Phân Tích Bài Thơ Nói Với Con Hay Nhất - Ngữ Văn 9

Tóm tắt bài

Bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương là một bài thơ quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 9 và đặc biệt là trong quá trình ôn luyện vào lớp 10. Hiểu được điều đó, mang đến cho các bạn bài phân tích bài thơ Nói với con. Hy vọng đây sẽ là bài phân tích bài thơ Nói với con HAY NHẤT dành cho các bạn!

Bài làm

   Tình cảm gia đình, thứ tình cảm luôn chạm đến trái tim người đọc, đồng thời khơi gợi được cảm xúc trong họ là một đề tài không mới trong nền văn học Việt Nam. Tuy nhiên, có những nhà thơ viết rất hay về đề tài này. Tiêu biểu phải kể đến nhà thơ Y Phương với bài thơ Nói với con. Bài thơ là lời tâm tình nhẹ nhàng mà sâu lắng của người cha đối với con, là niềm hy vọng sau này con lớn lên sẽ là một người sống có ích cho đất nước.

   Một con người từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên thì đều được sự dạy dỗ của cha mẹ. Người cha kể về những bước đi chập chững con của con khi mới chào đời:

"Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười"

Lời mở đầu giản dị mà vô cùng gần gũi của nhà thơ, cách nhà thơ Y Phương vào đề như là một lời tâm tình nhẹ nhàng đối với con cho thấy tình yêu thương của tác giả đối với đứa con của mình. Hình ảnh giàu tính tạo hình "chân phải", "chân trái" cho thấy những bước đi chập chững đầu đời của con. Ngay từ khi con biết đi, biết nói, biết cười, con đã quen với vòng tay cha mẹ ở bên. Dù con còn đứng chưa vững, nó chưa rõ lời nhưng dần dần, con sẽ làm được thôi, thông qua sự chỉ bảo ân cần của cha mẹ. Từng bước đi và hành động của con luôn được cha mẹ đón chờ. Điều đó cho thấy tình cảm thiêng liêng và vô cùng lớn lao của cha mẹ dành cho con. Tóm lại, chỉ qua bốn câu thơ đầu của bài thơ, ta đã thấy được hình ảnh của một gia đình vui vẻ, hạnh phúc với ngập tràn những "tiếng nói", "tiếng cười".

   Những câu thơ sau, nhà thơ Y Phương muốn nói cho con nghe về cội nguồn sinh dưỡng của mình:

"Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng"

Xuất thân là một người dân tộc Tày, nhà thơ muốn cho con biết những truyền thống của dân tộc mình, đó là sự chung tay của tình làng nghĩa xóm. Người đồng mình ngụ ý chỉ những con người sống chung trên một mảnh đất, là người cùng quê hương, đất nước, dân tộc. Nhà thơ trìu mến gọi "Con ơi" và nói với con rằng mình "Thương lắm" những người hàng xóm, người sống chung cùng mảnh đất với mình. Một câu thơ ngắn nhưng nói lên tình cảm yêu thương, tự hào về dân tộc của người cha, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ đối với con rằng con phải biết quý trọng những người "đồng mình" ấy, mà dành cho họ thứ tình cảm tốt đẹp. "Đan lờ" là dụng cụ đánh bắt cá của người dân miền núi. Họ không chỉ thực hiện công việc của mình mà còn rất khéo léo, luôn mang trong mình câu hát yêu đời. Đoạn thơ cho thấy sự cần cù, chăm chỉ của người dân miền núi cũng như tình nghĩa họ dành cho nhau.

   Đến đây, nhà thơ gợi nhắc con về tình nghĩa ruột thịt:

"Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời"

phân tích bài thơ nói với con

Đó hẳn là một ngày không thể quên, là khoảnh khắc mà cha mẹ biết ơn, vì có ngày đó thì cha mẹ mới cùng nhau tạo ra con trên cuộc đời. Con phải nhớ đến ngày hôm ấy, mà biết quý trọng hơn tình nghĩa ruột thịt. 

