Phân Tích Khổ 4 Bài Tràng Giang Của Huy Cận - TopLoigiai

        Cô đơn, bế tắc là đặc điểm chung của hầu hết cái tôi thơ Mới. Có lẽ vì thế chăng mà tiếng thơ của Huy Cận cũng âu sầu ảo não đến vậy, song qua khổ thơ cuối bài Tràng Giang, ta còn cảm nhận những nét đẹp khác đến từ tâm hồn sầu mộng không gian của thi nhân. Hãy cùng tham khảo trong bài viết Phân tích khổ 4 bài Tràng Giang của Huy Cận dưới đây nhé.

Phân tích khổ 4 bài Tràng Giang | Văn mẫu 11 hay nhất

Mục lục nội dung Mở bài Phân tích khổ 4 bài Tràng GiangThân bài Phân tích khổ 4 bài Tràng GiangKết bài Phân tích khổ 4 bài Tràng Giang

Mở bài Phân tích khổ 4 bài Tràng Giang

         Ai đó đã từng nhận xét như này về thơ Huy Cận: rằng, thơ ông không phải là rượu đã rót vào chén mà là men được lên, không phải là hoa trên cành, mà là dòng nhựa đương chuyển. Phải chăng muốn nói đến sức sống cũng như sức gợi của sự hàm súc, cô đọng trong cách dùng từ đặt câu của thi nhân. Khổ thơ 4 bài Tràng Giang có thể xem là chuẩn mực cho nhận định ấy.

Thân bài Phân tích khổ 4 bài Tràng Giang

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc...

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

         Thế giới thiên nhiên được Huy Cận tạo ra bao giờ cũng là một không gian hùng vĩ rợn ngợp và gợi buồn. Mà như Hoài Thanh đã nói, rằng "tưởng như Huy Cận đã lượm lặt hết những chút buồn rơi rải rác để viết nên những vần thơ âu sầu ảo não như thế". Vừa bước vào thế giới thơ, ta đã bắt gặp ngay hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ mà thấm màu buồn đã được phác lên làm toàn bộ bức phông nền cho cảnh vật. Lớp lớp, mây cao và núi bạc. Những chất liệu rất quen thuộc trong thơ cổ điển, được Huy Cận sử dụng, nhưng cái mới ở đây chính là cách nhà thơ kết hợp, nhào nặn chúng bằng tư duy thơ hiện đại của mình. Vậy cho nên, Huy Cận tập cổ mà không nệ cổ. Hình ảnh trong câu thơ này gợi cho ta nhớ đến dáng dấp của một câu thơ trong thơ Đỗ Phủ:

“Mặt đất mây đùn cửa ải xa”

        Đều là cách diễn đạt gợi nên không gian buổi chiều, buổi hoàng hôn đẹp mà buồn nhưng diễm lệ, mờ ảo. Cũng đồng thời, gợi nên chất hùng vĩ nét khoáng đạt của cảnh vật. Để tiếp tục câu thơ sau,  là nghệ thuật đối rất chỉnh của thi nhân:

“Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”

        Cánh chim nghiêng như đã đỡ cả buổi hoàng hôn rực rỡ trên đôi cánh nhỏ bé của mình, như đang mang trong nó cả cái lồng lộng hùng vĩ của dáng chiều. Vẫn là sự thủ pháp đối lập quen thuộc trong thơ cổ, cánh chim nhỏ nhoi, đơn độc giữa chân trời của nó và đối lập là hình ảnh thiên nhiên, là bóng chiều rợn ngợp, rộng lớn, mênh mông. Điều đó tạo cảm giác mới mẻ trong cảm nhận cho người đọc. Dấu hai chấm chính là dụng ý nghệ thuật mà Huy Cận đặt vào dòng thơ. Tưởng như không chỉ trong cảm giác, mà cả trong dòng chảy của nghệ thuật đang tiếp diễn trên trang giấy, thì cánh chim đơn côi và cô đơn ấy cũng đang gồng gánh và mang trong nó cả bóng chiều lồng lộng.

           Đứng trước không gian rộng lớn ấy, nhân vật trữ tình chảy tràn những xúc cảm bồi hồi về quê hương:

“Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

         Từ "dợn dợn" thực sự là điểm mấu chốt để ta thấy bút thơ tài hoa của Huy Cận, vừa gợi được cái cồn cào khắc khoải trong lòng người, vừa cho thấy sự day dứt khôn nguôi trong tâm can, sự khắc khoải, đau đáu của một kẻ đứng trên quê hương mà vẫn cảm thấy thiếu quê hương. Câu thơ cuối, là một chỉ dấu để ta hiểu hơn về cảm giác của nhân vật trữ tình. Rằng dẫu không cần một điểm tựa, điểm gợi đến từ khói trắng của chiều tà, của hoàng hôn thì trong lòng nhân vật trữ tình vẫn dấy lên nỗi niềm tha thiết với quê hương. Đây là cảm giác trống vắng, thiếu thốn bất định của cái tôi thơ Mới thời kì bấy giờ. Nhưng đồng thời cũng đặt ra cho ta một câu hỏi, phải chăng giữa con người và cảnh vật, con người và con người nơi đây không còn sự gắn kết, cho nên tôi mới cảm thấy bơ vơ, cô quạnh và lạc lõng đến vậy. Nó phải chăng là một sự đứt gãy có tính phổ quát và sự gắn kết trong xã hội, cũng đồng thời là sự biến mất của những giá trị truyền thống và thay vào đó là sự chuyển mình của dòng chảy hiện đại.

Kết bài Phân tích khổ 4 bài Tràng Giang

        Khổ 4 cuối là khổ thơ đặc sắc, nắm giữ hồn cốt thơ Huy Cận, và cho ta hay, nỗi buồn sầu ảo não trong thơ ông, còn là nỗi buồn của một hồn thơ luôn tha thiết, vọng ngưỡng về quê hương của mình.

Từ khóa » Cảm Nhận Về Bài Thơ Tràng Giang Khổ 4