Phân Tích Câu Thơ Cha Mẹ Thương Nhau Bằng Gừng Cay Muối Mặn
Có thể bạn quan tâm
Phân tích ý nghĩa câu thơ Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn gồm gợi ý cách viết chi tiết kèm theo 3 bài văn mẫu cực hay. Thông qua tài liệu này giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu học tập, củng cố trau dồi vốn từ và biết cách hiểu đúng ý nghĩa của câu thơ.
Câu thơ Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn không chỉ có giá trị như một lời khẳng định đầy thuyết phục truyền thống tình cảm tốt đẹp của con người Việt Nam mà còn góp phần tài năng và sự sáng tạo của Nguyễn Khoa Điềm khi xây dựng hình ảnh đất nước của nhân dân. Bên cạnh đó để nâng cao kỹ năng viết văn các em xem thêm: phân tích Đất nước, phân tích 9 câu đầu Đất nước, mở bài Đất nước.
Phân tích Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
- Dàn ý cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
- Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn - Mẫu 1
- Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn - Mẫu 2
- Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn - Mẫu 3
Dàn ý cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
1. Mở bài
- Giới thiệu về câu thơ "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn" của Nguyễn Khoa Điềm.
2. Thân bài
- Dẫn một số các câu ca dao tương đồng với ý thơ của tác giả.
- Phân tích ý nghĩa "gừng cay muối mặn" trong ca dao xưa.
- Thể hiện sự cay đắng, mặn mà trong đời sống tình cảm vợ chồng, qua đó thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt của vợ chồng trong gia đình.
- "gừng cay muối mặn" trong ca dao xưa làm minh chứng, là biểu tượng của tình cảm vợ chồng, chính là xuất phát từ sự thân thuộc gần gũi như "muối" và "gừng" kết hợp với những tầng ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong đó.
- Ý nghĩa của câu thơ "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn"
- Gợi ra tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt trong truyền thống gia đình của dân tộc ta từ bao đời nay.
- Trở thành biểu tượng đại diện cho vẻ đẹp tinh thần của ông cha ta từ bao đời nay, góp phần làm nên giá trị văn hóa truyền thống bền vững của dân tộc, rồi từ đó hình thành nên Đất Nước.
3. Kết bài
Nêu cảm nghĩ về câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm.
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn - Mẫu 1
Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ có phong cách viết độc đáo, dù là viết thơ nhưng ẩn chứa trong đó là một hệ tư tưởng triết luận trữ tình sâu sắc. Ông dùng chính cái chất trữ tình để làm nổi bật lên cái tính triết luận bằng những chất liệu văn hóa dân gian như phong tục, tập quán, truyền thuyết, cổ tích, ca dao, tục ngữ,... đã có từ bao đời nay của người Việt bằng sự liên tưởng tài hoa và độc đáo. Trong đó ở phần đầu của bài thơ Đất Nước có một chất liệu văn hóa dân gian rất độc đáo, liên quan đến truyền thống gia đình mà Nguyễn Khoa Điềm đã khéo léo sử dụng trong câu thơ "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn". Tuy chỉ là một câu thơ ngắn trong một bài thơ có dung lượng lớn, thế nhưng nó cũng gợi mở ra cho độc giả nhiều suy nghĩ về đời sống tình cảm của con người Việt Nam xưa thông qua nét tương đồng của nó với nhiều những bài ca dao của nhân dân ta từ xưa đến nay.
Dễ dàng nhận thấy rằng câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã mượn chất liệu từ trong ca dao Việt Nam, có thể kể đến những đoạn ca dao quen thuộc như:
"Muối ba năm muối đang còn mặnGừng chín tháng gừng hãy còn cayĐôi ta nghĩa nặng tình dàyCó xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
hay:
"Muối mặn ba năm còn mặnGừng cay chín tháng còn cayDù ai xuyên tạc lá laySắt son nguyện giữ lòng này thủy chung."
hoặc:
"Tay nâng chén muối đĩa gừngGừng cay muối mặn xin đừng quên nhau".
