Phân Tích đoạn Thơ: Đất Là Nơi Anh đến Trường.... Cũng Biết Cúi đầu ...

Phân tích đoạn thơ: Đất là nơi anh đến trường…. Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ (trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm)

“Đất là nơi anh đến trường Nước là nơi em tắm Đất Nước là nơi ta hò hẹn Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi” Thời gian đằng đẵng Không gian mệnh mông Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ Đất là nơi Chim về Nước là nơi Rồng ở Lạc Long Quân và Âu Cơ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng Những ai đã khuất Những ai bây giờ Yêu nhau và sinh con đẻ cái Gánh vác phần người đi trước để lại Dặn dò con cháu chuyện mai sau Hằng năm ăn đâu làm đâu Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.

Dàn bài 1:

  • Mở bài :

Nguyễn Khoa Điềm (1943) thuộc thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước.Đất nước, nhân dân, cách mạng luôn là nguồn cảm hứng phong phú của thơ ông. Đất nước là một đọan trích thuộc chương V trong bản trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, sáng tác năm 1971, tại chiến trường Bình Trị Thiên. Có thể nói, bằng giọng thơ sôi nổi thiết tha, hình ảnh thơ sinh động và gợi cảm… Đoạn thơ sau đây trong “Đất Nước” có thể xem như là những định nghĩa về đất nước thật mới mẻ và độc đáo của nhà thơ :

“ Đất là nơi anh đến trường …………………………………. Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.

  • Thân bài :

Nếu như chín câu thơ đầu của đoạn thơ là sự trả lời của nhà thơ cho câu hỏi: Đất nước có từ bao giờ ? thì ở 16 câu thơ này, nhà thơ tiếp tục bày tỏ sự cảm nhận của mình về đất nước để trả lời cho câu hỏi: Đất nước là gì?

Câu hỏi đã được nhà thơ trả lời bằng cách nêu ra những định nghĩa về đất nước ở hai phương diệnkhông gian địa lý và thời gian lịch sử .

+ Trước hết, về không gian địa lý, đất nước là nơi sinh sống của mỗi người :

Đất là nơi anh đến trường Nước là nơi em tắm Đất Nước là nơi ta hò hẹn Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.

+ Không những vậy, đất nước còn là nơi tình yêu lứa đôi nảy nở say đắm, thiết tha. Đó là “nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Đất nước còn là núi sông, rừng bể, là “hòn núi bạc”,là “nước biển khơi”. Và còn nữa, đất nước còn không gian sinh tồn của cộng đồng qua nhiều thế hệ với “những ai đã khuất… những ai bây giờ…”

+ Cùng với cách cảm nhận về đất nước ở phương diện không gian địa lý, nhà thơ còn cảm nhận đất nước ở phương diện thời gian lịch sử. Ở phương diện này, đất nước có cả chiều sâu và bề dày được nhận thức từ huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, từ truyền thuyết Hùng Vương và ngày giỗ Tổ:

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước[4] biển khơi” Thời gian đằng đẵng Không gian mệnh mông Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ Đất là nơi Chim về Nước là nơi Rồng ở Lạc Long Quân và Âu Cơ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

+ Đoạn thơ với cấu trúc ngôn ngữ “Đất là…, Nước là…Đất Nước là…”, nhà thơ đã định nghĩa bằng cách tư duy “chiết tự” để giải thích, cắt nghĩa hai tiếng Đất Nước thiêng liêng bằng tinh thần luận lí chân xác. Nếu tách ra làm những thành tố ngôn ngữ độc lập thì Đất và Nước chỉ có ý nghĩa là không gian sinh tồn về mặt vật chất của con người cá thể. Nhưng nếu hợp thành một danh từ thì “Đất Nước” lại có ý nghĩa tinh thần thiêng liêng, chỉ không gian sinh sống của cả một cộng đồng người như anh em một nhà:

Những ai đã khuất Những ai bây giờ Yêu nhau và sinh con đẻ cái Gánh vác phần người đi trước để lại Dặn dò con cháu chuyện mai sau Hằng năm ăn đâu làm đâu Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.

