Phân Tích đoạn Cuối Của Bài Thơ Đất Nước (10 Câu Thơ Cuối)

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Phân tích đoạn cuối của bài thơ Đất Nước (10 câu thơ cuối) . Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp ngắn gọn, chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Mục lục nội dung Dàn ý Phân tích đoạn cuối của bài thơ Đất Nước (10 câu thơ cuối)Phân tích đoạn cuối của bài thơ Đất Nước (10 câu thơ cuối) – Bài mẫu 

Dàn ý Phân tích đoạn cuối của bài thơ Đất Nước (10 câu thơ cuối)

Phân tích đoạn cuối của bài thơ Đất Nước (10 câu thơ cuối)

MỞ BÀI

      Hiếm có một giai đoạn văn học nào mà hình ảnh Tổ quốc – Dân tộc – Đất nước lại tập trung cao độ như giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tố Hữu với “Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời/ Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!” (Vui thế hôm nay), Chế Lan Viên với “Sao chiến thắng”, Lê Anh Xuân từ hình tượng anh giải phóng quân đã tạo nên “Dáng đứng Việt Nam”. Và Nguyễn Khoa Điềm gắn liền với Tổ quốc qua “Đất Nước” – một chương thơ trong trường ca “Mặt đường khát vọng”. Chương thơ đã thể hiện một cách sâu sắc vẻ đẹp của Đất Nước và tư tưởng lớn của thời đại “Đất nước của nhân dân”. Tư tưởng ấy được thể hiện đậm nét qua đoạn thơ sau:

                                            Để Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân

                                            …

                                            Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi…

THÂN BÀI

1. Khái quát: Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ cứu nước; thơ ông giàu chất trí tuệ, suy tư sâu lắng, cảm xúc nồng nàn. “Đất nước”là đoạn thơ trích từ chương V trường ca “Mặt đường khát vọng”được hoàn thành ở chiến trường Bình Trị Thiên năm 1971. Trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ miền Nam xuống đường tranh đấu hòa hợp với cuộc kháng chiến của dân tộc. Đoạn thơ ta sắp phân tích nằm ở phần hai của chương V. Nội dung bao trùm cả đoạn thơ là tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”.

      Ngày xưa, người ta thường quan niệm: Đất Nước là của các triều đại, của vua. Trong “Nam quốc sơn hà” – Lý Thường Kiệt cũng nói “Nam quốc sơn hà nam đế cư”. Trong “Bình Ngô đại cáo” – Nguyễn Trãi Viết “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập”. Ngày nay trong thời đại Hồ Chí Minh, khi người ta nhìn thấy sức mạnh của nhân dân, sự đóng góp máu xương của nhân dân đã làm nên Đất Nước cho nên Đất Nước phải thuộc về nhân dân và của nhân dân.

2. Nội dung cảm nhận :

2.1. Đoạn thơ mở đầu bằng một lời khẳng định, lời khẳng định ấy là cảm hứng chung cho cả đoạn thơ:

                   “Để Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân

                   Đất nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại” 

      Nhà thơ khẳng định chắc nịch “Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân”, lời khẳng định ấy đã thể hiện một cách chân thành, mãnh liệt tình cảm của nhà thơ đối với dân tộc. Hơn ai hết, nhà thơ hiểu rằng, để có được Đất Nước trường tồn, vĩnh cửu thì nhân dân hơn ai hết là những người đã đổ máu xương, đổ công sức của mình để làm nên hình hài đất nước. Vì thế Đất Nước không của riêng ai mà là của chung, của nhân dân và mãi mãi thuộc về nhân dân.