Vốn dĩ ông bà ta so sánh tình cảm vợ chồng với "gừng cay, muối mặn" cũng là xuất phát từ những gì thực tế trong đời sống tình cảm của con người. Bởi trong cuộc sống trong tình yêu đặc biệt là hôn nhân, dư vị ngọt ngào hạnh phúc đã là gia vị không thể thiếu thế, nhưng tình cảm giữa vợ chồng có bền lâu hay không lại là dựa vào những thử thách gian nan mà họ phải đối mặt. Đời sống của ông cha ta thời xưa có nhiều vất vả, cực nhọc, vợ chồng cũng có những lúc "cơm không lành, canh không ngọt", cũng trải qua muôn chuyện cay đắng, cũng từng phải nếm nỗi vất vả nhọc nhằn của giọt nước mắt, giọt mồ hôi mặn chát. Nhưng chính nhờ vào những lúc khốn khó, đắng cay đủ đường như vậy thì tình cảm của con người mới lại càng thêm sâu sắc, mặn mà, thủy chung. Cùng nhau trải qua gian khổ, cùng nhau nếm trải khó khăn, con người ta mới càng thêm thấu hiểu, thông cảm và yêu thương nhau nhiều hơn, gắn bó chặt chẽ với nhau hơn. Bởi gừng đâu chỉ có vị cay mà nó còn có tính ấm, càng cay bao nhiêu thì càng mình chứng cho tình cảm ấm áp của vợ chồng, còn muối tuy mặn thế nhưng nào có thiếu được trong từng bữa ăn gia đình, có thể nói rằng muối làm cho tình cảm vợ chồng thêm đậm đà, sắt son. Thế nên việc ông cha ta lấy "gừng cay muối mặn" trong ca dao xưa làm minh chứng, là biểu tượng của tình cảm vợ chồng, chính là xuất phát từ sự thân thuộc gần gũi như "muối" và "gừng" kết hợp với những tầng ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong đó.
Bằng sự am hiểu về văn hóa dân gian cũng như phong cách triết luận trữ tình sâu lắng, câu thơ "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn" của Nguyễn Khoa Điềm, ngoài việc gợi ra tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt trong truyền thống gia đình của dân tộc ta, nó còn mang những ý nghĩa lớn hơn dựa trên tầm suy tưởng của tác giả. "Gừng cay muối mặn" trở thành biểu tượng đại diện cho vẻ đẹp tinh thần của ông cha ta từ bao đời nay, góp phần làm nên giá trị văn hóa truyền thống bền vững của dân tộc, rồi từ đó hình thành nên Đất Nước, một đất nước có tới hơn 4000 năm văn hiến. Bởi xuất phát từ gia đình, nhân dân ta mới xây dựng nên nền nếp văn hóa, phong tục tập quán cho dân tộc, từ gia đình với tình cảm sắt son như vậy đã nuôi dưỡng nên những con người mạnh mẽ, kiên cường đứng lên xây dựng lịch sử cho dân tộc suốt mấy ngàn năm, rồi. Và nhiều tổ ấm, nhiều tình cảm yêu thương son sắt như vậy cùng với các giá trị truyền thống, phong tục khác của dân tộc đã góp phần tạo nên một Đất Nước rất đỗi thân thuộc và đậm đà tính truyền thống của nhân dân. Có thể nói rằng tư tưởng Đất Nước của nhân dân, cũng một phần nhỏ là dựa trên truyền thống tình cảm gia đình gắn bó góp phần làm nên hệ thống phong tục, tập quán lâu đời, tốt đẹp của dân tộc, là cơ sở hình thành nên Đất Nước, tất cả đều có một sự liên kết chặt chẽ và mật thiết với nhau.
Gừng và muối là những thứ gia vị quen thuộc trong đời sống nhân dân, đem so với tình nghĩa vợ chồng vừa thể hiện được ý nghĩa về tình cảm vợ chồng đậm đà, son sắt cũng lại mang đậm dấu ấn của sự chân chất, gần gũi với đời sống nhân dân ta từ bao đời nay. Nguyễn Khoa Điềm sử dụng chất liệu văn học dân gian trong văn học của mình để xây dựng một hệ thống triết luận trữ tình sâu sắc về quá trình hình thành Đất Nước vừa ca ngợi vẻ đẹp của truyền thống dân tộc, vừa gợi nhắc về một Đất Nước có cội nguồn từ biết bao gia đình với tình cảm gắn bó thủy chung tốt đẹp.
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn - Mẫu 2
Qua câu thơ: "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn" trong bài "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm có thể thấy: Đất nước gắn liền với tình cảm vợ chồng rất Việt Nam, càng gian nan vất vả thì càng son sắt, thủy chung. Điều này được tác giả thể hiện bằng hình ảnh "gừng cay muối mặn".
