Phân Tích Khuynh Hướng Sử Thi Trong Thơ Tố Hữu

»» Nội dung bài viết:

  • Khái niệm khuynh hướng sử thi.
  • Khuynh hướng sử thi trong thơ Tố Hữu.
    • 1. Biểu hiện của khuynh hướng sử thi trong thơ Tố Hữu.
      • a. Đề tài, chủ đề và cảm hứng chủ đạo của tác phẩm.
      • b. Hình tượng nghệ thuật:
      • c. Ngôn ngữ tác phẩm
      • d. Một số thủ pháp nghệ thuật.
    • 2. Đánh giá chung về khuynh hướng sử thi trong thơ Tố Hữu.

Khuynh hướng sử thi trong thơ Tố Hữu

Khái niệm khuynh hướng sử thi.

Người cầm bút sáng tác, miêu tả, cảm nhận thế giới con người trên quan điểm cộng đồng, nhân danh cộng đồng mà ngợi ca, ngưỡng mộ những người anh hùng với chiến công chói lọi. Đây là văn học của những sự kiện lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng. Nhân vật trung tâm của các tác phẩm nghệ thuật phải là những con người gắn mình với với số phận đất nước và kết tinh những phẩm chất cao quý của cộng đồng – trước hết đại diện cho giai cấp, cho dân tộc và cho thời đại, chứ không phải cho cá nhân mình.

Đây là khuynh hướng chi phối mạnh mẽ các sáng tác của nhà văn nhà thơ trong thời kì kháng chiến, dặc biệt là thời kì kháng chiến chống Mĩ

Vài nét về bối cảnh lịch sử – xã hội.

Khuynh hướng sử thi ra đời và phát triển trong không khí cao trào cách mạng và cuộc chiến tranh vĩ đại chống thực dân Pháp , đế quốc Mĩ vô cùng ác liệt. Văn học Việt Nam giai đoạn này là văn học của chủ nghĩa yêu nước. Vấn đề đặt ra trong văn học là vấn đề của cả một cộng đồng dân tộc trước những thử thách quyết liệt: Tổ quốc còn hay mất; độc lập, tự do hay nô lệ, ngục tù .Khuynh hướng sử thi giúp những người cầm bút chiến đấu lúc đó có thể động viên, khích lệ tinh thần, mở ra một tương lai mới giữa thực tại đầy gian khổ, mất mát và đau thương

Khuynh hướng sử thi trong thơ Tố Hữu.

Khuynh hướng sử thi trở thành một trong những phong cách nghệ thuật tiêu biểu cho hồn hồn thơ Tố Hữu. Khuynh hướng sử thi đã xuất hiện ở ngay tập Từ ấy – tập thơ đầu tiên của Tố Hữu với nhưng tác phẩm như Bà má Hậu Giang, Dậy lên thanh niên, Quyết hi sinh nhưng nổi bật trong thơ Tố Hữu nhất là ở những thời kì sau, kể từ cuối tập Việt Bắc.

1. Biểu hiện của khuynh hướng sử thi trong thơ Tố Hữu.

a. Đề tài, chủ đề và cảm hứng chủ đạo của tác phẩm.

Thơ Tố Hữu thường đề cập đến những vấn đề lớn của cộng đồng, của xã hội, của đất nước, có ý nghĩa lịch sử và mang tính toàn dân.

Cảm hứng chủ đạo thường là cảm hứng ngợi ca. Các tác phẩm thơ của Tố Hữu lấy số phận đất nước, sức mạnh dân tộc, nhân dân, Đảng làm đối tượng suy nghĩ trực tiếp. Hồn thơ Tố Hữu được khơi nguồn từ chính những sự kiện mang ý nghĩa lịch sử, có tính chính trị, từ cuộc kháng chiến trường kì gian khổ của toàn dân.Vấn đề trong thơ Tố Hữu là vấn đề giữa ta và nó,giữa chúng ta và chúng nó, giữa miền Bắc và miền Nam,giữa ta và ta chứ không phải là vấn đề giữa cá nhân này và cá nhân khác như trong thể tài đời tư.

Ví dụ:

– Cách đặt nhan đề: Cho đời tự do

+ Việt Bắc. + Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. + Lên Tây Bắc. + Người con gái Việt Nam. + Việt Nam, máu và hoa. + Dậy lên thanh niên. + Quyết hi sinh.

