Phân Tích Bên Quê | Ngữ Văn 9 - HOCMAI - Học Tốt Blog

phan-tich-ben-que-ava

Truyện ngắn là một trong số những thể loại phổ biến trong chương trình Ngữ Văn bởi những giá trị nhân văn mà nó mang lại. Lấy cảm hứng từ đời sống nội tâm của con người và những quy luật của cuộc sống, Bến quê chính là một tác phẩm như thế. Trong bài viết này, cùng HOCMAI tìm hiểu dàn ý phân tích Bến quê của tác giả Nguyễn Minh Châu để hiểu hơn về giá trị nhân văn mà tác phẩm này mang lại nhé!

Tham khảo thêm:

Các tác phẩm ôn thi vào 10

Phân tích con cò

Phân tích mây và sóng

I. Tác giả: Nguyễn Minh Châu

– Tên thật: Nguyễn Minh Châu 

– Sinh năm 1930. mất năm 1989

– Quê quán: làng Văn Thai, Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An. 

– Ông là một trong số những tác giả truyện ngắn tiêu biểu, có đóng góp đáng kể trong nền văn học nước nhà.

– Nguyễn Minh Châu biết đến là một tác giả tiểu thuyết, truyện ngắn, nhà tiểu luận phê bình vô cùng xuất sắc.

Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác

– Nguyễn Minh Châu từng nhận xét về bản thân rằng: từ khi còn nhỏ ông đã là một người rụt rè và vô cùng nhút nhát. Ông ngại đến chỗ đông người đến mức chỉ cảm thấy được yên ổn và bình tâm khi lẻn vào một xó khuất.

– Năm 1945, ông tốt nghiệp Kỹ nghệ Huế. Năm 1950, Nguyễn Minh Châu gia nhập quân đội. Năm 1954 ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác viết truyện ngắn. 

– Từ năm 1952 đến năm 1956, ông giữ vị trí trong ban tham mưu của 3 tiểu đoàn trong kháng chiến. Hai năm sau đó, Nguyễn Minh Châu đảm nhiệm vị trí trợ lý văn hóa trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320. Năm 1962, ông bắt đầu công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, rồi chuyển sang tạp chí Văn nghệ quân đội.

– Năm 1972, Nguyễn Minh Châu chính thức được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam.

– Năm 1989, Nguyễn Minh Châu qua đời ở tuổi 59.

– Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nguyễn Minh Châu đều là người mở đường và là cây bút tiên phong cho nền văn học mới tại Việt Nam, gây được những tiếng vang trong công chúng và giới văn học.

Phong cách nghệ thuật:

– Trong suốt sự nghiệp cầm bút, thể loại truyện ngắn luôn là thể loại được Nguyễn Minh Châu ưu ái nhất. Truyện của thường lấy cảm hứng từ hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Qua đó ca ngợi tinh thần dũng cảm, sự hy sinh anh dũng của những người chiến sĩ cách mạng.

– Trong thời kỳ chống Mỹ, sáng tác của Nguyễn Minh Châu mang khuynh hướng sử thi, thiên về lãng mạn, thể hiện khát vọng tìm kiếm bản thân, “đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”.

– Đến cuối những năm 80 của thế kỉ XX, Nguyễn Minh Châu chuyển hướng cảm hứng sáng tác sang những vấn đề về đạo đức, triết lý nhân sinh.

Các tác phẩm tiêu biểu:

Các tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp Nguyễn Minh Châu là: Sau một buổi tập, Chiếc thuyền ngoài xa, Dấu chân người lính, Phiên chợ Giáp, Miền cháy, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Phiên chợ Giáp,…

II. Thông tin về tác phẩm

1. Nguồn gốc xuất xứ truyện ngắn Bến quê

– Truyện ngắn Bến quê được xuất bản năm 1985, thuộc tập truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Minh Châu. Trong thời gian này, phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu chủ yếu hướng vào đời sống thế sự nhân sinh thường ngày, phản ánh những sinh hoạt đời thường. Từ đó phát hiện những chiều sâu của đời sống với những quy luật và nghịch lý, nằm ngoài góc nhìn hay quan điểm trước đây của xã hội.