      Ở câu thơ thứ hai, nhà thơ lại một lần nữa khẳng định “Đất nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”. Điệp ngữ chuyển tiếp “Đất nước của nhân dân” được lặp lại như thêm một lần nữa nhấn mạnh về cái sứ mệnh thiêng liêng của nhân dân đối với Đất Nước. Vế thứ hai, nhà thơ nhấn mạnh “Đất Nước của ca dao thần thoại”. Nhắc đến ca dao thần thoại ta lại càng nhớ đến nhân dân, vì hơn ai hết, Nhân dân lại là người tạo ra văn hóa, tạo ra ca dao thần thoại. Mà đất nước của “ca dao thần thoại” nghĩa là Đất Nước tươi đẹp vô ngần như vầng trăng  cổ tích, ngọt ngào như ca dao, như nguồn sữa mẹ nuôi ta lớn nên người. Và không phải ngẫu nhiên tác giả nhắc tới hai thể loại tiêu biểu nhất của văn học dân gian. “Thần thoại” thể hiện cuộc sống qua trí tưởng tượng bay bổng của nhân dân. Còn “ca dao” bộc lộ thế giới tâm hồn của nhân dân với tình yêu thương, với sự lãng mạn cùng với tinh thần lạc quan. Đó là những tác phẩm do nhân dân sáng tạo, lưu truyền và có khả năng phản chiếu tâm hồn, bản sắc dân tộc một cách đậm nét nhất.

2.2. Và khi nói đến “Đất nước của Nhân dân”, một cách tự nhiên, tác giả trở về với cội nguồn phong phú đẹp đẽ của văn hóa, văn học dân gian mà tiêu biểu là trong ca dao. Vẻ đẹp tinh thần của nhân dân, hơn đâu hết, có thể tìm thấy ở đó trong ca dao, dân ca, truyện cổ tích. Ở đây tác giả chỉ chọn lọc ba câu để nói về ba phương diện quan trọng nhất của truyền thống nhân dân, dân tộc:

                                            Dạy anh biết yêu em từ thở trong nôi

                                            Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

                                            Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

                                            Đi trả thù mà không sợ dài lâu

      Chức năng của ca dao, nói như Nguyễn Khoa Điềm là “dạy”. Chức năng ấy cùng với ý nghĩa của nó được thể hiện qua ba phương diện. Phương diện thứ nhất, Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh về tình cảm thủy chung trong tình yêu của con người Việt Nam. Từ ý thơ trong ca dao “Yêu em từ thuở trong nôi/ Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”. Nhà thơ đã viết nên lời chân tình của chàng trai đang yêu “Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi”. Tình yêu của chàng trai ấy không phải là ngọn gió thoáng qua, không phải là lời của bướm ong mà là lời nói là nghĩ suy chân thật. Ý thơ đã khẳng định được một tình yêu thủy chung bền vững không gì có thể đếm đong được. Nhân dân dạy ta biết yêu thương lãng mạn, đắm say thủy chung với những câu ca dao ấy. Đây là phát hiện mới của Nguyễn Khoa Điềm. Bởi lẽ từ xưa đến nay nói đến nhân dân người ta thường nghĩ đến những phẩm chất cần cù chịu khó, bất khuất kiên cường. Còn ở đây tác giả lại ngợi ca vẻ đẹp trẻ trung lãng mạn trong tình yêu, những mối tình từ thưở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

      Ở phương diện thứ hai, Nhân dân gìn giữ và truyền lại cho ta quan niệm sống đẹp đẽ, sâu sắc, ca dao đã “dạy anh biết” – Sống trên đời cần quý trọng tình nghĩa, phải  “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”. Câu thơ ấy lấy ý từ ca dao “Cầm vàng mà lội qua sông/Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng”. Nhân dân đã dạy ta rằng: ở đời này còn có thứ quý hơn vàng bạc, châu báu ngọc ngà… Đó là tình nghĩa giữa con người với con người. Bởi vậy, nghĩa với tình còn nặng hơn nhiều lần giá trị vật chất.