– Một số đoạn trích

Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa Chúng nó cũng chẳng còn mong được nữa, Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng…

(Ta đi tới)

Chào 61, đỉnh cao muôn trượng Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau Trông bắc, trông nam, trông cả địa cầu

(Bài ca mùa xuân 1961)

Ta sẵn sàng xé trái tim ta Cho Tổ quốc và cho tất cả Lá cờ này là máu, là da Của ta, của con người vô giá

(Viêt Nam, máu và hoa)

b. Hình tượng nghệ thuật:

Hình tượng nghệ thuật trong thơ Tố hữu thường là những con người bình dị, thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi,thành phần dân tộc nhưng đều mang trong mình những phẩm chất anh hùng, thể hiện tầm vóc lớn lao, kết tụ sức mạnh, ý chí chung của cả cộng đồng, đại diện cho tinh hoa, khí phách, lí tưởng, lợi ích, khát vọng của dân tộc. Cách khám phá con người: con người được khám phá ở bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ở lẽ sống và tình cảm lớn.

Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu là cái tôi chiến sĩ, cái tôi công dân,cái tôi nhân danh dân tộc, nhân danh giai cấp Cách mạng.

Ví dụ:

– Gạt tâm sự riêng, hoàn cảnh cá nhân để tập trung nhiệm vụ chiến đấu.tập trung cho một mục tiêu cao cả, một khát vọng chân chính. Mang tâm sự cá nhân hòa vào tâm sự của cả dân tộc.

Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu: Hỡi em gái mất cha mất mẹ Nước mắt rơi làm nhòa mặt quân thù Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ

(Việt Nam, máu và hoa)

Truyện cô du kích xóm Lai Vu Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù “Mỹ hại trăm nhà, lo diệt trươc Rắn, mình em chịu có sao đâu!”

(Tâm sự)

Ôi trái tim em trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi, còn đập mãi Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời Cho quê hương em. Cho Tổ quốc loài người

(Người con gái Việt Nam)

Cảm hứng chủ đạo khi xây dựng những hình tượng nhân vật này thường là cảm hứng ngợi ca, khẳng định, tự hào…kết hợp với thủ pháp cường điệu hóa.

Ví dụ:

– Cảm hứng ngợi ca, bất tử hóa những người anh hùng, sống mãi trong lòng toàn dân và đất nước:

“Con tao gan dạ anh hùng Như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm Than tao chết, dạ chẳng sờn!” Thương ôi !Lời má lưỡi gươm cắt rồi! Một dòng máu đỏ lên trời Má ơi, con dã nghe lời má kêu! Nước non muôn quý ngàn yêu Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang

(Bà má hậu Giang)

Những hồn Trần Phũ vô danh Sóng xanh biển cả, cây xanh núi ngàn…

(30 năm đời ta có Đảng)

– Các nhân vật thường được đặt trong bối cảnh không gian rộng lớn, kì vĩ để tôn lên tầm vóc của nhân vật.

Ví dụ:

– Không khí sử thi, một bầu không khí khẩn trương sôi nổi hào hứng, đầy khí thế của quần chúng Cách mạng.

Trời Hậu Giang, tù và dậy rúc Phèn la kêu, trống giục vang đồng Đường quê đỏ rực cờ hồng Giáo gươm sáng đất, tầm vông nhọn trời Quyết một trận quét đời nô lệ Quăng máu xương, phá bẻ xiềng gông!

(Bà má Hậu Giang)

Nhớ khi giặc đến giặc lùng Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây Núi giăng thành lũy sắt dày Rừng che bộ đội rừng vây quân thù. Mênh mông bốn mặt sương mù Đất trời ta cả chiến khu một lòng. …… Những đường Việt Bắc của ta Đêm đêm rầm rập như là đất nung Quân đi điệp điệp trùng trùng Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan Dân công đỏ đuốc từng đoàn Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay. Nghìn đêm thăm thẳm sương dày Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

(Việt Bắc)

Tin về nửa đêm hỏa tốc hỏa tốc Ngựa bay lên dốc Đuốc cháy sáng rực Chuông reo tin mừng Loa kêu từng cửa Làng bản đỏ đèn đỏ lửa …. Kháng chiến ba ngàn ngày Không đêm nào vui bằng đêm nay Đêm lịc sử, Điện Biên sáng rực Trên dất nước, như huân chương trên ngực Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!

(Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên)

c. Ngôn ngữ tác phẩm

Ngôn ngữ thường có tính trang trọng, giàu hình ảnh, có tính biểu tượng cao và giàu giá trị biểu cảm.Giọng điệu thường mang âm hưởng hùng tráng, hào sảng của giọng ca,có tác dụng lay động và khích lệ mạnh mẽ tình cảm người đọc.

Ví dụ:

– Cách xưng hô “mình – ta” trong Việt Bắc hay “anh – em” trong Gió lộng là một sự sáng tạo, một sự vận dụng khuynh hướng sử thi của Tố Hữu bằng việc đem vào một nội hàm nghĩa mới, mang tính giai cấp,dân tộc trong một cặp từ quen thuộc, khác cách xưng hô đời tư trong ca dao trữ tình dân gian hoặc thơ tình.