– “Bến quê” là truyện ngắn mang ý nghĩa triết lý giản dị, sâu sắc mang tính trải nghiệm về cuộc đời con người. Tác phẩm giúp thức tỉnh sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, quê hương 

2. Bố cục

– Phần 1: từ đầu đến “…trước cửa sổ nhà mình” – Tình cảnh Nhĩ dành cho Liên qua cuộc trò chuyện đời thường

– Phần 2: tiếp theo đến “…lá buồm cánh dơi in bật trên một vùng nước đỏ” – Hành trình thay bố sang bên kia sông của Tuấn.

– Phần 3: đoạn còn lại – Chuyến ghé thăm của cụ giáo Khuyến tại giường bệnh của Nhĩ.

3. Tóm tắt Bến quê

Bến quê là câu chuyện kể về bi kịch trong cuộc đời của nhân vật Nhĩ. Nhân vật Nhĩ từng đi khắp mọi nơi trên Trái đất. Thế nhưng đến khi cuối đời, anh lại bị cột chặt trên giường bệnh vì căn bệnh hiểm nghèo. Căn bệnh nặng đến nỗi khiến Nhĩ gặp khó khăn khi dịch chuyển vài mươi phân trên chiếc giường nhỏ. Từ ngày Nhĩ đổ bệnh, mọi sinh hoạt dường như đều phải nhờ đến vợ, phụ thuộc vào vợ.

Trên giường bệnh, vào một buổi sáng mùa thu, Nhĩ nhìn sang bãi bồi bên kia sông và nhận ra đó là nơi mình chưa một lần đặt chân đến. Rồi Nhĩ chợt nhận ra bãi bồi bên kia sông mang một vẻ đẹp bình dị và quyến rũ. Và, cũng từ lúc nằm liệt giường, sống nhà sự chăm sóc của vợ, anh mới cảm nhận hết nỗi vất vả, tần tảo và đức hi sinh của vợ mình.

Biết rằng với sức khỏe của mình, Nhĩ khó lòng nào có thẻ rời xa được chiếc giường, anh đã nhờ Tuấn, con trai của mình sang bên kia sông để thay anh chơi loanh quanh một lúc. Thế nhưng, vì sa vào đám chơi phá cờ thế ven đường mà Tuấn đã bỏ lỡ chuyến đò sang sông cuối cùng. 

Nhĩ buồn bã, thất vọng và từ đó chiêm nghiệm được cái quy luật đầy nghịch lí của đời người là con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo, chùng chình.

Cuối truyện là hình ảnh Nhĩ nằm trên giường bệnh, cố sức đu mình, nhoài người, với tay ra ngoài cửa sổ như ra hiệu khẩn thiết cho một người nào đó phía bên kia bờ sông. 

III. Phân tích Bến quê

1. Phân tích tình huống truyện

– Truyện ngắn Bến quê được Nguyễn Minh Châu xây dựng dựa trên tình huống đầy nghịch lý, thể hiện qua hoàn cảnh đối lập giữa quá khứ và hiện tại của nhân vật Nhĩ:

  • Quá khứ của Nhĩ: đi nhiều hiểu nhiều, “đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên Trái Đất”
  • Thực tại của Nhĩ: anh bị bệnh liệt giường, chỉ có thể nằm một chỗ và sống phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của vợ và người thân, việc nhích tới bên cửa sổ của anh “khó khăn như phải đi hết cả một vòng trái đất!”. Cảnh vật duy nhất anh thấy từ cửa sổ giường bệnh là bãi bồi bên kia sông Hồng

⇒ Hoàn cảnh nghịch lý, đau đớn mà tác giả xây dựng đã cho thấy sự vô thường của cuộc sống. Từ sự trớ trêu trong hoàn cảnh của nhân vật, tác giả đã gợi ra những suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc sống, về tình cảm mới trong nhân vật.