Tóm lại, bằng cách sử dụng sáng tạo các yếu tố ca dao, truyền thuyết dân gian nhà thơ đã lý giải một cách sinh động, cụ thể cho câu hỏi: Đất nước là gì ? Từ đó, hình ảnh đất nước hiện lên qua đoạn thơ vừa gần gũi, cụ thể vừa thiêng liêng, khái quát trên cả bề rộng không gian địa lý mênh mông và thời gian lịch sử đằng đẵng của dân tộc.

  • Kết bài:

Có thể nói, đoạn thơ là những định nghĩa đa dạng, phong phú về đất nước từ chiều sâu văn hóa dân tộc, xuyên suốt chiều dài của thời gian lịch sử đến chiều rộng của không gian đất nước. Nhà thơ cũng vận dụng rộng rãi các chất liệu văn hóa dân gian để cảm nhận và định nghĩa về đất. Từ đó, đọan thơ giúp cho chúng ta hiểu và gắn bó hơn với đất nước, quê hương mình bằng một tình yêu và ý thức trách nhiệm sâu sắc.

Dàn bài 2:

I. Mở bài:

– Nguyễn Khoa Điềm (1943) thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đất nước, nhân dân, cách mạng luôn là nguồn cảm hứng phong phú của thơ ông.

“Đất nước” là một đọan trích thuộc chương V trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, sáng tác năm 1971, tại chiến trường Bình Trị Thiên.

– Có thể nói, bằng giọng thơ sôi nổi thiết tha, hình ảnh thơ sinh động và gợi cảm… đọan thơ sau đây trong “Đất Nước” có thể xem như là những định nghĩa về đất nước thật mới mẻ và độc đáo của nhà thơ:

“Đất là nơi anh đến trường …… Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.

II. Thân bài:

–  Nếu như 9 câu thơ đầu của đoạn thơ là sự trả lời của nhà thơ cho câu hỏi: Đất nước có từ bao giờ? Thì ở 16 câu thơ này, nhà thơ tiếp tục bày tỏ sự cảm nhận của mình về đất nước để trả lời cho câu hỏi: Đất nước là gì?

–  Câu hỏi đã được nhà thơ trả lời bằng cách nêu ra những định nghĩa về đất nước ở hai phương diện: không gian địa lý và thời gian lịch sử .

+ Trước hết, về không gian địa lý, đất nước là nơi sinh sống của mỗi người :

“Đất là nơi anh đến trường, Nước là  nơi em tắm”.

+ Không những vậy, đất nước còn là nơi tình yêu lứa đôi nảy nở say đắm, thiết tha. Đó là “nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Đất nước còn là núi sông, rừng bể, là “hòn núi bạc”, là “nước biển khơi”. Và còn nữa, đất nước còn là không gian sinh tồn của cộng đồng qua nhiều thế hệ với “những ai đã khuất…những ai bây giờ…”

+ Cùng với cách cảm nhận về đất nước ở phương diện không gian địa lý, nhà thơ còn cảm nhận đất nước ở phương diện thời gian lịch sử. Ở phương diện này, đất nước  có cả chiều sâu và bề dày được nhận thức từ huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, từ truyền thuyết Hùng Vương và ngày giỗ Tổ .

– Đoạn thơ với cấu trúc ngôn ngữ “Đất là…, Nước là… Đất Nước là…”, nhà thơ đã định nghĩa bằng cách tư duy “chiết tự” để giải thích, cắt nghĩa hai tiếng Đất Nước thiêng liêng bằng tinh thần luận lí chân xác. Nếu tách ra làm những thành tố ngôn ngữ độc lập thì Đất và Nước chỉ có ý nghĩa là không gian sinh tồn về mặt vật chất của con người cá thể. Nhưng nếu hợp thành một danh từ thì “Đất Nước” lại có ý nghĩa tinh thần thiêng liêng, chỉ không gian sinh sống của cả một cộng đồng người như anh em một nhà.