   Nhà thơ Y Phương ca ngợi những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, mong muốn con sẽ phát huy được những truyền thống ấy:

"Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Không lo thác ghềnh

Không lo cực nhọc"

Điệp khúc "Người đồng mình thương lắm con ơi" cho thấy tình cảm của tác giả dành cho dân tộc mình, quê hương mình thiết tha đến nhường nào! Nhưng nếu ở phía trên, tác giả dùng chữ "yêu" thì ở đây, nhà thơ dùng chữ "thương". Điều đó cho thấy tình cảm mà con phải dành cho những người hàng xóm sau này không chỉ đơn thuần là tình yêu, mà con phải biết thương, phải thấu hiểu những nỗi cực nhọc của họ mà không chê bai, phải tập sống mạnh mẽ như họ. Người cha mong muốn đứa con của mình có một ý chí mạnh mẽ, không khuất phục trước mọi hoàn cảnh:

"Không lo thác ghềnh

Không lo cực nhọc."

Câu nói dứt khoát của người cha cho thấy sự tin tưởng của nhà thơ dành cho con của mình, rằng con sẽ làm được thôi, không phải lo ngại bất kì khó khăn nào.

   Từ những khái quát về cuộc sống của người đồng mình, nhà thơ đem đến một triết lí sâu sắc:

"Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục"

Vẫn cách nói giản dị, gần gũi và đi vào lòng người, nhà thơ Y Phương nhấn mạnh rằng người đồng mình dù thô sơ da thịt nhưng họ không hề nhỏ bé. Ẩn chứa đằng sau những con người ấy là một ý chí mạnh mẽ, lớn lao hơn bất cứ một dân tộc nào khác. Con đừng vì thấy họ thô sơ da thịt mà coi thường họ, sẽ chẳng ai thấy được sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người nếu không đặt họ vào hoàn cảnh khó khăn. Hình ảnh ẩn dụ "tự đục đá kê cao quê hương" cho thấy lòng kiêu hãnh, tự hào của người cha về dân tộc của họ.

   Thông qua hình ảnh về những người đồng mình, nhà thơ nhắn nhủ với con những lời tự đáy lòng:

"Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con."

Ta có thể thấy cấu trúc thơ ở bốn câu thơ cuối đã thay đổi. Tuy toàn bài thơ được viết theo thể thơ tự do nhưng càng về những câu thơ cuối, ta càng thấy nó có cấu trúc khác lạ với các câu trước, có những câu chỉ có hai chữ. Nhà thơ dặn dò người con của mình một lần nữa, rằng tuy thô sơ da thịt, con hãy như những người đồng mình đi trước, đừng bao giờ cảm thấy mình nhỏ bé mà sợ hãi trước những khó khăn của cuộc đời. Cụm từ "nghe con" cho thấy sự ân cần, dịu dàng trong lời nói của người cha dành cho con. Rằng cha mẹ luôn ở bên con trong những bước đi của cuộc đời, dù là lúc con nhỏ hay đến mãi sau này khi con khôn lớn. Lời thơ nhỏ nhẹ như chạm đến trái tim người đọc một tình yêu thương con sâu sắc của người cha.

   Kết thúc bài thơ, người đọc vẫn cảm thấy ở đâu đây vẫn còn hình bóng một người cha đang trìu mến nhìn đứa con của mình với lời dặn dò sâu sắc. Cha mong con khi trưởng thành sẽ biết nhớ đến cội nguồn như truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, và con đừng quên rằng mình phải mạnh mẽ trước cuộc đời, trở thành một người sống có ích, sống cống hiến cho đất nước.

Thông qua bài thơ Nói với con và phân tích bài thơ Nói với con, cunghocvui hy vọng đây sẽ là bài văn mẫu tham khảo hay và giúp ích cho quá trình học môn Ngữ văn lớ 9 ở cấp bậc trung học cơ sở. Chúc các bạn học tốt!

Từ khóa » Bài Thơ Nói Với Con Ngữ Văn 9