Phân Tích Bài Thơ Tỏ Lòng Của Phạm Ngũ Lão Hay Nhất - Jobpro

Nhắc tới cái tên Phạm Ngũ Lão là nhắc tới một vị tướng tài ba văn võ song toàn bởi Ông là một vị anh hùng với lý tưởng sống lớn lao, mang vẻ đẹp lẫm liệt của ý chí chiến đấu chống giặc Mông Nguyên bảo vệ Tổ Quốc. Ông cũng là một người đam mê đọc sách, ngâm thơ và từ đó sáng tác nên tác phẩm Tỏ Lòng (Thuật hoài) để nói lên vẻ đẹp hiên ngang, bất khuất của hình tượng người anh hùng bảo vệ Tổ Quốc, mang vẻ đẹp của thời đại với sức mạnh và khí thế hào hùng. Hãy cùng tham khảo bài Phân tích bài thơ Tỏ Lòng dưới đây để làm rõ những luận điểm ấy trong bài thơ Tỏ Lòng của chính tác giả.

Xem thêm: Phân tích bài thơ Tự Tình II

1.Dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão.

1.1.Mở bài.

– Giới thiệu đôi nét về nhà thơ Phạm Ngũ Lão:

Là một con người văn võ song toàn, làm tướng phụng sự Hưng Đạo Đại Vương chống giặc ngoại xâm. Tác phẩm của Ông hiện còn hai bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) và Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương( Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương).

Bài thơ Tỏ Lòng
Bài thơ Tỏ Lòng

– Giới thiệu đôi nét về bài thơ Tỏ lòng(Thuật hoài):

+ Ra đời sau những chiến thắng vẻ vang của quân và dân nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược.

+ Bài thơ làm sống dậy khí thế của thời đại với niềm vui, niềm tự hào. Đồng thời cũng bồi dưỡng cho nam nhi về nhân cách sống lí tưởng, có ý chí, quyết tâm thực hiện lí tưởng.

1.2. Thân bài.

*Hai câu thơ đầu : ca ngợi đấng nam nhi với phong thái uy nghi, dũng mãnh trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và tinh thần hào khí Đông A vang dội đất trời:

-Hào khí Đông A được biểu hiện thật rõ nét qua hình tượng trang nam nhi và sức mạnh quân đội nhà Trần.

+ Hình tượng trang nam nhi oai phong, lẫm liệt của quân đội nhà Trần (Câu thơ 1)

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tư thế “hoành sóc”: Múa giáo

+ Bản dịch nghĩa dịch là “cầm ngang ngọn giáo” diễn đạt sự làm chủ mạnh mẽ của trang nam nhi trong phong thái uy dũng để sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù.

+ Bản dịch thơ dịch thành “múa giáo”: là thiên về phô trương biểu diễn tài năng múa giáo chứ chưa thể hiện được sức mạnh và nội lực của tư thế uy nghi của nam nhân, vì vậy không truyền tải được ý nghĩa sâu sắc như trong nguyên tác.

+ Không gian “giang sơn”: không gian rộng lớn, khắp non sông, đất trời, nơi đâu cũng có dấu chân của vị anh hùng chống giặc ngoại xâm.

→ Không gian vũ trụ rộng lớn để nam nhi thỏa thức tung hoành dọc ngang bốn bể.

+ Thời gian “kháp kỉ thu”: mấy thu – mấy năm.

→ Thời gian nối tiếp suốt năm suốt tháng không dứt, thể hiện sự bền gan vững trí chiến đấu lâu dài của trang nam nhân.

