Phân Tích Hình ảnh Bãi Cát Và Người đi Trên Bãi Cát Trong Sa Hành ...

Phần thân bài văn mẫu Phân tích hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát trong Sa hành đoản ca của Cao Bá Quát

Hình ảnh bãi cát và người khách lữ hành trên bãi cát là hai hình ảnh song hành suốt cả bài thơ. Mở đầu tác phẩm là hình ảnh những bãi cát mênh mông nối tiếp nhau và tưởng chừng như kéo dài đến vô tận: "Bãi cát dài, lại bãi cát dài". Tuy nhiên, đó không chỉ là hình ảnh tả thực những bãi cát miền Trung khô cằn qua năm tháng cùng những ngọn gió Lào khắc nghiệt mà còn là ý niệm ẩn dụ cho con đường công danh lận đận, bế tắc của tác giả Cao Bá Quát nói riêng và của tầng lớp trí thức đương thời nói chung. Những câu thơ đầu của ''Sa hành đoản ca'' mở ra một hiện trạng, một cảnh ngộ và cũng là sự lên tiếng đầy bức xúc, bức bối của nhân vật trữ tình (Khách tử).

Qua nhiều lần thi Hội, thi Hương tác giả đã nhìn sáng suốt hơn về con đường danh lợi. Nó rất giang nan, vất vả "núi muôn trùng", "sóng muôn đợt" tạo nên một vòng vây không lối thoát chứa đựng nhiều chông gai:

"Đi một bước như lùi một bước Mặt trời đã lặn, chưa dừng được Lữ khách trên đường nước mắt rơi Không học được tiên ông phép ngủ Trèo non, lội suối, giận khôn vơi"

Không gian và thời gian từ câu thơ trên như đe dọa, như dồn lữ khách tới cái bi thương của hoàn cảnh: ''ngày sắp tàn'' mà không gian vẫn trải mở dằng dặc, mênh mang cát trắng ''trường sa phục trường sa''. Thực cảnh '' bãi cát trắng'' ấy đem đến cảm giác thật rùng mình - Đi một bước như lùi một bước. Hình ảnh '' bãi cát dài'' vì thế có thể khơi gợi cảm hứng từ hiện thực khách quan, được hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi Hội, qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị' Trong ''Sa hành đoản ca'', bãi cát vừa tả thực: khung cảnh gợi cảm giác ngột ngạt, bó buộc, vừa biểu tượng cho ý niệm cuộc đời bế tắc, ngột ngạt. Hình tượng bãi cát dài tượng trưng của '' đường đời'' không bằng phẳng, đầy gian khổ, chông gai và ''cuộc đời'' mệt mõi, chán nản, bế tắc. Trong tình cảnh dù mặt trời đã lặn nhưng những bước chân mỏi mệt vẫn chưa thể dừng lại, giọt nước mắt rơi trên đường của người "lữ khách" không chỉ là giọt nước mắt cay đắng của sự mỏi mệt mà còn chứa đựng tâm trạng bi phẫn, uất ức, cay đắng và tủi cực của tác giả trước thực tại đầy rẫy những éo le, và kết tinh thành nỗi oán giận "giận khôn vơi" đối với con đường công danh.

Cao Bá Quát đã mượn và tưa vào tích xưa '' Ông tiên ngủ kĩ'' để gửi gắm sự sáng tạo riêng của mình trong cách nghĩ, cách nhìn vào cuộc đời và con người:

''Không học được tiên ông có phép ngủ kĩ Trèo non lội suối giận khôn vơi.''

Về hình thức và giọng điệu của hai câu thơ trên, mới đọc cứ ngỡ như những lời ''tiên trách kĩ, tự trách kĩ''. Đọc và ngẫm nghĩ, lại hóa ra lời phản ứng quyết liệt của kẻ sĩ - thi nhân giàu bản lĩnh và cá tính. Làm sao có thể học ông tiên ngủ kĩ để mà làm ngơ, để mà nhắm mắt, để mà '' không nghe không thấy'' bao cảnh ngổn ngang, chất chồng như cát, như núi, như nước giữa cuộc đời - nhân thế. Khách trách mình tự hành hạ thân xác để theo đuổi công danh. Đằng sau lời trách gợi lên hình ảnh trang nam nhi mệt mõi, chán ngán việc theo đuổi lí tưởng, hoài bảo công danh sự nghiệp.

Bài thơ Sa hành đoản ca là một bài thơ hay, có nhiều ý nghĩa biểu tượng. Trước hết là cái nhìn đầy sáng suốt của Cao Bá Quát về con đường công danh mà bấy lâu biết bao kẻ sĩ tất tả theo đuổi. Đó là một con đường vô tận, vất vả và nhiều cay đắng, thứ mà nó mang lại đó chỉ là cái danh lợi đầy tầm thường, vốn chẳng xứng để theo đuổi thêm nữa. Bài thơ còn thể hiện cái khao khát thay đổi cuộc sống, được bước ra khỏi cái con đường chán chường ấy, để bước đi một con đường mới tốt đẹp hơn. Thể ca hành tự do đã thể hiện xuất sắc tâm tính phóng khoáng, cá tính, thích tự do của Cao Bá Quát trên nhận thức về con đường công danh đầy khó nhọc, vất vả của mình và của những kẻ sĩ đương thời.

Từ khóa » Hình ảnh Bãi Cát Dài Có Mấy ý Nghĩa