– Cách sử dụng sáng tạo các yếu tố ca dao, truyền thuyết dân gian nhà thơ đã lý giải một cách sinh động, cụ thể cho câu hỏi: Đất nước là gì? Từ đó, hình ảnh đất nước hiện lên qua đoạn thơ vừa gần gũi – cụ thể, vừa thiêng liêng – khái quát trên cả bề rộng không gian địa lý mênh mông và thời gian lịch sử đằng đẵng của dân tộc.

III. Kết bài:

– Đoạn thơ là những định nghĩa đa dạng, phong phú về đất nước từ chiều sâu văn hóa dân tộc, xuyên suốt chiều dài của thời gian lịch sử đến chiều rộng của không gian đất nước.

– Nhà thơ cũng vận dụng rộng rãi các chất liệu văn hóa dân gian để cảm nhận và định nghĩa về đất. Từ đó, đoạn thơ giúp cho chúng ta hiểu và gắn bó hơn với đất nước, quê hương mình bằng một tình yêu và ý thức trách nhiệm sâu sắc.

Bài văn tham khảo:

Phân tích đoạn thơ: Đất là nơi anh đến trường…. Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

  • Mở bài:

Đất nước là chương năm của trường ca Mặt đường khát vọng mà Nguyễn Khoa Điềm đã viết ở chiến khu Trị Thiên trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Qua phần thơ này có thể thấy được những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về đất nước trong chiều sâu cảm xúc suy nghĩ và trong sự gắn bó thân thiết với cuộc đời mỗi người. Đặc biệt là đoạn trích: Đất là nơi anh đến trường… Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ” đã thể hiện tập trung những sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà thơ khi thể hiện những khám phá mới mẻ về đất nước mình.

  • Thân bài:

Tiếp nối những suy nghĩ về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã táo bạo khi đưa ra định nghĩa về Đất Nước được tạo thành bởi hai yếu tố thời gian và không gian. Đó chính là đất và nước. Khi đi vào tìm hiểu, chính tư duy nghệ thuật của nhà thơ đã dẫn đến những liên tưởng bất ngờ khi ông định nghĩa về đất nước:

Đất là nơi anh đến trường Nước là nơi em tắm

Đất gắn liền với những kỉ niệm thời thơ ấu của anh, gắn liền với con đường hàng ngày đến trường với bao trò chơi, bao lần đùa nghịch cùng bạn bè. Còn nước “là nơi em tắm”. Nó cũng gắn với kỉ niệm tuổi thơ em, một kỉ niệm êm dịu và nhẹ nhàng như những dòng sông em thường tắm mát. Những kỉ niệm ấy, tất cả hợp lại thành đất nước, thành “nơi ta hò hẹn”. Khi cả anh và em cũng trưởng thành, tình yêu kết dính giữa anh và em thành một mối khăng khít, không tách rời. Và đến đây, đất nước không còn tách riêng mà hoà hợp với nhau. Và điểm hẹn hò giữa anh và em cũng chính là ở bắt đầu của tình yêu đất nước. Tình yêu cá nhân, tình yêu thiêng liêng giữa anh và em đã to lớn và nó hoà vào tình yêu đất nước. Hay đất nước bắt nguồn từ tình yêu nam nữ. Tiếp tục mạch thơ ấy, Nguyễn Khoa Điềm đi đến khẳng định Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Nỗi nhớ thầm kín, da diết của em, nỗi nhớ ấy đã gắn kết tình yêu anh và em, nỗi nhớ cũng nuôi lớn tình yêu hai chúng ta và nỗi nhớ ấy cũng hoà vào đất nước, gắn kết đất nước lại thành một mối khăng khít, bền chặt. Có nỗi nhớ tình yêu, có nỗi nhớ đất nước.