Nói tới tình cảm của con người a dao lại dùng hình ảnh muối mặn – gừng cay là vì: Thuộc tính ấy diễn tả tình nghĩa con người có mặn mà, có đắng cay. Tình người có trải qua những dư vị ấy mới thêm sâu đậm, mới nặng nghĩa, nặng tình, mới thật thương nhau.
Hình ảnh này được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lấy từ những bài ca dao có nét tương đồng như:
"Muối ba năm muối đang còn mặnGừng chín tháng gừng hãy còn cayĐôi ta nghĩa nặng tình dàyCó xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
hay:
"Muối mặn ba năm còn mặnGừng cay chín tháng còn cayDù ai xuyên tạc lá laySắt son nguyện giữ lòng này thủy chung."
hoặc:
"Tay nâng chén muối đĩa gừngGừng cay muối mặn xin đừng quên nhau".
Đây là những câu ca dao xưa, chỉ những cay đắng gian nan đã gắn bó nên tình nghĩa vợ chồng. Câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã khái quát đúc kết nên cái tình cái nghĩa vợ chồng của cha ông ta từ bao đời nay, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng xa hơn là tình cảm làng xóm, đồng loại đã là chất keo vô hình cho tình yêu nước lớn lao mà trong mỗi chúng ta ai cũng có
Sự khác biệt giữa hình ảnh "muối – gừng" trong ca dao và câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: trong ca dao, "muối – gừng" được dùng như hình ảnh tượng trưng của tình yêu lứa đôi bền chặt qua những câu thề nguyền, hẹn ước. Trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm, "muối – gừng" còn biểu trưng cho vẻ đẹp tâm hồn bền vững của dân tộc, của ông bà, cha mẹ, tổ tiên – nguồn mạch tạo nên giá trị tinh thần, giá trị văn hóa của đất nước. Đất nước là nơi bắt nguồn của tổ ấm. Đất nước, dù đi bất cứ đâu, ai ai đều nhớ về. Ở nơi ấy, có gia đình, bạn bè, có những lời ru của mẹ, có tiếng kể chuyện cổ tích của bà. Đất nước – nơi tôi lớn lên trong hòa bình, trong sự yêu thương của cha mẹ, người thân. Tôi yêu đất nước, yêu con người Việt Nam, yêu từng nhành cây, ngọn cỏ trong đó. Vậy đất nước không là những khái niệm trừu tượng mà là những gì gần gũi thân thương trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chính vì thế, giọng điệu tâm tình trong những câu ca dao là giọng trao duyên đằm thắm, ngọt ngào; giọng tâm tình trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm là giọng hồi tưởng, có sắc thái trang trọng.
Muối mặn gừng cay là 2 thứ gia vị không dễ chịu (như vị ngọt, mát) để nói về gian nan, vất vả. Nhưng vị mặn của muối hay vị cay của gừng lại rất đậm đà, rất khó quên nên có thể đem so sánh với tình nghĩa sâu đậm, thắm thiết. Những câu ca dao trên hay câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm đều ca ngợi tình nghĩa thủy chung, son sắt, vượt lên trên những nhọc nhằn, khó khăn của cuộc sống. Thủy chung, nghĩa tình cũng là phẩm hạnh bao đời của người Việt Nam, như một tính cách dân tộc. Thuần phong mĩ tục này gợi lại một cội nguồn dân tộc không bao giờ bị ngoại lai.
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn - Mẫu 3
Đoạn trích “Đất nước” nằm trong trường ca “Mặt đường khát vọng” - Nguyễn Khoa Điềm là một đoạn trích hay và độc đáo với hình tượng “đất nước của nhân dân”. Có thể nói một trong những thành công của đoạn trích đó là việc xây dựng nên đất nước từ những chất liệu dân gian gần gũi và quen thuộc. Đọc bài thơ thấy thấp thoáng trong đó bóng dáng của những câu ca dao yêu thương tình nghĩa từ ngàn đời nay: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”.
Ra đời trong thời kì chống Mĩ, “Mặt đường khát vọng” là bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các thành thị vùng tạm chiếm miền Nam, nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc, hướng về nhân dân, đất nước, ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình, đứng dậy xuống đường đấu tranh hòa nhịp vào cuộc chiến đấu của toàn dân tộc... “Đất nước” được trích từ phần đầu chương V của trường ca, là bài hát ngợi ca Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp trong đó hình tượng đất nước được khai thác từ góc nhìn văn hóa dân tộc, tập trung khẳng định tư tưởng đất nước của nhân dân. Câu thơ “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” nằm trong trường liên tưởng về những yếu tố tạo nên đất nước. Tất cả đều thật gần gũi và thân thương.
“Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kểĐất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ănĐất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặcTóc mẹ thì bới sau đầuCha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặnCái kèo cái cột thành tênHạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàngĐất nước có từ ngày đó”
Làm nên đất nước này là truyền thống yêu nước, là nền văn hóa riêng, là những tình cảm con người thủy chung son sắt. Tình cảm “thương nhau bằng gừng cay muối mặn” ấy đâu chỉ là của riêng cha mẹ, đó còn là tình yêu thương nói chung của tất cả những con người đang sống chung trong một mảnh đất thân thương được gọi tên là “Đất nước”. Nó gợi ta nhớ đến những bài ca dao nghĩa tình thân quen từ ngàn xưa:
“Tay nâng chén muối đĩa gừngGừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”Rủ nhau xuống bể mò cuaĐem về nấu quả mơ chua trên rừngEm ơi chua ngọt đã từngGừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”
Hay:
“Muối ba năm muối đang còn mặnGừng chín tháng gừng hãy còn cayĐôi ta nghĩa nặng tình dàyCó xa nhau cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”
Ca dao, dân ca là nguồn sữa nuôi dưỡng tinh thần con người Việt Nam tự bao đời nay. Tình cảm yêu thương, tình nghĩa của con người trong ca dao là thứ tình cảm cao đẹp bắt nguồn từ những gì gần gũi nhất. Chính vì lẽ đó mà ca dao từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu cho người nghệ sĩ sáng tác. Cùng với đoạn trích “Đất nước”, hình ảnh “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm là một trong những ví dụ tiêu biểu.
Gừng và muối là những hình ảnh thường bắt gặp trong ca dao. Người xưa đã dựa vào những đặc tính tự nhiên của chúng để diễn tả tình nghĩa thủy chung son sắt của con người. Muối mặn, còn gừng thì thời gian chỉ làm cho tính chất của nó càng thêm đậm đặc, “gừng càng già càng cay”. Chúng cũng giống như tình cảm yêu thương chân thành của con người sẽ càng trở nên mặn mà, đằm thắm qua thời gian.
Xây dựng “đất nước của nhân dân”, Nguyễn Khoa Điềm mượn chính những hình ảnh dân gian để vận dụng vào trong thơ mình, thể hiện một cách chính xác và đầy hình tượng về truyền thống tình cảm tốt đẹp của người dân Việt Nam. Đó là “gừng cay”, là “Muối mặn” bởi cha ông ta đã khẳng định:
“Muối ba năm muối đang còn mặnGừng chín tháng gừng hãy còn cay”Qua đó nói lên lời thề hẹn, ao ước:“Đôi ta nghĩa nặng tình dàyCó xa nhau cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”
“Ba vạn sáu ngàn ngày” là thời gian của một trăm năm. Nó bắt nguồn từ khao khát sống hạnh phúc cùng nhau đến lúc “Đầu bạc răng long”, “Bách niên giai lão”, tức sống cùng nhau đến trọn cuộc đời. Nó cũng giống như lời ao ước tình cảm của “đôi ta” sẽ ngày càng sâu đậm, không bao giờ xa cách. Hành động “Tay bưng chén muối đĩa gừng” gần như mang tính biểu tượng. Nhắc đến chúng là nhắc tới chúng là nhắc tới sự đậm đà, sâu sắc. Bởi vậy nhân vật trữ tình trong bài ca dao đã đưa nó ra như một minh chứng cho lời hẹn thề thủy chung. Thế mới có chuyện đang từ hành động:
"Rủ nhau xuống bể mò cua”
Cha ông liên hệ ngay đến những đắng cay, ngọt bùi trong cuộc sống mà tha thiết:
“Em ơi chua ngọt đã từngGừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”
Đọc những câu ca dao, thấy nổi bật lên trong đó là sự khẳng định tình cảm lứa đôi còn trong thơ Nguyễn Khoa Điềm những gì nhà thơ gửi gắm còn nhiều hơn thế. Không chỉ đơn thuần là lời ngợi ca, khẳng định tình cảm thủy chung đôi lứa, câu thơ còn gợi lên thứ tình cảm rộng lớn hơn là nghĩa tình của con người nói chung với nhau. Tất nhiên, cũng có mạch nguồn từ truyền thống tình cảm tốt đẹp của dân tộc nhưng trong tư tưởng “đất nước của nhân dân”, Nguyễn Khoa Điềm đã khiến cho nó có tầm rộng và bao quát hơn. Câu thơ không chỉ cho ta thấy tình cảm yêu thương mà còn khẳng định sức mạnh của tình cảm ấy nữa. “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”, thương nhau từ những khó khăn vất vả trong cuộc sống, và không vì những khó khăn ấy mà đổi thay. Hình ảnh “gừng cay muối mặn” gợi người ta nhớ đến một đất nước Việt Nam trong “Bài thơ của một người yêu nước mình” (Trần Sao Vàng):
“Tôi yêu đất nước này cay đắngNhững đêm dài thắp đuốc đi đêm(...) Áo mồ hôi những buổi chợ vềĐời cúi thấp
Gánh từng lon gạo mốcTừng cọng rau, hạt muối(...) Tôi yêu đất nước này áo ráchCăn nhà dột, phên không ngăn nổi gióVẫn yêu nhau qua từng hơi thởLòng vẫn thương cây nhớ cội hoài”
Tình yêu thương bắt nguồn và gắn bó với những gì thân thuộc và gần gũi nhất, với cả những gian lao và vất vả trong cuộc sống. Với họ, gian khổ càng làm cho nó trở nên sâu sắc hơn.