– Tình huống trớ trêu ấy lại dẫn đến nghịch lý trong tình huống tiếp theo: Nhĩ phát hiện ra vẻ đẹp lạ lùng của bãi bồi bên kia sông nhưng cay đắng là anh sẽ không bao giờ có thể đặt chân được lên mảnh đất ấy, dù nó ở rất gần anh. 

– Nghịch lý tiếp xảy ra khi hai bố con Nhĩ không có chút đồng cảm: Nhĩ nhờ cậu con trai thực hiện khao khát được sang bên kia bờ sông của mình, nhưng Tuấn lại không hiểu nổi ba mình mà sà vào một đám chơi cờ trên hè phố. 

– Nghịch lý xảy ra ngay cả với người vợ của Nhĩ: tuy Liên là một người tần tảo, giàu đức hi sinh nhưng phải đến khi nằm liệt giường bệnh, sắp giã biệt cõi đời, Nhĩ mới cảm nhận thấm thía được điều này

⇒ Ý nghĩa của tình huống truyện đầy nghịch lý là để nhắc nhở người đọc nhận thức về triết lý cuộc đời: cuộc sống và số phận là những điều bất thường, ngẫu nhiên, vượt ra ngoài sự kiểm soát, dự định, ước muốn, cả những hiểu biết của con người. Hơn nữa, trong cuộc đời, con người ta thường dễ gặp phải những điều vòng vèo, chùng chình, hay hướng đến những điều cao xa mà vô tình lãng quên những vẻ đẹp gần gũi ngay bên cạnh mình.

phan-tich-ben-que HM10 2024 - GIẢI PHÁP LUYỆN THI TOÀN DIỆN NẮM CHẮC KIẾN THỨC - KHÔNG LO BIẾN DỘNG ĐỀ THI

  • Lộ trình toàn diện - NẮM CHẮC NỀN TẢNG - TỔNG ÔN TOÀN DIỆN - LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU
  • ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC - PHÙ HỢP VỚI MỌI NHU CẦU
  • TOP THẦY CÔ DANH TIẾNG, GIÀU KINH NGHIỆM
  • DỊCH VỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐÔNG HÀNH TRONG SUÔT QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
Ưu đãi đặt chỗ sớm - Giảm đến 45%! Áp dụng cho PHHS đăng ký trong tháng này! HỌC THỬ MIỄN PHÍ ĐĂNG KÝ NGAY TOPCLASS 2024 - CHƯƠNG TRÌNH HỌC TOÀN DIỆN NẮM CHẮC KIẾN THỨC - BỨT PHÁ ĐIỂM SỐ
  • Chu trình học tập khép kín HỌC - LUYỆN - HỎI - KIỂM TRA
  • Đa dạng hình thức học - Phù hợp với mọi nhu cầu
  • Đội ngũ giáo viên giảng dạy nổi tiếng với 16+ năm kinh nghiệm
  • Dịch vụ hỗ trợ học tập đồng hành xuyên suốt quá trình học tập
Ưu đãi đặt chỗ sớm - Giảm đến 45%! Áp dụng cho PHHS đăng ký trong tháng này! HỌC THỬ MIỄN PHÍ ĐĂNG KÝ NGAY

2. Những cảm xúc và suy ngẫm của nhân vật Nhĩ

a. Cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật Nhĩ, về vẻ đẹp thiên nhiên nơi bến quê vào buổi sáng đầu thu, từ khung cửa sổ căn phòng mình:

– Thiên nhiên trong buổi sớm đầu thu trong góc nhìn của Nhĩ tại cửa sổ giường bệnh được tác giả miêu tả từ gần đến xa, giúp tạo thành một không gian cả chiều sâu và chiều rộng: 

  • Từ những bông hoa bằng lăng ngay phía ngoài cửa sổ đến bầu trời thu lồng lộng
  • Từ con sông Hồng với màu đỏ nhạt lúc đã vào thu ở phía xa, đến vòm trời và phía bên kia sông là một dải đất bồi
  • Cuối cùng là cái bến quê ngang sông với hình ảnh con đò có cánh buồm nâu bạc…

Bức tranh khung cảnh ấy dần hiện ra qua cái nhìn đầy tâm trạng và những cảm xúc tinh tế của một con người đang nằm trên giường bệnh, sắp từ giã cõi đời: 

– Những bông hoa bằng lăng tím cuối mùa thưa thớt dần, sắc hoa nhợt nhạt mà giờ đã đậm sắc hơn, “một màu tím thẫm như bóng tối”. 