      Ở phương diện thứ ba, nhân dân đã dạy ta phải biết quyết liệt trong căm thù và chiến đấu “Biết trồng tre đợi ngày thành gậy/ Đi trả thù mà không sợ dài lâu”. Hai câu thơ đã gợi lại biết bao cuộc kháng chiến oanh liệt, trường kì của nhân dân trong biết bao cuộc chiến vệ quốc vĩ đại.  Từ thuở lập nước, ông cha ta đã luôn phải đương đầu với nạn ngoại xâm. Cuộc chiến đấu giành độc lập tự do nào cũng kéo dài hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Sau cả nghìn năm Bắc thuộc nhân dân vẫn đứng lên giành chủ quyền, rồi đến 100 năm đô hộ giặc Tây… thử hỏi nếu không có sự kiên trì bền bỉ và khát vọng tự do mãnh liệt, dân tộc bé nhỏ này làm sao có thể vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, mất mát hi sinh để đến ngày toàn thắng.

2.3. Bốn câu thơ cuối: Hình ảnh người chèo đò, kéo thuyền vượt thác cất cao tiếng hát là một biểu tượng nói lên sức mạnh Nhân dân chiến thắng mọi thử thách, lạc quan tin tưởng đưa Đất Nước đi tới một ngày mai vô cùng tươi sáng:

                                            Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

                                            Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

                                            Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

                                            Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi…

      Câu thơ gợi cho ta hình ảnh của những dòng sông, những dòng sông không biết đến từ bến bờ nào nhưng khi hòa vào đất Việt lại vang lên biết bao câu hát điệu hò. Câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm làm ta nhớ đến những điệu hò hùng tráng trên sông Mã, điệu ca Huế ngọt ngào trên sông Hương và điệu hò kéo lưới mạnh mẽ ở miền Trung, hay đờn ca tài tử tha thiết trên sông Tiền, sông Hậu ở miền Nam. Và “dòng sông” ấy vừa có ý nghĩa là dòng sông của quê hương đất nước nhưng vừa có ý nghĩa là dòng sông Văn Hóa, dòng sông Lịch sử. Dân tộc ta có 54 dân tộc anh em, là 54 dòng chảy văn hóa đa dạng “trăm màu, trăm dáng”. Và đó chính là sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam  đã vun đắp phù sa qua bao năm tháng thăng trầm để làm nên một đất nước đậm đà bản sắc dân tộc.

3. Tổng kết nghệ thuật: Đoạn thơ đã để lại âm hưởng ca dao, dân ca đặc sắc nhưng không lấy lại nguyên văn mà sáng tạo làm nên một ý thơ riêng mềm mại, tài hoa và giàu tính triết lý. Điệp ngữ “Đất Nước” được nhắc lại nhiều lần cùng với việc nhà thơ luôn viết hoa hai từ “Đất Nước” tạo nên một tình cảm thiêng liêng xiết bao tự hào về non sông gấm vóc Việt Nam.

KẾT BÀI

      Tóm lại, đoạn thơ ta vừa phân tích đã thể hiện một cách rất thành công tư tưởng lớn của thời đại “Đất Nước của nhân dân”. Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến cho ta một giọng thơ tài hoa và những câu thơ giàu tính triết lý để ta thêm hiểu, thêm yêu, thêm tin vào sức mạnh của nhân dân và tin vào tình yêu Đất Nước của chính mình:

                                            Ôi Tổ Quốc ta yêu như máu thịt

                                            Như mẹ cha ta như vợ như chồng

                                            Ôi Tổ Quốc nếu cần ta chết

                                            Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi dòng sông

Phân tích đoạn cuối của bài thơ Đất Nước (10 câu thơ cuối) – Bài mẫu 

Phân tích đoạn cuối của bài thơ Đất Nước (10 câu thơ cuối) (ảnh 2)

      Đất nước là đề tài quen thuộc nhưng chưa bao giờ cũ trong văn học Việt Nam xưa nay. Mỗi một thời kì, hình tượng đất nước lại mang sắc thái riêng, được đề cập theo một cách riêng. Đặc biệt, giai đoạn văn học kháng chiến 1945-1975, thời kì “bùng nổ” các bài thơ, bài văn xuôi về chủ đề đất nước. Trong đó, tôi ấn tượng nhất với bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn thơ cuối trong bài thơ đã làm nổi bật tư tưởng hóa thân vì Tổ quốc vĩ đại vô cùng sâu sắc:

“Để đất nước này là Đất Nước của Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”

      Cùng với lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ, Nguyễn Khoa Điềm có lối thơ rất riêng, thuộc phong cách trữ tình – chính luận. Đoạn trích “Đất Nước” (1971) thuộc trường ca “Mặt đường khát vọng” ra đời nhằm cổ vũ kháng chiến, thức tỉnh trí thức Sài Gòn từ bỏ tư tưởng nô dịch thực dân, hòa mình với cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Trong đoạn cuối bài thơ, Nguyễn Khoa Điềm đã đứng ở góc độ văn hóa dân gian để thể hiện quan điểm Đất Nước là của nhân dân, của ca dao thần thoại và chính Nhân dân tô điểm, thêu dệt nên vẻ đẹp của quê hương, xứ sở. 

      Trước hết, tác giả khái quát lại toàn bộ luận điểm “Đất nước của Nhân dân” và đưa ra suy tưởng mới mẻ về đất nước trong hai câu thơ đầu:

“Để đất nước này là Đất Nước của Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”

      Nhân dân là những người giản dị, vô danh nhưng cũng chính là những người sáng tạo ra các giá trị văn hóa, tinh thần của đất nước. Một trong các giá trị văn hóa đặc sắc nhất kết tinh tâm hồn, tình cảm nhân dân chính là văn hóa dân gian, biểu hiện cụ thể từ các câu ca dao, câu chuyện truyền kì, thần thoại khai sinh loài người… Hai câu thơ với hai vế song song đã đưa ra định nghĩa về đất nước vừa giản dị, vừa độc đáo. 

      Trong 4 câu thơ tiếp, Nguyễn Khoa Điềm đã cụ thể hóa tư tưởng đất nước của ca dao thần thoại bằng việc dựng lại những tác phẩm văn hóa dân gian. Qua đó, nhà thơ khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

“Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu”

      Đó là những câu ca dao về tình yêu và lời ru, gợi tình yêu trong sáng và sắt son. Đó là “công cầm vàng” từ câu “Cầm vàng mà lội qua sông, vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”, nhắc nhở trân trọng tình nghĩa giữa con người. Đó còn là hình ảnh “Thánh Gióng” nhổ tre đánh giặc bảo vệ non sông, kiên cường cho cuộc đấu tranh giành nước và giữ nước của dân tộc. 

      Sau khi diễn giải, Nguyễn Khoa Điềm kết thúc bằng thông điệp: chính nhân dân là người đã mang lại vẻ đẹp muôn màu và kì diệu cho hồn sông hồn núi quê hương. 

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”

      4 câu thơ cuối mở ra không gian bát ngát, mênh mông và thơ mộng của những dòng sông quê hương. Tác giả không chỉ gợi dáng sông mà còn gợi cả hồn sông thiêng liêng của dân tộc. Mỗi dòng sông sẽ mang trong mình một đời sống văn hóa tinh thần phong phú của dân tộc mà biểu hiện cụ thể chính là “câu hát”. Sông không biết hát. Thế nhưng, hồn sông chính là những câu hát thiêng liêng. 

      Tóm lại, chỉ một đoạn thơ ngắn nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã đa kết hợp các đặc sắc nghệ thuật như kho tàng tri thức, sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian, tư duy nghệ thuật đậm chất chính luận, giọng thơ trữ tình đằm thắm…. Khổ thơ cuối cũng như toàn bộ bài thơ “Đất Nước” đã mang đến những cảm nhận không lẫn về đất nước cùng tư tưởng tiến bộ. Bài thơ không chỉ có giá trị thức tỉnh thời bấy giờ mà còn là lời nhắc cho hàng triệu lớp con cháu hôm nay và mai sau.

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Phân tích đoạn cuối của bài thơ Đất Nước (10 câu thơ cuối) do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

Từ khóa » Cảm Nhận đoạn Cuối Của Bài Thơ đất Nước