe tưởng như đây chỉ là bài ca dao ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước nhưng đọc kĩ thì thấy nó còn là một bài ca dao về tình yêu đôi lứa. Thông qua việc giới thiệu cảnh đẹp của quê hương, chàng trai bày tỏ tình yêu chân thành, nồng nhiệt mà vẫn hết sức kín đáo, tế nhị của mình.

Hai nhân vật anh và em chính là chủ thể và đối tượng trữ tình của bài ca dao này. Ở đây, tình yêu quê hương đất nước và tình yêu đôi lứa đã gắn bó hoà quyện làm một và tình yêu đôi lứa giữ vai trò là cảm xúc chủ đạo trong bài thơ:

Đồng Đăng có phố Kì Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh...

Điệp từ có được nhắc lại ba lần liên tiếp (có phố, có nàng, có chùa), kết hợp với nhịp thở dồn dập thể hiện sự hứng khởi cao độ cùng tình cảm gắn bó thiết tha của chàng trai đối với quê hương. Xứ Lạng tuy xa xôi một chút, núi rừng một chút nhưng rất đẹp và rất đáng tự hào!

Thiên nhiên nơi đây kì thú hiếm nơi nào có. Phố Kì Lừa sầm uất ở bên sông Kỳ Cùng; của ngon vật lạ chẳng thiếu thứ chi. Tượng đá nàng Tô Thị ở trên đỉnh núi, thuỷ chung son sắt chờ chồng nắng mưa dãi dầu mấy nghìn năm. Chùa Tam Thanh ẩn sâu trong hang đá, cõi Phật lùi vào chốn u tịch, chỉ thấy tiếng nước từ những nhũ đá nhỏ giọt thánh thót, đếm thời gian tự ngàn xưa.

Xứ Lạng của anh đẹp như vậy đó ! Sông núi, phố thị, chùa chiền, danh thắng liên kết với nhau, tạo nên một khung cảnh tuyệt vời khiến cho những văn nhân, tài tử đã từng tới đây đều để trái tim mình rung động thành thơ.

Lịch sử giữ nước của dân tộc Việt đã ghi lại bao trang sử anh hùng của người xứ Lạng. Một ải Chi Lăng hiểm trở, một cái tên Quỷ Môn Quan gắn liền với giai thoại thập nhân khứ, nhất nhân hoàn (mười người đi chỉ có một người trở về) đã làm khiếp sợ đời đời lũ quân xâm lược phong kiến phương Bắc, cũng đáng tự hào lắm thay! Vậy nên anh tha thiết mời những ai có lòng yêu cái Đẹp, hãy lên xứ Lạng cùng anh!

Hai câu ca dao trên không chỉ nhằm giới thiệu về cảnh đẹp xứ Lạng mà còn là lời bày tỏ tình yêu quê hương thắm thiết của chàng trai. Đúng là có cả hai ý ấy nhưng đó mới chỉ là cơ sở và điều kiện, còn nguyên nhân và mục đích của sự giới thiệu hào hứng say mê ấy lại thuộc về chỗ khác. Điều này được bài ca dao thể hiện một cách kín đáo, tế nhị:

Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.

Đại từ phiếm chỉ Ai nhiều lần xuất hiện trong ca dao, nhất là trong ca dao tỏ tình. Ai ở đây chính là em, là cô gái được chàng trai tha thiết mời lên xứ Lạng. Cách gọi em bằng Ai làm cho đối tượng tỏ tình trực tiếp trở thành gián tiếp, xác định trở thành không xác định. Đây là cái “mẹo” giúp chàng trai tránh được sự đường đột khó nói mà vẫn ngỏ được ý mình và khiến cho cách tỏ bày càng thêm tình tứ.

Hai từ bõ công có nghĩa là xứng công, đáng công, khỏi uổng công. Mà công ở đây là công sinh thành của bác mẹ (cách gọi theo lối xưa - tức là cha mẹ). Theo suy nghĩ của chàng trai, nếu cô gái bỏ lỡ dịp may lên xứ Lạng thì quả là uổng phí!

Em hãy lên xứ Lạng cùng anh, cho bõ công bác mẹ sinh thành ra em - người con gái nết na xinh đẹp mà anh thầm yêu trộm nhớ. Em bên anh, chúng ta sẽ cùng nhau thưởng thức những hương vị lạ lùng của nhiều sản vật bày bán ở phố chợ Kì Lừa sầm uất, cùng thấm thía bài học nghĩa tình thuỷ chung ẩn chứa trong bức tượng nàng Tô Thị bồng con ngóng chồng, cùng lắng nghe cho thấu tận tâm linh cái không khí thiêng liêng của cảnh chùa Tam Thanh u tịch.

Xứ Lạng tuy xa xôi nhưng cảnh đẹp, người hùng với nhiều chiến công làm rạng rỡ non sông. Anh tin rằng, nếu có em bên cạnh thì cảnh ấy, tình này sẽ càng đẹp đẽ, quyến rũ bội phần. Trên quê hương yêu dấu đẹp như gấm như hoa, chúng ta sẽ chung tay xây dựng cuộc đời, làm cho sự sống mãi mãi sinh sôi.

Quê hương như thế, con người như thế, hỏi làm sao không thương, không quý, không hãnh diện tự hào?! Tất cả cảm xúc trong bài ca dao trên đã kết thành một tình yêu mênh mông, sâu nặng nghĩa tình. Thì ra lời giới thiệu về vẻ đẹp kì thú của quê hương xứ Lạng thú vị thay lại là lời tỏ tình say đắm, chân thành của chàng trai với người yêu. Trong thơ ca, ý ở ngoài lời là vậy.

Từ khóa » Nơi Có Phố Kỳ Lừa