⇒ Đây là những sắc màu của sự tàn phai, là dấu hiệu của sự tiêu biến, cái lụi tàn đó đang trở nên gấp gáp hơn, vội vã hơn khi được nhìn qua con mắt đầy tâm trạng của nhân vật Nhĩ

Không gian và cảnh vật vốn quen thuộc, gần gũi bỗng trở nên mới mẻ với Nhĩ, dường như đây là lần đầu tiên anh cảm nhận được tất cả vẻ đẹp và sự giàu có của nó: 

– Hình ảnh “con sông Hồng màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra” thực chất chỉ là hình ảnh đời thường với nét đẹp bình dị, gần gũi, gắn bó bao đời. Vậy mà giờ đây, trước ô cửa sổ của Nhĩ, dòng sông bỗng trở nên xa xôi đến lạ. 

⇒ Do cả đời Nhĩ đã “vòng vèo, chùng chình”, bị sa vào những vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài, nên đến khi sắp từ giã cõi đời giờ mới nhận ra được vẻ đẹp giản đơn ngay cạnh bên mình. 

– Vòm trời mùa thu qua góc nhìn của Nhĩ như cao hơn, rộng hơn: những tia nắng sớm di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi, cả một vùng phù sa lâu đời cũng đang phô ra màu vàng thau xen lẫn với màu xanh non…

⇒ Đó là đều là những màu sắc thân thuộc, gần gũi như da thịt, như hơi thở. Nhưng trớ trêu thay, chỉ đến sáng mùa thu hôm nay Nhĩ mới nhận ra vẻ đẹp này như một phát hiện vừa mới mẻ, vừa muộn màng. Trong lời văn, ta có cảm giác như đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy khung cảnh mùa thu nơi quê hương mình.

⇒ Nhĩ xúc động trước vẻ đẹp dung dị, thân thương nơi xứ sở quê hương. Vì mỗi cảnh vật Nhĩ trông thấy trên giường bệnh, từ ô cửa sổ nhỏ hóa ra đều mang nét đẹp riêng rất đỗi quen thuộc và bình dị. 

b. Những cảm xúc và suy ngẫm của nhân vật Nhĩ, khi nhận ra khát vọng bình dị của cuộc đời từ hoàn cảnh của bản thân

– Từ những thức nhận những về vẻ đẹp bình dị nơi bến quê, Nhĩ đã có sự so sánh, chiêm nghiệm: “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến”.

⇒ Trên giường bệnh, qua khung cửa sổ, trước bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, Nhĩ đã nhận ra một sự thật nghiệt ngã là anh không còn bao lâu nữa để sống. Giờ đây, sau bao năm bươn chải, đi đó đây, anh nằm trên giường bệnh, ngày qua ngày chỉ ước mình có thể tự bước đi đến cửa, rồi leo cầu thang. 

c. Tình cảm giữa Nhĩ và Liên (vợ anh) và cảm nhận của anh khi quan sát vợ mình từ giường bệnh

– Nhĩ nhận ra tất cả tình yêu thương, sự tần tảo và hy sinh cao cả từ khi anh để ý thấy Liên mặc tấm áo vả cùng những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve bên vai của anh.

– Nhĩ xót xa điều anh ân hận nhất với vợ của mình: “Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm mà em vẫn nín thinh”. 