Vì là hình tượng “đất nước của nhân dân” nên những hình ảnh được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong bài thơ hết sức gần gũi, thân thuộc trong đó chất liệu dân gian được dùng một cách rất đắc dụng. Đất nước được bắt nguồn và nuôi dưỡng bằng nguồn sữa tinh thần là ca dao, dân ca, cổ tích; đất nước được làm nên từ lịch sử oai hùng của dân tộc khi “dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”; mỗi địa danh, mỗi mảnh đất đều gắn với những con người cụ thể là nhân dân mà “những cuộc đời đã hóa núi sông ta”... Tình yêu thương như “gừng cay muối mặn” của mẹ và cha chính là nét truyền thống tốt đẹp trong đời sống tình cảm của con người Việt Nam. Nó đã được đúc kết và khẳng định từ lịch sử hàng nghìn năm, thời của những bài ca dao và dân ca đến nay, góp phần:
“Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dânĐất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”
Việc sử dụng chất liệu từ trong ca dao, dân ca làm cho ý thơ trở nên sâu sắc, giàu sức liên tưởng, sâu sắc và dễ đi vào lòng người hơn. Đó cũng chính là một trong những lí do làm nên thành công của đoạn trích.
Câu thơ không chỉ có giá trị như một lời khẳng định đầy thuyết phục truyền thống tình cảm tốt đẹp của con người Việt Nam mà còn góp phần tài năng và sự sáng tạo của Nguyễn Khoa Điềm khi xây dựng hình ảnh đất nước của nhân dân. Từ đó chúng ta có thêm một cách nhìn khác nữa về đất nước:
“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâuMà khi về Đất Nước minh thi bắt lên câu hátNgười đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thácGợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi..."
Từ khóa » Gừng Cây Muối Mặn Tập 10
-
Muối Mặn Gừng Cay - Tập 10 | Phim Tình Cảm Việt Nam Hay
-
D Movies - Phim Việt Nam - Muối Mặn Gừng Cay Full HD - Tập 10
-
Muối Mặn Gừng Cay - Tập 10 | Phim Tình Cảm ... - Phim Hay điện ảnh
-
Gừng Cay Muối Mặn Phần 10 - Gung Cay Muoi Man Phan 11 Tiếp Theo
-
Xin Chào Hạnh Phúc - Gừng Cay Muối Mặn Tập 10 | Phim Tình Cảm ...
-
Lịch Phát Sóng Ngày 10-9 - Tuổi Trẻ Online
-
Mặn Hơn Muối – Tập 38 (Tập Cuối) | Phim Tình Cảm Việt Nam 2017
-
Gừng Cay Muối Mặn Tập 2 | Phim Tình Cảm Sóng Gió Gia đình Việt 2022
-
“Xin Chào Hạnh Phúc”Những Thông điệp Nhân Văn - Báo Cần Thơ
-
Vì Sao Khi Nói đến Tình Nghĩa Của Con Người, Ca Dao Lại Dùng Hình ...
-
Câu Thơ "cha Mẹ Thương Nhau Bằng Gừng Cây Muối Mặn" (đất Nước ...
-
Tuyển Tập 10 Bài Thơ Nổi Tiếng Của Mường Mán (Trần Văn Quảng)