Mình về mình có nhớ ta Mười lăm năm ấy thiêt tha mặn nồng Mình về mình có nhớ không Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ người …. Mình đi, có nhớ những ngày Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù Mình về, có nhớ chiến khu Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai? Mình về, rừng núi nhớ ai Trám bùi để rụng, măng mai để già.

(Việt Bắc)

– Đây là cái tôi trữ tình chuyển thành cái ta quần chúng để thể hiện tình cảm tha thiết, lòng biết ơn sâu nặng của ngưòi cán bộ Cách mạng, của toàn dân tộc với Việt Bắc.

– Cái trăm năm trong câu “Khao khát trăm năm mãi đợi chờ – Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ” hay “Mắt ướt trăm năm đã hé cười…” không phải là chuyện trăm năm đời người mà là “trăm năm mất nước mất nhà”, mang nội dung lịch sử dân tộc.

– Nhạc điệu trong bài Ta đi tới dồn dập như bước chân của những con người giành được tất thắng

Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp Rắn như thép, vững như đồng Đôi ngũ ta trùng trùng điệp điệp Cao như núi, dài như sông…

(Ta đi tới)

– Giọng điệu trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên sảng khoái, hùng tráng. Những câu thơ tự do, dài ngắn không đều được tác giả sử dụng thật linh hoạt để gợi lên cái khí thế sục sôi của chiến dịch Điện Biên:

Chiến sĩ anh hùng Đầu nung lửa sắt Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt Máu trộn bùn non Gan không núng Chí không mòn Những đồng chí thân chôn làm giá súng Đầu bịt lỗ châu mai Băng mình qua núi thép gai Ào ào vũ bão…

(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)

– Hơi thơ cuồn cuộn như một dòng thác, truyền đạt sự chuyển động ào ạt, nhanh, mạnh, gấp:

Cả đất nước: Chiến khu vĩ đại Bước chân ta khắp bãi chiến trường Quét Cao Lạng, mở biên cương Mênh mông gió lớn bốn phương thổi vào

(Vinh quang Tổ quốc chúng ta)

– Những bài thơ viết theo khuynh hướng sử thi của Tố Hữu có giọng điệu vô cùng linh hoạt: Vừa lan tràn, tha thiết, mênh mang, các câu thơ tạo nên một độ vang chung, không có những khoảng cách đáng kể giữa những câu thơ, giữa những thành phần câu thơ trong một bài:

Tưng bừng năm 68 chuyển nhanh Như một chuyến tốc hành chở đầy hoa chiến thắng Hoa Việt nam hoa bốn mùa mưa nắng Kì diệu thay nơi cháy lửa napan Trụi lá cây rừng hạt lúa thành than Lại là đất xanh tươi cuộc sống Và xanh nhất màu xanh hi vọng

(Xuân 96 )

vừa có những khoảng ngưng đọng, sâu lắng:

Từ cõi chết em trở về chói lọi Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi Em trở về, người con gái quang vinh Cả Nước ôm em khúc ruột của mình Em đã sống bởi vì em đã thắng Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa

(Người con gái Việt Nam)

d. Một số thủ pháp nghệ thuật.

Các thủ pháp nghệ thuật thường được tác giả sử dụng là thủ pháp cường điệu, so sánh nhằm khắc họa nổi bật hình ảnh những nhân vật tượng trưng cho phẩm chất cao đẹp và ý chí,khát vọng của cả cộng đồng.

Ví dụ:

Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo Núi không đè nổi vai vươn tới Lá ngụy trang reo với gió đèo

(Lên Tây Bắc)

Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp, Rắn như thép, vững như đồng Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp Cao như núi, dài như sông Chí ta lớn như biển Đông trước mặt

(Ta đi tới)

2. Đánh giá chung về khuynh hướng sử thi trong thơ Tố Hữu.

Tư duy ở tầm sử thi cho phép nhà thơ thể hiện tập trung vấn đề cách mạng và dân tộc, dân tộc và nhân loại, dân tộc và thời đại…Đây là những vấn đề tập trung được sự quan tâm của toàn dân tộc lúc đó. Khuynh hướng sử thi mang đến cho thơ Tố Hữu giọng điệu khỏe khoắn, âm vang như những bản anh hùng ca, thấm đẫm, sục sôi cái nhiệt huyết nóng bỏng của dân tộc, tràn trề niềm tin,niềm hi vọng vào sự tất thắng của Cách mạng ,vào tương lai tươi sáng, cổ vũ , động viên, khích lệ tinh thần con người vượt qua những mất mát khổ đau hiên tại để tạo nên những thắng lợi phi thường.

  • Giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của tác giả Tố Hữu
  • Làm rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn qua đoạn thơ: “Những đường Việt Bắc của ta…” (Việt Bắc – Tố Hữu)

Phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Từ khóa » đậm Chất Sử Thi Là Gì