– Cả đời Liên đã dành trọn cho gia đình, cho chồng, cho con. Dù chồng có ốm đau, bệnh tật, cô vẫn ân cần, yêu thương và chịu đựng. Thậm chí cô còn động viên chồng: “Có hề sao đâu, miễn là anh sống, luôn luôn có mặt anh, tiếng nói của anh trong gian phòng này”

⇒ Nhìn Liên chăm sóc mình bệnh tật, Nhĩ mới xót xa và biết ơn sâu sắc đối với những gì vợ đã hy sinh vì mình bấy lâu nay. Và để rồi sau từng ấy năm bên nhau, lần đầu tiên Nhĩ cảm nhận được vẻ đẹp tần tảo trong tâm hồn của vợ: vẫn nguyên vẹn, thủy chung với những nét tần tảo và đức hy sinh từ bao đời xưa. Và cũng chính là nhờ Liên, Nhĩ mới tìm thấy được nơi nương tựa, mới nhận được tình cảm gia đình trong những ngày bệnh tật này.

d. Từ những cảm nhận về vẻ đẹp muôn thuở nơi quê hương, trong lòng Nhĩ bỗng nổi lên nỗi khát khao được đặt chân đến bãi bồi bên kia sông

– Vẻ đẹp bình dị của bãi bồi bên kia sông đã làm Nhĩ sống dậy sự khao khát trong Nhĩ là được đặt chân một lần lên bãi bồi bên kia sông. Anh chỉ muốn chiêm ngưỡng và tận hưởng cảm giác ngắm nhìn vẻ đẹp đơn sơ và gần gũi ấy bằng chính các giác quan của mình.m

– Khao khát được sang được bờ sông bên kia vừa thể hiện mơ ước, vừa là suy ngẫm của Nhĩ về cuộc đời. 

– Khao khát của Nhĩ chính là sự thức tỉnh về tầm quan trọng của những giá trị bền vững, bình thường mà sâu xa của đời sống. Chúng thường là những giá trị bị người ta quên đi để tập trung vào những vẻ đẹp hào nhoáng khác.

– Sự thức tỉnh này chỉ đến được với Nhĩ ở cái độ đã từng trải, đã thấm thía những sướng vui và cay đắng. Đau đớn hơn, đối với Nhĩ, thời điểm anh thức tỉnh cũng là lúc cái chết đã cận kề. Vì thế Nhĩ mới có cảm thấy ân hận và xót xa.

– Điều nghịch lý tiếp theo trong những giây phút cuối đời của Nhĩ là con trai anh không hiểu được niềm khao khát của cha: nghe lời bố mà đi đến bãi bồi bên kia sông, không hề hiểu về mục đích của việc đến bên bãi bồi. Cậu ta sẵn sàng sà vào đám chơi phá cờ thế hệ hè phố, để rồi có thể lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. 

– Hành động của cậu con trai phải chăng chính là hình ảnh của Nhĩ hồi còn trẻ. Anh cũng sống thiếu mục đích, đam mê những thú vui mới mẻ, xa vời, hào nhoáng mà quên mất những giá trị thực sự cần thiết. 

⇒ Chứng kiến đứa con trai lỡ chuyến đò cuối, Nhĩ đã chiêm nghiệm được cái quy luật bất đắc dĩ của đời người, cũng như niềm đau đớn pha lẫn sự ân hận của riêng anh: “con người ta trên đường đời khó tránh được những cái điều vòng vèo và chùng chình”. Chúng ta luôn có ước muốn xa vời khi còn trẻ, từ đó mà vô tình bỏ qua những cái bình dị ngay bên ta.

Niềm khát khao còn thể hiện qua hành động vẫy tay của Nhĩ ở cuối truyện là hành động thể hiện sự nôn nóng của anh khi không mong muốn con trai lỡ chuyến đò cuối:

–  Tác giả miêu tả Nhĩ với một nét chân dung khác thường, cùng với đó là những cử chỉ khác thường: hai con mắt của Nhĩ sáng lên “long lanh” một cách khác thường, lấy hết sức “đu mình, nhô người ra ngoài cửa sổ”, cánh tay gầy guộc như khẩn thiết ra hiệu cho con trai kẻo lỡ chuyến đò cuối.