Nguyễn Khoa Điềm đã đưa khái niệm đất nước từ sự kết hợp của tình cảm cá nhân nam nữ riêng tư, từ sự tách riêng để đi đến cái khái quát, nâng lên rộng hơn:

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” Nước là nơi “con cá ngư ông mong nước biển khơi”

Từ tình cảm riêng tư, tác giả đi đến định nghĩa đất nước là nơi dân mình đoàn tụ, sinh sống, Từ cá thể anh, em đã đi đến cái chung, cái lớn hơn là dân mình, là đồng bào. Tác giả đã mở ra một không gian, một thời gian theo chiều dài từ quá khứ nghìn xưa. Thời gian đằng đẵng Không gian mênh mông Và kết lại “Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ”. Tác giả còn ngầm chỉ rõ yếu tố tạo nên sự gắn kết giữa các cá nhân, từ những con người đơn lẻ gắn kết lại thành nhân dân. Sự gắn kết ấy, sợi dây vô hình ấy chính là tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Nó tạo nên sức mạnh kì diệu, liên kết mọi người lại, từ cái tôi đã hoà vào thành cái “ta” chung, cái “ta” của dân tộc, của đất nước trên cả hai phương diện địa lý và lịch sử.

Và nó trở lại kết cấu: Đất là nơi Chim về Nước là nơi Rồng ở Lạc Long Quân và Âu Cơ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng.

Đất nước không chỉ được cảm nhận bởi không gian địa lí mênh mông từ rừng đến bể mà còn được cảm nhận bởi không gian sinh hoạt bình thường của mỗi người, không gian của tình yêu đôi lứa, không gian của nỗi nhớ thương. Ý nịêm về đất nước được gợi ra từ việc chia tách hai yếu tố hợp thành là đất và nước với những liên tưởng gợi ra từ đó. Sử dụng lỗi chiết tự mà vẫn không ngô nghê, mà vẫn thật duyên dáng và ý nhị, có thể gợi ra cho thấy một quan niệm mang những đặc điểm riêng của dân tộc ta về khái niệm đất nước, mà tư duy thơ có thể tách ra, nhấn mạnh.

Đất mở ra cho anh một chân trời kiến thức, nước gột rửa tâm hồn em trong sáng dịu hiền. Cùng với thời gian lớn lên đất nước trở thành nơi anh và em hò hẹn. Không những thế, đất nước còn người bạn chia sẻ những tình cảm nhớ mong của những người đang yêu. Đất và nước tách rời khi anh và em đang là hai cá thể, còn hoà hợp khi anh và em kết lại thành ta. Chiếc khăn – biểu tượng của nỗi nhớ thương – đã từng làm bao trái tim tuổi trẻ bâng khuâng: “Khăn thương nhớ ai, Khăn rơi xuống đất…”, một lần nữa lại khiến lòng người xúc động, bồi hồi trước tình cảm chân thành của những tâm hồn yêu thương say đắm.

Đất nước trường tồn trong không gian và thời gian: Thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông để mãi mãi là nơi dân mình đoàn tụ, là không gian sinh tồn của cộng đồng Việt Nam qua bao thế hệ. Nguyễn Khoa Điềm gợi lại truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, về truyền thuyết Hùng Vương và ngày giỗ tổ. Nhắc lại Lạc Long Quân và Âu Cơ, nhắc đến ngày giỗ tổ, Nguyễn Khoa Điềm muốn nhắc nhở mọi người nhớ về cội nguồn của dân tộc. Dù bôn ba chốn nào, người dân Việt Nam cũng đều hướng về đất tổ, nhớ đến dòng giống Rồng Tiên của mình.

Đất nước còn là nơi trở về của những tâm hồn thiết tha với quê hương. Hình ảnh con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc, con cá ngư ông móng nước biển khơi mang phong cách dân ca miền Trung, thẫm đẫm lòng yêu quê hương cả tác giả. Đất nước mình bình dị, quen thuộc nhưng đôi khi cũng lớn rộng, tráng lệ và kì vĩ vô cùng, nhất là đối với những người đi xa. Dù chim ham trái chín ăn xa, thì cũng giật mình nhớ gốc cây đa lại về. Gia đình Việt Nam là như thế, lúc nào cũng hướng về quê hương, hướng về cội nguồn:

Nhắc đến chuyện xưa ấy như để khẳng định, cũng là để nhắc nhở:

Những ai đã khuất Những ai bây giờ Yêu nhau và sinh con đẻ cái Gánh vác phần người đi trước để lại Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Cảm hứng thơ của tác giả có vẻ phóng túng, tự do nhưng thật ra đây là một hệ thống lập luận khá rõ mà chủ yếu là tác giả thể hiện đất nước trong ba phương diện: trong chiều rộng của không gian lãnh thổ địa lí, trong chiều dài thăm thẳm của thời gian lịch sử, trong bề dày của văn hoá – phong tục, lối sống tâm hồn và tính cách dân tộc.

Ba phương diện ấy được thể hiện gắn bó thống nhất và ở bất cứ phương diện nào thì tư tưởng đất nước của nhân dân vẫn là tư tưởng cốt lõi, nó như một hệ qui chiếu mọi cảm xúc và suy tưởng của nhà thơ.

Và cụ thể hơn nữa, gần gũi hơn nữa, Đất nước ở ngay trong máu thịt của mỗi chúng ta:

Trong anh và em hôm nay Đều có một phần đất nước

Đất nước đã thấm tự nhiên vào máu thịt, đã hoá thành máu xương của mỗi con người, vì thế sự sống của mỗi cá nhân không phải là riêng của mỗi con người mà là của cả đất nước. Mỗi con người đều thừa hưởng ít nhiều di sản văn hoá vật chất và tinh thần của đất nước, phải giữ gìn và bảo vệ để làm nên đất nước muôn đời.

Từ những quan niệm như vậy về đất nước, phần sau của tác phẩm tác giả tập trung làm nổi bật tư tưởng: Đất nước của nhân dân, chính Nhân dân là người đã sáng tạo ra Đất nước.

Tư tưởng đó đã dẫn đến một cái nhìn mới mẻ, có chiều sâu về địa lí, về những danh lam thắng cảnh trên khắp mọi miền đất nước. Những núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, những núi Bút non Nghiên… không còn là những cảnh thú thiên nhiên nữa mà được cảm nhận thông qua những cảnh ngộ, số phận của nhân dân, được nhìn nhận như là những đóng góp của nhân dân, sự hoá thân của những con người không tên tuổi: “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu, Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái”, “Người học trò thắng cảnh”. Ở đây cảnh vật thiên nhiên qua cách nhìn của Nguyễn Khoa Điềm, hiện lên như một phần tâm hồn, máu thịt của nhân dân. Chính nhân dân đã tạo dựng nên đất nước, đã đặt tên, đã ghi dấu vết cuộc đời mình lên mỗi ngọn núi, dòng sông.

Đoạn trích ngắn gọn nhưng đã đưa ra được 3 khái niệm khác nhau về đất nước với 3 lần cảm xúc khác nhau nhưng đều thống nhất trong sự chuyển hoá từ cái riêng đến cái chung, từ bộ phận đến khái quát, nâng lên để chúng hòa quyện, kết dính lại với nhau làm nên đất nước trong chiều dài và chiều sâu của lịch sử, của truyền thống văn hoá. Với những lời thơ giản dị, khúc chiết đã nói lên một cách nhìn mới, nhận định mới của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước. Sự kết hợp hài hoà giữa cảm xúc sâu lắng cùng với nhìn nhận mới mẻ, đúng đắn đã làm nên giá trị của đoạn thơ.

  • Kết bài:

Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm thành công cho mảng thơ viết về đất nước. Từ những cảm nhận mang tính gần gũi, quen thuộc, đất nước không còn xa lạ, trừu tượng mà trở nên thân thiết nhưng vẫn rất thiêng liêng. Đọc Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm ta không chỉ tìm về cội nguồn dân tộc mà còn khơi dậy tinh thần dân tộc trong mỗi con người Việt Nam trong mọi thời đại.

Từ khóa » đất Là Nơi Anh đến Trường Dàn ý