⇒ Chính thời gian trường kì, không gian kì vĩ đã nâng cao lên tầm vóc, vị thế của người anh hùng với nhiệm vụ cao cả là bảo vệ Tổ quốc. Tầm vóc lớn lao kì vĩ ấy có thể sánh ngang tầm vóc với vũ trụ, trời đất, bất chấp sự luân hồi của thời gian thì họ vẫn luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

-Sức mạnh hùng dũng của tam quân nhà Trần (Câu thơ số 2)

+Quân đội nhà Trần gồm “Tam quân”: Ba quân – tiền quân(đội quân đi đầu tiên), trung quân(đội quân đi ở giữa), hậu quân(đội quân đi sau cùng)

+Sức mạnh của quân đội nhà Trần: “tì hổ”, khí thôn ngưu”

+ Quân đội được so sánh với “tì hổ” – hổ báo: loài mãnh thú sống ở chốn rừng sâu, tác giả muốn cụ thể hóa sức mạnh dũng mãnh và sự quyết liệt, khí thế oai phong lẫm liệt của quân đội nhà Trần.

Tác giả làm rõ sức mạnh ấy bằng hình ảnh “khí thôn ngưu”: là thể hiện khí thế lẫy lừng của ba quân lấn át cả sao Ngưu trên bầu trời.

→ Với các hình ảnh so sánh, phóng đại, Phạm Ngũ Lão đã ngợi ca về khí thế và sức mạnh vô biên của Ba quân nhà Trần, có thể lấn át sự hùng mạnh của kẻ thù và đập tan âm mưu xâm lược của chúng đối với đất nước ta.

Tiểu kết

– Nội dung:

+Nhà thơ đã làm sống dậy thời đại nhà Trần với hào khí Đông A hùng hổ làm vang núi dậy sông bằng hình ảnh của những người anh hùng vệ quốc cảm tử trong tư thế hiên ngang, bất khuất. Và đặc biệt hơn đó là sự so sánh tầm vóc sánh ngang tầm vũ trụ kết hợp với lực lượng quân đội hùng mạnh, kỷ cương với khí thế ngút trời.

+Nêu bật sự tự hào và tấm lòng yêu Tổ Quốc dạt dào của vị anh hùng Phạm Ngũ Lão.

– Nghệ thuật:

+ Bút pháp gợi, không tả, kể chi tiết khiến người đọc dễ hình dung.

+ Sử dụng các hình ảnh ước lệ: kháp kỉ thu, tì hổ, khí thôn ngưu

+ Sử dụng các biện pháp so sánh, cường điệu độc đáo

*Hai câu sau: Nỗi hổ thẹn của Phạm Ngũ Lão- đấng nam nhi khi chưa trả xong món nợ công danh cho nước non.

– Nợ công danh: Theo quan niệm của Nho giáo thì đây là sứ mệnh từ khi sinh thành của trang nam nhi đại trượng phu.

+ Bao gồm 2 phương diện: Lập công (lập nên chiến công lẫy lừng, sự nghiệp hiển hách cho đất nước) và lập danh (để lại danh thơm cho hậu thế). Vậy nên thân làm trai phải làm xong hai nhiệm vụ này mới được coi là trả xong món nợ lớn của đời mình.

– Phạm Ngũ Lão quan niệm: Thân nam nhi mà không lập được công danh sự nghiệp thì “luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”.

+ Thẹn: Tự cảm thấy mình chưa bằng người khác, cảm giác thua kém, xấu hổ.

+ Vũ Hầu: đó là Gia Cát Lượng- tấm gương về một vị Danh tướng có công phò tá Lưu Bị khôi phục giang sơn nhà Hán. Đấy được xem là một tấm gương đã trả xong món nợ công danh và để lại sự nghiệp vẻ vang và tiếng thơm cho hậu thế muôn đời.

+ Phạm Ngũ Lão: Con người từ thuở hàn vi luôn dốc hết sức mình lo việc nước mà quên đi sự hiểm nguy của bản thân mình, hết lòng phục vụ và phò tá Hưng Đạo Đại Vương và nhà Trần, Ông được phong tới chức Điện Súy, tướng Nội Hầu và kết duyên cùng con gái nuôi của Trần Hưng Đạo. Vậy mà ông vẫn cảm thấy chưa hài lòng về món nợ công danh của mình chưa trả xong.

→ Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão là nỗi thẹn của một nhân cách lớn, của một vị anh hùng với nhân cách và lý tưởng sống cao cả. Thể hiện khát khao, hoài bão có chí hướng của một vị nam nhân luôn phấn đấu vì lý tưởng của mình.

→ Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão chính là nỗi thẹn chung của các trang nam nhi khi chưa lập được công trạng, để lại tiếng thơm lưu danh hậu thế, từ đó đánh thức, khơi dậy lý tưởng, làm trai cho đáng nên trai của các chiến hữu nhà Trần.

⇒ Rút ra bài học quý báu cho thế hệ thanh niên ngày nay: làm người phải sống có ích, sống phải có ước mơ, hoài bão và lí tưởng sống cao đẹp. Luôn cố gắng phấn đấu, trau dồi bản thân và dám đương đầu với khó khăn, thử thách để hiện thực hóa ước mơ lớn đó.

Tiểu kết:

– Nội dung: Hai câu thơ thể hiện nỗi thẹn cao cả của một nhân cách sống cao cả . Qua đó thể hiện tinh thần yêu nước, khích lệ ý chí lập công lập danh của nam nhi đời Trần cũng như thế hệ trẻ ngày nay.

– Nghệ thuật: Sử dụng thi liệu cổ điển “thuyết Vũ Hầu” trong lịch sử nhà Hán. Bút pháp gợi kết hợp với bút pháp biểu cảm.

1.3. Kết bài

– Khái quát nội dung và nghệ thuật của bài thơ Tỏ Lòng(Thuật hoài).

– Nêu cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa của bài thơ đối với thế hệ trẻ ngày nay.

2.Phân tích bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão hay nhất.

Nhà thơ Phạm Ngũ Lão được biết đến là một con người có văn võ toàn tài, lại có tấm lòng nồng nàn yêu nước. Ông không những là một vị anh hùng có bản lĩnh chiến đấu phi thường, là một vị quan nội hầu phụng sự dưới thời nhà Trần mà đồng thời cũng là người có tâm hồn văn chương dào dạt. Tác phẩm thơ tiêu biểu nhất của ông còn lưu lại đến ngày nay đó là bài thơ Tỏ lòng( thuật hoài).Bài thơ thể hiện những tâm tư, hoài bão của một vị tướng tài khao khát cống hiến tài năng cho Tổ Quốc, đồng thời tái hiện chân thực hào khí Đông A sôi sục vang núi dậy sông một thời.

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu Tam quân tì hổ khí thôn ngưu (Múa giáo non sông trải mấy thu Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

Câu thơ đầu tiên đã vẽ nên hình ảnh người tráng sĩ Đông A với tư thế hiên ngang, dũng mãnh “cầm ngang ngọn giáo” sẵn sàng thách thức, đối đầu với mọi kẻ thù xâm lược. Người tráng sĩ với tư thế “Hoành sóc”, cầm ngang cây giáo thể hiện tư thế vững chãi, sự hiên ngang toát lên từ phong thái thật hùng dũng sẽ sẵn sàng đối đầu với kẻ thù.

Còn ở bản dịch tác giả dịch là “múa giáo”, thể hiện tài năng điêu luyện của vị tráng sĩ trong tác phong, cách sử dụng cây giáo thiên về mục đích nghệ thuật biểu diễn hơn là chiến đấu với kẻ thù ngoại xâm. Vì vậy để làm rõ được ý nghĩa thơ, dụng ý nghệ thuật khi xây dựng hình ảnh vị tráng sĩ Đông A với sự khỏe khoắn và phong thái lẫy lừng, chúng ta nên bám sát vào nguyên tác của bài thơ là “hoành sóc”.

Phân tích bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão
Phân tích bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão

Dường như hình tượng sừng sững của những vị tráng sĩ Đông A đã tạc nên những bức tượng đài thật kiên cố, hiên ngang giữa không gian rộng lớn, kỹ vĩ của “giang sơn” và dòng thời gian dài trôi chảy “kháp kỉ thu”. Chính không gian rộng lớn của non sông, đất nước là một môi trường không thể lý tưởng hơn để các đấng nam nhi có thể thỏa sức tung hoành ngang dọc, lập nên những chiến tích lẫy lừng cho Tổ Quốc.