⇒ Hình ảnh cuối cùng của nhân vật Nhĩ đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về niềm khát khao và sự đau khổ tột cùng của một con người khi nhận ra triết lý cuộc sống, ngay trước lúc ra đi. Hình ảnh đồng thời là lời nhắc nhở đầy xót xa, day dứt của Nguyễn Minh Châu gửi tới tất cả chúng ta, rằng: cuộc đời vốn ngắn ngủi, đừng nên làm điều vô ích. Chớ đừng sa đà vào những điều vòng vèo, chùng chình, những cám dỗ, để sau này sẽ không phải day dứt, tiếc nuối. Hãy dứt khỏi những điều xa vời, vô nghĩa để hướng tới những giá trị đích thực, giản dị, gần gũi và bền vững hơn như gia đình và quê hương.

3. Giá trị nhân văn rút ra từ nhân vật Nhĩ

– Nhân vật Nhĩ là kiểu nhân vật tư tưởng điển hình với những trăn trở, suy tư để tự nhận thức chính mình, tự nhận thức về quy luật cuộc đời. 

– Nhân Vật Nhĩ có thể là bất kỳ ai, đại diện cho tất cả. Vì vậy, không phát ngôn cho bất kỳ một giai cấp hay tầng lớp nào trong xã hội. Tác giả đã sử dụng nhân vật như một cách để đưa những chiêm nghiệm, những triết lí vào đời sống nội tâm của con người dưới sự tác động của hoàn cảnh, giúp cho tác phẩm trở nên ý nghĩa và sâu sắc hơn bao giờ hết.

IV. Tổng kết phân tích Bến Quê

1. Giá trị nội dung của tác phẩm Bến Quê

Truyện ngắn “Bến quê” xoay quanh cảm nhận của nhân vật Nhĩ khi đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết mới nhận ra vẻ đẹp của quê hương mình. Qua tác phẩm, tác giả muốn nhắc nhở người đọc về tầm quan trọng của việc trân trọng những điều giản dị xung quanh mình. Đó có thể là cảnh vật quê hương, những tình cảm gần gũi như tình gia đình, tình làng nghĩa xóm. Những điều đó mới đem lại những giá trị đích thực của cuộc sống.

2. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm Bến Quê

Xây dựng nhân vật tư tưởng, chú trọng khắc họa thế giới nội tâm của nhân vật giúp thể hiện những suy nghĩ, sự nhận thức muộn màng của nhân vật.

– Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đặc biệt với các tình huống nghịch lí và nhiều hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng qua đó gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm về con người và cuộc đời:

  • Bãi bồi, bến sông, khung cảnh thiên nhiên: tượng trưng cho vẻ đẹp của đời sống bình dị, thân thuộc.
  • Bông hoa bằng lăng, tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này: tượng trưng cho sự sống ít ỏi của nhân vật Nhĩ 
  • Đứa con trai lỡ sa vào một đám chơi phá cờ thế trên lề đường: thể hiện cho sự chùng chình, vòng vèo mà trên đường đời người ta khó tránh khỏi.

– Toàn bộ câu chuyện được trần thuật theo dòng tâm trạng của nhân vật, khiến nhân vật trở nên chân thực hơn, dễ đồng cảm với người đọc hơn.

Trên đây là dàn ý phân tích Bến quê, một tác phẩm giàu triết lý nhân văn của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ngoài tác phẩm truyện ngắn Bến quê, các bạn học sinh có thể sử dụng bộ tài liệu Soạn văn 9 để bổ trợ kiến thức về phân tích các tác phẩm văn học khác trong chương trình Ngữ Văn 9. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn học sinh tự tin nắm chắc kiến thức hơn trong quá trình học và ôn của mình.

RELATED ARTICLESMORE FROM AUTHOR

Lý thuyết và bài tập bất đẳng thức, bất phương trình bậc nhất một ẩn

Lý thuyết và bài tập phương trình bậc nhất hai ẩn, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn

Tuyển sinh vào 10: Đề thi minh họa môn Ngữ văn thi vào 10 của Hải Phòng năm 2025

Từ khóa » Bố Cục Bài Bến Quê Lớp 9