Thời gian”kháp kỉ thu” là để miêu tả thật rõ nét về khoảng thời dài vô tận của cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm, cũng chính là sự thử thách ý chí can cường, bền gan vững trí của những vị tráng sĩ sẵn sàng chiến đấu, đối đầu với gươm giáo của kẻ thù.

Câu thơ gợi lên về sự kì vĩ, mênh mông của không gian và sự nối tiếp chảy trôi không ngừng của thời gian đã giúp nâng cao thêm tầm vóc và vị thế của người anh hùng với nhiệm vụ cao cả, lí tưởng gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc.Tầm vóc lớn lao, kì vĩ ấy có thể sánh ngang với vũ trụ to lớn, bất chấp bước chân vô hình của thời gian, thì trong tim của họ vẫn hừng hực khí thế chiến đấu để làm tròn chức trách và nhiệm vụ được giao.

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

Đọc câu thơ thứ hai khiến độc giả cảm nhận được khí thế hùng dũng, uy nghi của đội quân nhà Trần trên mặt trận chiến đấu. Lực Lượng quân đội hùng mạnh với khí thế ngút trời của Tam Quân triều đình nhà Trần hiện lên thật chân thực khiến quân giặc phải kính nể, khiếp sợ.

Nhà thơ so sánh sức mạnh của đội quân hùng dũng ấy như “tì hổ” hàm ý so sánh với khí thế, tác phong uy nghi, sự mãnh liệt, quyết liệt trong ý chí chiến đấu giống như loài mãnh thú dữ tợn ở chốn rừng thiêng. Bằng sự liên tưởng phong phú của mình, tác giả đã ví von sức mạnh của đội quân “sát thát” ấy có sức mạnh phi thường đến mức có thể “nuốt trôi trâu” hay cũng có thể hiểu khí thế ấy sôi sục tới độ át cả sao ngưu trên bầu trời rộng lớn.

Chính cách nói ẩn dụ ước lệ và cường điệu hóa, lí tưởng hóa sức mạnh của đội quân nhà trần khi ra trận đã ca ngợi cả về khí thế và sức mạnh vô biên của đội quân sát thát, không gì có thể cản ngăn bước tiến quân của đội quân chính nghĩa ấy, nó như lấn át tất cả, đập tan những mưu mô xảo quyệt của bọn quân Mông Nguyên vô nhân đạo. Ẩn sâu trong đó còn là niềm tự hào và tấm lòng yêu Tổ Quốc dạt dào của vị anh hùng Phạm Ngũ Lão.

Băng tài năng văn chương độc đáo, bút pháp gợi nhưng không tả cũng khiến cho người đọc hình dung thật rõ nét về khí thế hùng mạnh của Tam Quân. Sự kết hợp tài hoa giữa việc sử dụng hình ảnh ước lệ tượng trưng, cường điệu hóa khi so sánh đội quân nhà Trần với khí thế mạnh như tì hổ, lấn át cả vũ trụ càng tô đậm vẻ đẹp hùng dũng của người tráng sĩ ,cũng là kết tinh vẻ đẹp của cả một dân tộc hào hùng .

Có thể nói rằng chưa một thời đại nào trang sử vẻ vang của dân tộc Việt nam mà tầm vóc của con người lại trở nên lớn lao và kỳ vĩ đến vậy. Từ việc miêu tả vẻ đẹp hào nhoáng, hùng mạnh của đội quân sát thát, nhà thơ đã đi sâu hơn vào bên trong để khám phá vẻ đẹp, nỗi niềm tâm sự trong tâm can của người tráng sĩ:

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

(Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).

Đúng là không có gì lớn lao, cao cả hơn trí lớn của đấng nam nhi. Hai câu thơ chính là nỗi hổ thẹn về món nợ công danh còn chưa trọn vẹn của vị anh hùng Phạm Ngũ Lão. Bởi xưa kia theo quan niệm của Nho giáo, món nợ công danh là món nợ lớn nhất cuộc đời của một nam tử hán đại trượng phu. Hay theo một cách nói dễ hiểu hơn về hùng tâm tráng chí của đấng nam nhân là niềm yêu nước thiết tha sâu nặng, là tiếng nói khát khao đánh giặc cứu lấy non sông để lưu lại tiếng thơm ngàn đời sau cho hậu thế.

Đó cũng chính là tiếng lòng của nam nhân bộc bạch qua bài thơ “Tỏ lòng” về ước mơ cao đẹp, lí tưởng sống phấn đấu cả cuộc đời của thi nhân. Và rồi cũng bởi vì món nợ công danh chưa trả hết ấy nên Ông thấy hổ thẹn, xấu hổ khi nghe chuyện Vũ Hầu xưa: “Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”. Câu thơ gợi lại một điển cố trong lịch sử Trung Hoa về người anh hùng Gia Cát Lượng thời Tam Quốc đã có công phò tá, chiến đấu để giúp Lưu Bị khôi phục nhà hán và sau đó được phong tước Vũ Lượng Hầu mà người đời sau gọi là Vũ Hầu. Đấy cũng là tấm gương sáng, một biểu tượng sáng ngời mà suốt đời Phạm Ngũ Lão muốn phấn đấu đạt được, là chuẩn mực mà nhà thơ xem là đã trả xong món nợ công danh của nam nhân, làm nên sự nghiệp rạng rỡ, lưu lại tiếng thơm cho hậu thế sau này.

Song điều đó lại là cái thẹn cao cả của một bậc tướng giỏi giang, bậc đại trượng phu với lí tưởng sống cao cả. Bởi nhìn lại vị anh hùng ấy, một con người từ thuở hàn vi luôn dốc hết sức mình lo việc nước mà quên đi sự hiểm nguy của bản thân mình, hết lòng phục vụ và phò tá Hưng Đạo Đại Vương và nhà Trần, Ông được phong tới chức Điện Súy, tướng Nội Hầu và kết duyên cùng con gái nuôi của Trần Hưng Đạo. Vậy mà ông vẫn cảm thấy món nợ công danh của mình chưa vẹn tròn.

Ở đây, nỗi thẹn của bậc anh hùng Phạm Ngũ Lão là nỗi thẹn của một nhân cách lớn, của một vị anh hùng với nhân cách và lý tưởng sống cao cả hay cũng chính là nỗi thẹn chung của các trang nam nhi khi chưa lập được công trạng, để lại tiếng thơm lưu danh hậu thế, từ đó đánh thức, khơi dậy lý tưởng, làm trai cho đáng nên trai của các chiến hữu nhà Trần.

Từ tấm gương của một vị anh hùng trung quân ái quốc như Phạm Ngũ Lão đã dấy lên một bài học quý báu cho thế hệ thanh niên ngày nay đó là làm người phải sống có ích, sống phải có ước mơ, hoài bão và lí tưởng sống lớn lao. Luôn cố gắng phấn đấu, trau dồi bản thân và dám đương đầu với khó khăn, thử thách để hiện thực hóa ước mơ lớn đó.

Bài thơ Tỏ Lòng(thuật hoài) của tác giả Phạm Ngũ Lão mang ý nghĩa thật sâu sắc. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, súc tích nhưng đã giúp người đọc cảm nhận được tư thế hiên ngang, dũng mãnh của con người, cùng với đó là sức mạnh hào sảng của “Hào khí Đông A” một thời làm vang núi dậy sông. Bài thơ cũng chính là lí tưởng sống cống hiến hết mình, tô đậm vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng vệ quốc hiên ngang.

Xem thêm: Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội Vàng

Từ khóa » Bài Thơ Tỏ Lòng Thể Hiện điều Gì